Kia
Mobifone

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Thứ Năm, 09/05/2019, 14:39
Thiên nhiên ưu đãi cho xứ Huế nhiều thắng cảnh nên thơ và những con người nơi đây đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa rất riêng cho vùng đất này mà nhiều người gọi đó là văn hóa Huế. Trải qua bao đổi thay, một vùng quê cho đến hôm nay vẫn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét đẹp của một làng cổ tại vùng văn hóa này, đó là làng cổ Phước Tích ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngôi làng cổ bên dòng Ô Lâu

Cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía Bắc, làng cổ Phước Tích nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Theo sử sách, Phước Tích được thành lập từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông và được bao bọc hầu như toàn bộ bởi dòng sông Ô Lâu huyền thoại. Tên gọi của làng cũng được thay đổi theo thời gian, từ tên Phúc Giang thời Lê đến tên Hoàng Giang thời Tây Sơn và cuối cùng là Phước Tích thời Gia Long với mong muốn tích lũy nhiều phúc đức cho con cháu đời sau.

Hơn 500 năm tồn tại, trải qua các cuộc chiến tranh binh lửa và sự tàn phá của thời gian nhưng Phước Tích còn giữ gìn gần như nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt làng quê Việt với phong cảnh hữu tình, yên ả, với cây đa, bến nước, sân đình... Phước Tích đẹp như một bức tranh cổ về làng quê Việt Nam, mang những nét đặc trưng riêng của vùng Đồng bằng Bắc Trung bộ. Nếu ai đã từng đến làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, được đắm mình trong cái trầm mặc của một góc xứ Đoài thì sẽ ngỡ ngàng trước một vẻ đẹp rất riêng trong một màu xanh thẳm nơi làng quê Phước Tích.

Từ trên cao nhìn xuống, Phước Tích như một ốc đảo xanh bên dòng Ô Lâu mềm mại. Điểm nhấn của không gian xanh ấy chính là cây thị hơn 500 năm tuổi bên cạnh ngôi miếu cổ thờ nữ thần Ponagar. Với người dân trong làng, ngôi miếu và cây thị này đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là chốn tâm linh gửi gắm đời sống tinh thần của bà con từ đời này sang đời khác. Điều đặc biệt ở cây thị là mặc dù quanh năm xanh tốt, cành lá sum sê nhưng thân cây lại hoàn toàn rỗng. Lòng rỗng của cây đã từng là cứ địa cách mạng trong suốt thời kỳ kháng chiến.

Làng Phước Tích bên dòng sông Ô Lâu.

Cây thị linh thiêng mang trong mình những câu chuyện kỳ bí khiến bao người sợ hãi nhưng với những chiến sĩ Việt Minh thời chống Pháp và du kích ta trong kháng chiến chống Mỹ, cây thị lại là ngôi nhà ấm áp, an toàn chở che và bao bọc họ trước sự truy đuổi ráo riết của kẻ thù. Đó chính là một biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, một sức vươn lên ngạo nghễ giữa đất trời mà không bom đạn nào có thể hủy diệt. Để hàng trăm năm qua đi, ngôi miếu cổ vẫn nép mình dưới tán lá như một minh chứng cho sự trường tồn thiêng liêng.

Những bức tường rêu phong và loang lổ màu gạch đỏ của ngôi miếu cổ khiến cho không gian càng thêm u tịch và trầm mặc. Phía trước miếu có khắc 3 chữ Hán “Hiển Linh Miếu” bằng lối đại triện. Tường miếu bên trong có khắc một chữ “Thọ” theo lối đại tự. Bình phong miếu trang trí hình chim phụng đắp nổi, có gắn những mảnh sứ cổ có chữ “song hỷ”. Hai bên phù điêu chim phụng là hai ô hộc tạo hình chữ song hỷ.

