Để phòng ngừa hiệu quả người tâm thần gây án

Thứ Sáu, 20/09/2019, 15:17
Hoang tưởng bị truy hại, ảo thanh ra lệnh, chán nản, bi quan, kích động vận động… là nguyên nhân khiến người tâm thần có nguy cơ gây trọng án hình sự gấp 3 - 4 lần so với người thường.

Con số thống kê của Bộ y tế khiến chúng ta không khỏi lo âu: Cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2 - 3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang ở lẫn trong cộng đồng và án vẫn có nguy cơ xảy ra bởi công tác quản lý người bệnh gặp quá nhiều trở ngại.

Họa vô đơn chí

Gần 1 tuần sau đám tang cụ H., chúng tôi tìm về xóm 4, xã Thuần Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên, nơi vừa xảy ra vụ án mạng đau lòng mà kẻ thủ ác là một người tâm thần. Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết đột ngột, tức tưởi của ông cụ 90 tuổi, là thân phụ của chủ tịch xã Thuần Hưng.

Dân làng cho biết giữa cụ H. và đối tượng Đào Đức Mạnh (sinh năm 1988), là hàng xóm của cụ, không hề có mâu thuẫn gì. Nguồn cơn tội ác chỉ bởi anh ta là một người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Ngày thường Mạnh ở nhà, được bố quản lý theo dõi. Nhưng ngày 8-9, do trong xóm có đám cưới nên bố Mạnh đi dự từ sáng sớm và Mạnh được "thả rông".

Khoảng 8 giờ cùng ngày, cụ H. trên đường đi về qua nhà Mạnh, bất ngờ bị anh ta kéo ra sau vườn, dùng dao chém nhiều nhát khiến cụ tử vong tại chỗ. Cơ quan chức năng đã bắt giữ đối tượng, nhưng việc xử lý e rằng sẽ rất khó khăn. Bởi theo quy định của pháp luật, hung thủ sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu mất khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi tại thời điểm gây tội ác.

Lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng Mạnh sau khi giết hại cụ H. ngày 8-9-2019 tại xóm 4, xã Thuần Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên.

Vụ án mạng đã bao trùm lên miền quê thuần nông nỗi tang tóc, âu lo trước những mối họa bất ngờ đến từ những người tâm thần đang sống giữa cộng đồng.

3 tháng trước, một vụ thảm án khác đã xảy ra tại xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Nạn nhân trong vụ án này là ông N.Đ.D. (sinh năm 1967), bố đẻ của hung thủ Ngô Đình Luận (sinh năm 1986).

Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, Luận là bệnh nhân tâm thần đang điều trị ngoại trú nên ông D. thường xuyên nhắc nhở anh ta uống thuốc. Tuy nhiên, Luận lại cho rằng mình đã khỏi bệnh nên việc bố bắt uống thuốc là có ý coi thường, dẫn đến tâm lý bức xúc.

Khoảng 15h ngày 3-6-2019, Luận bất ngờ ném chiếc điều khiển ti vi vào bố mình khi ông D. đang cùng con trai 6 tuổi của Luận ngủ ở nền nhà. Không thấy bố phản ứng, Luận chạy xuống bếp lấy con dao dài hơn 40cm tước đoạt tính mạng người cha của mình. Gây án xong, Luận rửa sạch dao cất vào bếp rồi đến cơ quan Công an đầu thú.

Tháng 3-2019, bà Nguyễn Thị T. (64 tuổi, ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bị giết hại vô cùng dã man tại nghĩa địa của xã. Kẻ thủ ác chính là con trai bà (Nguyễn Thanh Hải - 30 tuổi) bị bệnh tâm thần đang sống chung cùng với gia đình.

Theo kết quả điều tra, Hải mắc bệnh tâm thần đã lâu, có thời gian gia đình đưa đi điều trị tại bệnh viện và được cấp thuốc về nhà điều trị. Trước khi gây ra vụ án, Hải đã có biểu hiện không bình thường, tuy nhiên người nhà không thể ngờ hành vi của Hải lại gây ra hậu quả vô cùng kinh hoàng như vậy.

Vụ án giết bố, vợ và con trai trong một gia đình xảy ra ngày 22-7-2018 tại nghĩa địa thôn Đức Long, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định gây chấn động dư luận, cho thấy sự nguy hiểm của người tâm thần khi đột ngột lên cơn. Nguyễn Trung Vinh (37 tuổi) mắc bệnh tâm thần. Do cuộc sống gia đình vô cùng khốn khó nên việc điều trị của Vinh không liên tục, bệnh tái phát và không ai kiểm soát được hành vi của anh ta.

Buổi sáng hôm đó, Vinh chạy vào nghĩa địa thôn Đức Long. Biết tin, bố đẻ cùng vợ con anh ta đi tìm về, thì bị Vinh dùng gậy gỗ, đá đập nhiều nhát vào người khiến cả 3 tử vong.

Cách vụ án này 15 ngày, rạng sáng 7-7-2018, ông Quách Đình T. (51 tuổi, ở  thôn Phương Viên, xã Tân Thành, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) bất ngờ dùng dao chém nhiều nhát vào vợ làm bà Nguyễn Thị H. tử vong. Theo Trung tâm Phòng - chống bệnh xã hội (Sở Y tế tỉnh Hòa Bình), ông T. là người mắc bệnh tâm thần có hồ sơ quản lý từ năm 2013, ông được cấp thuốc uống, một thời gian sau đó bỏ điều trị.

Danh sách những vụ người tâm thần giết người chắc chắn chưa chốt lại, khi mà Bộ Y tế cho biết con số người bệnh được điều trị y tế chiếm tỷ lệ quá nhỏ. Nỗi đau xót trong những vụ án mạng kiểu này đó là nạn nhân thường là người thân trong gia đình bệnh nhân.

Mất khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi khi cơn bệnh tái phát, người tâm thần dễ dàng thực hiện những tội ác man rợ bởi sự thúc đẩy không ai có thể hiểu được bên trong tâm lý hung thủ. Đó là nỗi lo không chỉ của gia đình người bệnh mà là toàn xã hội.

Trở ngại trong quản lý

Giải thích về nguy cơ gây án mạng của bệnh nhân tâm thần, Bác sĩ Nguyễn Văn Năm (Bệnh viện Bạch Mai) nói: "Môi trường xã hội càng căng thẳng, rối loạn tâm thần càng tăng. Bệnh nhân tâm thần ở các thể phổ biến như tâm thần phân liệt, các rối loạn loại phân liệt, rối loạn hoang tưởng… khá nguy hiểm khi lên cơn "vắng ý thức", họ có thể hoang tưởng người bên cạnh muốn đánh đập, giết mình nên hành động.

Trong tình trạng đó, người bệnh dễ có hành vi bạo lực với những người xung quanh, mà chủ yếu là với người thân của mình vì chung sống cùng nhau. Hiện nay, xã hội còn định kiến với bệnh tâm thần.

Tỷ lệ người bệnh tâm thần được điều trị rất nhỏ so với số bệnh nhân chưa được đưa vào danh sách quản lý, cấp thuốc điều trị đang ở trong cộng đồng. Số người được điều trị, xuất viện nhưng khi trở về gia đình sử dụng thuốc không đều, bỏ điều trị, không được điều trị kịp thời khi bệnh có biểu hiện tái phát, có thể dẫn đến mãn tính.

Đối tượng Thạch Sà Khêl - kẻ gây ra vụ khiến 12 người thương vong tại ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Tình trạng này kéo dài thì khi cho dùng thuốc, người bệnh vẫn có các triệu chứng như ảo giác, ý thức lờ mờ, không chủ động. Đó là nguồn nguy hiểm tiềm tàng trong xã hội".

Vẫn theo ông Năm, người mắc bệnh tâm thần thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn. Có trường hợp cả nhà mắc bệnh, lo cái ăn còn không đủ, nói gì đến việc thuốc thang, điều trị cho người bệnh.

Bên cạnh đó, có gia đình vì sĩ diện, sợ mang tai tiếng nên che giấu việc có người thân mắc bệnh tâm thần. Chính điều này cản trở việc họ hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong việc quản lý bệnh nhân, dẫn đến việc người bệnh tiếp tục sống trong cộng đồng khi chưa được chữa trị, tiềm ẩn các hệ lụy khó lường về trật tự trị an.

Một cán bộ điều tra thuộc Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội chia sẻ: "Bản thân tôi cũng đã thụ lý những vụ án mà thủ phạm là người tâm thần. Quá trình điều tra buộc phải đưa đối tượng đi giám định pháp y về tâm thần. Kinh phí, thời gian giám định, cách chăm sóc quản lý các đối tượng tâm thần gây án trong thời gian giám định gặp rất nhiều khó khăn.

Trong thời gian dài đó, Cơ quan điều tra rất khó quản lý đối tượng. Khi có kết luận giám định là phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức vì bệnh lý tâm thần, thì đối tượng không bị xử lý hình sự, mà chỉ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại các cơ sở y tế chuyên ngành.

