NATO “chết não”?

Thứ Hai, 18/11/2019, 22:48
Ngày 12-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến diễn ra ngày 3 và 4 tháng 12 tại London.

Trước thềm cuộc gặp được cho là sẽ cực kỳ quan trọng này, nhiều người cho rằng với phát ngôn NATO “chết não”, ông Macron sẽ đưa ra quan điểm kết liễu vai trò của NATO.

Nhưng thực tế không phải như thế. Dù chê bai NATO chết não, hay như ông Donald Trump kỳ kèo với EU chuyện tiền bạc đóng góp cho NATO, như tất cả đều biết, ở thời điểm bất ổn này, NATO chưa thể chết.

NATO đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ. Ảnh: militarytimes.

Cơn khủng hoảng của tổ chức quân sự lớn nhất thế giới

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 12-11 đã than thở về một "cuộc khủng hoảng chưa từng có" trong hệ thống chính trị toàn cầu và kêu gọi các liên minh mới giải quyết các vấn đề của thế giới. Tuyên bố trên được đưa ra tại Diễn đàn Paris vì hòa bình lần thứ hai, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Macron dường như đã kích thích cuộc thảo luận ở các thủ đô phương Tây khi cảnh báo về tình trạng "chết não" của NATO.

Trong bài bình luận mang tựa đề "Macron và NATO, chiến lược nói thẳng tuột", nhật báo cánh tả Pháp Libération đã đăng lại lời nhận xét thẳng thắn, đầy bất ngờ của Tổng thống Pháp trong bài phỏng vấn dành cho báo Anh The Economist hồi tuần trước, trong đó chủ nhân Điện Élysée đã cảnh báo NATO đang trải qua tình trạng "chết não" và Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ trở nên vô nghĩa.

Theo ông Macron, chủ nghĩa đa phương trên thế giới đang suy yếu, bị các xu hướng ích kỷ mang tính dân tộc chủ nghĩa đe dọa. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến NATO, mà Tổng thống Pháp cho là đang trong tình trạng "chết não". Và rõ ràng, suốt tuần qua, cuộc phỏng vấn này đã gây ra nhiều tranh cãi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng những bình luận của ông Macron quá quyết liệt. Bà khẳng định NATO vẫn là trụ cột chính trong chính sách phòng thủ của Đức và rõ ràng là châu Âu sẽ phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn trong tương lai bằng cách củng cố bộ phận chỉ huy châu Âu trong khối NATO.

Bà Merkel đã khẳng định vai trò không thể thiếu của liên minh quân sự 70 năm tuổi này, đồng thời cho rằng các nhận định của ông Macron là không cần thiết. Theo bà, kể cả khi phát sinh vấn đề và có những khác biệt, các thành viên cũng cần xích lại gần nhau hơn.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Stoltenberg cảnh báo mọi nỗ lực nhằm chia rẽ châu Âu với Bắc Mỹ sẽ không chỉ làm suy yếu liên minh và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà còn gây chia rẽ trong chính nội bộ châu Âu. Về vấn đề quốc phòng, ông bày tỏ hoan nghênh các nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ cho châu Âu, song nhấn mạnh sự đoàn kết của châu Âu không thể thay thế được sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.

Các quan chức cấp cao NATO và EU kỳ vọng về một cuộc song hành. Ảnh: NATO.

Cùng quan điểm này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh NATO là một trong những mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng nhất lịch sử. Từ Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tuyên bố liên minh NATO tiếp tục đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ tại Bắc Đại Tây Dương mà còn cả với thế giới.

Đáp lại những tuyên bố trên, Tổng thống Pháp cho rằng việc nói đơn giản, dễ hiểu là cần thiết. Rõ ràng, khi tuyên bố NATO đã rơi vào tình trạng "chết não", ông Macron đã đề cập thẳng thắn một thực tế rất khó chối cãi, chẳng hạn như việc Mỹ, ngay từ thời Tổng thống Barack Obama, đã tìm hướng khác, thể hiện qua việc không can thiệp vào vấn đề vũ khí hóa học ở Syria năm 2013, hay vụ việc mới đây khi chính thành viên Thổ Nhĩ Kỳ lại tấn công người Kurd, đồng minh của NATO. Nhiều người lo ngại khi Tổng thống Pháp gặp Tổng thống Mỹ, hai người sẽ tính tới việc khai tử tổ chức này.

"Châu Âu hóa" NATO

Cùng quan điểm với Tổng thống Macron, nhật báo cánh hữu Le Figaro cũng trùng nhận định với Libération trong bài viết mang tựa đề: "Cần phải châu Âu hóa NATO". Theo Le Figaro, khi nói đến việc NATO đang trong tình trạng "chết não", Tổng thống Macron quả là đã dùng đến một hình ảnh quá mạnh bạo. Vì xét trên khía cạnh y học, gần như không bệnh nhân nào bình phục sau khi "chết não".

