Cứu hộ mèo giữa đại ngàn Cúc Phương

Thứ Năm, 19/01/2023, 18:07

Án ngữ trên những dãy núi đá vôi hùng vĩ, rừng Quốc gia Cúc Phương tựa như nàng sơn nữ nằm ơ hờ giữa đại ngàn tít tắp. Mái tóc của nàng kéo dài từ Hòa Bình sang tận mảnh đất xứ Thanh, trước khi vắt chéo án ngữ về cố đô Hoa Lư của tỉnh Ninh Bình. Trong nhiều năm liền, từ 2019 đến 2021, viên ngọc quý về hệ sinh thái này được tổ chức Word Trevel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.

Lần ghé thăm mái nhà chung của hàng trăm, hàng vạn cá thể sinh trưởng, chúng tôi mục sở thị những cá thể mèo rừng, loài động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB trong thế giới động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng được cứu hộ ở nơi đây.

Từ chuyện của 2 “đại sứ giáo dục”

“Công việc hằng ngày được chia thành hai ca, buổi sáng là công việc chăm sóc, dọn dẹp chuồng trại, thiết lập không gian sống; buổi chiều là chế biến món ăn, cho ăn. Nghe thì đơn giản thế thôi, nhưng bận bịu còn hơn chăm con mọn đấy, nhà báo ạ” - vị điều phối viên hài hước.

Sau khi nghe chúng tôi đề xuất về đề tài mèo rừng, Thái chỉ tay về khu chuồng phía trước giới thiệu: “Hiện, ở trung tâm đang nuôi, chăm sóc 3 cá thể mèo rừng. Một em tên Sáng và một em tên Đại Lải. Cả hai cá thể này không còn khả năng tái thả về môi trường tự nhiên, bởi trước khi cứu hộ về, cả hai đã bị chủ bắt và nuôi nhốt thời gian dài. Trung tâm đã quyết định nuôi để làm câu chuyện giáo dục cho các thế hệ về tình trạng nguy cấp của loài động vật này”.

Trang 14: Cứu hộ mèo giữa đại ngàn Cúc Phương -0
Trang 14: Cứu hộ mèo giữa đại ngàn Cúc Phương -1
Đại Lải xuất hiện trước ống kính của chúng tôi sau hơn một giờ mật phục.

Đại Lải là chú mèo rừng hoang dã đầu tiên được đưa về trung tâm vào ngày 18/4/2008 bởi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi được người dân tìm thấy và giao nộp. “Khi đến trung tâm, Đại Lải mới được 3 tuần tuổi và nặng 290 gram. Vì thế, các nhân viên trung tâm trở thành gia đình thứ hai chăm sóc cho Đại Lải, từ việc cho bú sữa, kiểm tra sức khỏe, tình trạng bệnh...” – Lê Minh Chiến, điều phối viên của trung tâm bảo tồn kể.

“Cũng bởi khi giải cứu về, Đại Lải còn rất nhỏ, sự chăm bẵm hoàn toàn phụ thuộc vào các nhân viên nên mèo dần mất đi khả năng tự nhiên của mình như: Phân biệt kẻ thù, săn mồi, tìm nơi trú ẩn...” - Chiến lý giải về việc Đại Lải Không thể tái hòa nhập với tự nhiên.

Câu chuyện thứ hai về Đại sứ giáo dục là Sáng. Sáng được đưa về trung tâm từ ngày 26/6/2017, có giới tính nữ, thuộc loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB. “Sáng được một người dân tình nguyện chuyển giao về trung tâm sau khi mua lại từ một nhà hàng tại Hà Nội. Khi được chuyển giao về trung tâm, Sáng mất gần hết bàn chân bên trái phía trước, chỉ còn lại một ngón chân cái gắn liền với xương cẳng chân. Vết thương khá nặng khiến Sáng di chuyển rất khó khăn và không thể trở về với tự nhiên”.

Trang 14: Cứu hộ mèo giữa đại ngàn Cúc Phương -0
Sau “bữa tiệc”, Đại Lại nhún mình lẩn khuất vào màn đêm.

Ngoài Sáng và Đại Lải, ở trung tâm còn đang chăm sóc một chú mèo rừng khác được giải cứu từ tỉnh Bình Định vào ngày 17/10/2022 trong tình trạng bị cụt chân. Hiện chú mèo này đang được các nhân viên trung tâm điều trị và chăm sóc một cách đặc biệt.

Đến những “bảo mẫu” vượt qua biên giới

Theo chia sẻ của Thái, chúng tôi quyết định ở lại qua đêm để hòng được mục sở thị Sáng và Đại Lải xuất hiện. “Buổi ngày chúng ẩn nấp trên các lùm cây nên rất khó để phát hiện ra chúng. Đêm là lúc chúng mò đi kiếm ăn và sẽ thật sự nhẹ nhàng thì mới bắt gặp” - Thái giải thích.

4h chiều, ngoài những điều phối viên của trung tâm ra, chúng tôi thấy xuất hiện thêm 4 bạn trẻ người Đức tại đây. Thái giới thiệu: “Đó là 4 bạn tình nguyện viên. Trong chương trình tình nguyện này, họ ở và làm việc tại trung tâm một năm, sau đó sẽ về nước. Công việc là chăm sóc và làm bất cứ những công việc hằng ngày như chúng tôi. Tuy nhiên, về sinh hoạt, ăn ở, đi lại họ đều tự túc”.

Trang 14: Cứu hộ mèo giữa đại ngàn Cúc Phương -0
Jas Mine kiểm tra bảng thực đơn.

