Nhọc nhằn “gieo chữ” dưới chân núi Ngọc Linh

Thứ Năm, 25/11/2021, 10:40

Vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp “trồng” người ở vùng cao, những thầy cô giáo nặng lòng với học sinh vẫn luôn cần mẫn, tận tụy, không quản khó khăn, cống hiến tuổi xuân, sức lực và trí tuệ để “ươm mầm” cho những ước mơ của trẻ em ở vùng khó. Họ là những thầy cô giáo lặng thầm “gieo chữ” dưới chân núi Ngọc Linh (Tây Nguyên).

Gian nan đường đến trường

Đầu tháng 11, tôi tìm đến những thôn làng xa xôi nhất dưới chân núi Ngọc Linh ở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, nơi đang có những người giáo viên tận tụy bám làng “gieo chữ”.

Mường Hoong là xã vùng sâu khó khăn nhất của vùng Đăk Glei, cách trung tâm thành phố Kon Tum gần 200 km. Xã có 10 thôn thì có tới 5 thôn là Đăk Bối, Ngọc Lâng, Xa Úa, Mô Po và Tu Răng không có đường bê tông đến thôn. Bà con đồng bào dân tộc ngôi làng này định cư ở tít tắp lưng chừng núi. Vì vậy, để đến được làng là cả một hành trình đầy thử thách.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Bê - Hiệu phó Trường Tiểu học Mường Hoong, chúng tôi tìm về các thôn Tu Răng, Ngọc Lâng, Xa Úa, cách trung tâm xã khoảng 4km, nằm lưng chừng núi Ngọc Linh. Không có đường lên thôn, chiếc xe máy chỉ đi được vài trăm mét, chúng tôi phải bỏ xe lại bên bìa rừng rồi cuốc bộ. Con đường đất lên thôn toàn dốc cao, sau cơn mưa càng thêm lầy lội. “Thế này chưa thấm vào đâu nhà báo ạ. Vẫn còn vài con dốc cao hơn nữa mới tới được các thôn. Hôm nay còn thuận lợi đó, nếu trời mưa dầm, việc đi lại còn vất vả gấp mấy lần thế này. Đường trơn trượt, lại rất nguy hiểm, nhất là khi phải lội qua những con suối nước chảy ầm ầm...”, thầy Bê nói.

Nhọc nhằn “gieo chữ” dưới chân núi Ngọc Linh -0
Cô Ngọc và lớp ghép tại làng Tu Răng.

Gần một tiếng “cuốc bộ” leo qua mấy ngọn núi, băng qua vài con suối, chúng tôi mới đến được điểm trường làng Tu Răng khi đã cảm giác tức ngực vì leo dốc. Ấy vậy mà tuần nào cô giáo Hoàng Thị Ngọc - giáo viên bám làng Tu Răng - Trường Tiểu học Mường Hoong, cứ đầu tuần đi lên, cuối tuần về lại, có tuần nhà trường có việc thì cũng phải vài vòng như vậy. 4 năm công tác là từng ấy năm cô Ngọc bám làng, bám lớp tại điểm trường thôn. Từng ấy năm, cô Ngọc đã đi mòn trên con đường này. Do đường sá khó khăn, giáo viên phải trụ lại cắm làng, làm “công dân” của làng.

Tương tự như ở thôn Tu Răng, đường đến điểm trường thôn Ngọc Lâng, Xa Úa, Đăk Bối cũng vô cùng khó khăn. Hằng ngày đội ngũ giáo viên cắm làng ở đây vượt qua hàng chục con dốc dựng đứng mất từ 1 đến 2 giờ đi bộ mới đến được điểm trường. Mùa nắng đi đã vất vả, mùa mưa lại càng cực khổ hơn bởi đường đất trơn trượt, dốc dài dựng đứng.

Thầy Đinh Văn Sáng - giáo viên cắm làng tại thôn xa nhất Đăk Bối chia sẻ: “Để đến được làng, tôi phải đi bộ gần 2 tiếng. Đường đi vô cùng khó khăn, dốc cao, mùa mưa, chúng tôi phải dùng gậy để chống mới leo được qua các con dốc. Dù quen đường nhưng tôi vẫn bị ngã thường xuyên, đến nay, tôi cũng không nhớ nổi có bao lần trượt ngã, người và đồ lấm lem bùn đất”. Gần 3 năm nay, ít nhất, mỗi tuần thầy Sáng cũng phải 4 lượt lên xuống trên con đường đến làng. Dù vất vả nhưng vì thương các em học trò khó khăn nên thầy cô đều cố gắng hết mình, chưa bao giờ nản lòng và muốn bỏ về.

Thương học sinh như con mình

Đến thôn Tu Răng, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là vài chục nóc nhà nằm giữa núi rừng Ngọc Linh hùng vĩ. Ở đây chỉ duy nhất có lớp học đặc biệt - lớp ghép 1+2 với hơn 10 học sinh. Cô giáo Huỳnh Thị Ngọc một mình ngày đêm bám trường, bám lớp, ăn ở ngay tại thôn.

Nhọc nhằn “gieo chữ” dưới chân núi Ngọc Linh -0
Lớp học của cô giáo Quỳnh ở làng Ngọc Lâng.

