Những đứa trẻ đón Noel ở K3

Thứ Ba, 27/12/2016, 10:55
Trời lại một đợt chuyển gió đông bắc, cái lạnh se sắt báo hiệu ngày Noel. Trong không khí tưng bừng và hoan hỷ rộn ràng đó thì những đứa trẻ ở Bệnh viện K (Bệnh viện U Bướu Trung ương) cơ sở 3 (K3) ở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội lại đang vật vã với những cơn đau hành hạ. Lại một mùa Noel các em đón không khí Giáng sinh trong bệnh viện.

Trên tầng 3 của khu bệnh viện, tầng dành cho ung thư trẻ em. Tôi bước vào căn phòng số 2, trước mắt tôi, ở góc phòng, sát tường 2 cậu bé độ 4, 5 tuổi có khuôn mặt hiền khô cùng ngồi trên giường cánh tay vẫn đang truyền dịch, đầu giường vài lọ thuốc lỉnh kỉnh. Cậu bé lớn có khuôn mặt buồn thỉnh thoảng lại thở dài rồi như mệt, em nằm xuống, đưa ánh mắt buồn bã nhìn vào hư không. Cậu bé nhỏ xem chừng “ngây thơ” hơn, đôi mắt trong veo, thi thoảng lại gục đầu vào vai mẹ tủm tỉm cười. Người phụ nữ trẻ không giấu nổi vẻ thảng thốt trên khuôn mặt, dáng vẻ tiều tụy, bằng chứng của nhiều đêm mất ngủ.

Cậu bé 4 tuổi đang gục đầu vào vai mẹ tên là Nguyễn Hồng Phong. Em vào K3 đã được 2 tuần. Mẹ em là Hoàng Thị Hồng, ở thôn Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Hai vợ chồng đều làm ruộng, Phong là con đầu lòng, dưới Phong còn có một em gái 2 tuổi. Một hôm khi ở ngoài đồng về, chị chợt thấy con mình sao da cứ vàng như củ nghệ nhạt màu, bỏ ăn, trong một tuần mà cháu gầy đi trông thấy.

Trong nỗi tuyệt vọng chị Thủy lo lắng cho con của mình bị ung thư di căn.

Chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, rồi từ Bệnh viện Nhi được bác sĩ giới thiệu sang Bệnh viện Việt Đức. Sau khi các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức khám đưa ra kết luận cháu bé bị u nguyên bào và di căn thận, có lẽ, người mẹ đã hiểu khi mắc căn bệnh ung thư lại di căn thì kết quả sẽ thế nào. Mỗi lần nói đến bệnh tình của con, chị không kìm được những giọt nước mắt. Nhưng chị lo sợ nhất rồi đây những cơn đau sẽ hành hạ con mình, một đứa trẻ mong manh thế này làm sao chịu đựng?

Chị muốn chịu những cơn đau thay con nhưng làm sao có thể được. Phong mới 4 tuổi, em thấy thỉnh thoảng mắt mẹ đỏ hoe thì lại gục đầu vào vai mẹ, nói: “Mẹ ơi, tại sao mẹ lại khóc?”. Rồi em lấy tay vuốt má mẹ bảo: “Mẹ đừng khóc nhé, Phong yêu mẹ nhất”.

Cũng trên giường với Phong là cậu bé 5 tuổi Nguyễn Đình Dũng có khuôn mặt đăm chiêu nghĩ ngợi, chân tay gầy gò đến độ xót xa. Dũng hỏi bà nội những câu sao mà se sắt: “Bà ơi, bao giờ con chết hả bà? Con chết bà có thương con không?” hay: “Bà ơi, lúc con chết, bà mua cho con một cái quan tài, bà một cái quan tài, thế là mình được ở cạnh bố. Ba người ba cái quan tài suốt ngày được ở cạnh nhau, bà nhỉ?”. Bà chẳng nói gì, đôi mắt của người già đỏ hoe, nhòe nước.

Nghe em nói thế tôi gai hết người. Tôi bảo với em: “Làm sao con nói như thế. Con sẽ phải chữa bệnh để rồi sang năm vào lớp 1 chứ”. Đứa trẻ im lặng thở dài nhìn vào hư không. Em là một đứa trẻ có số phận và tính cách đặc biệt. Bà của em tên Đặng Thị Mỹ, nhà ở xóm 13, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Rồi bà kể cho tôi nghe về câu chuyện buồn của mình và người cháu nội.

Cũng trong năm đó, em ra đời vào đầu năm, vừa được 11 tháng, đến cuối năm bố em chết trong một vụ TNGT, hưởng dương 35 tuổi. Em sống cùng ông bà nội và mẹ trong căn nhà nhỏ của ông bà. Từ ngày mẹ em sinh em ra, chưa một ngày nào bà hết lo lắng cho số phận đứa cháu nội duy nhất trong nhà. Đã bao đêm bà trằn trọc trăn trở vì câu hỏi đấy.

Chồng bà đi chiến trường trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Từ chiến trường trở về, ông bị nhiễm chất độc hóa học dioxin mà máy bay Mỹ đã rải xuống mảnh đất này. Đất nước thống nhất, bà lần lượt sinh 4 người con. Người con đầu bị nhiễm chất độc da cam từ chồng bà, chỉ sống được 5 tuổi rồi mất. Đến người con trai thứ hai là ba của Dũng. Ba Dũng lúc sinh ra thì bình thường, mãi đến năm 25 tuổi mới phát bệnh.

Hồi nhỏ ba của Dũng học giỏi, luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập, học Đại học Kỹ thuật Vinh. Một hôm, anh bị đau đầu, rồi trí nhớ trở nên sút kém và có biểu hiện về thần kinh, đi khám bác sĩ kết luận anh bị nhiễm chất độc dioxin từ bố. Khi con trai được 11 tháng thì anh cũng ra đi. Người con trai thứ ba của bà mất năm 2005, vừa tròn 20 tuổi. Anh đi bộ đội làm công trình quân sự quan trọng của Bộ Quốc phòng, và hi sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ.

Sau khi mất, anh được Nhà nước phong danh hiệu liệt sĩ. Hiện nay, nhà bà có chồng bà được hưởng chế độ chất độc da cam và hưởng chế độ liệt sĩ của người con thứ ba. Trước đây, khi ba của Dũng còn sống cũng được hưởng chế độ chất độc da cam nhưng từ ngày mất thì không còn được hưởng nữa.

Mẹ Dũng làm công nhân, lương thấp, nên Dũng chủ yếu được ông bà nội chăm sóc và nuôi nấng. Ông nội rất thương cháu, di chứng nhiễm chất độc dioxin khiến cho những ngày trái gió trở trời là ông lại bị cơn đau đầu và đau người hành hạ. Bàn tay có 5 ngón tay thì đến 3 ngón co rút lại, không thể tự điều khiển.

Ông rất thương Dũng vì thằng bé chịu thiệt thòi mất bố. Ông muốn bế cháu đi chơi loanh quanh xóm nhưng không dám vì sợ làm rơi cháu, mỗi lần muốn âu yếm thằng bé là ông phải ngồi lên giường ôm chặt cháu trai vào lòng, ở dưới kê mấy cái chăn đã cũ, vì nếu có rơi ngã thì thằng bé chỉ rớt xuống chăn.

Dũng từ nhỏ đã thích ăn chay, không chịu ăn thịt và hằng ngày theo bà nội lên chùa. Ở chùa có di ảnh của bố và chú. Em bảo với bà: “Bà ơi, con thích nhà mình có nhiều tiền để con mua một cái tàu hỏa chở tất cả mọi người trong làng lên chùa”. Dũng còn nhỏ tuổi mà suy nghĩ cứ như ông cụ non. Tết năm ngoái mới có 4 tuổi em bảo với bà nội: “Bà ơi, năm nay tiền mừng tuổi của con, bà trích ra 200 ngàn biếu các ông đội người cao tuổi trong làng bà nhé”. Nghe lời cháu bà làm theo, các cụ ai cũng bảo thằng nhỏ tí tuổi đầu mà biết nghĩ.

Dũng mới vào điều trị trong Bệnh viện K3 được 20 ngày. Bà bảo: Đầu tiên thằng bé sút cân, đau bụng, rồi nôn ra máu. Khi nhìn thấy cháu nôn ra máu bà đã linh cảm thấy chuyện chẳng lành. Khi bác sĩ kết luận Dũng bị u nguyên bào, di căn phổi thì bà cảm thấy tan nát hết cả. Đời làm mẹ của bà đau đớn đã nhiều khi chứng kiến 3 người con của mình lần lượt ra đi. Đến giờ ở tuổi già, bà tưởng có thằng cháu nội để trò chuyện an ủi những mất mát, không ngờ cháu của mình lại mắc bệnh nan y, bà xót xa lắm.

Bé Nguyễn Đình Dũng nằm đau đớn trên giường, bên cạnh là bà nội.

Kể chuyện về cháu, bà không cầm nổi nước mắt. Bà từ quê mới xuống thay cho con dâu được 2 ngày, vì 25-11 âm lịch là ngày giỗ bố của Dũng, con dâu phải về làm giỗ chồng. Dũng bảo với mẹ: “Có bà ở đây với con là được rồi, mẹ về làm giỗ cho bố đi. Con không ốm thì con về nhà cùng mẹ làm giỗ cho bố, rồi cả nhà mình sẽ lại lên chùa”. Dũng khuôn mặt buồn tênh, nhìn vào khoảng không, em bảo với bà: “Bà ơi, con sợ chết như bố lắm. Nhưng nếu chết con lại được gặp bố bà nhỉ”.

Thằng bé nói những câu khiến cho ai nấy nghe thấy đều sợ mà thương lắm. Có lúc thằng bé nói: “Chả biết bao giờ con chết, con còn sống được bao lâu, con chết bà có thương con không?” Nghe đứa trẻ mới có 5 tuổi đầu nói như thế, ai cũng thấy xót lòng. Đứa trẻ 4 tuổi vô tư hơn, gần như không biết gì về căn bệnh nan y đang mắc phải, thỉnh thoảng lại quay ra vuốt chân thằng bé 5 tuổi đang nằm buồn tênh như thể an ủi.

Ở cạnh giường của hai đứa trẻ Phong và Dũng là cậu bé Bùi Nguyên Hưng vừa mới bị cưa chân được hơn 1 tháng. Mẹ em đang lau người cho em, thỉnh thoảng em lại hét lên: “Đau quá. Mẹ ơi, đau...”. Chị Phượng nhà ở Văn Điển, Thanh Trì là mẹ của em Hưng, kể: Hưng năm nay 11 tuổi vừa mới thi lên cấp II. Tháng 7 cháu chưa kịp nhận lớp thì một hôm chị đi làm về thấy con kêu đau chân, chị cứ nghĩ trẻ con ở tuổi đang lớn thì thiếu canxi nên nhức mỏi chân là chuyện bình thường. Chị mua thêm canxi để bồi bổ cho con.

Mấy hôm sau chân con lại sưng lên cục nhỏ như quả táo, chị tưởng thằng bé nghịch ngợm va vào đâu đấy thôi. Mấy hôm sau chỗ sưng to lên bằng quả ổi, cứng lại, thằng bé đi tập tễnh khó nhọc vì đau. Chị đưa con đi khám, chuyển đến mấy bệnh viện, cuối tháng 7 bác sĩ kết luận: con chị bị ung thư xương!

Cái tin quá khủng khiếp đối với vợ chồng chị. Nhà chị chưa hề có tiền sử ai bị ung thư, thằng bé đang lành lặn, khỏe mạnh, hằng ngày còn đá bóng ở ngoài sân, chỉ trong vòng 1 tháng đã có kết luận như vậy. Chị âu sầu nói: “Cả hai vợ chồng đều không thể tin nổi đây là sự thật...”. Nhưng thằng bé càng ngày càng đau nặng hơn, bác sĩ bảo, cần phải mổ cưa chân gấp.

Gia đình chị và ngay cả thằng bé đều không muốn tin và chấp nhận sự thật là thằng bé sẽ mất đi một bên chân. Nhưng rồi 10 ngày sau khối u to lên, mưng mủ vỡ bung ra gây nên những cơn đau đớn vô cùng. Vết thương mổ hơn 1 tháng vẫn chưa lành, thỉnh thoảng chảy dịch gây nên những cơn đau. Có lần đau quá em nói với mẹ: “Con ghét mẹ, mẹ làm con đau”.

