Những người giữ hồn Trung Thu truyền thống

Thứ Năm, 20/09/2018, 11:28
Mặt nạ giấy bồi, đèn lồng, “tiến sĩ giấy”... từng gắn bó với biết bao thế hệ người Việt với những sự tích, câu chuyện của riêng mỗi món đồ chơi. Nhưng trước sự phát triển của xã hội, những món đồ chơi truyền thống này ngày càng bị mai một.

Nhiều người chỉ còn nhớ đến chúng như một món đồ chơi trong kí ức tuổi thơ mà quên đi những câu chuyện của riêng nó. Để rồi cho đến hiện tại, chỉ còn lại một vài người thợ già vẫn miệt mài làm đồ chơi truyền thống, để lưu giữ tinh hoa, để “giữ hồn” cho những món đồ đó không bị chìm vào dĩ vãng.

Từ mặt nạ giấy bồi

Nói đến đồ chơi Trung Thu truyền thống, không thể không nhắc đến mặt nạ giấy bồi, một trong những món đồ chơi rẻ tiền với những khuôn mặt từng khiến biết bao đứa trẻ phải mê mẩn khi được cầm trên tay. Trong căn gác rộng chưa đầy 15m2 ở ngõ 73 phố Hàng Than, có một đôi vợ chồng đã bước qua tuổi lục tuần vẫn đang ngày đêm làm những chiếc mặt nạ như vậy để bán vào dịp lễ Trung Thu. Họ cũng là những nghệ nhân cuối cùng của phố cổ vẫn còn giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi.

Chúng tôi đến gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa (64 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (60 tuổi) trong một ngày bận rộn làm việc khi tết Trung Thu đã tới gần. Có lẽ, cũng vì thế mà trong căn nhà chật hẹp ấy, mặt nạ được phơi la liệt từ lan can, mái tôn cho đến khoảng hành lang chỉ rộng hơn 1m.

Ông Hòa tô màu lên chiếc mặt nạ.

Nhìn sự rón rén của chúng tôi khi bước vào đây, bà Lan cười nói: “Cứ đến mùa Trung Thu là thế đấy, mọi chỗ trống trong nhà đều chỉ dùng để làm và chứa mặt nạ. Căn nhà đã nhỏ nay càng nhỏ hơn. Nhưng chúng tôi làm như thế cũng mấy chục năm rồi nên cũng quen, đi lại cũng chẳng thấy vướng víu gì”.

Nói về công việc của mình, bà Lan kể, đây là nghề “cha truyền con nối” mà bà đã được học từ những năm lên 10. Thời điểm đó cũng đã cách đây 50 năm. Mỗi khi đến dịp Trung Thu, ở phố cổ Hà Nội treo la liệt các loại mặt nạ với nhiều tạo hình các nhân vật dân gian khác nhau như ông Địa, Thị Nở, chú Tễu... Nghề này khi đó với bà Lan không chỉ là một công việc kiếm ra tiền mà còn là sự yêu thích, sự tò mò bởi mỗi chiếc mặt nạ lại có một câu chuyện của riêng nó.

Dần dần, từ việc là một “nghề”, làm mặt nạ giấy bồi đối với vợ chồng bà Lan lại trở thành cái “nghiệp” bởi sau nhiều năm tháng nuôi sống gia đình 4 người của hai vợ chồng, nghề này lại chẳng được mấy ai ưa chuộng. Trong phố cổ, dần dần người ta bỏ nghề để đi theo những công việc khác dễ kiếm tiền cũng đỡ vất vả hơn. Để rồi, cho đến hiện tại, chỉ còn vợ chồng bà Lan “cô đơn” lưu giữ một kí ức đẹp của đất Hà Thành.

Nói về quy trình làm một chiếc mặt nạ, bà Lan cho biết, các dụng cụ cần để làm ra nó là khuôn đúc bằng xi-măng cùng giấy vở đã qua sử dụng, giấy bìa, bột sắn và màu vẽ. Bắt đầu công đoạn làm một chiếc mặt nạ là chọn bột sắn để nấu hồ rồi lựa chọn những tờ giấy báo cũ, xé nhỏ, xếp chồng vào khuôn đúc từ 5-6 lớp để tạo hình và phết hồ.

Sau một thời gian nhất định, phôi trong khuôn đã cứng, đủ độ sắc nét thì được tách khỏi khuôn rồi đem phơi khô. Cuối cùng là công đoạn sơn trang trí cho từng mẫu theo từng nhân vật với khuôn mặt khác nhau. Đây cũng là công đoạn khó nhất trong quá trình làm mặt nạ giấy bồi.