Cô Ngọc đã có chồng và một con (năm nay 5 tuổi), nhà ở tỉnh Gia Lai. Xa chồng xa con, nhiều khi cô cũng thấy chạnh lòng, vì thương con bé thiếu thốn vòng tay âu yếm của người mẹ. Nhưng, vì đường xa phải ở lại thôn nên cô giáo Ngọc tận dụng một căn phòng nhỏ ngay cạnh lớp học để ở. Với Ngọc, ban ngày có học sinh, được nhìn thấy học trò đang ở tuổi như con mình nên cũng vơi đi nỗi nhớ con. Thế nhưng, đêm về, một mình lủi thủi, không có tivi, sóng điện thoại thì yếu, nỗi nhớ chồng con da diết. Khi sóng chập chờn, không gọi được, Ngọc chỉ biết mang những tấm hình, thước phim quay con trong điện thoại nhìn ngắm cho vơi nỗi nhớ. Trong căn phòng nhỏ của Ngọc, do sóng wifi yếu, cả phòng chỉ gần ô cửa sổ là có tí sóng nhưng cũng chập chờn. Vì vậy, tại vị trí này, Ngọc phải dùng dây để treo chiếc điện thoại. Mỗi lần gọi con bằng video, cô Ngọc phải ngồi sát cửa, bật lớn loa mới ngồi nói chuyện, tâm sự cùng chồng con. Tuy nhiên, do sóng yếu nên gọi lúc được lúc mất. Trước đây, cứ mỗi tháng, cô Ngọc lại bố trí về thăm con một lần nhưng kể từ tháng 8 đến nay đã gần 4 tháng, vì dịch bệnh, cô Ngọc chưa về thăm con, thăm chồng được. Nhiều đêm nước mắt lưng tròng, cô ngậm ngùi, nghèn nghẹn thương con nhưng vì nhiệm vụ cao cả mình đã chọn nên cố gắng vượt qua.

Không chỉ vậy, ở đây khó khăn đủ thứ, do không có tủ lạnh nên đồ ăn chủ yếu là cá khô, cô Ngọc mua từ đầu tuần mang lên kho một nồi ăn từ Thứ hai đến Thứ sáu. Cuối tuần xuống xã mua tiếp về cho tuần sau. Căn bếp sát phòng được ghép tạm những tấm tôn thủng lỗ chỗ, mùa mưa, kèm gió to, muốn nhóm củi nấu cơm rất vất vả, gian khó.

Cô Ngọc chia sẻ: “Dù khó khăn nhưng bù lại những học sinh nơi đây rất dễ thương, ham học và mến cô giáo nên đã tiếp tôi thêm động lực để cống hiến. Nhìn thấy các em như con mình mà đã phải vất vả đi bộ hàng cây số để đến trường học con chữ nên tôi thấy thương các em như chính con mình”.

Đặc biệt, ở đây bà con đồng bào dân tộc thiểu số rất tình cảm, quý mến giáo viên, dù còn nhiều khó khăn nhưng hằng tháng phụ huynh cho gạo, rau xanh để ăn, sinh hoạt mỗi ngày. “Chính những tình cảm của phụ huynh, học sinh làm tôi thêm tình yêu và gắn bó với nghề”, cô Ngọc chia sẻ. Xa chồng, thương con bao nhiêu thì Ngọc lại thương các học trò nghèo bấy nhiêu. Nhiều khi thấy mùa lạnh, các em không có áo lạnh, cô giáo Ngọc lại bỏ tiền túi mua chiếc áo cho học trò.

Nhọc nhằn “gieo chữ” dưới chân núi Ngọc Linh -0
Làng chân núi Ngọc Linh.

Với các giáo viên căm bản ở Mường Hoong, cái khó khăn nhất là đường sá đi lại và trở ngại về ngôn ngữ, cũng như việc duy trì sĩ số học sinh, vì thế những thầy cô bám làng, bám lớp thường là giáo viên trẻ xung phong. Họ đang ở lứa tuổi sung sức, hơn nữa, vì tình yêu nghề, họ khát khao được cống hiến.

Tại điểm trường thôn Ngọc Lâng, có 5 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) với 111 học sinh. Đây cũng là một trong những điểm trường xa nhất của Mường Hoong. Vì vậy, tại đây cả 5 thầy, cô giáo bám trường, bám lớp đều là giáo viên trẻ. Cô giáo Trịnh Thị Ngọc mới ra trường, vào nhận công tác tại Mường Hoong, xung phong lên điểm trường Ngọc Lâng. Thầy giáo trẻ Nguyễn Huy Hoàng (quê Hà Tĩnh) sau khi đỗ viên chức, thầy Hoàng được phân về Trường Tiểu học Mường Hoong, thầy Hoàng xung phong lên điểm trường Ngọc Lâng để được rèn luyện và cống hiến. Hay trường hợp của cô giáo Phạm Thị Như Quỳnh (quê ở Nghệ An), trong 5 năm gắn bó nghề, Quỳnh đều xung phong đi dạy ở điểm trường thôn. Đến nay, Quỳnh đã dạy ở 3/5 điểm trường khó nhất là Tu Răng, Mô Po và Ngọc Lâng.

Nhọc nhằn “gieo chữ” dưới chân núi Ngọc Linh -0
Nhọc nhằn đường lên điểm trường ở mường Hoong.

Phạm Thi Như Quỳnh tâm sự: “Dạy tại điểm trường thôn khá vất vả, không chỉ việc đi lại rất khó khăn mà trong cuộc sống, sinh hoạt mọi thứ đều thiếu thốn nhưng với tình yêu nghề, bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng em không ngại khó, ngại khổ miễn sao được đóng góp chút sức trẻ, kiến thức để truyền dạy, giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số biết con chữ, từ đó nuôi ước mơ, xây đắp cho tương lai...”. 

Dẫu rằng, đường mang con chữ đến với học sinh vùng sâu dưới chân núi Ngọc Linh còn nhiều gian nan, vất vả nhưng tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết đã giúp những giáo viên bám làng ở Mường Hoong vượt qua tất cả. Họ đã yêu nghề, mến học trò bằng tình yêu thương như con ruột của mình nên dù khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua...

Văn Phương
.
.
.