Chuyện về những người khiếm thị làm báo

Thứ Ba, 03/04/2018, 07:59
Người ta vẫn nói, không có điều gì là không thể đối với những người có mục đích để hướng tới và có niềm tin vào tương lai. Có một đội ngũ những người khiếm thị làm báo, họ hăng say trên những nẻo đường để mang tới những tin tức và câu chuyện nhân văn về cuộc sống, về người khiếm thị.

Họ đã và đang cùng nhau xây dựng và đánh thức trái tim khát khao cuộc đời, yêu công việc và có những ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng người khuyết tật...

Số phận nghiệt ngã

Hoàng Văn Lý sinh ra trong một gia đình có bố là một người khiếm thị bẩm sinh. Và như là trò đùa trớ trêu của số phận, Lý sinh năm 1982 và em trai mình sinh cách sau đó 2 năm, cũng bị khiếm thị bẩm sinh từ gen di truyền của bố. Lý nhớ như in những ngày tháng tuổi thơ ở quê hương, mẹ một mình vất vả chợ búa lo cho cả gia đình.

Mẹ Lý mồ côi từ nhỏ, tưởng rằng lớn lên sẽ có cuộc đời đỡ vất vả khi lấy chồng, sinh con, nhưng ngược lại, bà lại nặng gánh khi một mình chèo chống con thuyền gia đình, nuôi chồng và hai con bị khiếm thị. May mắn là mẹ Lý có bố mẹ chồng đỡ đần trông nom các cháu để ngày ngày chăm lo ruộng vườn cấy cày, chợ búa kiếm tiền nuôi sống cả gia đình.

Hai anh em Lý bị một căn bệnh giống nhau. Mẹ Lý kể lại rằng, căn bệnh đục thủy tinh thể của Lý phát triển khi Lý tròn hai tháng tuổi. Từ đôi mắt trong veo tuổi thơ, dần dần màng đục che phủ toàn bộ con ngươi. Dù gia đình đã vay mượn tiền bạc để đến các bệnh viện lớn trong nước để chữa trị, song dường như số phận đã an bài, một mắt của Lý bị hỏng vĩnh viễn. Mắt còn lại, cố gắng lắm cũng chỉ nhìn thấy một hình khối mờ mờ, ảo ảo. Vì khuyết tật bẩm sinh, nên đối với Lý, không có điều gì là khủng khiếp hơn khi trước mắt mình là một màn tối thăm thẳm.

Anh Hoàng Văn Lý và gia đình nhỏ hạnh phúc.

Lý tự tập và quen với mọi thứ. Trong gia đình, cái gì để đâu sẽ chỉ để ở đúng vị trí ấy để ba người khiếm thị không phải khổ sở kiếm tìm. Mọi thứ vẫn bình yên và theo đúng quy luật của gia đình, nhưng nó chỉ bắt đầu thay đổi khi Lý bắt đầu đi học mẫu giáo tuổi lên 4.

Lý nhớ mãi, dù không bị bạn bè trêu chọc ai cũng biết đến hoàn cảnh của gia đình Lý nhưng Lý ý thức sự khác biệt của mình khi tham gia trò chơi cùng các bạn. Khi đó, thay vì tự chạy bằng chính đôi chân của mình, Lý phải nhờ cô giáo dắt tay đưa lên vị trí. Lên bảng cũng phải cô giáo hướng dẫn và Lý cũng bắt đầu thấy được sự bất tiện trong việc không thể nhìn thấy đường sá, không thể tự lập làm mọi việc.

Lên cấp 1, Lý được ra Hà Nội học trường Nguyễn Đình Chiểu theo sự giới thiệu của xã. Sự thay đổi môi trường vừa là động lực cũng là một sự nỗ lực khủng khiếp để thay đổi chính cuộc đời mình của cậu bé khiếm thị Hoàng Văn Lý.

Lý kể lại rằng, đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với Lý, khi mà mọi thứ trước mắt đều quá khó khăn: sống xa gia đình, bạn bè mới, môi trường mới. Một đứa trẻ 7 tuổi khiếm thị phải tự lập tất cả. Lý bị trầm cảm một năm trời, gầy yếu, suy dinh dưỡng. Mẹ Lý đến thăm, thương con nhưng bà cũng chỉ biết động viên con cố gắng để học tập và hòa nhập cùng bè bạn, thầy cô, trường học. Vì nếu không ở đây, trở về nhà, Lý chỉ mãi mãi là một người khuyết tật chứ không ai có thể nâng đỡ Lý đứng trên đôi chân của mình.

Năm ấy, Lý bị học lại lớp 1 nhưng sau khi ý thức được về bản thân mình, Lý nỗ lực gấp nhiều lần và Lý đã đạt điểm số cao nhất lớp năm học ấy. Song hành với học văn hóa, Lý học nhạc: đàn bầu, ghi-ta... và tham gia đội văn nghệ của trường. Cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời của chàng trai khiếm thị Hoàng Văn Lý bước qua một khởi đầu mới. Lý bắt đầu đọc những trang sách văn học đầu tiên, mộng mơ và nghĩ đến một cuộc sống đầy thơ mộng trong tương lai.

