Chuyện một nhạc sĩ tài hoa
- “Đi tìm bóng núi” tưởng nhớ nhạc sĩ tài hoa An Thuyên
- Điều ít biết về nhạc sĩ tài hoa An Thuyên1
- Góc khuất của những nhạc sĩ tài hoa
Trai gái hò hẹn yêu đương những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước nhiều người thuộc lòng bài “Dòng sông”: “Nhà em ở phía bên sông/ Những ngày phiên chợ còn đông/ Đôi bờ chưa cách dòng sông/ Anh thường sang chung một cánh đồng...”.
Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tình cờ đọc được bài thơ “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa, nhạc sỹ Trần Viết Bính đã phổ thành bài hát. Lúc này ông đang phụ trách và dàn dựng cho một CLB ca hát của thiếu nhi tỉnh Nam Định có tên Vàng Anh. Sau khi thu thanh và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát nhanh chóng được thiếu nhi và công chúng cả nước đón nhận, trở nên rất nổi tiếng.
Bài hát này về sau được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận là một trong 20 ca khúc hay nhất viết về đề tài nông thôn, nông nghiệp. Riêng tôi cho rằng đây là bài hát thiếu nhi hay nhất viết về đề tài này cho đến hôm nay. Hay bởi giai điệu hết sức hồn nhiên, trong sáng, rất thiếu nhi. Vừa giản dị, dễ hát lại vừa rất phong phú về âm điệu, hát thì rất “đã” và nghe thì rất thú vị. Và bởi ý nghĩa sâu sắc của lời thơ, đã nói đúng được tình cảm của tuổi thơ Việt Nam những tháng năm cả dân tộc phải oằn mình chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và giặc dã tàn bạo.
Nhạc sỹ Trần Viết Bính. |
Mỗi con người đều có những duyên phận riêng trong nghề nghiệp cũng như chuyện đôi lứa. Trần Viết Bính bước vào con đường âm nhạc cũng thật tình cờ. Số là ông quê ở Thái Bình nhưng cha mẹ lại đưa cả nhà lên Nam Định lập nghiệp. Cha ông mở cửa hiệu bán các loại đàn. Cậu bé Bính rất thích cây đàn băng giô an tô có mặt da màu trắng, bầu đàn hình tròn và âm thanh vang, ròn, nghe rất vui tai. Thế là cậu đã tẩn mẩn tự tập gẩy khiến mặt đàn đen, bẩn nên không có khách nào mua chiếc này. Cha cậu la mắng rồi cho hẳn cậu cây đàn ấy. Và cậu đã rất say sưa, tập đánh được nhiều bài. Lúc này cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ.
Gia đình cậu chạy tản cư về một vùng kháng chiến. Nơi đây đang có các nhạc sỹ nổi tiếng như Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Tô Vũ… hoạt động. Thấy Bính sáng sủa, thông minh nhất đám nên Phạm Ngữ đã dạy cậu đánh đàn ghi ta. Thế là từ đó, cậu lại càng say mê âm nhạc hơn và lao vào học nhạc, tập sáng tác. Bài hát đầu tiên cậu viết năm mới 16 tuổi có tên “Núi Voi”.
Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (năm 1954), Trần Viết Bính trở thành cán bộ ngành văn hóa của tỉnh Nam Định. Đến năm 1980, ông chuyển vào làm Giám đốc Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Đồng Nai rồi về hưu và hiện đang sinh sống tại đây.
Con người ta chẳng ai cưỡng lại được quy luật khắc nghiệt của thời gian. Chàng trai Trần Viết Bính bảnh bao, rất điển trai năm xưa với gương mặt sáng sủa, mái tóc bềnh bồng và nụ cười cùng ánh mắt lẳng, cái miệng điệu và rất….“điêu” thì nay đã là một bậc cao niên đang bước gần tới tuổi 90 (ông sinh năm 1934) với tóc bạc, da mồi nhầu nhĩ. Những bước đi đã loạng choạng. Sự tiếp nhận âm thanh của cái lỗ tai sành điệu năm nào nay chỉ còn được vài chục phần trăm bởi đã nghễnh ngãng.
Do yêu quý ông mà mỗi khi gọi điện thoại cho ông, tôi chỉ muốn thầm thì những lời dịu ngọt. Nhưng ông lại cứ “hả! hả!” nên buộc tôi phải nói to gần như hét, ông mới nghe thủng mọi điều. Nhưng cái đầu của ông thì vẫn tuyệt vời, do năm tháng đã cho ông thêm nhiều tri thức và vốn sống.
Tôi bảo đảm rằng nhiều bạn trẻ không thể “đánh đu” với ông về khả năng tư duy, làm việc, sáng tạo. Đặc biệt là ông rất giỏi về công nghệ thông tin. Ông sử dụng máy tính thành thạo như các bạn trẻ ở thế hệ 9, 10X. Tất nhiên là động tác thì có thể chậm chạp hơn. Mọi việc liên quan đến âm nhạc như đánh vi tính bản nhạc, hòa âm, phối khí, ông thực hiện rất thành thạo trên máy tính.