Cái vướng nhất lúc này là kinh phí. Bệnh viện không thể "nuôi" mãi bệnh nhân dạng này, khi bệnh lý thuyên giảm, ổn định thì trả về địa phương giao cho gia đình và chính quyền quản lý. Nếu gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tiếp tục thuốc thang, chữa trị thì khả năng tái phát bệnh rất cao, nhất là với nhóm bệnh rối loạn hành vi.

Việc giao người bệnh cho chính quyền địa phương quản lý, nhiều khi cũng chỉ là thủ tục, bởi trên thực tế chính quyền không thể lúc nào cũng theo dõi, giám sát được số bệnh nhân này. Vì thế mà mối nguy hiểm vẫn lơ lửng trên đầu mọi người".

Cán bộ điều tra này cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người tâm thần phạm tội là do gia đình và xã hội không quản lý, theo dõi chăm sóc, điều trị thường xuyên. Bên cạnh đó, những người lạm dụng rượu, bia trong thời gian dài, sử dụng ma túy đá dễ dẫn đến bị ảo giác, không làm chủ được hành vi. Bạo lực do người mắc bệnh tâm thần gây ra thường rất dã man, tàn độc, gây tâm lý hoảng sợ trong xã hội.

Nạn nhân có thể là bất kỳ ai, từ người quen, người ruột thịt hay người lạ… đều có thể trở thành nguy hiểm dưới tay họ. Không thể giải thích được những động cơ thúc đẩy tội ác, vì tâm lý người bệnh khác xa người bình thường, không lý giải theo nhận thức của số đông.

Cần sự chung tay

Bàn về giải pháp quản lý người bệnh tâm thần trong cộng đồng, Bác sĩ Năm cho rằng nếu bệnh nhân tâm thần được giám sát chặt chẽ, cho uống thuốc đều đặn sẽ giảm thiểu được nguy cơ gây hại cho gia đình, cộng đồng. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe để người dân hiểu về các loại bệnh tâm thần, cách phòng tránh, điều trị, chăm sóc.

Người tâm thần được điều trị tại bệnh viện.

Chính quyền và ngành Y tế các địa phương cần tăng cường phối hợp rà soát, thống kê số người bị bệnh tâm thần; phân loại và phối hợp với gia đình người bệnh để quản lý, theo dõi chặt chẽ, đưa người tâm thần hoặc có dấu hiệu tâm thần đi điều trị, sử dụng thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.

Vai trò của người nhà là quan trọng vì gần gũi nhất với người bệnh. Gia đình bệnh nhân cần chấp hành tốt chỉ định của thầy thuốc, cho bệnh nhân uống thuốc đều, sau 2 - 3 tháng điều trị hầu hết bệnh nhân có tiến triển tốt.

Ông nói: "Hiện nay thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng được cấp miễn phí. Cấp huyện có 1 cán bộ chuyên trách về sức khỏe tâm thần cộng đồng thuộc trung tâm y tế. Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội cấp tỉnh phát thuốc điều trị cho tuyến huyện theo nhu cầu và cấp bổ sung kịp thời khi có bệnh nhân mới cần điều trị. Tuyến huyện cấp thuốc cho tuyến xã 1 lần/tháng; xã cấp thuốc cho bệnh nhân 2 - 4 lần/tuần.

Mặc dù vậy, trên thực tế công tác phục hồi chức năng, tâm lý cho bệnh nhân tâm thần vẫn còn những hạn chế nhất định, do cán bộ chuyên trách huyện, xã, y tế thôn, bản thường kiêm nhiệm nhiều việc trong khi trình độ có hạn, chưa được tập huấn kỹ năng tư vấn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác".

Để phòng ngừa các vụ việc do người tâm thần gây ra, thì công tác phòng ngừa người tâm thần gây án rất quan trọng, đòi hỏi tăng cường sự quản lý của gia đình cùng lực lượng y tế cơ sở và chính quyền địa phương. Khi trên địa bàn hoặc gia đình báo có người bị bệnh tâm thần, trạm y tế, chính quyền cơ sở cần tổ chức những đợt kiểm tra đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cấp thuốc cho họ nếu trong diện điều trị ngoại trú.

Nếu thấy dấu hiệu bệnh nhân không thuyên giảm, có những hành động mất kiểm soát, đe dọa đến an ninh trật tự, chính quyền địa phương cần nhanh chóng phối hợp, động viên gia đình đưa những trường hợp đó đến các bệnh viện tâm thần để có biện pháp xử trí.

Ngoài ra, cần sự chung tay góp sức của cộng đồng trong việc xây dựng quỹ hỗ trợ người nhà có người bị bệnh để họ đưa người thân của mình đi điều trị. Các trung tâm Công tác xã hội ở địa phương cần tổ chức các hoạt động vui chơi hòa đồng cho người tâm thần.

Đào Trung Hiếu
.
.
.