“Làm cái nghề này là phải dành hết tâm trí, tình yêu cho nó thì mới làm ra được một sản phẩm đẹp. Để có một sản phẩm có hồn, thể hiện được tính cách nhân vật trên chiếc mặt nạ thì người làm phải dồn công sức rất nhiều, phải tỉ mỉ với từng nét vẽ. Mặt nạ phơi khô thì vẽ không được vội vàng, vẽ vội sẽ làm nét vẽ không chuẩn và coi như hỏng. Làm mặt nạ giấy bồi tưởng dễ nhưng lại hết sức vất vả mà lại không thể kiếm được nhiều tiền. Có lẽ vì thế mà nhiều người bỏ nghề...”, bà Lan tâm sự.

Sau hàng chục năm theo nghề, từ nghề phụ đã chuyển thành nghề chính của vợ chồng bà Lan bởi nó không chỉ là một sản phẩm đơn thuần mà còn là một thương hiệu truyền thống, gắn liền với những kí ức của người dân phố cổ, người dân Hà Thành. Mỗi dịp Trung Thu, khi nhắc đến mặt nạ giấy bồi, những người buôn bán đồ chơi không ai không biết đến sản phẩm của vợ chồng ông Hòa, bà Lan.

Cũng nhờ thương hiệu ấy mà vào mỗi mùa Trung Thu, sản phẩm của nhà bà Lan được nhiều người đến hỏi mua để mang đi khắp các miền Tổ quốc. Bà Lan cho biết, mỗi ngày vợ chồng bà chỉ làm được khoảng 15 chiếc mặt nạ, mỗi chiếc được bán với giá 30 ngàn đồng và không tăng giá cho dù là đúng dịp tết Trung Thu.

Bà Lan đem phơi những chiếc mặt nạ.

Nhưng vào những ngày tết Nguyên Đán hay tết Trung Thu, số lượng người mua tăng lên bởi có nhiều người muốn tìm hiểu về văn hóa, đến tận nơi xem ông bà làm mặt nạ rồi mua về làm kỉ niệm. Vào những thời điểm này, lái buôn muốn mua hàng phải đặt trước cả tháng bởi số lượng có hạn.

Đến đèn lồng Trung thu

Giống như gia đình bà Lan, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (làng Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức) cũng đang bận rộn chuẩn bị các sản phẩm đồ chơi truyền thống. Chỉ có một điều khác, đó là các sản phẩm của nhà bà Tuyến làm đa dạng hơn như đèn ông sao, tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng...

“Để có thể làm một chiếc đèn ông sao theo đúng truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn cây nứa thật tốt, thật dẻo rồi mới đến công đoạn cắt, dán. Nứa phải chọn loại nứa bánh tẻ, đốt dài thì mới có độ dẻo và dễ uốn khi chẻ thành nan dùng làm đèn. Sau khi chọn được nứa tốt, phải chặt thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi để chống mọt”, bà Tuyến cho biết.

Ngoài đèn ông sao, “tiến sĩ giấy” và “ông đánh gậy trông trăng” là hai món đồ chơi truyền thống ít người còn nhớ. Như đã nói, mỗi món đồ chơi Trung Thu truyền thống đều có câu chuyện của riêng nó và hai món đồ chơi trên cũng như vậy.

“Ông đánh gậy trông trăng là món đồ chơi ít thấy. Khi kết hợp hai ông đánh gậy với một ông tiến sĩ sẽ thành một bộ quan và lính. Thậm chí là đến món đồ chơi tiến sĩ giấy cũng được phân chia cấp bậc to nhỏ khác nhau. Bộ to thì là ông nghè còn bộ nhỏ thì chức quan nhỏ hơn. Ông mặc áo màu đỏ có tước vị cao hơn những ông mặc áo xanh. Đây là món đồ chơi thể hiện niềm hy vọng đỗ đạt cho con cái...”, bà Tuyến giải thích.

Ngôi làng Hậu Ái, nơi bà Tuyến sinh sống, cũng từng nổi tiếng về làm đồ chơi Trung Thu nhưng cho tới nay chỉ duy nhất bà còn theo nghề. Mừng thay là cho đến nay, những sản phẩm bà Tuyến làm ra vẫn được nhiều người ưa thích bởi chúng luôn được cải tiến cho phù hợp với thị trường nhưng phong cách làm vẫn cổ truyền như vậy. Ngoài đèn ông sao, bà Tuyến còn làm thêm các loại đèn mới như con hươu, con cá... để thu hút sự chú ý của các em nhỏ.