Ít hơn ông một “giáp” nhưng tôi đã phải học ông lĩnh vực này và mỗi khi vấp, không tự xử lý được, tôi lại điện thoại hỏi ông. Nhưng nhiều việc không thể nói mà phải “chỉ tay” cụ thể. Ở xa nên việc này không thể. Ông đã nói tôi gửi qua email để ông khắc phục. Và chỉ vài phút sau, ông đã gửi cho tôi, trong khi tôi mày mò mãi mà không tự giải quyết được.
Bản nhạc “Hạt gạo làng ta” của nhạc sỹ Trần Viết Bính phổ thơ Trần Đăng Khoa. |
Nói đến nhạc sỹ Trần Viết Bính, phải nói đến tính cách rõ nhất là sự khảng khái, thẳng thắn, hào hiệp và một trái tim vô cùng lãng mạn và đa cảm. Thời trẻ và ngay cả đến khi đã qua tuổi trẻ, sức yêu đương của ông không biết mệt. Rất nhiều bóng hồng đã đi qua đời ông và đều để lại cho ông những ca khúc ghi dấu ấn.
Những người giao du với ông từ thời trẻ kể rằng ông không săn đuổi ai. Cái số đào hoa của ông khiến các bóng hồng cứ lượn lờ, le ve xung quanh khiến ông phát… mệt! Rồi họ ghen tức nhau mà cuối cùng cũng chấm hết. Chàng trai Trần Viết Bính lúc nào tóc cũng chải bóng lộn, sức va zơ lin thơm lừng, quần là phẳng lỳ, nếp sắc như lưỡi dao, đàn ngọt hát hay phải có đến hàng trăm những “souvenir” (kỷ niệm) như thế.
Nhưng ông không “phản bội” ai bao giờ – tức là không tự dưng dừng lại, kết thúc mà toàn bị các người đẹp “ruồng bỏ” trước, bởi họ muốn độc chiếm mà ông thì… không thể. Tôi vẫn nói với mọi người: “Trần Viết Bính thuộc típ đàn ông chung thủy với… nhiều người!”.
Vậy mà duyên số run rủi thế nào, rốt cuộc, ông đã kết hôn với một cô nàng hơn mình 7 tuổi để rồi tuôn ra 5 người con. Chuyện rằng chàng Bính đẹp trai rất thích một “bà chị” xinh đẹp. Quan hệ “chị, em” ngọt xớt. Rồi đùng một cái, họ yêu nhau để “quay ngoắt 180 độ” thành “anh, em”.
Lại duyên phận đưa đẩy. Cuộc trăm năm này đứt gẫy để rồi đường ai nấy đi. Và bây giờ, những năm cuối đời, Trần Viết Bính có vẻ như mới gặp được đúng người của lòng mình để gắn bó, rủ rỉ bên nhau. Ông gặp được “nhân sự” này sau bao năm phiêu lưu chốn tình trường và đã “rửa tay gác kiếm”. Bà không phải dân âm nhạc nhưng đồng cảm được với mọi công việc nghề nghiệp của “ông xã”. Lại cũng chia sẻ sâu sắc mọi vui buồn trong cuộc sống cùng ông.
Trần Viết Bính là người nghĩa hiệp, luôn “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”. Thấy nhạc sỹ Dương Minh Ninh đã gần 100 tuổi, tác giả bài hát “Tự túc” rất nổi tiếng thời kỳ chống Pháp bị oan khuất và có cuộc sống bĩ cực, ông đã cất công tìm cách minh oan mặc dù không có quan hệ gì.
Số là Dương Minh Ninh quê ở Hội An, từng là người rất có công với cách mạng nhưng sau năm 1954 do quá đông con và nghèo túng nên được tổ chức cho ở lại, không tập kết ra Bắc. Thế là sau này ông bị nghi oan là ở lại hoạt động cho chính quyền địch. Trần Viết Bính đã đi tìm mọi nhân chứng để xác nhận sự thật. Chính tôi đã được ông rủ đến nhà một vị tướng ở Hà Nội trước kia biết rõ việc này.
Sau nhiều ngày tháng kiên trì theo đuổi mục đích, cuối cùng Dương Minh Ninh được minh oan và được trả lại những quyền lợi chính đáng. Trần Viết Bính rất đỗi hạnh phúc trước kết quả mình theo đuổi. Chỉ tiếc vị nhạc sỹ tuổi đàn anh của ông hưởng niềm vui chưa được bao lâu thì qua đời.
Năm 2020, khi đã 86 tuổi, đi lại đã khó khăn nhưng hay tin nhạc sỹ Văn Ký mất tại Hà Nội, ông cũng đáp máy bay từ Biên Hòa ra tận nơi viếng. Ông ra chỉ bởi mỗi việc đó chứ không kết hợp việc gì. Ai biết cũng phải trân trọng tình cảm cao đẹp của ông.
Ở Đồng Nai, giới lãnh đạo và anh em văn nghệ sỹ rất kính nể Trần Viết Bính. Thấy gì ngang tai, trái mắt, ông tỏ rõ thái độ, có tiếng nói phê phán thẳng thắn. Nhưng xong lại rất vui vẻ, chan hòa. Mỗi dịp Tết nhất, các ngày lễ lạt, nhà ông luôn đông khách. Họ tự hào về ông – vị nhạc sỹ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, một người không sinh ra ở đây nhưng nặng tình gắn bó và có nhiều công sức đóng góp mà ca khúc “Đồng Nai mùa sầu riêng” được công chúng Đồng Nai rất yêu thích là một minh chứng.