“Các vụ án tôi viết trên ANTG là chất liệu kịch bản phim Cảnh sát hình sự”
Ông là một trong số ít ỏi người có mặt tại ANTG từ ngày đầu tiên và kịch bản hàng loạt bộ phim ăn khách nhất của ông trong series phim cảnh sát hình sự như “Chạy án”, “Bí mật những cuộc đời”, “Cổ cồn trắng”, “Bí mật Tam giác vàng”... và hiện VTV1 đang phát sóng phim “Đồng tiền quỷ ám”... đều được “ra lò” trong thời kỳ ông đang phụ trách nội dung của tờ ANTG. Đồng thời, như ông tiết lộ, các vụ án mà ông đã biết và viết nhiều kỳ trên ANTG là chất liệu quý báu cho các kịch bản phim nói trên.
1. Trước năm 1996, khi còn làm phóng viên Báo Công an nhân dân, tôi hầu như không viết vụ án. Đến năm 1995, lãnh đạo Tổng cục 3 quyết định ra thử nghiệm Tạp chí Văn nghệ Công an và giao cho anh Hữu Ước tổ chức. Anh bảo tôi về vừa làm phóng viên, vừa làm Thư ký tòa soạn. Văn nghệ Công an ra mắt bạn đọc được ít lâu thì “đẻ” ra tờ ANTG.
Lịch sử báo chí Việt Nam sẽ phải ghi nhận tờ Chuyên đề ANTG, bởi đây là tờ báo “vô tiền khoáng hậu”. Bởi lẽ báo chí Việt Nam chưa có tờ nào mà tia-ra phát hành có số lên tới 720 ngàn bản, mà đó là tờ báo “xấu” nhất Việt Nam: in đen trắng bằng giấy Tân Mai loại xoàng, không đẹp, trình bày đơn giản... Nhưng lại ăn khách ngay từ số đầu tiên.
Sau này, các nhà nghiên cứu báo chí cho rằng, nguyên nhân ăn khách là do anh Ước lúc đó đã chạm được vào “vùng trống” trong nhận thức của công chúng, đó là những câu chuyện thâm cung bí sử của thế giới lần đầu tiên được khai thác một cách sâu kỹ tại Việt Nam, cho công chúng Việt Nam.
ANTG ngay sau khi phát hành số đầu tiên đã thu hút bạn đọc và lên đến con số hơn 100 ngàn bản. Nhưng rồi sau đó “dậm chân tại chỗ” và có chiều hướng giảm dần.
Lọ mọ ra các sạp báo hỏi tình hình phát hành thì các chủ đại lý cho hay bạn đọc không thích ANTG nữa vì “toàn viết chuyện đâu đâu”... Đến lúc này mới sực nhớ ra là nhu cầu của bạn đọc thường là quan tâm đến những gì “bên cạnh mình”. Còn thông tin ở nơi nào đó mà họ không thấy cần thiết thì cũng chả quan tâm...
Vậy phải viết cái gì mà độc giả quan tâm?
2. Đúng thời điểm đó thì vụ án đường dây ma túy xuyên quốc gia Vũ Xuân Trường kết thúc điều tra.
Vụ án này lúc ấy là tiêu điểm của dư luận nên khi tôi đề xuất chọn viết theo cách mới, ấy là: Viết vụ án theo “giọng phóng sự” - đây là điều chưa có trong bất kỳ “giáo trình” dạy viết báo nào. Là người rất nhạy về nghề và luôn ủng hộ cái mới, anh Ước đồng ý ngay.
Và, loạt bài Vũ Xuân Trường đánh dấu cho thể loại báo chí mới lần đầu tiên xuất hiện trong làng báo, ấy là viết vụ án theo lối phóng sự.
Nếu như trước đây, các nhà báo chỉ tường thuật lại vụ án đơn thuần theo lời kể của cơ quan điều tra, theo các văn bản của cơ quan tố tụng thì nay trên ANTG, các loạt bài viết vụ án có “cái tôi” của người viết xuất hiện từ đầu đến cuối.
