Nỗi niềm làng cổ Phước Tích!

Thứ Tư, 02/05/2018, 08:02
Làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) được công nhận là Di tích cấp Quốc gia từ năm 2009. Thế nhưng kể từ đó đến nay, ngôi làng cổ tuyệt đẹp thuộc vào loại bậc nhất miền Trung lại chưa được quan tâm đầu tư để khai thác tiềm năng du lịch tương xứng với giá trị di sản vốn có của nó...


Dịp Festival Huế 2018 này, làng cổ Phước Tích đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm khi nơi đây diễn ra lễ hội “Hương xưa làng cổ”. Con đường dẫn vào làng rợp bóng cây cổ thụ xanh mát với những căn nhà rường nằm san sát bên nhau quay mặt hướng ra dòng Ô Lâu hiền hòa tạo nên vẻ đẹp cổ kính khó nơi nào có được. 

Tìm hiểu được biết, làng cổ Phước Tích hiện còn lưu giữ được 26 nhà rường cổ, 12 nhà thờ họ và 13 điểm di tích khác như chùa Phước Bửu, miếu bà Liễu Hạnh, miếu cây thị, lò gốm, cồn Trèng… Mặc dù có tiềm năng và nhiều lợi thế, song việc khai thác du lịch ở làng cổ Phước Tích vẫn còn rất khiêm tốn. 

Theo người dân địa phương, chỉ vào dịp Festival, khi làng cổ Phước Tích tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ lễ hội thì du khách mới đổ về đây để vui chơi, tham quan; còn những ngày thường hoặc các dịp lễ, Tết, lượng khách đến với ngôi làng cổ này rất ít.

Thiếu dịch vụ và sản phẩm du lịch khiến lượng khách tham quan làng cổ Phước Tích hạn chế.

Chúng tôi men theo hàng chè tàu xanh mướt dẫn lối vào ngôi nhà rường 3 gian 2 chái có tuổi thọ hơn 100 năm tuổi do vợ chồng ông Hồ Văn Diên (65 tuổi, ở làng cổ Phước Tích) làm chủ. Ông Diên cho hay, để phục vụ du khách nên ngoài các dịp lễ, ngày thường gia đình ông đều mở cửa… chờ khách đến nhưng có thời điểm cả tuần lễ mới có 1 đoàn vào tham quan. 

“Vào dịp lễ hội Festival thì chúng tôi đón hơn 10 đoàn khách trong và ngoài nước mỗi ngày nhưng ngày thường thì rất hiếm có khách đến. Sắp tới, gia đình được tỉnh hỗ trợ kinh phí 700 triệu đồng để trùng tu các hạng mục xuống cấp, cải tạo lại sân vườn, trồng thêm cây xanh để tạo khoảng không gian xanh cho nhà cổ nhưng không biết có thu hút được nhiều du khách đến tham quan không”, ông Diên trăn trở. 

Cũng như nhiều đoàn khách khác đến với làng cổ Phước Tích, bà Nguyễn Thị Mai đi cùng nhóm 10 người bạn từ tỉnh Quảng Trị vào tham gia lễ hội “Hương xưa làng cổ”, đã tỏ ra bất ngờ khi bên dòng sông Ô Lâu vẫn còn tồn tại ngôi làng với những căn nhà rường cổ kính, độc đáo. 

“Chúng tôi cảm nhận được vẻ cổ kính, trầm mặc và nên thơ của làng cổ nơi đây. Tuy nhiên, chỉ tiếc là làng cổ vẫn chưa có các dịch vụ phục vụ du khách, sản phẩm du lịch còn quá ít… nên sau khi tham quan chúng tôi đành rời đi”, bà Mai bày tỏ.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý làng cổ Phước Tích cho biết, làng cổ có gần 30 căn nhà rường cổ thì đã có 7 nhà rường  được trùng tu và trong năm 2018 tiếp tục có 8 nhà rường được phê duyệt kinh phí trùng tu từ 400-700 triệu đồng/nhà theo đề án “Chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế. 

Theo ông Thắng, ngoài bảo tồn nhà rường, thời gian qua, đơn vị cùng các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực xây dựng nhiều dịch vụ du lịch như homestay, chèo thuyền trên sông Ô Lâu, trải nghiệm làm nghề gốm và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật vào dịp lễ hội Festival. Thế nhưng, lượng du khách đến với làng cổ Phước Tích vẫn còn rất khiêm tốn. 

“Dù các đơn vị đã nỗ lực phối hợp quảng bá, tổ chức kích cầu du lịch trong thời gian dài nhưng vì làng cổ Phước Tích nằm ở địa bàn cách trở với TP Huế đến 45km. Bên cạnh đó, làng cổ chưa hình thành các tour tuyến kết nối với làng nghề và các điểm đến để du khách trải nghiệm nên phần lớn du khách đến với Phước Tích chỉ dừng lại ở mức tham quan. Điều này khiến chúng tôi vô cùng trăn trở bởi tiềm năng, lợi thế của làng cổ Phước Tích sẽ bị bỏ phí…”, ông Thắng trải lòng.

Theo thống kê, năm 2017, làng cổ Phước Tích đón 2.700 khách đến tham quan thông qua đặt tour với Ban Quản lý làng cổ Phước Tích. Ngoài ra, dịp lễ hội “Hương xưa làng cổ”, Festival Huế 2018, làng cổ đón khoảng 50 ngàn lượt khách. 

Các chuyên gia du lịch cho rằng, đến khi nào làng cổ Phước Tích hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng và được liên kết các tour tuyến, các làng nghề truyền thống, khu nghỉ dưỡng lân cận nhằm tạo sự kết nối liên hoàn thì lúc đó mới hấp dẫn, cuốn hút du khách. Tuy nhiên, đây là một bài toán vẫn còn rất nan giải.

Anh Khoa
.
.
.