Nghĩa tình đồng bào

Thứ Hai, 26/10/2020, 15:19
Khắp nơi đang dấy lên phong trào ủng hộ miền Trung, nghĩa đồng bào là tấm lòng của người dân nước Việt đang dồn tất cả cho miền Trung qua mùa mưa lũ. Khắp nơi, từ Bắc chí Nam, ngay cả những vùng vừa trải qua mưa lũ nhưng thiệt hại ít hơn, những câu nói như “ủng hộ miền Trung”, “cứu trợ miền Trung”, “giúp đồng bào miền Trung” gần như đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người.

Khẩu hiệu của tình người

Đi đến đâu, ngồi góc nào cũng thấy những câu chuyện chia sẻ về sự tang thương của miền Trung trong mùa mưa lũ này. Và tiếp theo đó, là sự hỏi han về việc ủng hộ cho miền Trung trong cơn nguy khó.

Tình nghĩa đồng bào, đó là nơi nơi rộ lên những phong trào ủng hộ. Của ít lòng nhiều nhưng tất cả mọi người dường như đều dâng trào tâm lý rằng phải làm gì đó giúp miền Trung, giúp những người dân đang màn trời chiếu đất qua khỏi tai ương. Khắp nơi, không khí rộn ràng như ngày hội vậy. Hàng trăm, hàng ngàn hội nhóm vận động ủng hộ đồng bào. Từ những hội nghề nghiệp, các cơ quan đoàn thể, các nhóm cư dân tại địa phương... mỗi người một lời cùng lên tiếng để vận động. Những hội nhóm có phương tiện thì chuyên chở miễn phí, những người có tấm lòng thì ủng hộ quần áo, tiền bạc, nhu yếu phẩm, những doanh nghiệp, đoàn thể trích ngày lương hay cùng mang nhu yếu phẩm đến với người dân.

Công an tỉnh Quảng Trị mang áo phao tới cho người dân vùng lũ.

Tình nghĩa đồng bào, người người nhà nhà góp tiền góp gạo nấu lên hàng ngàn chiếc bánh chưng, bánh tét để mang vào vùng lũ. Chẳng phải ngày tết mà những nơi ấy rộn rã tiếng nói của người Việt một lòng hướng về miền Trung. Khắp các tỉnh thành, ngay cả những vùng đang lụt lội như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam... người người, nhà nhà vo gạo gói bánh, chỉ mong những chiếc bánh kịp thời đến những người đang đói rét còn trú ngụ trên những nóc nhà chờ ngày nước rút.

Những chiếc xuồng đủ loại được người dân ở khắp nơi huy động mang đến vùng lũ để di tản nhiều người, những chiếc cano cứu hộ được vận chuyển từ Quảng Ninh, Đà Nẵng... chạy ngày đêm hết tốc lực để mang hàng hóa, cứu người khỏi vùng nước xiết. Nghĩa đồng bào là ở đó chứ đâu.

Nghĩa đồng bào, là khi tiếng kêu cứu vang lên khắp nơi trên mạng xã hội ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị trong đêm, hàng trăm ngư dân đã hò hét nhau bật dậy khỏi giường, nửa đêm mang vác, đẩy bộ hàng chục chiếc ghe đi biển của ngư dân các vùng Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) Ngư Thủy (Huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) vào vùng lũ để cứu dân. Bởi họ xót những tiếng kêu cứu, bởi tình người, tình đồng loại, đồng hương.

Nghĩa đồng bào, là số tài khoản của các hội nhóm thiện nguyện, của những cá nhân có uy tín đứng ra vận động tăng lên từng phút một. Có những cô cậu học sinh, sinh viên cũng cố gắng góp vài ba mươi ngàn đồng, chỉ mong số tiền ít ỏi của mình đến được với đồng bào vùng lũ. Những bà cụ ở Quảng Nam, Nghệ An đã ở tuổi gần đất xa trời nhưng vẫn lụi cụi tìm đến đoàn xe cứu trợ hướng về vùng lũ, trên tay là thùng mỳ tôm ít ỏi nhưng câu nói xoáy vào lòng người: “Mẹ góp thùng mỳ cho mấy người ở vùng lũ!”.

Khắp các ngả đường hướng về miền Trung  những ngày này, từng đoàn xe với băng-rôn đang nườm nượp đổ về. Trên những chuyến xe ấy là hàng hóa, nhu yếu phẩm dành cho đồng bào vùng lũ. Những quán cơm ven đường miễn phí cho xe cứu trợ, những nhà nghỉ khách sạn miễn phí cho đoàn cứu trợ, những người dân hai bên đường đứng vẫy tay chào như thân thiết đã lâu. Tất cả như xích lại với nhau vì hai chữ miền Trung. Thân thương và tuyệt vời quá đỗi.

Nghĩa đồng bào, là cả nước đang hướng về miền Trung, những gì có thể được đều được vận động, ai có thể góp được gì đều gắng sức góp không nề hà. Người giúp được sức, người góp được công, người hỗ trợ được tiền bạc, nhu yếu phẩm. Nghĩa tình đồng bào trong hoạn nạn lại một lần nữa được khơi dậy. Và dường như tình yêu thương của con người với con người chưa bao giờ là hết, chỉ cần một tiếng gọi từ trái tim thôi, là tất cả cùng òa lên đầy xúc cảm.

Công an huyện Quỳ Châu (Nghệ An) gói bánh cứu trợ bà con vùng lũ.

Lời của trái tim

Những ngày qua, các đoàn công tác của Chính phủ, của các địa phương, các cơ quan, ban, ngành đã đi vào vùng lũ cùng chính quyền địa phương cứu hộ, cứu nạn. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay 5.000 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ; tạm cấp 500 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 hỗ trợ 5 tỉnh này, mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn và an sinh xã hội; đồng thời, xuất phương tiện, trang thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của Bộ Tài chính để kịp thời hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; giao Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời hỗ trợ các địa phương về thuốc chữa bệnh, hóa chất khử trùng, khử khuẩn... những con số thống kê có thể chưa cập nhật hết được nhưng điều đó có thể thấy rằng chỉ thị của Chính phủ được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc.

Nghĩa đồng bào, là có những vị trưởng thôn, cán bộ xã vượt mình khỏi vùng nước lũ đưa đồng bào đến nơi an toàn. Có những người khi nghe tin có đoàn cứu trợ đã lặn lội bơi xuồng cả chục km ra tìm đoàn cứu trợ để đưa về cho thôn mình, xã mình. Những điều họ làm đấy, cũng là muốn cho người dân địa phương mình đỡ đói lạnh trong ngày mưa lũ.

Trong vùng lũ, những người dân miền Trung chia sẻ nhau từng gói mỳ tôm, từng hớp nước sạch, từng viên thuốc. Có người nhận được một thùng mỳ tôm đã chia thành nhiều phần, để mang đến cho những người khác. Một phụ nữ mất chồng trong trận lũ đã rơi nước mắt khi nhận quà: “Thế là tôi có bánh cúng cho chồng rồi, có hộp xôi nóng này cho mẹ và mấy đứa con. Các anh mang số lương thực này giúp người khác đang cần!”. Cứ thế, sự san sẻ ngay cả trong vùng lũ, khi mà cái đói vẫn chực chờ nhiều người nhưng tình nghĩa đồng bào vẫn được khơi dậy. Người vùng lũ, họ vẫn san sẻ mọi thứ cho nhau.

Nghĩa đồng bào, là những cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng vũ trang từ Trung ương tới địa phương ngày đêm lao mình vào dòng nước cứu người dân, vận chuyển tài sản, hàng hóa và lương thực. Nếu không có những lực lượng ấy đảm bảo an toàn thì những đoàn cứu trợ, những hội nhóm từ thiện sẽ gặp vô vàn khó khăn trong công tác cứu trợ.

Những cán bộ chiến sĩ quân đội, công an và chính quyền địa phương vẫn âm thầm làm việc, lặng lẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình mà không cần trống giong cờ mở, không cần chụp hình đăng báo, không cần nổi bật trên mạng xã hội. Với họ, đó là nhiệm vụ, là mệnh lệnh của trái tim. Và hơn hết, họ làm bằng cái tình với đồng bào mình trong cơn hoạn nạn.

Cán bộ, chiến sĩ Công an ở nhiều địa phương đang quyên góp, ùng hộ người dân vùng lũ.

Ở nhiều nơi, những lực lượng vũ trang cũng vừa làm nhiệm vụ, lại cùng người dân góp tiền ủng hộ, vận động mọi người hoặc tự tay làm những loại thực phẩm để được dài ngày gửi tới miền Trung lũ lụt. Nếu không phải làm từ trái tim, đâu dễ gì có những việc như thế!

Năm 2020 đã qua 3/4 chặng đường, một năm gian lao chưa từng có trong nhiều thập niên qua với quá nhiều điều bất thường đổ xuống đất nước và dân tộc Việt Nam. Đại dịch bất thường, thiên tai bất thường, đòi hỏi cần có một nỗ lực phi thường thì mới có thể gượng lại. Nhưng, tôi đã thấy tinh thần dân tộc vượt lên mạnh mẽ trong nghịch cảnh, tôi đã thấy sự đoàn kết đồng lòng vì người dân ở vùng lũ từ khắp nơi, suốt từ dải núi đá Tây Bắc xa xôi, đến miền cao nguyên trung phần nồng nã, tới tận miệt thứ miền Tây giản dị hiền hòa.

Những người con đất Việt đều dốc một lòng, như tiếng gọi trái tim hướng về miền Trung  đang oằn mình trong thiên tai. Và để tất cả biết rằng, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ đầu hàng trước nghịch cảnh, chưa bao giờ bỏ mặc đồng bào mình trong khốn khó.

Khi nhìn vào vô số những tấm lòng, vô số những con người đang ngày đêm hướng tới đồng bào, thì chắc chắn tất cả mọi người đều sẽ cảm nhận được tình cảm nồng ấm trong dòng máu tiên rồng này. Với sự chung lòng như thế, hy vọng rằng sẽ sớm thôi những thiệt hại và tang thương của miền Trung sẽ được khắc phục và đời sống người dân sẽ trở lại bình yên.

Nghĩa đồng bào, là một tinh thần bất diệt. Xin được cúi mình trân trọng đến tột cùng những tình cảm ấy.

Tiêu Dao - Minh Ngọc
.
.
.