Có lẽ khi tạo lập bình phong miếu cây thị, người dân Phước Tích đã đưa biểu tượng song hỷ vào đây với ý cầu mong nữ thần phù hộ cho con dân trong làng luôn đỗ đạt, gặp may mắn và hạnh phúc trong hôn nhân gia đình. Hai cổng ra vào rất thấp, khoảng 1,3 mét. Theo người trong làng cho biết, sở dĩ cánh cổng thấp như vậy là chủ ý khiến ai đi vào đều phải cúi đầu thể hiện sự tôn kính với nữ thần.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian, cây thị hàng trăm năm và ngôi miếu cổ chính là nhân chứng lịch sử sống động ghi dấu những đổi thay và phát triển của đời sống bao lớp người dân làng Phước Tích. Hằng năm, cứ đến ngày 16-1 âm lịch, người dân làng Phước Tích lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ những người đã có công khai khẩn ngôi làng và bày tỏ sự tôn kính của mình với ngôi miếu và cây thị linh thiêng.

Khác với vẻ hoang sơ và rậm rạp của hệ cây xanh trong làng là những hàng chè tàu được người dân trồng thẳng tắp và cắt tỉa gọn gàng. Có thể thấy, đây cũng là một nét đặc trưng riêng có của Phước Tích so với nhiều làng quê khác. Người Phước Tích trồng chè tàu thành hàng rào để ngăn cách nhà này với nhà kia. Nhưng hàng rào chỉ cao đến hông người lớn, để hàng xóm có thể nhìn sang nhà nhau, tạo nên sự thân thiện và gần gũi. Đó là kiểu cấu trúc và tổ chức không gian điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung bộ, cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn, nhà vườn.

Vì vậy, điểm nhấn giữa không gian xanh ấy chính là những ngôi nhà rường cổ kính hằn in dấu vết thời gian. Nghe trong từng thớ gỗ, từng cái kèo cái cột, từng mảnh ngói rêu phong những tiếng thở rất khẽ của thời gian. Những xưa cũ ùa về trong ngôi nhà cổ đong đầy năm tháng thịnh suy của cuộc đời, thời thế. Ngôi nhà trầm mặc như Huế tự rất xưa, vẫn khiêm nhường nép dưới bóng lá xanh như quay lưng lại với những náo nhiệt, bộn bề của một thời mở cửa.

Sản phẩm gốm Phước Tích cổ trong bảo tàng của ông Lê Trọng Diễn.

Trước cửa chính và trong khuôn viên nhà thường có bình phong và bể cạn. Cụm kiến trúc này không chỉ thể hiện yếu tố tâm linh và phong thủy mà còn cho thấy tình yêu thiên nhiên của con người. Sự đa dạng của hệ cây xanh trong vườn và sự ngăn nắp trong việc bố trí, sắp đặt cho thấy sự tinh tế trong gu thẩm mỹ và lối sống giản dị, yên bình của người dân nơi đây. Hầu hết nhà rường ở Phước Tích đều quay mặt ra dòng Ô Lâu.

Sông Ô Lâu đoạn chảy qua làng cổ Phước Tích uốn lượn êm đềm, mềm mại như dải lụa, đem lại vẻ thơ mộng và sự trù phú xanh mướt cho ngôi làng này. Từ bao đời nay, dòng Ô Lâu vẫn giữ được nét xưa vốn có, vẫn một màu xanh thẳm của thời gian. Dòng sông vẫn âm thầm nghiêng mình cho lũy tre soi bóng, vỗ về những con đò nhỏ thường hay qua lại và vẫn lặng lẽ chảy vào tâm hồn mỗi người dân nơi đây như là chứng nhân trước những đổi thay của thời thế cũng như thân phận mỗi con người.

Những trầm tích văn hóa

Sông Ô Lâu nối với làng Phước Tích qua những bến nước. Khi nghề gốm Phước Tích ở thời kỳ cực thịnh, cả làng có 12 bến nước quanh làng. Giờ đây, nhiều bến nước đã không còn dấu vết. Trên con đường chính của làng, thi thoảng lại xuất hiện một vài bến nước. Hình ảnh thân quen ấy khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi, lặng nhớ về một thời hoàng kim của làng nghề.

Không như nhiều vùng quê khác, làng Phước Tích vốn không có ruộng để trồng trọt. Người dân làng xưa sống bằng nghề gốm. Sản phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi bởi độ bền, bóng mịn và tinh xảo.

Vào thời kỳ cực thịnh, làng Phước Tích có hơn chục lò gốm. Những lò gốm không bao giờ tắt lửa đem đến sự giàu có và tiếng tăm cho người dân nơi đây. Các sản phẩm gốm Phước Tích được đưa đi tiêu thụ khắp miền Trung và còn được chọn để tiến vua. Nổi tiếng nhất là những chiếc om ngự để vua ăn cơm. Vì thế mà dân gian có câu ca rằng:

Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế

Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân.

Như bao cuộc thịnh suy trong lịch sử, về sau gốm Phước Tích rơi vào cảnh suy tàn. Sản phẩm không cạnh tranh được với hàng công nghiệp về số lượng, mẫu mã cũng như sự tiện dụng. Các lò gốm chính thức tắt lửa vào cuối những năm thập niên 1980 trong sự tiếc nuối và hụt hẫng của bao người. Để bây giờ, đến Phước Tích, ta thấy dấu tích của nhiều lò gốm bỏ hoang, bị cỏ cây phủ kín sau một thời gian dài dừng hoạt động. Quá khứ vàng son chỉ còn là hoang phế, ánh hào quang đã tắt chỉ còn là “vang bóng một thời”.

Lưu lại những vàng son

Là một thợ gốm dành cả đời lăn lộn với nghề, ông Lê Trọng Diễn không đành lòng trước cảnh làng nghề tắt lửa. Bằng tâm huyết cá nhân, ông đã biến ngôi nhà rường cổ kính của gia đình thành một “bảo tàng gốm” với mong muốn làm sống lại và lưu giữ những khoảnh khắc vàng son của một thời. Hiện bảo tàng gốm của ông Diễn là bộ sưu tập duy nhất có đầy đủ mẫu mã nổi tiếng của gốm Phước Tích thời hoàng kim.

Bình gốm Phước Tích luôn có uy tín và hấp dẫn khách hàng.

Các lò gốm ở Phước Tích được đắp bằng đất đỏ và thường được đặt ven bờ Ô Lâu để tiện cho sự giao thương. Lò gốm dài chừng 30 mét, có dáng hình bầu như bụng cóc nên gọi là “lò cóc”. Mái che lò làm bằng khung tre hình và được lợp bằng tranh. Sự độc đáo của mô hình lò gốm này là một trong những điều hấp dẫn của tour du lịch trải nghiệm nghề gốm Phước Tích.

Hiện nay quy trình chế tác gốm cổ Phước Tích được phục dựng lại và trở thành một sản phẩm du lịch. Gốm Phước Tích cổ được sản xuất theo phương pháp thủ công, tạo hình sản phẩm bằng tay và bàn xoay. Để phục vụ nhu cầu của du khách, gốm Phước Tích được cải tiến, đa dạng hóa về mẫu mã và họa tiết. Sự kết hợp giữa phương pháp thủ công và sự tự do sáng tạo cá nhân sẽ đem lại cảm giác thích thú cho mỗi du khách.

Đến với Phước Tích, ta sẽ có cảm giác tách biệt hoàn toàn với cuộc sống hối hả và ồn ào thường nhật. Những con ngõ quê rợp bóng cây xanh như dẫn ta đi vào một cõi riêng bình lặng. Ở đó, từ những nếp nhà vàng nâu, những bức tường rêu phong cho đến những cây cổ thụ rậm rạp đều mang vết dấu trăm năm của thời gian.

Cái khoảnh khắc đó dễ khiến tâm hồn ta lắng lại, chỉ còn cảm giác tha thiết với thiên nhiên, cây cỏ và con người dân dã, chân quê. Nếu có lần đi qua Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, bạn đừng quên ghé thăm ngôi làng cổ kính này để được hòa mình vào một dáng xưa rất Huế.

Trung Thành

.
.