Kia
Mobifone

Mùa xuân thăm “nóc nhà biên cương”

Thứ Hai, 23/01/2023, 14:40

Sừng sững giữa mênh mang đất trời như tòa trường thành siêu khổng lồ trấn giữ biên cương của Tổ quốc, đỉnh Khang Su Văn (xã Pa Vây Sử - huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nổi danh với cột mốc biên giới định danh “nóc nhà biên cương” nằm ở độ cao gần 2.900 mét, cao nhất trên toàn miền biên ải xa xôi.

Những cột mốc đặc biệt

Từ Bắc vào Nam, từ miền sơn cước Tây Bắc tới đồng bằng phía Nam, cả nước ta có 8 cột mốc được đánh giá là tiêu biểu trên các tuyến biên giới. Trong đó, nhiều mốc rất nổi tiếng, là điểm đến không thể bỏ qua như mốc 0 A Pa Chải - khởi đầu của đường biên giới trên bộ Việt - Trung; mốc 1378 - mốc cuối cùng của đường biên giới trên bộ Việt - Trung, nằm ở cửa sông Bắc Luân trên hòn Dậu Gót, trong cụm đảo nhỏ thuộc mũi Sa Vĩ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh hay cột mốc không số tại ngã ba Đông Dương nằm gần cửa khẩu Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum…

T41-Mùa Xuân thăm “nóc nhà biên cương” -0

Tỉnh Lai Châu là địa phương duy nhất trên cả nước nắm giữ hai trong số 8 mốc tiêu biểu nói trên gồm: cột mốc số 42 và số 79. Trong đó, cột mốc biên giới số 79 được mệnh danh “Nóc nhà biên cương”, nằm ở khu vực được xem là hiểm trở nhất trên đường biên giới Việt - Trung, giữ nhiệm vụ phân chia biên giới giữa tỉnh Lai Châu, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Do nằm trên đỉnh Khang Su Văn - đỉnh núi 3.012 mét, cao thứ 5 Việt Nam, có vị trí đặc biệt trên tuyến biên giới trọng điểm, đường sá đi lại còn rất nhiều khó khăn nên so với các mốc tiêu biểu cùng xếp hạng, mốc 79 được ít người biết đến nhất.

Để hình dung được mức độ xa xôi, hẻo lánh của Khang Su Văn, chúng tôi đã tỉ mỉ ghi lại hành trình chi tiết từ Thủ đô Hà Nội. Đầu tiên, bạn sẽ đi xe ô tô giường nằm từ bến xe Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tới thị trấn Sapa (Lào Cai), vượt qua quãng đường 315 km, tiếp đó bạn sẽ đổi sang xe 16 chỗ đi thêm 70 km tới thành phố Lai Châu, khu vực đô thị cuối cùng của hành trình.

Từ thành phố Lai Châu, bạn sẽ đi tiếp khoảng 55 km tới chợ phiên Dào San nổi tiếng - tâm điểm của 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ (Lai Châu). Từ chợ Dào San, cần đi tiếp 16 km nữa để tới UBND xã Pa Vây Sử - huyện Phong Thổ và đi bộ thêm 1 km xuyên qua Pa Xơ - bản làng cuối cùng để tới được bìa rừng. Từ đây, bạn sẽ bắt đầu hơn 11km trèo đèo, lội suối để tới được mốc biên giới số 79 trên đỉnh Khang Su Văn.

T41-Mùa Xuân thăm “nóc nhà biên cương” -0
Một góc ảnh rất đẹp nơi rừng đỗ quyên khổng lồ

Vượt con dốc “khủng”

Đi từ đêm thứ Sáu, 10h sáng thứ Bảy, chúng tôi mới tới được Pa Vây Sử. Trụ sở xã và liền đó là Công an xã nằm ngay đầu bản Pa Xơ. Cả xã có khoảng hơn 2.000 dân, đa số là đồng bào dân tộc Mông, Hà Nhì.

