Bí quyết làm nên thương hiệu ở đơn vị nhận Cờ thi đua của Chính phủ

Thứ Ba, 31/12/2019, 14:35
Ghi nhận nỗ lực của tập thể, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Cục An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an trong năm 2019, đơn vị đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Đồng thời, một cá nhân của đơn vị được nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất; 2 cá nhân được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì... 6 tập thể và 12 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen. Hiện, đơn vị cũng đang báo cáo hội đồng thi đua khen thưởng các cấp xét, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Với những thành tích, kết quả đã đạt được, tổng kết phong trào thi đua năm 2019, Cục ANĐT đã vinh dự nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trao Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2019 cho Cục An ninh điều tra.

1. “Không phải ngẫu nhiên, các vụ án do Cục ANĐT thụ lý đều được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong đó, có các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo”, Thiếu tướng Lý Anh Dũng, Cục trưởng Cục ANĐT Bộ Công an mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Những chia sẻ của vị cục trưởng ở một đơn vị của lực lượng an ninh Bộ Công an hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, trực tiếp tiến hành các biện pháp tố tụng hình sự như khởi tố bắt, khám xét, áp dụng các biện pháp ngăn chặn... để điều tra, xử lý tội phạm cho thấy những khó khăn mà lãnh đạo và cán bộ của đơn vị đang phải đối mặt. Đó không chỉ là áp lực từ dư luận xã hội, từ việc điều tra đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội... mà còn chịu nhiều áp lực khác bên cạnh việc đảm bảo yêu cầu chính trị, ngoại giao.

Mỗi vụ án đòi hỏi tinh thần dũng cảm, bản lĩnh của các CBCS Cục ANĐT trong việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; vượt qua mọi áp lực và sự tấn công, mua chuộc của các loại đối tượng; thận trọng, khách quan để không làm oan người vô tội và không để lọt tội phạm. Khi vụ án bị phát hiện, không ít đối tượng đã dùng tiền, thậm chí rất nhiều tiền để mua chuộc, dụ dỗ CBCS, đặc biệt là trong các vụ án liên quan đến kinh tế, chức vụ và tham nhũng. Không mua chuộc được bằng tiền, nhiều đối tượng gây sức ép bằng cách đe dọa... Trong khi đó, công tác chuyên môn của đơn vị lại có nhiều khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Bởi vậy, nếu người làm án không vững vàng sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, đòi hỏi cấp ủy phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phòng ngừa sai phạm...

Năm 2019, Cục ANĐT không có cán bộ nào sai phạm phải xử lý kỷ luật, chất lượng công việc được nâng cao và điều đó được thể hiện rõ qua kết quả, thành tích công tác của đơn vị. Trong năm 2019, đơn vị đã thụ lý điều tra tổng số 42 vụ, 188 bị can. Trong đó, đã kết thúc điều tra, xử lý 28 vụ, 137 bị can... Các vụ án đều đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, tỷ lệ án đề nghị truy tố đạt 90% án kết thúc điều tra.

Có thể kể đến các vụ án như “Châu Văn Khảm cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam; vụ “Gián điệp; Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” xảy ra tại Lạng Sơn... Trong vụ án xảy ra tại tỉnh Lạng Sơn, các điều tra viên đã phải đối mặt với không ít khó khăn.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, tháng 2-2018, Cục ANĐT đã tiếp nhận hồ sơ vụ án từ Công an tỉnh Lạng Sơn. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các bị can trong vụ án nguyên là cán bộ nhà nước, đã vi phạm gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo mật cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta.

Quá trình xác minh, truy nguyên nguồn gốc tài liệu cũng như các vấn đề khác có liên quan đến hành vi phạm tội gián điệp gặp nhiều khó khăn. Dù tài liệu chứng cứ chứng minh trực tiếp hành vi phạm tội của các bị can không có nhiều nhưng bằng sự mưu trí của các điều tra viên, sự nỗ lực đấu tranh đã chứng minh được hành vi phạm tội, buộc các đối tượng phải tâm phục, khẩu phục.

Vụ án đến thời điểm này đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 4 bị can. Ngày 28-10, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo từ 5 đến 15 năm tù giam.

Cục An ninh điều tra, Bộ Công an họp bàn hướng điều tra, xử lý vụ án với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Sự mưu trí, sáng tạo của CBCS Cục ANĐT còn thể hiện trong quá trình đấu trí với các đối tượng; xử lý các tình huống đột xuất, khó khăn, phức tạp khi thụ lý điều tra các vụ án. Thiếu tướng Lý Anh Dũng cho biết, cũng như các đối tượng phạm tội khác, khi đối mặt với mức án nghiêm minh của pháp luật, đối tượng trong các vụ án do Cơ quan ANĐT Bộ Công an thụ lý đều tìm cách quanh co, chối tội. Trước các câu hỏi của điều tra viên, đối tượng đều trả lời không biết, việc chứng minh tội phạm đó là trách nhiệm của Cơ quan ANĐT.

 Để chứng minh được tội phạm, điều tra viên phải tỉ mỉ thu thập và dày công nghiên cứu tài liệu. Nhiều vụ án đã xảy ra trong một thời gian dài, tài liệu thu thập được còn quá ít. Một số các vụ án kinh tế, thời gian xảy ra đã quá lâu, việc thu thập tài liệu phạm tội gặp rất nhiều khó khăn do bị thất lạc hoặc các đối tượng đã tìm cách tiêu hủy.

Đó còn chưa kể đến phương thức và thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi... Không vụ án nào điều tra giống vụ án nào. Để phá án thành công, đòi hỏi sự mưu trí, linh hoạt và sáng tạo của các điều tra viên từ việc thu thập tài liệu, đấu trí với các đối tượng để có thể đưa sự thật ra ánh sáng.

