Giải pháp nào cho Haiti?
Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã tuyên bố từ chức khi cuộc nổi dậy của các băng đảng chống lại chính phủ đưa đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn và khiến ông không thể trở về khi đang công du nước ngoài. Một khoảng trống quyền lực đang bỏ ngỏ và chưa biết ai sẽ là người có đủ quyền lực để lãnh đạo đất nước.
Ai lấp đầy khoảng trống quyền lực?
Các băng nhóm của Haiti bắt đầu cuộc tấn công nhằm lật đổ chính phủ vào ngày 29/2, xông vào lục soát các đồn cảnh sát, nhà tù và bệnh viện, đồng thời bao vây các địa điểm chiến lược, gồm cả hải cảng và sân bay. Thủ tướng kiêm quyền Tổng thống Ariel Henry khi đó đang công du ở Kenya, trên đường về đã bị mắc kẹt ở Puerto Rico. Một tuần trước đó, Mỹ đã cảnh báo chính thức với ông rằng chính phủ không được lòng dân của ông có thể sụp đổ “bất cứ lúc nào”.
Cuộc nổi dậy của băng đảng gia tăng mạnh vào ngày 8/3 khi hàng chục tội phạm tập trung tại Champ de Mars, một khu vực trung tâm thành phố đầy cọ Port-au-Prince, nơi đặt trụ sở của các bộ chính phủ, đại sứ quán, lãnh sự quán, ngân hàng và khách sạn, cũng như Tòa án Tối cao của Haiti và là nơi ở chính thức của Thủ tướng Ariel Henry. Các thành viên băng đảng được cho là đã đốt trụ sở Bộ Nội vụ, được xây dựng sau trận động đất năm 2010, phá hủy phần lớn thủ đô, đồng thời nổ súng vào dinh tổng thống trước khi bị quân đội đẩy lùi.
Phát biểu hôm 13/3, khi đang ở Puerto Rico, Thủ tướng Henry cho biết ông sẽ chính thức từ chức sau khi một hội đồng chuyển tiếp được thành lập để lãnh đạo đất nước Haiti. Ông nói trong một đoạn video: “Trong hơn một tuần qua, đất nước chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng các hành vi bạo lực dưới mọi hình thức chống lại người dân: ám sát, tấn công chống lại cơ quan thực thi pháp luật, cướp bóc, phá hủy có hệ thống các tòa nhà công cộng và tư nhân”.
Trong bối cảnh khủng hoảng ở Haiti có nguy cơ lún sâu hơn, các quốc gia thuộc Tổ chức Cộng đồng Caribe (CARICOM) đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp ở Jamaica nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Kết quả của đàm phán là ông Henry chấp nhận từ chức để đổi lấy việc chấm dứt cuộc nổi loạn của các băng đảng cầm đầu bởi Jimmy Chérizier, biệt danh Barbecue (Thịt nướng), thủ lĩnh băng đảng G9 khét tiếng.
Các nhà lãnh đạo Haiti họp ở Jamaica đã đồng ý thành lập một chính phủ chuyển tiếp mới do một Hội đồng Tổng thống gồm 7 thành viên lãnh đạo để chọn thủ tướng lâm thời. Tuy nhiên, tình hình hiện tại vẫn chưa rõ ai sẽ đưa Haiti thoát khỏi cuộc khủng hoảng liên quan đến sự sụp đổ toàn diện của Haiti. Ông Henry đã cố gắng đảm bảo một lực lượng đặc nhiệm gồm quân đội nước ngoài được Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm củng cố lực lượng cảnh sát và vãn hồi trật tự của đất nước kể từ tháng 10/2022. Cuối cùng, vào ngày 1/3/2024, ông đã thuyết phục được Kenya ký thỏa thuận cử 1.000 quân đến Caribe.
Việc ông Henry tuyên bố từ chức đã để lại khoảng trống quyền lực và đang tạo cơ hội cho cuộc tranh giành quyền lực mới. Những người tranh giành ảnh hưởng là những nhân vật quen thuộc gắn liền với các đảng chính trị, các liên minh đảng và giới tinh hoa kinh doanh đầu sỏ vốn là những nhân vật chủ chốt trong cuộc khủng hoảng kéo dài về tính hợp pháp chính trị của đất nước.