Cháy bỏng khát khao

Năm 12 tuổi, Lý tiết kiệm tiền thù lao trong những chuyến đi biểu diễn và mua được một cái đài nhỏ để nghe những chương trình phát thanh. Lý bắt đầu mơ ước trở thành một nhà văn, nhà báo. Lý làm thơ, làm báo tường trong trường. Lên cấp 3, Lý vào học tại trường tư thục dành cho người khiếm thị và bắt đầu được làm biên tập nguyệt san Hoa Nắng. Điều ngẫu nhiên này là một sự may mắn khi từ đó ước mơ cháy bỏng được làm báo chuyên nghiệp dấy lên trong lòng chàng trai trẻ tuổi.

Lý thi đỗ K48, Khoa Báo chí Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ngay từ trong trường, Lý đã bắt đầu đi viết báo và ra trường, Lý xin làm cộng tác viên, rồi biên tập viên chính một chương trình cho người khuyết tật tại kênh VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) có tên gọi “Niềm tin ánh sáng”.

Mỗi tuần Lý làm 3 chương trình vào Thứ 4, Thứ 6 và Chủ nhật. Những ngày đầu tiên đi làm đầy hoang mang, Lý tự xuống Quảng Ninh mua chiếc máy ghi âm của Trung Quốc, rồi tự mua máy tính, khắc phục tất cả khó khăn trong vấn đề đi lại và tác nghiệp để hoàn thành chương trình của mình. Lý bảo, có rất nhiều ngáng trở đối với một nhà báo khuyết tật.

Chị Lê Trang (bên trái) trong một buổi dẫn chương trình.

Ngoài ra Lý gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình dựng, cắt dán, thêm bớt các phần cho hoàn chỉnh một chương trình để phát sóng. Nhưng đối với Lý mọi khó khăn đều có thể vượt qua vì chương trình này, đặc biệt dành cho người khiếm thị nên Lý đồng cảm và chia sẻ và tạo được động lực dành cho người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống.

Lý kể lại câu chuyện về một nhân vật vừa khiếm thị, vừa bị ung thư tại Phương Liệt (Hà Nội). Sinh con đầu lòng xong thì chị bị thoái hóa võng mạc, đến năm 22 tuổi thì bị mù hoàn toàn. Trong những ngày tháng ấy, chị đã nghĩ đến cái chết nhưng rồi đã vượt qua được, sinh con thứ hai và sống đầy trách nhiệm với gia đình, nấu ăn ngon, chăm con giỏi.

Khi cuộc sống đang ở thời điểm sung mãn nhất thì chị phát hiện ra mình bị ung thư. Chị lại tiếp tục cuộc chiến vì nghĩ lần này phải sống, sống tốt đẹp đến giây phút cuối cùng của cuộc đời để được chăm sóc các con, được bế cháu mình trong tay. Chương trình về chị đã nhận được nhiều sự phản hồi không chỉ từ người khuyết tật mà từ cả rất nhiều người khác. Họ là lái xe, là khán giả của chương trình... Và đối với Lý, đó là một phần thưởng cao quý, đáng giá hơn mọi thứ. Lý đã mang được một thông điệp đầy nhân văn đến với mọi người.

Chương trình của Lý cũng đã ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động của cộng đồng người khiếm thị, tư vấn khiếm thị, kết nối được các bác sĩ tại Viện mắt Trung ương cũng như cập nhật được các chính sách cho người khiếm thị, người khuyết tật...

Điều may mắn nhất, sau tất cả những khó khăn, ngáng trở trong cuộc sống, là Lý đã tìm được một bến bờ bình yên cho cuộc đời mình. Đó là tình yêu dành cho người vợ cũng bị khiếm thị từ năm 10 tuổi do dị ứng thuốc kháng sinh và bị đốt cháy giác mạc. Họ đã có hai cô con gái xinh xắn, dễ thương và có đôi mắt sáng dẫn đường cho bố mẹ. Đối với Lý, đó là món quà vô giá mà số phận đã mang đến như để bù đắp cho cả một phần đời vất vả cực nhọc của tuổi thơ Lý cũng như của cả gia đình anh.

Nỗ lực và thành quả

Cộng đồng người khiếm thị có nhiều tấm gương về sự vươn lên “tàn nhưng không phế”. Đặc biệt, với tư cách là một nhà báo, họ đã truyền đi những thông điệp giúp ích cho rất nhiều người khác trong cuộc sống. Lê Trang, một cô gái đến từ Bình Dương bị thoái hóa võng mạc sắc tố, mắt của Trang chỉ còn 3/10.

Bây giờ, mắt bên phải của Trang có nguy cơ xấu hơn khi càng ngày cùng với thời gian và tuổi tác, mắt càng kém đi. Trang chỉ có thể lờ mờ nhìn thấy những thứ ngay cạnh mình, còn ở phía xa, chỉ là một khoảng không không rõ rệt. Tuy vậy, Trang là người tự lập từ bé và đã có rất nhiều sự nỗ lực trong học tập.

Trang nhớ rất rõ, thời điểm tốt nghiệp cấp 3, Trang xin xét tuyển Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, nhưng hồ sơ bị trường trả lại. Trang lo lắng khóc và buồn lắm nhưng rồi em mạnh dạn gửi mail cho thầy trưởng khoa, kể về niềm đam mê được học và làm báo, Trang được chấp nhận. Kể từ khi Trang thi đỗ đại học, mọi thứ đến đều tuyệt vời vì em thường xuyên được học bổng, không phải xin tiền của bố mẹ mà tự làm việc để kiếm tiền, cộng tác với một số chương trình truyền hình, báo chí.

Bây giờ, Trang là cộng tác viên ruột của Báo Phát luật TP Hồ Chí Minh với các bài phóng sự về đường phố, xã hội; làm chương trình “Người Sài Gòn tử tế”; làm chủ nhiệm câu lạc bộ “Lăng kính trẻ”; từng được giải 3 Giải thưởng Báo chí của TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Trang còn làm gia sư cho CLB các em khiếm thị, tham gia tình nguyện giúp đỡ bệnh nhân ung thư, tự làm đồ để bán quyên góp tiền từ thiện.

Vũ Hải Anh đoạt giải Nhất đàn tranh trong lễ hội mùa xuân.

Hiện tại, song hành với việc làm báo, viết những tấm gương người tốt việc tốt, làm truyền thông xã hội về người khiếm thị thì Trang làm tư vấn du học. Trang muốn giúp đỡ được bố mẹ để đỡ đần phần nào kinh tế gia đình. Bố mẹ Trang là công nhân cạo mủ cao su tại Bình Dương, sau Trang còn hai em vẫn đang tuổi đi học.

Đối với Trang, cuộc sống luôn có một cánh cửa cho mình đi qua, dù nó hẹp. Em cho rằng, ông trời luôn không lấy hết của ai mọi thứ, những người khiếm thị có thể có những hạn chế trong tầm nhìn, nhưng họ cũng có sức mạnh phi thường và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Trang muốn làm báo vì trong trang viết của mình, Trang sẽ truyền thông điệp và cảm hứng sống cho cộng đồng người khiếm thị, vì rõ ràng, Trang đã làm được những kỳ tích phi thường đối với bản thân mình, với gia đình và không trở thành gánh nặng cho xã hội. Trang muốn được khẳng định và còn nhiều dự án ở phía trước muốn thực hiện.

“Những người bạn trong bóng tối”

Có một cô gái khiếm thị bẩm sinh năm nay mới học lớp 7 trường Nguyễn Đình Chiểu, Vũ Hải Anh, một cô bé đã đạt danh hiệu học sinh giỏi và thành tích xuất sắc trong hoạt động văn nghệ như giải nhất độc tấu đàn tranh trong hội diễn mùa xuân tại trường. Hải Anh bị khiếm thị bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam của bố. Nhưng vượt qua tất cả những trở ngại, cô bé quê Nam Định luôn có nụ cười tươi trên môi và có khát khao cháy bỏng là được làm phóng viên.

Hải Anh kể lại rằng, có những ngày, em đi một quãng đường rất xa từ trường em đến trường Nguyễn Văn Tố để sinh hoạt câu lạc bộ báo chí, rồi đến Trung tâm Văn hóa Nhật nghe một sự kiện văn hóa, sau đó lại tiếp tục đến trường Đại học Ngoại ngữ để phỏng vấn một tân sinh viên cũng là người khuyết tật để viết bài. Hải Anh khát khao được làm phóng viên trên kênh phát thanh VOV để truyền cảm hứng đến những bạn khuyết tật, đặc biệt là khiếm thị, vì cũng tại đó, em đã nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng và có niềm tin vượt qua được những khó khăn mà hằng ngày những người khiếm thị vẫn gặp phải.

Bà Helen Adams Keller (1880-1968) là nhà văn, nhà hoạt động chính trị và giảng viên người Mỹ. Bà là người mù và điếc đầu tiên nhận được bằng thạc sỹ nghệ thuật, đã từng nói: “Cùng bước với một người bạn trong bóng tối tốt hơn là bước một mình trong ánh sáng. Chính niềm tin là sức mạnh có thể khiến thế giới tan vỡ xuất hiện trong ánh sáng”.

Tôi vẫn tin rằng, sức mạnh mà những người khiếm thị có được đã kết nối họ với cộng đồng và dẫn dắt tình yêu thương, ước mơ chắp cánh, như bài thơ mà nhà báo Hoàng Văn Lý đã viết: “Nhờ bàn chân em/ Cỏ vườn tôi mượt/ Nhờ bàn tay em/ Quả vườn tôi ngọt/ Nhờ giọng hát em/ Chim vườn tôi hót/ Nhờ em đánh thức/ Khu vườn ngủ quên/ Nhờ em đánh thức/ Một lần con tim...”.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.