Trường hợp NATO thì khác. Dù hiện trạng không tốt nhưng một cách khách quan phải công nhận rằng không có gì ngăn cản tổ chức khá hơn vào ngày mai. Rõ ràng Tổng thống Pháp có ưu điểm là đã đánh thức châu Âu về một vấn đề quan trọng: Cấu trúc tương lai của an ninh châu Âu.

Theo Le Figaro, ông Macron đã không được báo trước về quyết định hôm 6-10 của Mỹ rút quân khỏi Syria. Lực lượng Pháp bị bỏ rơi giữa chừng. Pháp dường như đã bị Mỹ xem là một kẻ thế chân hạng hai. Cảm giác đó quả thực rất khó chịu nhưng đầu óc cần phải tỉnh táo, Le Figaro bình luận. Quốc hội và giới chức quân sự Mỹ chưa sẵn sàng phế bỏ NATO. Tổng thống Donald Trump có lý khi trách châu Âu không chi tiêu đúng mức cho quốc phòng của mình.

Trang bị vũ khí của NATO cũng được đánh giá khá cao. Ảnh: military.

Tóm lại, theo báo Pháp, châu Âu phải nắm bắt lấy cơ hội để châu Âu hóa NATO, biến tổ chức thành một công cụ quân sự có khả năng hoạt động trong bất cứ tình huống nào và một cách độc lập, không bị lệ thuộc vào những bất ngờ trong chính sách của Tổng thống Mỹ. Nói một cách hình tượng, EU-NATO phải là song mã đồng hành. Không nên để mối quan hệ giữa EU và NATO trong tình trạng bấp bênh. Hai tổ chức cần cố gắng gắn kết để đối phó với tình hình an ninh mới phức tạp và khó lường.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa hai tổ chức, có trụ sở chỉ cách nhau 5 km, chưa bao giờ là một quá trình dễ dàng. Giữa họ đã có những thời điểm tốt đẹp và những thời điểm tồi tệ nhưng dẫu sao mối quan hệ vẫn luôn tiến triển. Hiện nay, mối quan hệ tiếp tục được tăng cường phát triển theo hướng sâu sắc và toàn diện hơn. Các cuộc tiếp xúc giữa thành viên của hai tổ chức diễn ra hằng ngày. Việc này không dễ dàng khi mà chỉ cách đây vài năm, chuyến thăm của một quan chức EU đến trụ sở NATO là một sự kiện hiếm hoi và quan trọng.

NATO xem EU là đối tác chính và quan trọng bậc nhất. Theo một nghĩa nào đó, họ là đối tác, vì EU là thực thể duy nhất có tư cách pháp lý riêng vượt xa các quốc gia thành viên của mình. Nhưng khi nói đến vấn đề an ninh và quốc phòng, ít nhất là lúc này, EU đang dựa chủ yếu vào sự hợp tác liên chính phủ giữa 28 quốc gia. Do đó, vai trò của các nước thành viên là ưu tiên hàng đầu và hiện tại khoảng 2/3 trong số họ thuộc về cả 2 tổ chức.

Vài thập kỷ trước, sự tương đồng giữa các thành viên còn lớn hơn: Cho đến năm 1973, toàn bộ thành viên của Cộng đồng Kinh tế châu Âu lúc bấy giờ (tiền thân của EU) đều tham gia NATO; từ đó đến năm 1995, tất cả, trừ một nước, là thành viên của cả EU và NATO. Các quyết định được từng quốc gia riêng lẻ đưa ra thường có tác động trực tiếp đến cả hai tổ chức.

Nếu một quốc gia, thuộc cả EU và NATO, quyết định chi nhiều hơn cho quốc phòng và phát triển năng lực tác chiến hoặc đối mặt với mối đe dọa an ninh bên ngoài thì điều này sẽ tác động đồng thời đến cả hai bên.

Các nước châu Âu không sở hữu ngân sách riêng cho từng tổ chức. Họ duy trì một lực lượng duy nhất và nỗ lực của các nước bên trong mỗi tổ chức phải thống nhất và bổ sung cho nỗ lực của họ tại tổ chức còn lại. Điều này nói dễ hơn làm nhưng nó luôn phải là mục tiêu chính. Xuất phát từ sự tương đồng khi cùng chia sẻ các giá trị chung, các thành viên của EU và NATO có chung cam kết về việc tuân thủ các nguyên tắc dân chủ cũng như tôn trọng và bảo vệ luật pháp và nhân quyền.

Hơn nữa, họ đều có nền kinh tế thị trường và biên giới chung, cũng như phải đối mặt với những thách thức an ninh chung. Các mối liên hệ này ràng buộc họ chặt chẽ hơn so với tư cách thành viên của các tổ chức quốc tế khác mà cũng dựa trên các giá trị, chẳng hạn như Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OCSE) hay Liên Hiệp Quốc. Nói rộng hơn, cả EU và NATO đều có trách nhiệm hợp tác với nhau để bảo vệ công dân và đảm bảo sự phồn vinh của mình.