Tổng thống cánh tả Jean-Bertrand Aristide, một cựu linh mục và nhà đấu tranh chống nghèo đói, đã thuê các băng nhóm vũ trang được gọi là “chimères” (bóng ma) và thiết lập khuôn mẫu cho bạo lực chính trị khi xung đột bùng lên. Đến người tiền nhiệm của ông Henry, Tổng thống Jovenel Moise được cho là đã liên kết với nhóm băng đảng G9. Tổng thống Moise bị ám sát vào năm 2021, cũng là một trong những vụ thanh trừng chính trị bằng bạo lực, trong đó phe cánh của ông Henry, với sự hậu thuẫn của Mỹ, được cho là đã thuê lính đánh thuê Colombia thực hiện. Nhóm băng đảng G9 được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ Henry, bởi mối quan hệ của nhóm này với vị tổng thống cánh tả Aristide thông qua chương trình chống đói nghèo. Thủ lĩnh của G9 Jimmy Chérizier “Thịt nướng” hiện được xem là người nắm quyền mạnh nhất ở Haiti. Những nhân vật khác được coi là có khả năng ảnh hưởng đến tình hình đất nước đều có liên kết với các băng đảng riêng.
Trong số các phe phái đang tranh giành ảnh hưởng có đảng Platfòm Pitit Desalin lãnh đạo bởi cựu thượng nghị sĩ và ứng cử viên Tổng thống Moise Jean-Charles, đồng minh của Guy Philippe, cựu cảnh sát và lãnh đạo cuộc đảo chính, có quan hệ với các chính trị gia và giới thượng lưu kinh doanh. Ông Philippe là công cụ trong cuộc nổi dậy chống lại Aristide năm 2004, bị bắt giam tại Mỹ vì tội rửa tiền và gần đây đã được trả tự do sau một thời gian thụ án. Trong một video đăng trên mạng xã hội, Philippe đã bác bỏ việc thành lập một hội đồng chuyển tiếp do CARICOM đề xuất và được Mỹ ủng hộ. Ông nói: “Quyết định của CARICOM không phải là quyết định của chúng tôi. Người dân Haiti sẽ quyết định ai sẽ lãnh đạo Haiti”.
Khủng hoảng do đâu?
Làm nền tảng cho sự nối tiếp của các cuộc khủng hoảng chính trị là một vấn đề cấp bách hơn: Thực tế là kể từ khi thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Haiti vào năm 1915, bắt đầu cuộc chiếm đóng kéo dài 19 năm, Washington đã đóng vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm hoặc duy trì các nhà lãnh đạo của đất nước này, những người hầu hết nổi lên từ cùng một tầng lớp nhỏ.
Daniel Foote, cựu đặc phái viên Mỹ tại Haiti nói: “Sự can thiệp thường xuyên của cộng đồng quốc tế trong 220 năm qua đã khiến Haiti trở thành một quốc gia thất bại vì người dân không có tiếng nói trong cuộc sống, họ không có tiếng nói trong tương lai của mình, bởi vì quốc tế đã biến Haiti thành một quốc gia bù nhìn”.
Haiti nhiều lần rơi vào tình trạng này trong những thập kỷ hỗn loạn kể từ khi chế độ độc tài Francois Duvalier sụp đổ năm 1986. Đã có những cuộc đảo chính, các chính phủ chuyển tiếp, các nhà lãnh đạo và chính trị gia kém hiệu quả đã sử dụng các băng nhóm tội phạm để theo đuổi quyền lực.
Cuộc khủng hoảng hiện tại của Haiti có thể bắt nguồn trực tiếp từ vụ ám sát Tổng thống Moise vào năm 2021, nhưng nguồn gốc sâu xa hơn là từ thảm họa kinh tế do trận động đất năm 2010 gây ra. Sâu xa hơn, trước đó nữa, mầm mống khủng hoảng có thể được tạo dựng sẵn từ chế độ cai trị độc tài kéo dài 29 năm của “Papa Doc” và “Baby Doc” Duvalier, thậm chí là từ tác động kỳ cục của một khoản “bồi thường” khổng lồ mà Haiti buộc phải trả cho Pháp trong nhiều thế hệ sau khi giành được độc lập vào năm 1804, điều này đã cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế của đất nước nhỏ bé nằm trong vùng Caribe này.
Sự thất bại của chính phủ ông Henry đã dẫn đến tình trạng bạo lực ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Theo Liên hợp quốc, gần 4.000 người đã thiệt mạng và 3.000 người bị bắt cóc trong các vụ bạo lực liên quan đến băng đảng vào năm 2023, chưa kể bạo lực tình dục tràn lan, với 1.100 vụ tấn công phụ nữ tính đến tháng 10/2023. Hơn 300.000 người đã phải bỏ nhà cửa, tị nạn, một nửa dân số không đủ ăn. Các dịch vụ cơ bản như điện, nước sạch và thu gom rác thải không đáng tin cậy. Những số liệu cuối cùng cho năm 2023 dự kiến sẽ cho thấy nền kinh tế đã suy thoái trong 5 năm liên tiếp.
Cuộc nổi dậy của các băng đảng càng khiến cho tình hình trở nên bi đát hơn. Văn phòng nhân đạo của Liên hợp quốc tuần trước cho biết dịch vụ y tế của Haiti sắp sụp đổ, với các bệnh viện tràn ngập nạn nhân bị đạn bắn và thiếu nhân viên y tế cũng như vật tư. Romain Le Cour, một chuyên gia an ninh từng ở Haiti khi cuộc nổi dậy bắt đầu, cho biết: “Tình hình nhân đạo hiện nay thật tàn khốc”.
