Nước Anh “chia lửa” cuộc khủng hoảng Brexit
- Thủ tướng Anh hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc bỏ phiếu Brexit
- Thủ tướng Anh cảnh báo về "thảm họa" nếu Brexit không thành công
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Anh Sunday Telegraph gần đây, ông Gavin Williamson đã phác họa tương lai tốt đẹp của nước Anh thời hậu Brexit, có thể thực sự trở lại vai trò một “tác nhân nặng ký trên thế giới” với việc mở thêm các căn cứ quân sự mới ở nước ngoài, ở vùng Caribe Trung Mỹ, và ở vùng Viễn Đông.
“Tôi cũng đang nghiên cứu kỹ vấn đề làm thế nào để tăng số lượng tài nguyên căn cứ tiền phương của chúng tôi, tạo ra yếu tố răn đe và đảm bảo sự hiện diện của Anh. Chúng tôi xem xét cơ hội như vậy không chỉ ở Viễn Đông mà cả ở khu vực Caribe”, ông Williamson nói. Theo ông, việc Vương quốc Anh ra khỏi EU sẽ cho phép nước này một lần nữa đóng vị trí quan trọng trên trường quốc tế. “Đối với chúng tôi, đây là lúc có thể một lần nữa trở thành đối thủ mạnh trong thế giới thực. Và tôi nghĩ rằng các lực lượng vũ trang đóng một vai trò thực sự quan trọng trong việc này” ông Williamson nói thêm.
Nước Anh rơi vào khủng hoảng nội bộ vì Brexit. |
Dẫu sao thì kế hoạch được ông Williamson tiết lộ đánh dấu bước ngoặt mới trong chính sách ngoại giao, quốc phòng của Anh, sau khi đã đóng cửa các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và vịnh Ba Tư trong những năm 1960.
Nhật báo Hong Kong South China Morning Post cho rằng nếu Anh thành lập một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, điều đó có nhiều khả năng sẽ phủ bóng đen lên quan hệ Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia đồng ý cho Anh mở căn cứ trên lãnh thổ của mình.
Theo ông Ni Lexiong, chuyên gia phân tích hải quân tại Đại học Thượng Hải, kế hoạch của Anh chỉ ở bước đầu nhưng đó sẽ là bài trắc nghiệm quan hệ giữa Trung Quốc với Singapore, Brunei. Singapore như đã ngả hẳn về phía Mỹ và đồng minh, trong đó có Anh nhưng Brunei thì vẫn phân vân trước món lợi hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Kế hoạch lập căn cứ của Anh làm tăng nguy cơ căng thẳng giữa London và Bắc Kinh. Trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc từng cảnh cáo Anh khi London cho chiến hạm tuần tra Biển Đông vào năm ngoái. Hồi tháng 9-2018, Bắc Kinh đã đối xử với tàu HMS Albion của hải quân Anh như một kẻ đột nhập vào lãnh thổ Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói con tàu đã “đi vào lãnh thổ Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của Chính phủ Trung Quốc”.
Các nước Đông Nam Á có thể sẽ khó khăn trong việc chấp nhận một căn cứ của Anh. Theo tờ Telegraph, Anh đã xem xét Singapore và Brunei là những lựa chọn cho việc đặt căn cứ. Theo các chuyên gia, các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ lo lắng rằng việc cho phép một căn cứ sẽ mang trở lại chủ nghĩa thực dân hay hình thức thống trị khác của nước ngoài. Brunei, Malaysia, Myanmar và Singapore là các cựu thuộc địa của Anh ở Đông Nam Á.
“Luôn có một yếu tố nội địa về vấn đề này đối với nước chủ nhà”, ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói. Theo ông Koh, các nước như Brunei cũng phải quan tâm đến mối quan hệ kinh tế đang phát triển của chính họ với Trung Quốc, trước khi tham gia vào một thỏa thuận quân sự mà Bắc Kinh phản đối. Anh hiện đang duy trì một cơ sở hậu cần tại căn cứ hải quân Sembawang ở Singapore.
Tại Đài Loan, lãnh đạo Thái Anh Văn mới đây đã tỏ ra ủng hộ sự hiện diện của Anh gần Biển Đông. “Chúng tôi tôn trọng bất kỳ quốc gia nào thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và chúng tôi cởi mở về vấn đề này, miễn là nó giúp duy trì hòa bình trong khu vực”, bà Thái nói với các phóng viên ngày 5-1.
Trước tuyên bố về việc lập căn cứ ở Đông Nam Á, Anh cũng có thông báo hùng hồn về quân sự với Nga. Đầu năm 2019, Daily Mirror cho hay Hoàng tử Anh Harry cùng thủy quân lục chiến Hoàng gia ở Na Uy sẽ tham gia một trong những cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Anh chống Nga trong vòng 20 năm qua.
Theo Daily Mirror, Harry sẽ tham gia cùng hơn 1.000 lính thủy đánh bộ tinh nhuệ thực hiện cuộc phản công chống “cuộc xâm lược Nga vào Na Uy”, nơi được cho là quốc gia đầu tiên trên con đường của Nga. Cuộc tập trận sẽ kéo dài trong 12 tuần và sẽ trở thành cuộc tập trận quân sự lớn nhất của thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh ở Bắc Cực trong những thập kỷ gần đây. Khoảng 8.000 binh sĩ từ Anh, Mỹ và châu Âu sẽ tham gia cuộc tập trận này.
Ngày 5-1, Đại sứ quán Nga tại Anh cho biết các bài đăng trên truyền thông Anh về kế hoạch Hoàng tử Harry tham gia cuộc tập trận “chống Nga” ở Na Uy có thể cho thấy đảng bảo thủ đang cố gắng lôi kéo Hoàng gia vào chiến dịch chống Nga. Trước đó, khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine ở eo biển Kerch, hải quân Anh đã điều tàu chiến vào Biển Đen như một hành động thách thức Nga.
Theo giới quan sát, những tuyên bố “tạo màu” của quân đội Anh là nhằm “chia lửa” những bế tắc trong vấn đề Brexit hiện nay. Ngày 9-1, Hạ viện Anh đã chính thức bắt đầu các phiên thảo luận lại về thỏa thuận Brexit để có thể tiến hành bỏ phiếu vào ngày 15-1. Ngay trong phiên họp đầu tiên, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu thông qua một điều khoản bắt buộc Chính phủ Anh phải trình ra một phương án B, tức là Anh sẽ rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào, trong trường hợp thỏa thuận Brexit bị Hạ viện bác bỏ.
Theo giới quan sát, trước tình thế bế tắc hiện nay và nguy cơ thỏa thuận Brexit bị bác bỏ là cực kỳ cao, giới lập pháp Anh đang muốn giành lại quyền lực để điều khiển tiến trình Brexit. Trong trường hợp các phương án mà bà Theresa May đưa ra đều không được ủng hộ, các nghị sĩ Anh có thể đề xuất một trong 3 kịch bản tiếp theo cho Brexit là hoãn thời điểm thực thi Brexit dự kiến vào ngày 29-3-2019; tìm kiếm thỏa thuận mới với EU hoặc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit.