Nữ cảnh sát cảm hóa phạm nhân bằng tấm lòng

Thứ Năm, 20/12/2018, 11:14
Chúng tôi tìm về với vùng quê Hà Tĩnh, nơi cái nắng đầu đông không còn gay gắt. Những giọt sương mai còn đọng trên từng tán lá hòa quyện cùng tiếng chim ríu rít trong vòm cây gợi nên một khung cảnh bình yên đến lạ. Con đường nhỏ dẫn chúng tôi đến Trại tạm giam của Công an Hà Tĩnh, thấp thoáng sau cánh cổng là dáng người nhỏ nhắn của một nữ cảnh sát đang tận tụy, cần mẫn với công việc của mình.

Đó chính là Thiếu úy Nguyễn Thị Nhung - cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh - một cán bộ trẻ, đầy nhiệt huyết với những đam mê của tuổi thanh xuân.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo hiếu học xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Nhung được biết đến là một tấm gương vượt khó, học giỏi. Ngay từ khi còn nhỏ, chính những con người nơi mảnh đất cằn cỗi này đã hun đúc nên ý chí và nghị lực thép, thôi thúc Nhung ước mơ trở thành một chiến sĩ công an để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Năm 2013, Nhung trở thành sinh viên của Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI. Sau khi tốt nghiệp, Nhung được phân công công tác về Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Cảm hóa con người bằng sự chân thành

Trò chuyện với chúng tôi, Nhung chia sẻ: Phạm nhân đã là những người đang phải chịu trách nhiệm về những lầm lỗi của mình. Và Nhung tin rằng, trong con người họ luôn có phần thiện, nếu chúng ta biết cách khơi dậy tính thiện đó, họ sẽ trở thành một người có ích. Từ tình yêu thương, sự chân thành cùng những kiến thức được học, Nhung hiểu công việc của mình, muốn cảm hóa, giúp các phạm nhân vượt qua lỗi lầm của họ. Và để làm được điều đó, Nhung bảo, trước tiên bản thân phải dành thời gian, sự chân tình để tâm sự, lắng nghe, thấu hiểu phạm nhân.

Là một cán bộ trẻ, ngay từ ban đầu, Nhung gặp phải những khó khăn nhất định. Nhung kể rằng: ngày đầu tiên đứng lên bục tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các phạm nhân, ở dưới đã nghe xì xào “mặt búng ra sữa” thế kia thì tuyên với truyền gì. Nhung thoáng lo lắng nhưng sau đó lấy lại được bình tĩnh và cứ thế dần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Giáo dục trong trại giam không đơn giản như ngoài xã hội, đây thực sự là một công việc khó khăn.

Chính vì thế, cần phải tạo được tâm lý ổn định cho những phạm nhân, phải gần gũi trò chuyện để hiểu được khó khăn mà họ đang gặp phải. Cùng với đó, tìm phương pháp tốt nhất, phối hợp với các bộ phận khác cùng nhau tiến hành giáo dục họ. Dần rồi cũng thành quen, Nhung trở thành một cán bộ trẻ nhưng đầy kinh nghiệm và nhiệt tình trong công việc.

Thiếu úy Nguyễn Thị Nhung luôn quan tâm, gần gũi các phạm nhân.

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình

Theo chân cán bộ Nhung, chúng tôi tìm đến nơi ăn ở và sinh hoạt của các phạm nhân trong phân trại. Trong khuôn viên cải tạo là khung cảnh lao động khá thanh bình với những phạm nhân đang chăm chỉ tưới nước, tỉa cây hay miệt mài làm bánh mứt, muối dưa... Những nụ cười, những câu nói bông đùa như xóa tan đi khoảng cách giữa những con người lầm lỡ, dường như đây là một gia đình lớn mà những con người trong gia đình ấy đang cố gắng từng ngày, từng giờ để cải tạo tốt, sớm trở thành công dân có ích cho xã hội. Để có được không khí ấy, có công sức không nhỏ của nữ cán bộ trẻ Nguyễn Thị Nhung.

Trải theo những luống rau xanh, con đường vào phân trại với hai bên đầy các loại hoa, xa xa chúng tôi bắt gặp Nhung đang ngồi nói chuyện cùng với Loan, một phạm nhân đang được đánh giá cải tạo tốt. Tâm sự với chúng tôi, Nhung kể lại rằng, Loan là đồng hương của Nhung, chị ta bị bắt vì phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngay khi mới vào trại, với những mặc cảm, tự ti, Loan luôn khép mình, không trò chuyện, hòa đồng với mọi người.

Nắm được tâm lý của Loan, chị Nhung đã thường xuyên đến gặp, nói chuyện thân mật, gần gũi, động viên để Loan quên đi những mặc cảm, bắt đầu cải tạo làm lại cuộc đời. Có khi hai chị em đang ngồi tâm sự, Loan đã ôm Nhung khóc. Những giọt nước mắt muộn màng, tội lỗi và cả sự hối hận. Thời gian trôi đi, để rồi hôm nay chị Loan đã khác, nụ cười của chị đã vui vẻ, cởi mở, hòa đồng và thân thiện hơn.

Cán bộ trẻ đi đầu trong các phong trào

Không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, Nhung được biết đến như một đầu tàu của các phong trào, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đam mê với công tác tình nguyện, an sinh xã hội. Là một thành viên của câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Đoàn Thanh niên Công an Hà Tĩnh, Nhung luôn kêu gọi, động viên các đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện có ý nghĩa.

Thượng tá Nguyễn Huy Chương - Giám thị trại giam cho biết: “Đồng chí Nhung là một cán bộ gương mẫu, tận tụy trong công việc; có lối sống trong sáng, giản dị. Với đặc thù làm việc trong trại giam, những khó khăn, vất vả là không tránh khỏi nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu ngành, yêu nghề của Nhung đã và đang lan tỏa sang các đồng chí, đồng đội tạo nên một sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ. Chính vì những nỗ lực và cố gắng không ngừng của bản thân, Nhung nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh, của lãnh đạo Phòng, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Hà Tĩnh”.

Cùng Nhung trong một ngày làm việc tại Trại tạm giam Công an tỉnh, chúng tôi mới thấu hiểu phần nào những khó khăn, vất vả mà cán bộ trại giam trải qua. Cuối ngày làm việc của Nhung không chỉ dừng lại lúc mặt trời chiếu ánh hoàng hôn mà có khi là những đêm khuya, thậm chí là gần tới sáng. Áp lực công tác đặc biệt với một cô gái chỉ mới hơn hai mươi tuổi như Nhung thật không đơn giản. Nhưng, bản thân người chiến sĩ trẻ ấy không nghĩ đó là áp lực, mà đó là việc phải làm. Ai cũng có công việc, có khó khăn, cũng có niềm vui, công việc của Nhung cũng vậy.

Nhung cười nói: “Em ở trại còn nhiều hơn ở nhà. Phạm nhân ở đây đều quen với gương mặt của em. Bạn bè còn đặt cho em cái tên “Nhung trại giam””... Nói thế thôi chứ Nhung vui lắm, bởi Nhung nguyện gắn bó với nơi đây, gắn bó với những con người lầm lỡ để giúp họ hoàn lương, sớm trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Hồng Nhung
.
.
.