Gánh hàng rong lao đao vì dịch bệnh
- Trách nhiệm trong vụ "người bán hàng rong cho bệnh nhân COVID-19"
- Người bán hàng rong cho bệnh nhân COVID-1 âm tính lần 1
- Bán hàng rong cho bệnh nhân nhiễm COVID-19
Trăn trở mưu sinh
5 giờ sáng, anh Hà (Ứng Hòa, Hà Nội) đã thồ 2 thùng hoa quả nào ổi, nào dưa chuột, nào xoài xanh, dứa chín ra Hà Đông để kịp phiên chợ. Đến 5 giờ chiều, anh vẫn còn một ít hàng chưa bán hết.
Trời thì nóng, mồ hôi nhễ nhại, Hà Nội đang ở cao điểm của đợt nắng nóng, anh Hà vừa nhanh tay lựa hàng cho khách, vừa nói chuyện: “Ế lắm cô ạ. Từ khi dịch bệnh bùng phát năm ngoái đến nay, bán hàng chậm hẳn. Trước tôi bán từ sáng sớm chỉ quá trưa chút là được về nhà ăn cơm. 2 năm trở lại đây, có khi bán tận chiều tối mà vẫn không hết hàng. Buổi trưa vật vờ ăn tạm cái bánh mì chống đói, kiếm cái gốc cây nào mát, nằm luôn trên xe chợp mắt để chiều đi bán tiếp. Có hôm ế hàng, cả nhà lại ăn hoa quả trừ bữa”.
Sọt hoa quả của anh Hà bán cả ngày vẫn không hết. |
Nhà 5 miệng ăn trông chờ vào xe hoa quả của anh và sạp bán rau của vợ anh ở chợ gần nhà. Dịch bệnh, nhiều người hạn chế đi lại, rồi cũng bị ảnh hưởng kinh tế nên người dân mua hàng ít hẳn. Nhà anh 3 đứa con đều đang tuổi ăn tuổi lớn, lại thêm thằng cả năm nay thi vào lớp 10. Muốn nó học hành đến nơi đến chốn, sau này đỡ khổ, đỡ vất vả như bố mẹ nên anh chị quyết đầu tư cho con học. Trước khi trường nghỉ tránh dịch, con đến trường ôn luyện với thầy cô, ngoài ra anh chị còn thuê gia sư về tận nhà cho nó. Mỗi tháng cũng vài triệu tiền học thêm. Tiền bán hàng của anh chị có khi vào tiền học cho chúng nó là hết. “Chỉ mong dịch bệnh qua nhanh, chứ thế này người nghèo như chúng tôi chết dở. Lấy gì mà ăn mà nuôi con”, anh Hà than thở.
Chị Hương quê Nam Định, lên Hà Nội thuê trọ buôn bán đã nhiều năm nay. Gánh rau nhỏ của chị không nhiều nhặn gì nhưng chẳng hôm nào chị bán được hết. “Tuy không giãn cách xã hội nhưng vỉa hè cũng bị dọn dẹp cả, những người bán hàng rong như chúng tôi chẳng có chỗ mà bán. Vào chợ thì ai cũng có chỗ ngồi cố định cả rồi, mình làm sao mà mua được chỗ. Ngồi bán vỉa hè thì người ta dẹp. Hằng ngày cứ gánh đi bộ khắp các phố, các ngõ mà bán nhưng nắng thế này ai mua. Người ta tiện vào siêu thị nhặt một lúc được nhiều đồ, hơn là mua hàng rong dọc đường thế này. Dù sao, lần này không giãn cách xã hội, còn được gánh hàng đi bán là cũng may lắm rồi”, chị Hương chia sẻ.