Nhớ lại quá trình điều tra vụ án “Bùi Minh Chính cùng đồng phạm phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (gọi tắt là Công ty Petroland), Thiếu tướng Lý Anh Dũng cho biết: Đây là vụ án có dấu hiệu của việc tham ô tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Được biết, Công ty Petroland được thành lập ngày 29-10-2007 trên cơ sở chuyển đổi từ Ban quản lý các dự án công trình xây dựng phía Nam thành công ty cổ phần theo Nghị quyết số 2892/NQ-DKVN, ngày 24-5-2007 và Nghị quyết 3133/NQ-DKVN, ngày 31-8-2007 của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Hiện nay, Petroland có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, cổ phần góp vốn của Nhà nước chi phối tương ứng là hơn 450 tỷ đồng, chiếm 45,01% vốn điều lệ, do PVC và PVOIL đều là công ty nhà nước nắm quyền chi phối. Trong đó, PVOIL là đơn vị 100% vốn nhà nước và PVC là đơn vị 54,45% vốn nhà nước. Sau khi kiểm tra, xác minh, ngày 30-9, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án để điều tra theo tố tụng.

Ngay trong quá trình kiểm tra, xác minh, vụ việc gặp rất nhiều khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra đã lâu và diễn ra trong thời gian dài (từ năm 2012-2017); các đối tượng đã bỏ trốn ra nước ngoài (Ngô Hồng Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Trần Hữu Giang, Phó Giám đốc Petroland, kiêm Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Petroland); thủ đoạn phạm tội tinh vi, thông qua các công ty “ma” để hợp thức hóa thủ tục rút tiền của Petroland.

Thiếu tướng Lý Anh Dũng cho biết: Khi tiếp nhận hồ sơ, các điều tra viên của đơn vị đã tỉ mỉ nghiên cứu tài liệu; xác minh, triệu tập, lấy lời khai nhân chứng; đấu tranh với số cán bộ của Petroland có liên quan. Qua đó, xác minh Bùi Minh Chính, Trần Hữu Giang đã có hành vi cấu kết với số đối tượng ở bên ngoài lập các hợp đồng môi giới bất động sản, tư vấn thủ tục nhà đất để rút, chiếm đoạt 55 tỷ đồng của Petroland, chia nhau hưởng lợi và đưa hối lộ cho lãnh đạo Tập đoàn PVC.

Xác định đây là vụ án có dấu hiệu của việc tham ô tài sản đặc biệt nghiêm trọng, lãnh đạo và cán bộ của đơn vị đã không quản vất vả, quyết tâm điều tra, làm rõ vụ án, xử lý trước pháp luật và truy thu tài sản cho Nhà nước. Sau hơn 1 tháng điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ, Cục ANĐT đã khởi tố 5 bị can, bước đầu thu được gần 6 tỷ đồng do các đối tượng tự nguyện khắc phục...

Có không ít vụ án, đối tượng đã thống nhất đối phó bằng việc tìm cách tiêu hủy tài liệu, chứng cứ... Nhưng trước những lý lẽ sắc bén và chứng cứ thuyết phục của các điều tra viên, đối tượng đã phải tâm phục khẩu phục. Điển hình trong số đó là vụ “Giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục ANĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng để điều tra theo tố tụng hình sự. Trong vụ án này, mặc dù trước khi đơn vị tiếp nhận vụ việc, các đối tượng hầu hết đều là những người từng có chức vụ tại Trường Đại học Đông Đô đã thống nhất với nhau cách đối phó, tiêu hủy chứng cứ...

Nhưng đến thời điểm này, cơ bản Cục ANĐT đã thu thập được tài liệu, chứng cứ, làm rõ phương thức, thủ đoạn của các bị can trong việc hợp thức các thủ tục liên quan đến quá trình tuyển sinh, đào tạo, bài thi của học viên để cấp văn bằng 2 bằng tiếng Anh cho hàng trăm cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.

Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục mở rộng công tác điều tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân khác tại Trường Đại học Đông Đô; trách nhiệm quản lý của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Không dừng lại ở việc trực tiếp điều tra, xử lý các vụ án, đơn vị còn tham gia hướng dẫn công an 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều tra, xử lý 239 vụ án, 37 vụ việc trọng điểm. Tất cả các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia do địa phương thụ lý đều có sự tham gia, chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp thực hiện của cán bộ Cục ANĐT.

Đáng chú ý, đơn vị đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư về đường lối xử lý nhiều vụ án, vụ việc đặc biệt phức tạp, nghiêm trọng xảy ra ở các địa phương. Từ đó, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc như vụ việc liên quan đến tổ chức “Triều đại Việt”; các vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia xảy ra tại Hà Giang, Sơn La và các vụ án trọng điểm phức tạp khác.

Bên cạnh đó, các trại giam của Cục ANĐT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý đối tượng thuộc nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, vừa cảm hóa được đối tượng, vừa giữ vững nguyên tắc và đảm bảo tính nhân văn. Công tác quản lý, giam giữ đến thời điểm này đã được đảm bảo tuyệt đối an toàn, phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và các yêu cầu nghiệp vụ khác.

3.Một trong những bí quyết tạo nên thành công của đơn vị, đó là việc xác định phong trào thi đua là động lực để CBCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ giao phó. Bởi thế, Đảng ủy Cục ANĐT đã chủ động cụ thể hóa phong trào thi đua; chủ động xây dựng phong trào thi đua; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBCS... Từ phong trào thi đua đã tạo nên những kết quả xuất sắc trên các mặt công tác, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Xuân Mai
.
.
.