Khi viết vụ án Vũ Xuân Trường, tôi thoải mái kể về những hồi ức của chính tôi với một số bị can trong vụ án mà trước đây, trong những chuyến công tác Tây Bắc, tôi từng gặp họ, thậm chí từng được họ giúp đỡ, dẫn đường khi tôi còn là PV Báo Công an nhân dân đi công tác tại các bản làng vùng cao.
Mà không chỉ có thế, tôi đã “bám chặt thắt lưng” các điều tra viên chính của vụ án này, trong đó có Nguyễn Đức Chung, bây giờ là Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội... Chính các cán bộ điều tra đã kể cho tôi nghe những phức tạp, khó khăn trong cuộc đấu mưu đấu trí với các loại tội phạm hình sự, mà ghê gớm nhất là có cán bộ công an.
Những câu chuyện anh em kể, những gì tôi được chứng kiến qua các lần theo anh em đi hỏi cung bị can... đã được thể hiện sinh động qua cách viết mới: Phóng sự về vụ án.
Cách viết này tạo được “chất kết dính” với bạn đọc, và người viết đã thể hiện được chính kiến của “cái tôi”.
Vì thế, các bị can trong đường dây ma túy này không chỉ hiện lên trên trang viết bằng những con số khô khan (theo kiểu họ đã buôn bao nhiêu bánh heroin, đã thu lợi bất chính bao nhiêu tiền...) mà bằng cả những hồi ức của tôi về đoạn đời của họ trước khi phạm tội. Như Vũ Phong Mã chẳng hạn. Khi anh này làm Trưởng Phòng hậu cần Công an tỉnh Lai Châu, mỗi lần tôi đi biên giới, theo tiêu chuẩn, Công an tỉnh thường cấp cho một ít thuốc cảm, vài cân lương khô để ăn dọc đường nhưng lần nào Mã cũng “vượt rào”, cấp cho tôi nhiều gấp mấy lần tiêu chuẩn. Chính Mã là người bày cho tôi cách đổi thuốc cảm cho đồng bào dân tộc để lấy gà vịt mà cải thiện.
Nhà văn Như Phong (bìa phải) tại phim trường Phim “Bí mật tam giác vàng”. |
Nguyễn Trọng Kỳ cũng vậy. Tôi viết về Kỳ với những hình ảnh trong ký ức gần như còn nguyên vẹn của tôi về anh chàng lái xe cho Công an tỉnh Lai Châu, dáng người thấp đậm, béo tròn trùng trục và gương mặt lúc nào cũng tươi tắn, hớn hở của Kỳ. Tôi và Kỳ đã từng ăn chung một quả đào trên đỉnh đèo Pha Đin, hút chung một điếu thuốc ở Điện Biên, cùng bạt vách taluy ở đèo Clavo cho xe vượt lầy.
Kỳ lái xe thuộc loại siêu hạng ở Lai Châu. Nhìn Kỳ đánh vô lăng khi xe vào cua cứ nghĩ đến bàn tay của một diễn viên múa. Cay đắng làm sao khi người lái xe như Kỳ thừa dũng cảm để vượt qua những quãng đường nguy hiểm nhất của Tây Bắc mà lại không đủ dũng cảm để vượt qua cám dỗ của đồng tiền.
Đau xót nhất là hôm thi hành án tử hình. Vừa bị áp giải ra khỏi khu giam để chuẩn bị tới phòng làm thủ tục thi hành án thì Bùi Danh Ca chợt nhìn thấy tôi, lúc đó là nhà báo duy nhất có mặt. Ca khẽ gọi tên tôi dường như chỉ vừa đủ để tôi nghe thấy và quay lại.