Từ tết đến giờ, chị Hương chẳng có thời gian về quê thăm con. Hai đứa nhỏ một đứa lên 5, một đứa lớp 4 đều gửi cho ông bà nội chăm sóc. Chồng chị làm phụ hồ ở quê nhưng đang mùa dịch, Nam Định cũng đã có ca dương tính thành ra mấy tháng nay anh cũng ở nhà, không có người thuê. Hằng ngày lại cắm mặt vào đồng ruộng, chăm con gà con cá, còn chị bán rau trên này kiếm tiền gửi về quê cho chồng cho con.
Nhiều người bán hàng rong lâm vào tình trạng ế khách. |
Nhưng, sau nhiều đợt dịch bệnh bùng phát, những người bán hàng rong như chị càng thêm lao đao. Hàng bán ế ẩm, trong khi tiền thuê trọ, tiền điện nước, tiền ăn vẫn phải dùng đều. “Chẳng biết có trụ được qua đợt dịch này nữa không. Về quê thì không có tiền, giờ đi xe khách về cũng sợ lây dịch, mà ở trên này trăm thứ đổ lên đầu, hàng quán thì không bán được”, chị Hương lắc đầu ngao ngán.
Vừa bán, vừa... chạy
Bỏ cái nón ngồi nghỉ sau khi oằn lưng đạp xe thồ chở 2 sọt dứa qua mấy con phố ở Cầu Giấy, chị Khanh (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, bình thường chị hay đạp xe ra chợ Dịch Vọng, đứng bán hàng ngay vỉa hè. Ngày cứ hai phiên chợ trưa và chiều đều như vắt chanh. Hôm nào bán hàng xong sớm thì về sớm, còn không lại cố đến tầm tối muộn nhiều người đi làm về là kiểu gì cũng bán được gần hết. Thế nhưng, gần đây, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, lại thêm lực lượng chức năng đi dọn dẹp hàng quán vỉa hè phòng, chống dịch thì chị chẳng có địa điểm cố định nào để bán.
Quán trà chanh, sinh tố vỉa hè vắng khách cả ngày lẫn tối. |
“Vớ được chỗ nào bán chỗ ấy. Nhưng, đứng được tí thì cũng lại phải đi vì họ đi dẹp hàng quán ghê quá. Dịch bệnh mà không trách được, họ làm theo quy định thôi nhưng chỉ khổ những người bán hàng nhỏ lẻ như chúng tôi. Khách thì chẳng có, sinh viên, học sinh cũng nghỉ. Công nhân, lao động thì cũng tình cảnh khó khăn, làm gì có tiền mà ăn nhiều. Người có tiền thì họ vào siêu thị, vào cửa hàng sạch hết rồi. Trời thì nóng, có hôm ế hàng, hoa quả thì hỏng, ăn chẳng ăn được phải đổ bỏ”, chị Khanh kể.
Chị bảo, có hôm vay tiền đi lấy hàng mà về trời nóng quá, hàng ế, để đến hôm sau thì thối khá nhiều. Tiền hàng chưa trả được, dứa không bán được, vậy là cả mấy hôm chị chẳng có tiền bù vào, đành ăn mì tôm trừ bữa. Hai vợ chồng chị dắt díu ra trung tâm thành phố buôn bán cả chục năm nay. Mỗi người một sọt hoa quả phân công ở những địa bàn khác nhau. Trước đây buôn bán dễ, có hôm vợ chồng kiếm được 200.000-300.000 đồng/ngày, ăn tiêu dè sẻn thì cũng đủ trang trải cho gia đình. Nhà hai đứa con đều đang học cấp 2, tiền học chính rồi tiền học thêm nhiều, bố mẹ chồng đã già cả, ốm đau bệnh tật quanh năm, buôn bán lại khó khăn nên cuộc sống gia đình càng thêm túng bấn.
Lao đao vì dịch
Tối nào cũng thế, vợ chồng anh Tiên cũng đẩy chiếc xe chở đồ uống ra khu công viên Cầu Giấy để bán hàng. Ngày thường không có dịch, mọi người đi tập thể dục, đi chơi nhiều nên đông khách lắm. Có hôm anh chị bán đến tận đêm khuya mới về. Nhưng, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, công viên đóng cửa, không có chỗ bán, anh chị lại tranh thủ đẩy ra khu chợ sinh viên đường Xuân Thủy.
Gánh hàng rau cũng ế. |
“Cũng bán tranh thủ thôi chứ có được bán vỉa hè đâu. Chúng tôi chỉ bán mang về. Thấy lực lượng chức năng là chạy. Trước khu chợ này đông học sinh, sinh viên lắm, vợ chồng tôi bán chạy, còn chả kịp cho khách. Giờ sinh viên nghỉ hết rồi, khách mua cũng thưa thớt, chẳng ăn thua. Buổi tối hay ngày cuối tuần, đường phố vắng teo. Có khi đi đến quá nửa đêm mà hàng vẫn còn nguyên nửa. Biết làm sao được, dịch bệnh mà, kiểu này thì chắc cũng về quê mà cày cuốc, rau cháo qua ngày thôi chứ ở đây lay lắt lắm, lại đủ thứ tiền đổ vào đầu”, anh Tiên than thở.
Anh Tiên bảo, khu trọ của anh nằm sâu trong con ngách nhỏ của phố Xuân Thủy còn nhiều người bán hàng rong cũng gặp tình cảnh khó khăn như vậy. Người bán rau, người bán hoa, người bán đồ ăn cho học sinh trước cổng các trường học... giờ cũng lao đao vì không có thu nhập. “Có người tranh thủ sau giờ chợ búa, bán hàng đi lau dọn thuê cho các nhà cao tầng hoặc khu chung cư nhưng cũng hôm có hôm không vì dịch bệnh, thu nhập giảm, nhiều nhà cũng chẳng có nhu cầu mướn người dọn dẹp. Thêm vào đó, họ cũng sợ mượn người ngoài vào nhà, nhỡ chẳng may lây bệnh cho họ thì cũng dở nên khổ vẫn hoàn khổ. 2 năm nay dịch bệnh cứ liên miên, thu nhập giảm, ai cũng kêu nhưng biết làm sao được. Vợ chồng tôi giờ ban ngày cũng tranh thủ phụ hồ, chạy xe ôm mà không ăn thua”, anh Tiên lắc đầu ngao ngán.
Chị Minh (Mỹ Đức, Hà Nội) làm nghề đánh giày hơn chục năm nay. Thường chị chủ yếu đánh giày ở quanh mấy con phố gần hồ Thiền Quang. Khu này nhiều văn phòng, nhiều quán cafe nên có ngày chị kiếm được khá nhiều. Vì tính tình xởi lởi, làm việc lại nhiệt tình, cẩn thận nên nhiều khách còn coi chị người quen, lưu số điện thoại, cần đánh giày là lại gọi.
Ngoài thời gian đi đánh giày, buổi trưa chị tranh thủ đi chạy bàn cho các quán ăn gần đó, rửa bát thuê nên dù thuê nhà nuôi cả con trai, con dâu và cháu nội, lại thêm đứa con thứ hai đang đi học cấp 3 ở quê, chị vẫn đủ tiền trang trải. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, dịch bệnh liên miên, hàng ăn, quán cafe trà đá vỉa hè đóng cửa, chị cũng vắng khách dần. Chị bảo, cậu con trai thi thoảng còn chạy xe ôm, phụ hồ giúp mẹ nhưng giờ làm ăn khó khăn, cũng buổi được buổi không. “Kiểu này cho vợ chồng con cái nó về quê hết thôi, chứ trên này tiền thuê nhà thì cao, mình chị không kham được. Mình đi ở chung với bạn bè, cắt giảm chi tiêu, may ra còn đủ ăn đủ mặc”.
Còn biết bao nhiêu mảnh đời, bao nhiêu những gánh hàng rong đang lao đao vì dịch bệnh. Dẫu biết rằng đó là tình trạng chung nhưng những người mưu sinh, buôn bán nhỏ lẻ vẫn luôn là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất.