“Nóng” việc Nhật Bản tăng cường quốc phòng
Nhật Bản tuyên bố xây dựng căn cứ quân sự cho lực lượng không quân Mỹ trên đảo hoang, hai bên cũng sẽ điều chỉnh quan điểm phòng thủ chung mà không làm tăng sự hiện diện quân số Mỹ trên đảo Okinawa. Trước đó, Tokyo đã quyết định tăng cường tiềm lực quốc phòng từ nay đến năm 2027. Những hành động này của Nhật Bản đang khiến nhiều nước chú ý, lo ngại nhất là các quốc gia Đông Bắc Á láng giềng.
Xây căn cứ quân sự cho Mỹ
“Bộ Quốc phòng Nhật Bản bắt đầu xây dựng căn cứ Lực lượng Phòng vệ ở Mageshima, thành phố Nishinoomote, tỉnh Kagoshima”, hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản thông báo. Căn cứ này được thực hiện cùng kế hoạch di dời để huấn luyện cất và hạ cánh (FCLP) cho các tàu sân bay Mỹ.
Nhật báo Yomiuri shinbun cho biết ngoài việc huấn luyện máy bay Mỹ, căn cứ cũng sẽ đóng vai trò là cơ sở huấn luyện của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để bảo vệ quần đảo Nansei. Ngoài 2 đường băng, toàn bộ hòn đảo sẽ đóng vai trò là căn cứ, với đầy đủ các trang thiết bị như kho đạn dược và các cơ sở cảng. Ngoài việc là nơi cho phép tiêm kích tối tân F35 cất hạ cánh, căn cứ sẽ có thể là địa điểm tập trận của nhiều nhóm quân đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các đảo xa. Trong trường hợp khẩn cấp, hòn đảo này sẽ đóng vai trò là căn cứ triển khai ở khu vực phía Tây Nam.
Điều chỉnh quan điểm phòng thủ chung
Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật đã gặp nhau ngày 11/1/2023 tại Washington để thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác an ninh, quốc phòng. Trong khuôn khổ cuộc họp “2+2” này, hai bên thống nhất điều chỉnh quan điểm phòng thủ chung mà không làm tăng quân số Mỹ trên đảo Okinawa.
Theo AP, nhiều thỏa thuận mới được ký kết trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 13/1. Chuẩn tướng Pat Ryder, thư ký báo chí Lầu Năm Góc từ chối cung cấp chi tiết về thỏa thuận mới. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ tiết lộ Trung đoàn thủy quân lục chiến 12, hiện đang trú đóng tại căn cứ quân sự Okinawa, Nhật Bản, sẽ được chuyển đổi thành một đơn vị nhỏ hơn - Trung đoàn duyên hải số 12, với 2.000 binh sĩ, bao gồm một đơn vị chiến đấu được trang bị tên lửa chống hạm, một tiểu đoàn hậu cần và một tiểu đoàn phòng không. Đây là trung đoàn duyên hải thứ hai của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, Mỹ đã có một trung đoàn tương tự ở Hawai.
Theo dự kiến, một trung đoàn thứ ba sẽ được thành lập, có thể là ở đảo Guam. Hãng tin Reuters cho biết thêm là Mỹ cũng sẽ triển khai một đại đội riêng gồm khoảng 300 binh sĩ và 13 tàu chiến vào mùa xuân này giúp chuyển quân và thiết bị của Mỹ và Nhật Bản cho phép phân tán lực lượng nhanh chóng.
Theo tướng David Berger, Tư lệnh Thủy quân lục chiến, sự thay đổi quy mô các đơn vị này nhằm tăng cường khả năng tác chiến và chiến đấu tốt hơn tại những khu vực đang có tranh chấp, nhất là trong phạm vi tấn công của kẻ thù. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố việc thành lập một trung đoàn thủy quân lục chiến ở Nhật Bản sẽ giúp triển khai các năng lực quan trọng ở đó, chẳng hạn như tên lửa chống hạm. Ông Antony Blinken cho biết thêm, hai nước đã đồng ý mở rộng các điều khoản của hiệp ước phòng thủ trong không gian.
Lo ngại
Ông Antony Blinken cũng hoan nghênh quyết định của Tokyo tăng cường năng lực quân sự bằng cách tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vòng 5 năm. “Rất đơn giản, chúng tôi hân hoan chào đón chiến lược mới này, đặc biệt là vì nó hội tụ một cách đáng kể với chiến lược của chúng tôi”, ông nói.
Trước khi tới Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thăm Anh hôm 11/1/2023 và ký kết “thỏa thuận tiếp cận hỗ tương” cho phép quân đội mỗi nước được phép triển khai trên lãnh thổ đối tác. Thông cáo của Phủ Thủ tướng Anh khẳng định, đây là kết quả sau nhiều năm đàm phán. Thỏa thuận này xác nhận cam kết của Anh trong việc bảo đảm an ninh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Với văn bản này, Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên đúc kết một thỏa thuận như thế với Nhật Bản nhờ vào một hiệp ước quốc phòng, hiệp ước quan trọng nhất được ký kết giữa hai nước từ năm 1902, hình thành liên minh Anh - Nhật để chống Nga.
Kho vũ khí được Nhật Bản dự tính mua được cho là vượt qua mức độ “phòng thủ” theo quy định trong hiến pháp chủ hòa có từ năm 1945. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ được trang bị chiến đấu cơ tối tân, một tàu ngầm chạy điện[1]diesel, nhiều tên lửa tầm xa và nhiều tàu chiến mới. Ngoài phương tiện chiến đấu, Nhật Bản sẽ đầu tư cải thiện năng lực hậu cần và nâng cao khả năng chiến tranh mạng và chiến tranh không gian. Tuy nhiên, các nước trong vùng cáo buộc chính quyền Tokyo đang khiến tình hình trong khu vực thêm căng thẳng. Cả Trung Quốc và Nga đều cáo buộc quyết định của chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida sẽ “gây căng thẳng và đối đầu trong vùng” châu Á[1]Thái Bình Dương.
Điểm thay đổi quan trọng là lực lượng quân sự Nhật Bản được phát triển khả năng tấn công một căn cứ của kẻ thù nếu căn cứ đó được xác định là sắp được sử dụng để tấn công Nhật Bản. Đây là điểm khiến công luận Hàn Quốc cũng như chính quyền Seoul quan ngại, trong khi cả Hàn Quốc, Nhật Bản đều là đồng minh của Mỹ và cùng bận tâm về mối đe dọa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng là “một vụ nghiêm trọng” và lẽ ra Tokyo nên tham khảo Seoul về mọi vấn đề an ninh liên quan đến Bán đảo Triều Tiên.
Nhìn rộng hơn, giáo sư quan hệ quốc tế Yakov Zinberg, Đại học Kokushikan ở Tokyo, lưu ý các nước trong khu vực “đang rơi vào vòng xoáy một cuộc chạy đua vũ trang”. Trước kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ của Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đã tập trận chung ở biển Hoa Đông từ ngày 21 đến 27/12/2022. Theo giáo sư Zinberg, “sự kiện đó chỉ có thể coi là một thông điệp gửi đến Nhật Bản”. Khu vực biển Hoa Đông chưa bao giờ bị quân sự hóa mạnh mẽ như hiện nay.