Tôi còn đang ngơ ngác, chưa biết ai vừa gọi tên mình thì Ca thảng thốt: “Em đây, anh Phong còn nhớ hôm ăn thịt chó ở Tây Trang không?”. Tôi lặng đi. Người lính biên phòng hiếm hoi có nước da trắng ở miền gió Lào nóng rát này năm 1984 chính là người dẫn đường cho tôi đi thực tế xem những con đường tiểu mạch ở biên giới, nơi mà bọn buôn ma túy thường lợi dụng để vận chuyển.
Cũng chính Ca là người đã mời cơm tôi, một bữa cơm khốn khó của anh lính biên phòng ở mảnh đất mà cuộc sống khó khăn đến khắc nghiệt: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang”. Bữa cơm ấy, thết khách không có gì, chỉ có mẹt thịt chó. Có nhà báo đến mà đồn chả có gì để đãi đằng bèn hò nhau làm thịt một con trong đàn chó đồn nuôi.
Đồn Tây Trang không có điện, gió Lào bỏng rát, cả chủ lẫn khách mình trần, ăn dưới trăng mà mồ hôi vã ra như tắm. Ca đã sống, đã chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt ở nơi này nhưng rồi lại không đủ bản lĩnh để chống lại sự cám dỗ của đồng tiền để rồi sa ngã. Tôi nhìn Ca lúc ấy. Vẫn không khác trước là mấy. Chỉ có điều ở trong buồng giam lâu nên xanh xao.
Không biết nói gì hơn, tôi bảo: “Thôi, Ca đi thanh thản nhé!”. Ca lặng lẽ gật đầu. Nhưng khi tôi vừa bước đi thì chợt từ phía sau lại nghe thấy giọng Ca thảng thốt: “Anh Phong có đi tất nilon không, cho em xin”.
Tôi dừng lại, bàng hoàng. Tôi biết là Ca đang nghĩ đến ngày bốc mộ cho chính anh ta. Tôi cúi xuống, luống cuống cởi giày tháo vội đôi tất dúi vào tay Ca. Từ phút ấy, tôi không dám nhìn Ca, nhìn Mã, nhìn Kỳ thêm một lần nào nữa...
Lại nói về chuyện “viết phải khác các báo” như lệnh của anh Ước, hôm xét xử vụ án Vũ Xuân Trường tôi đã “bày mưu tính kế” để lọt được vào Trại giam Hỏa Lò trước giờ dẫn giải bị cáo ra tòa. Mục đích là nhằm chụp được những bức ảnh độc quyền mà các báo không có chứ nếu chụp ảnh các bị cáo tại tòa thì báo nào cũng chụp được.
4 giờ 30 sáng ngày xét xử đầu tiên, tôi đã có mặt tại Hỏa Lò. Trời lúc đấy mới tang tảng sáng nhưng Hỏa Lò đã nhộn nhịp chuẩn bị dẫn giải các bị cáo. Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc (Giám thị Trại) nhìn tôi như người ngoài hành tinh rồi lạnh lùng lệnh cho một cậu CSBV đứng canh tôi, không cho vào và không cho chụp ảnh. Biết anh Hoắc rất nguyên tắc nên tôi không nì nèo thêm mà nghĩ ra một kế.
Tôi rút điện thoại, bấm số lăng nhăng rồi vờ nói chuyện, y như đang nói chuyện với Thiếu tướng Phạm Chuyên. Tôi cố ý nói thật to để anh chàng đang canh tôi nghe thấy. Rằng: “Anh Chuyên ơi, em đã vào trại giam để chụp ảnh nhưng anh Hoắc không cho. Anh ấy cho CSBV giữ em ở ngoài cổng. Anh nói với đồng chí CSBV hộ em”. Rồi tôi chuyển máy cho anh chàng lính trẻ đang canh tôi. Dường như đã nghe thấy hết nội dung trao đổi, anh chàng hoảng hốt xua tay bảo: “Thôi thôi, để cháu vào báo cáo với thủ trưởng Hoắc”.
Tôi rảo chân bước theo. Thượng tá Hoắc nghe báo cáo xong, chau mày, trách Giám đốc Chuyên: “Hôm qua họp thì lệnh cấm, bây giờ lại ưu tiên cho ANTG”. Rồi, ông lôi tôi vào trong trại, cho tôi đứng ở ngay cửa khu trong, con đường duy nhất dẫn giải các bị cáo ra ngoài và lưu ý tôi rằng: “Dù anh Chuyên có đồng ý thì cậu cũng chỉ được đứng ở đây thôi, cấm đi lại lung tung”.
Những bức ảnh độc quyền tôi đã có được trong tình huống ấy. Quả là không báo nào có được ngoài tôi nên đã góp phần “nâng hạng” của ANTG với công chúng.
Rồi cuộc truy lùng thủ phạm cướp tiệm vàng Kim Sinh cũng vậy. Tôi đã được anh Ước cho phép lái xe của ANTG chở anh em Cảnh sát hình sự Hà Nội đi Tuyên Quang, Hà Nam, để lùng bắt tên Nguyễn Minh Châu.
Trên đường đi, Giám đốc Phạm Chuyên gọi điện mắng tôi xối xả, rằng: “Ai cho phép cậu đi? Nếu lộ lọt bí mật, tôi sẽ bắt cậu!”. Tôi đã đồng cam cộng khổ cùng anh em trinh sát trong suốt những ngày đánh án. Khi trở về Hà Nội, tôi cởi quần dài cho anh Thanh Hùng, lúc đó là Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự mặc vì cả tuần lễ đi làm án, anh ấy không có áo quần để thay. Tôi để lại cho anh em cả những đồng tiền cuối cùng trong ví.
Những trải nghiệm ấy đã cho tôi những chi tiết để sau này loạt bài “Hành trình truy lùng thủ phạm vụ cướp tiệm vàng Kim Sinh” có những chi tiết không báo nào có được, có những bức ảnh độc của riêng ANTG như bức ảnh chụp Thượng tá Nguyễn Đức Bình (Trưởng phòng CSHS lúc đó) cầm chai nước Lavie cho Nguyễn Minh Châu uống ngay khi hắn vừa bị bắt, đang trong cơn đói khát điên cuồng.
Rồi chuyên án Khánh Trắng, vụ buôn lậu Tân Trường Sanh, vụ án Tăng Minh Phụng, vụ bạo loạn Tây Nguyên, vụ án Mường Tè..., tôi đã viết bằng thể loại phóng sự, bằng những trải nghiệm của chính tôi trong quá trình kề vai sát cánh với anh em công an. Để sau này, khi tôi viết hàng loạt kịch bản phim trong series phim “Cảnh sát hình sự” ăn khách, hình ảnh những chiến sỹ công an, những tội phạm trong các chuyên án ấy hiện lên đầy ăm ắp trong đầu tôi.
Không thể nhớ được tôi đã đọc hồ sơ của bao nhiêu vụ án, tiếp xúc với bao nhiêu người phạm tội, chứng kiến vô vàn cảnh cơ cực của anh em công an trong những lần đi truy lùng tội phạm; được nghe anh em kể hết nỗi lòng mình...
Đó là vốn sống quý báu để tôi nhào nặn thành nhân vật trong phim ảnh. Thế nên, khi loạt phim này công chiếu, nhiều khán giả, nhà báo hỏi tôi những câu hỏi đại loại như nhân vật A là nguyên mẫu của vụ án này; nhân vật B là nguyên mẫu của vụ án kia thì tôi đều trả lời rằng: “Là có nguyên mẫu nhưng cũng không phải là nguyên mẫu”.
Bởi lẽ, nhà văn có quyền hư cấu kia mà.
*Ghi theo lời kể của nhà văn Nguyễn Như Phong.