Tiếp chúng tôi, chiến sỹ Lý Đức Thọ hướng dẫn cả đoàn làm thủ tục đăng ký rất nhiệt tình. Chỉ mất ít phút, danh sách cả đoàn đã được lập xong. Sau khi được Trưởng Công an xã Pa Vây Sử - Thiếu tá Nguyễn Quang Huy phê duyệt, danh sách được gửi tới Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải. Hoàn thành thủ tục nhanh gọn, chúng tôi chính thức bước vào con đường mòn chinh phục đỉnh Khang Su Văn lúc 10h30.

Ngày leo núi đầu tiên diễn ra khá êm ả với chừng 4-5 giờ leo bộ (tùy theo sức mỗi người). Xuyên qua những khu rừng thảo quả xanh mướt kéo dài nhiều km, chúng tôi tới khu vực cắm trại nghỉ qua đêm khoảng 15h chiều. Thời tiết sau đợt gió mùa Đông Bắc rét ngọt, rất phù hợp cho người leo núi nên không ai cảm thấy mệt mỏi.

T41-Mùa Xuân thăm “nóc nhà biên cương” -0
Bên Cột mốc 79 trên nóc Pa Vây Sử

Chúng tôi hạ trại gần con suối lớn, nép dưới tán rừng thảo quả thơm ngát ở độ cao 2.200 mét. Thảo quả không chỉ là cây thuốc quý mà còn là loại gia vị độc đáo trong chế biến món ăn của đồng bào dân tộc. Trồng thảo quả dưới tán rừng nguyên sinh chính là con đường thoát nghèo của nhiều hộ gia đình nơi đây.

Sau một đêm nghỉ ngơi, lấy lại sức, sáng Chủ nhật, cả đoàn thức dậy lúc 4h30 sáng để leo lên đỉnh núi. Chúng tôi bỏ lại toàn bộ đồ đạc ở trại, chỉ mang theo nước uống bởi đoạn đường tiếp theo dự báo sẽ vô cùng gian nan khi phải vượt qua con dốc dựng đứng cao gần 900 mét, hầu như không có điểm đi ngang.

5h30, cả đoàn đeo đèn rọi, xuất phát trong đêm tối mịt mùng. Thời tiết thay đổi chóng mặt khi cả vùng sơn cước chìm trong biển mây mù dày đặc. “Quá mù ra mưa”, cây cối đều ướt rượt, mặt đất nhão nhoét, những mặt đá trơn như mỡ khiến con đường lên dốc càng khó đi hơn. Do ở nơi hoang vu gần như tuyệt đối, rất hiếm người qua lại nên dốc leo lên đỉnh rất hẹp. Nhiều đoạn cây cối rậm rạp khuất lấp hết đường đi, chúng tôi phải chui, bò, trườn qua những thân cây đổ, những vạt rừng trúc dày. Những người không mang mũ, bao tay rất khó tránh bị cành cây chọc vào người, bật vào mặt…

Từ độ cao 2.500 mét, lối leo có thoáng hơn nhưng độ dốc lại gắt kinh khủng. Có đoạn rất hiểm trở, chúng tôi phải nằm bò trên đá, bám vào thân trúc, rễ cây bụi thò ra để đu lên từng mét một. Có đoạn lối đi nằm ngay rìa vực sâu, chỉ có một chỗ đặt chân duy nhất để bật qua thật nhanh nếu không muốn bị rơi xuống đáy vực… Hành trình này không dành cho những ai yếu tim hay sợ độ cao!

T41-Mùa Xuân thăm “nóc nhà biên cương” -0
Bức tường đá trên đỉnh Khang Su Văn

Như để bù đắp lại, vượt qua đoạn này, Khang Su Văn đẹp lạ lùng với khu rừng đỗ quyên cổ thụ khổng lồ. Những thân cây vài người ôm sù sì rêu mốc cổ quái kiêu hãnh vươn lên trời cao từ cả trăm năm trước vẫn còn đó. Trong màn sương bảng lảng, âm khí trùng điệp, khu rừng càng thêm phần huyền bí, ma mị… Buổi sáng lạnh sâu, chim chóc còn chưa thức dậy nên khu rừng vẫn chìm trong tĩnh lặng, âm thanh duy nhất là tiếng gió vờn lá rừng xào xạc đẩy đưa những đợt mù dày táp vào mặt người leo khiến chúng tôi cảm giác như đang đi trong một cái tủ lạnh khổng lồ…