Sau lời giới thiệu cùng cái bắt tay nồng ấm, các nhân viên bắt đầu với công việc “nội trợ” cho bữa ăn tối của những động vật nơi đây. Jas Mine, cô gái người Đức đọc qua bảng thực đơn trong ngày rồi nhanh chóng mở tủ lấy những đồ tích trữ. Bên cạnh đó, chàng trai trẻ Fren Derk thoăn thoắt chặt nhỏ tảng thịt và không quên đưa lên bàn cân để chia đều ra từng khẩu phần. “Xuất ăn của Đại Lải và Sáng hôm nay có cá, thịt bò” - Fren Derk vừa chia phần thức ăn vào đĩa vừa chia sẻ.

Song song với công việc của Jas Mine và Fren Derk, là hai cô gái trẻ khác cũng đến từ Đức. Mora và Ruby nhanh nhẹn xách xô cua tiến về khu vực của những chú hải cẩu. Khi vừa nghe tiếng lạch cạch mở cửa, những chú hải cẩu đã nhao nhao chạy đến, Mora với chất giọng tiếng Việt lơ lớ mắng yêu: “Khoan đã nào, sẽ được ăn, sẽ được ăn”. Rồi cô nghiêng đổ thùng cua mỗi chỗ một ít. Như những đứa trẻ đói sữa, hai chú hải cẩu lao đến, ngấu nghiến bữa ăn một cách ngon lành.

Trở lại nhà bếp, Fren Derk và Jas Mine cũng đã chuẩn bị xong những phần thức ăn. Hai bạn nhanh chóng đưa về các chuồng. Tại khu vực của hai chú mèo Đại Lải và Sáng, Fren Derk chia thức ăn ra thành 3 nơi khác nhau. Giải thích về cách chia từng phần như thế này với chúng tôi, Hoàng Văn Thái nói: “Mỗi nơi một ít để mèo khi xuống sẽ dễ tìm thấy. Hơn nữa, đặc tính của mèo rừng sau khi bị bẫy, bắt chúng luôn trong tình trạng sợ hãi nên kể cả khi ăn, chúng sẽ nhanh chóng lấy miếng ăn và tha đi chỗ khác ăn chứ không đứng ăn như mèo nhà”.

Đêm dần buông, tiếng dế ăn đêm bắt đầu rền vang, một vài chú đom đóm lạc đàn, lệch mùa bắt đầu hòa vũ điệu ánh sáng giữa đại ngàn sâu thẳm. Thái bảo, nếu các anh muốn có những bức ảnh mèo đi ăn, hãy núp vào một góc khuất và ngồi yên tĩnh mới săn được. Sau gần một tiếng đồng hồ ngồi bất động bên góc chuồng, cũng là lúc tiếng rung lắc của cành cây, tiếng sột soạt từ lá khô rung vẳng lại. Những âm thanh rất nhẹ và khẽ ấy ngày càng rõ hơn. Tôi bấm anh bạn: “Đại Lải đã bắt đầu xuống tìm đồ ăn”. Chỉ vài phút sau, tiếng sột soạt rất khẽ tiến về phía chiếc khay đồ ăn mà Fren Derk để lúc chiều.

Trang 14: Cứu hộ mèo giữa đại ngàn Cúc Phương -0
Công việc chuẩn bị thức ăn cho động vật được cứu hộ tại trung tâm.

Theo chia sẻ của Thái trước đó, sau khi mèo vào ăn vài phút hãy bật đèn pin rồi soi thẳng vào mắt nó, ánh đèn sẽ thu hút ánh nhìn của mèo và chúng sẽ không bỏ chạy. “Tuyệt đối không gây tiếng động, dù chỉ là nhỏ nhất” - Thái căn dặn. Quả đúng như lời Thái, ánh đèn vừa bật lên là hình ảnh chú mèo rừng với màu lông vằn vện đập vào mắt chúng tôi. Đôi mắt sáng quắc, hai chiếc tai dựng ngược, thỉnh thoảng lại rung lắc, giật giật như để lắng nghe từng âm thanh xung quanh dù là nhỏ nhất.

Phía chuồng của Sáng, nhóm mật phục khác của chúng tôi sau hơn 2 giờ đồng hồ đành bỏ cuộc bởi có lẽ Sáng phát hiện ra mối nguy hại nào đó. Theo giải thích của những chuyên gia của rừng, Sáng khi bị thợ săn bẫy về đã là mèo trưởng thành, cộng với việc đã dính bẫy một lần nên chúng khá cẩn thận. Còn với Đại Lải, khi bị thợ săn bắt về mới là chú mèo con và bị nuôi nhốt thời gian dài nên mất dần đi tính hoang dại vốn có của chúng”.

Chừng 10 phút “đánh chén” bữa tiệc cũng là những phút giây chúng tôi được mục sở thị loài động vật đang được liệt vào sách đỏ này. Đại Lải quay ngoắt nhảy phắt lên cành cây và khuất dần trong bóng tối. “Cái khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi không phải là giải cứu, mà là việc sau khi giải cứu” - Thái chia sẻ rồi giải thích: “Mỗi lần tái thả chúng về với tự nhiên sẽ phải  cực kỳ bí mật, bởi nếu lộ liễu một chút là thợ săn có thể rình và bẫy chúng lại bất cứ lúc nào”.

Chia tay Cúc Phương, rừng già dần khuất phía sau. Lẩn khuất trong tiếng gió là tiếng hú, tiếng véo von của những loài linh trưởng như chào mời, tiễn biệt…

Bùi Vương Nam
.
.
.