Thêm vào đó, hai tổ chức đã phát triển song song và cùng tạo ra những năng lực đặc biệt cho phép họ bảo vệ đời sống của công dân. NATO có được lợi thế so sánh rõ ràng về năng lực quân sự, đặc biệt là khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy đối với liên minh và lãnh thổ của mình. Mặt khác, EU lại có lợi thế so sánh rõ ràng về năng lực dân sự, với phạm vi rộng, các biện pháp trừng phạt kinh tế và khả năng thích ứng trong các lĩnh vực như năng lượng và an ninh mạng, xử lý thông tin sai lệch, hỗ trợ nhân đạo và cơ sở hạ tầng giao thông.

Binh sĩ NATO trong một buổi luyện tập. Ảnh: kcl.ac.uk.

Trước những thách thức an ninh ngày càng đa dạng mà các quốc gia châu Âu phải đối mặt, việc phải viện đến một loạt năng lực khác nhau về mặt dân sự, quân sự hoặc kết hợp cả hai là rất cần thiết.

Kể từ khi thành lập, mục tiêu chính của cả EU và NATO luôn là giữ gìn hòa bình ở châu Âu, thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng trên lục địa này và thậm chí là một số mục tiêu khác nữa. Vì những lý do này, nền tảng của quan hệ EU-NATO được cho là có khởi nguồn từ ngày 30-8-1954. Đó là mốc thời gian ghi dấu việc Quốc hội Pháp không phê chuẩn hiệp ước thành lập Cộng đồng Quốc phòng châu Âu, vốn bao hàm các điều khoản cụ thể về việc thành lập một quân đội châu Âu.

Kể từ đó, NATO trở thành “cái ô” duy nhất đảm bảo các phương tiện phục vụ cho việc răn đe và phòng thủ quân sự ở châu Âu. Dưới chiếc ô bảo vệ này, Cộng đồng Kinh tế châu Âu được thành lập và phát triển.

Hai tổ chức không nhất thiết lúc nào cũng phải thảo luận với nhau nhưng họ luôn phụ thuộc lẫn nhau. Một bên được ngầm định là đảm bảo an ninh và quốc phòng, bên còn lại đóng góp xây dựng sự thịnh vượng kinh tế, từ đó giúp củng cố nền tảng của các giá trị chung. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu cũng được yêu cầu phải từng bước đóng góp nhiều hơn trong việc chia sẻ gánh nặng an ninh và quốc phòng châu Âu.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Hiệp ước Warszawa sụp đổ, EU và NATO đã hoạt động song song. Gần đây, EU và NATO đã phối hợp hành động nhiều hơn trước các mối đe dọa. Cả hai tổ chức đã tìm cách giảm thiểu tác động của các cuộc xung đột ở các nước láng giềng, như Libya và Syria, nhất là giải quyết các tác động của tình trạng di cư bất hợp pháp và bảo vệ người tị nạn.

Nói cách khác, sự hợp tác giữa EU và NATO không chỉ dừng lại ở việc phối hợp thực hiện mà còn thể hiện ở những hành động độc lập và bổ sung cho nhau. Đây là bài học quan trọng cho tương lai khi tính đến tham vọng của EU về việc phát triển hệ thống quốc phòng chung của châu Âu trong dài hạn. Dù có thành hiện thực hay không thì cũng không nên coi nỗ lực này là một sự thay thế cho NATO. Thay vào đó, nên coi đó là nỗ lực nhằm củng cố và bổ sung cho nhau trong các nhiệm vụ chung.

Tuy nhiên, mọi việc thường không dễ dàng khi tình trạng quan hệ vẫn lỏng lẻo và đầy bất lợi cho cả EU và NATO. Đơn cử việc EU đã đặt nền móng cho một nền quốc phòng chung với việc xây dựng hai trụ cột về quốc phòng: Chương trình hợp tác cơ cấu thường trực và Quỹ Quốc phòng châu Âu nhưng dường như chưa có mấy kết quả. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được thực sự rất đáng để nỗ lực và không phải là vô vọng, như đã xảy ra trước đây, để đưa quan hệ EU-NATO tiến về phía trước.

Nhìn vào căn nguyên sâu xa, bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã đã đặt ra với NATO câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại trong tương lai. Nếu coi NATO là một chương trình máy tính, thì NATO phiên bản 1.0 là Chiến tranh Lạnh. NATO phiên bản 2.0 có xu hướng mở rộng và phản ánh các chiến dịch chống khủng bố hậu 11-9 vào Afghanistan, Iraq và Libya.

Hiện tại, với phiên bản 3.0, NATO tái tập trung vào châu Âu và trong 10 năm tới, NATO 4.0 sẽ tiếp tục bảo vệ các nước thành viên châu Âu của họ trước sức ép từ các cường quốc mới nổi và tích cực hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng và có khả năng tấn công mạng tốt hơn với tư cách là một liên minh cũng như giải quyết nạn di cư bất hợp pháp.

Hoa Huyền
.
.
.