Băng qua rừng đỗ quyên cổ thụ, chúng tôi tới ngã ba, một lối lên đỉnh Khang Su Văn và một lối ngắn tới mốc 79. Nóng lòng ghé thăm mốc biên giới cao nhất Việt Nam, đoàn lựa chọn đi nhánh tới mốc 79 trước. Đây rồi! Chỉ thêm chừng 300 mét, mốc 79 - cột mốc đánh dấu lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam đã hiện ra trước mắt cả nhóm.

Cột mốc được đặt trên rìa núi hẹp nhưng đủ bằng phẳng, xung quanh có hàng rào thép gai bảo vệ. Mốc làm bằng đá hoa cương, có hai mặt tiếng Việt – tiếng Trung. Phần đế ốp gạch lát đã hư hại, nứt vỡ do thời gian. Sau giây phút xúc động trào dâng, cả nhóm làm lễ chào cờ trước cột mốc. Phút giây này, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn niềm tự hào về một đất nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và lòng biết ơn biết bao thế hệ cha ông cũng như những người chiến sỹ lúc này đang ngày đêm gìn giữ sự toàn vẹn ấy.

Bức tường đá trên đỉnh Khang Su Văn

Chào mốc 79, nhóm chúng tôi nhanh chóng vượt qua đoạn dốc cuối cùng để lên đỉnh Khang Su Văn ở độ cao 3.012 mét. Cao số 5 Việt Nam, nơi đặt chóp đỉnh Khang Su Văn rất chật hẹp, chỉ đủ 5-6 người chen chân. Cách đỉnh núi chỉ vài chục bước chân, có một bức tường đá lớn với hai ô cửa còn đó như thể tàn tích của một công trình nào đó. Lù A Páo - người dẫn đường địa phương kể, ngay cả người già trong bản cũng không biết bức tường đá đó xuất hiện từ khi nào và được dựng lên với mục đích gì...

Rời đỉnh núi, chúng tôi thật vất vả khi trở xuống. Mất gần 3 giờ vật lộn với bùn đất, đoàn mới trở về được nơi cắm trại để thu dọn đồ đạc, rút xuống chân núi. Vì là Chủ nhật, khu vực trung tâm hành chính xã không có ai ngoài một số chiến sỹ Công an đang trực ở trạm chỉ huy công trường xây dựng nhà ở cho hộ nghèo (theo chủ trương của Bộ Công an về xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Công an tỉnh Lai Châu đang gấp rút triển khai kế hoạch hoàn thành 600 căn nhà cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí 30 tỷ đồng, dự kiến bàn giao trước 31/12/2022).

Chia tay Pa Vây Sử, tạm biệt những chiến sỹ Công an hết lòng vì dân, đoàn chúng tôi vượt hành trình hơn 450 km trở về Thủ đô Hà Nội, khép lại hành trình 2 ngày đầy ý nghĩa đến với mốc biên giới cao nhất Việt Nam và chinh phục đỉnh Khang Su Văn huyền bí… Một mùa xuân mới đang tới và những người lính vẫn “quen với gian lao”, “âm thầm chịu đựng gió sương” để ngày đêm “canh giữ miền đất mẹ” nơi rừng sâu biên giới, giữ trọn niềm tin của cả đất nước Việt Nam!

Cột mốc 79 là cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam, nằm ở vùng núi xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Cột mốc được cắm vào ngày 24/10/2004 ở cao độ gần 2.900m, trên vùng yên ngựa của đỉnh núi Khang Su Văn (hay còn gọi là Phàn Liên San). Mốc giới số 79 là mốc đơn loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt khá gần đỉnh núi, tọa độ địa lý 22°4514.145” N 103°2608.476” E.

Minh Khuê

.
.