Tương lai cho Haiti
Trong số những người chỉ trích các cuộc đàm phán mới nhất về một hội đồng chuyển tiếp có Jake Johnston, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế ở Washington. Trong một bài đăng trên blog tuần này, ông viết: “Mặc dù các cuộc đàm phán đã diễn ra được hơn một tuần nhưng không có người tham gia hoặc cuộc thảo luận nào được công khai, khiến đại đa số người Haiti chìm trong bóng tối”.
Johnston nói thêm: “Chính sự hỗ trợ của Mỹ và nước ngoài dành cho Henry đã đẩy tình hình đến tình trạng thảm khốc. Nhưng, thay vì để một tiến trình thực sự do Haiti dẫn đầu diễn ra, chính những cường quốc nước ngoài đó lại chọn một hiệp ước ổn định mà dường như có khả năng khóa chặt một hiện trạng không bền vững ít nhất là trong ngắn hạn”.
Washington và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn đã đặt cược rất nhiều vào lực lượng can thiệp do Kenya lãnh đạo để ổn định Haiti. Điều đó đã bị trì hoãn kể từ khi ông Henry từ chức, mặc dù Tổng thống Kenya William Ruto hôm 13/3 khẳng định rằng đất nước của ông vẫn cam kết thực hiện kế hoạch này. Nhưng, những biện pháp can thiệp trước đây đều có lịch sử rắc rối: sứ mệnh của Liên hợp quốc năm 2004-2017 đã bị hoen ố bởi những cáo buộc sai trái về tình dục lan rộng và nước thải từ một trại của Liên hợp quốc có liên quan đến đợt bùng phát dịch tả khiến gần 10.000 người thiệt mạng.
Tiến sĩ Christopher Sabatini, một thành viên cấp cao về châu Mỹ Latinh tại tổ chức nghiên cứu Chatham House, nằm trong số những người nhìn thấy lịch sử đang lặp lại. Ông nói: “Chúng tôi đang nhìn thấy tất cả những nghi phạm thông thường”, đồng thời nói thêm rằng “trong những thời điểm khủng hoảng, khoảng trống được lấp đầy bởi những người bảo vệ của giới tinh hoa cũ”.
Tiến sĩ Sabatini cũng hoài nghi về “sự lười biếng ngoại giao” mà ở Haiti có xu hướng hướng về những gương mặt chính trị quen thuộc từ một hệ thống chính trị mất uy tín - và sự khăng khăng của cộng đồng quốc tế rằng các cuộc bầu cử sẽ tạo ra một giải pháp kỳ diệu cho tình trạng thiếu đại diện chính trị và trách nhiệm giải trình thường xuyên của Haiti.
Nhưng, tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi các quan chức Kenya hôm 12/3 cho biết, việc triển khai sẽ bị tạm dừng cho đến khi chính phủ mới được công bố. Salim Swaleh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Kenya nói với Báo New York Times của Mỹ: “Thỏa thuận đã ký vẫn có hiệu lực, mặc dù việc triển khai sẽ không diễn ra bây giờ vì chắc chắn chúng tôi sẽ yêu cầu một chính phủ ở Haiti cùng hợp tác. Bởi vì bạn không thể triển khai cảnh sát để đi trên các đường phố Port-au-Prince mà không có chính quyền trực tiếp”.
Không rõ làm thế nào để thuyết phục các băng đảng Haiti - hiện kiểm soát 80% thủ đô Port-au-Prince - giải giáp vũ khí. Robert Fatton, một chuyên gia chính trị Haiti tại Đại học Virginia, cho biết: “Ngay cả khi bạn có một loại chính phủ khác, thực tế là bạn cần phải nói chuyện với các băng nhóm. Bạn không thể đàn áp họ”. Ông Fatton cho biết, các quan chức vẫn sẽ phải đối phó với các băng nhóm và cố gắng thuyết phục họ từ bỏ vũ khí, “nhưng họ sẽ nhượng bộ như thế nào?”.
Nhấn mạnh quan điểm đó, thủ lĩnh G9 Jimmy Chérizier “Thịt nướng”, từng là một sĩ quan cảnh sát, nói với các phóng viên báo chí rằng nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ quá trình chuyển đổi, “nó sẽ khiến Haiti rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa”.
Giới phân tích cho rằng, cho dù các băng đảng có được ngồi vào bàn đàm phán một cách rõ ràng hay không thì mối đe dọa bạo lực sẽ vẫn tồn tại, trừ khi có một giải pháp đột phá mạnh mẽ từ chính các chính trị gia ở Haiti.