Chị hiểu cơn đau hành hạ khiến thằng bé đâm ra nhiều lúc rất khó tính hay cáu gắt. Chị quay mặt đi giấu những giọt nước mắt lăn dài trên má, không để cho con biết, chị bảo: “Bệnh ung thư xương tái phát nhanh, có rất nhiều đứa trẻ sau khi mổ được 4, 5 tháng đã phát bệnh trở lại. Bác sĩ cũng bảo bệnh này không biết sẽ mất khi nào, nhưng thường thì không kéo dài được lâu.

Thương thằng bé lắm, con cứ tưởng cưa chân xong là sẽ khỏi. Có lần thằng bé bảo: Khỏi bệnh con sẽ đến trường nhận lớp, không biết bạn lớp mới trông như thế nào”. Thi thoảng cậu bé lại quay sang mẹ bảo: “Chả biết còn nằm ở đây đến khi nào, con nhớ nhà lắm”.

Chồng chị làm nhân viên bán vé xe buýt, từ tháng 7 nghe bác sĩ kết luận bệnh tình của con, chị ở hẳn nhà chăm sóc con, ở bên con cả ngày lẫn đêm vì chị biết lưỡi hái tử thần chỉ ít lâu nữa thôi sẽ cướp con của chị đi. Như bất kì một người mẹ thương con nào khác, chị muốn ở bên con từng khắc từng giây, chăm sóc con, để mỗi lần con mở mắt ra nhìn thấy đầu tiên chính là mẹ. Có tình yêu biết đâu cơn đau sẽ giảm xuống, vơi đi. Còn chồng chị có nghĩa vụ đi làm để kiếm tiền thuốc thang cho con.

Những đứa trẻ quấn quýt, thân thiết với nhau như anh em một nhà.

Hưng vẫn nằm trên giường, từ ngày bị cưa chân chẳng thể đi lại được. Nằm nhiều khiến em mỏi. Hai đứa nhỏ Phong và Dũng, chốc chốc lại đến đứng cạnh giường của Hưng. Bọn trẻ đồng cảnh ngộ, chúng quấn quýt thân thiết nhau bằng tình cảm rất đỗi trong sáng, ngây thơ.

Bà nội của Dũng bảo: “Mấy anh em yêu quý nhau lắm, rất đoàn kết, có bánh kẹo hay đồ chơi gì đều nhường cho nhau”. Ở góc sát cửa có đứa trẻ khoảng gần 3 tuổi, đầu trơ trụi không còn một sợi tóc, người nhỏ tý, da vàng sậm lại. Mẹ em đang đút cho em ăn.

Chị là Trần Thị Thủy nhà ở xóm 1, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hai vợ chồng chị, vợ chuyên nghề làm ruộng, chồng đi phụ hồ. Ngày anh chị lấy nhau sinh được cháu đầu là bé gái đến giờ 8 tuổi. Sinh con được 2 năm, anh chị phải đi chữa vô sinh mất mấy năm mới sinh ra Quân.

Quân được gần 3 tuổi thì bác sĩ kết luận: U nguyên bào thần kinh giai đoạn IV, di căn xương, tủy, da, não. Ngày đi chữa vô sinh để sinh ra Quân, hai vợ chồng vẫn còn nợ tiền, bây giờ lại chạy chữa cho Quân, hai vợ chồng cũng lại nợ tiền. Tiền nợ từ trước chưa trả hết được thì đã nợ tiếp đến tiền sau, nợ nần chồng chất. Chị Thủy bảo: “Hai vợ chồng gánh nợ để chữa bệnh cho con mà cũng chẳng thể làm gì hơn. Nhìn thấy con sẽ chết mà cha mẹ bất lực không làm gì được”.

Trong căn phòng 6 giường bệnh với 12 đứa trẻ bị ung thư. 2 đứa trẻ chung nhau một giường đơn. Những căn phòng khác cũng kín những đứa trẻ bị ung thư, căn bệnh mà đã mắc phải thì đa phần nằm dưới lưỡi hái tử thần. Những đứa trẻ sáng trong vô tội. Đất nước đã hòa bình nhưng tội ác chiến tranh vẫn còn đó.

Những đứa trẻ trên mảnh đất này nhiễm chất độc da cam và sự sống chỉ tính ngắn ngủi bằng từng ngày. Những đứa trẻ bị ung thư do thực phẩm bẩn, chất độc hại đang hành hạ em trong những cơn đau vật vã thấu xương tủy... Ai sẽ trả công bằng cho các em?

Trần Mỹ Hiền
.
.
.