Mặc dù lượng khách hàng không ít nhưng mỗi sản phẩm làm ra lời lãi cũng không được bao nhiêu, thu nhập không đáng kể. Tuy nhiên, nói về lý do theo nghề, bà Tuyến cười cho biết: “Tôi làm một phần vì giữ nghề, một phần vì nhìn thấy niềm vui của bọn trẻ khi tìm hiểu ý nghĩa của từng món đồ chơi. Năm nay tôi cũng được mời đến Bảo tàng Dân tộc học để hướng dẫn làm đèn ông sao cho các cháu. Đó cũng là một niềm vui mà người còn làm nghề như chúng tôi mới có được”.

Và nỗi lo mất nghề

Khi được hỏi về lý do trẻ em thời nay không còn hứng thú với đồ chơi truyền thống, bà Tuyến cho rằng, có lẽ chính các phụ huynh cũng không còn nhớ, không còn hiểu để mà kể cho các con nghe về các sự tích, câu chuyện gắn liền với những món đồ chơi nên các cháu không thích thú. Thay vào đó, các em nhỏ lại được tiếp xúc với các món đồ công nghệ từ sớm, hiểu được các món đồ chơi điện tử thể hiện cho một nhân vật nào đó trong các đoạn phim đã xem nên mới thích.

“Khi tôi hướng dẫn cho các cháu nhỏ tự làm lồng đèn rồi kể câu chuyện về lồng đèn thì các cháu tỏ ra rất thích, rất trân trọng món đồ chơi mình làm ra”, bà Tuyến tâm sự.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một số ít những đứa trẻ được bố mẹ cho tiếp xúc với những món đồ chơi truyền thống một cách cặn kẽ đến như vậy. Còn phần lớn các phụ huynh mua tặng con trẻ những món đồ chơi truyền thống chỉ vì đó là món đồ chơi yêu thích trong tuổi thơ của họ, nó chỉ là một món quà tặng mà những đứa trẻ rất nhanh chán so với các món đồ chơi điện tử thông minh. Cũng vì thế, bà Tuyến luôn có một nỗi lo nghề làm đồ chơi truyền thống này của mình sẽ có ngày mai một.

Những món đồ chơi điện tử thu hút các cháu nhỏ.

Cùng nỗi lo ấy với bà Tuyến, vợ chồng bà Lan khi nhắc đến chuyện gìn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống thì đều thở dài. Bởi chỉ nhìn sự thay đổi qua năm tháng, mỗi năm người mua đã ít, người bán cũng thưa dần. Đâu còn một thời hoàng kim hàng làm đến đâu cũng hết.

“Trẻ con khi đó cứ đến tết Trung Thu lại mua mặt nạ giấy bồi và đèn kéo quân để đi chơi trăng. Nhưng giờ các cháu chỉ thích những món đồ chơi hiện đại bởi chúng đâu hiểu được ý nghĩa trong từng chiếc mặt nạ thế nào. Tôi không lo mặt nạ không bán được mà chỉ lo rằng đến một ngày, người ta không còn nhớ đến món đồ chơi này nữa. Vợ chồng tôi chỉ hy vọng cái nghề gắn bó với hai vợ chồng suốt hàng chục năm này sẽ sống mãi và có cơ hội phát triển nếu được quan tâm, bảo tồn”, bà Lan cười buồn nói.

Quả thật, dạo một vòng qua Hàng Mã, con phố bán đồ chơi Trung Thu lớn nhất Hà Nội, có thể thấy rõ ràng sự lép vế của đồ chơi truyền thống trước những món đồ chơi điện tử, đồ chơi thông mình hay thậm chí là những món đồ chơi mang đậm chất văn hóa phương Tây như mặt nạ phù thủy, kiếm ánh sáng...

Khi được hỏi về các món đồ chơi truyền thống, nhiều phụ huynh đang dẫn con đi chơi tại đây đều lắc đầu không hiểu, không biết về ý nghĩa, câu chuyện của những món đồ chơi này. Như vậy, việc những đứa bé chỉ đòi bố mẹ mua các món đồ chơi chạy pin xuất xứ Trung Quốc như máy bay, chó cứu hộ, Lego... những thứ mà các em biết, xem hằng ngày cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, việc bảo tồn một nghề truyền thống như làm đồ chơi Trung Thu không bị mai một cũng còn phải gặp nhiều thách thức. Bởi theo các chuyên gia, một loại hình văn hóa dân gian như vậy muốn trường tồn thì phải có làng nghề để bảo tồn. Nhưng việc bảo tồn ấy cũng phải có sự chọn lọc và có hướng phát triển phù hợp với nhu cầu của xã hội. Như vậy, nỗi lo mất nghề của các nghệ nhân như vợ chồng bà Lan hay nhà bà Tuyến cũng không phải là vô lý. Bởi lẽ, họ đang hoạt động một cách đơn độc. Họ chỉ đang giữ nghề bằng cái tâm và sự đam mê với những món đồ chơi truyền thống.

Phong Lê
.
.
.