Ngược chiều phố xưa
Hầu hết những câu ca dao kể về những phố cổ đều nhắc tới Hàng Gai (Phường Hàng Gai - Hoàn Kiếm - Hà Nội). Con phố này thật có duyên khi đong đưa trong câu xẩm: "Hà Nội ba sáu phố phường/ Hàng Gai, Hàng Đường. Hàng Muối trắng tinh/ Từ ngày ta phải lòng mình/ Bác mẹ đi rình đã mấy mươi phen...".
Tôi lại mê nhất khi phố Hàng Gai được cất lên trong điệu nhạc bay bổng của Nguyễn Đình Thi: "Hà Nội vui sao... Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai..." (Người Hà Nội)
Những giai điệu nghiêng nghiêng mái phố
Phố Hàng Gai dài hơn 250 mét, bắt đầu từ ngã tư Hàng Đào, theo chiều từ Đông sang Tây, tới đầu Hàng Trống. Tôi nhớ như in hình ảnh cố nhạc sĩ Quang Tôn (1938-2018) ngồi trên ban công tỉa những nốt nhạc về con phố trên phím đàn ghita. Giọng ông nhừa nhựa vì khói thuốc nhưng thật ám ảnh. Nghệ sĩ Quang Tôn làm việc cùng tôi ở Báo Hà Nội mới từ cuối thập niên 80 thế kỷ XX cho đến khi ông về hưu. Gia đình ông ở số nhà 83 Hàng Gai, bên cạnh đình Cổ Vũ. Ban ngày ông làm báo còn tối chơi đàn cùng với nhóm Thất Cầm một thời nổi tiếng ở Hà Nội.
Nghệ sĩ Quang Tôn kể, xưa phố Hàng Gai còn được gọi là phố Hàng Thừng vì chuyên bán các loại dây đay, chão, thừng, võng, gai… Đến ngày rằm tháng Tám hay xuân về một góc phố còn bán đồ chơi trẻ em được đan tết bằng tre, nứa dán giấy bóng kính hoặc giấy mờ vui như hội. Có lần nghệ sĩ Quang Tôn nhíu mày nói, khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội con phố thay đổi hẳn. Một số nhà giàu tràn vào phố mở các cửa hàng sách và nhà in cùng với nhiều cửa hàng bán tơ lụa. Những nhà bán đồ đay, thừng dồn hết về phố Bát Đàn. Theo trí nhớ của ông thì cửa hàng sách Thụy Ký (số nhà 98) tới sớm nhất và khai trương vào năm 1876. Cùng trên phố còn có những nhà in như Đông Kinh (số nhà 82); Nhà in Ngô Tử Hạ (số 104)…
Nghệ sĩ Quang Tôn còn tâm sự, chính ngôi nhà ông một thời mở phòng trà ca nhạc Thiên Thai (1946), nơi hội tụ khá nhiều những danh ca nổi tiếng tới biểu diễn. Bà nội ông mở cửa hàng bán tượng, phù điêu và rất yêu thích ca khúc "Thiên Thai" của nhạc sĩ Văn Cao. Phòng trà ca nhạc Thiên Thai ngày đó vào loại sang trọng luôn có sự xuất hiện của các nhạc sĩ Thương Huyền (NSND), tài tử Ngọc Bảo, Phạm Duy và Văn Cao… Ông kể thêm nhạc sĩ Văn Cao đã từng lấy nơi này làm địa điểm liên lạc với cán bộ cách mạng để nhận nhiệm vụ.
Hàng Gai là con phố đầy kỷ niệm với tôi trong thời gian làm báo. Đầu năm 1990, tôi hân hạnh được gặp nhạc sĩ Lê Lôi (1920-1999) ở số nhà 50 Hàng Gai. Ông làm việc tại Ban Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Một lần ông hẹn tôi tới nhà và nói có chút việc cần trao đổi. Vừa tới cửa ông hồ hởi đón tôi và lấy đàn violon chơi một bản nhạc. Tôi bỡ ngỡ chưa hiểu chuyện gì thì ông dừng tay đàn rồi nói đó là bản nhạc phổ bài thơ "Khoảnh khắc" của Vương Tâm. Nhạc sĩ cất tiếng hát say sưa với giai điệu và lời ca: "Có khoảnh khắc đột ngột chia ly/ Hai trái tim không chung một nhịp/ Gió gọi tôi ngược chiều da diết/ Còn em hóa tượng đá bên đường". Tôi lịm người đi vì xúc động. Sau đó bài hát được NSND Thanh Hoa biểu diễn trong một thời gian dài.
Còn một địa chỉ âm nhạc nữa trên phố, đó là số nhà 57 Hàng Gai, nơi nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915-1995) bán đàn, dạy nhạc. Ông thạo rất nhiều loại đàn và thường xuyên biểu diễn cùng ban "Hoa lưu ly" (thập niên 30 thế kỷ XX). Ông mở cửa hàng vào năm 1940 và phát triển sự nghiệp sáng tác của mình từ đây. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là một trong những người khởi đầu cho dòng nhạc tiền chiến với những ca khúc nổi tiếng như "Ngọc Lan", "Chiều", "Đêm tàn Bến Ngự". "Thuyền mơ", "Bóng chiều xưa"… Sau này vì hoàn cảnh gia đình, năm 1954 nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã vào Sài Gòn sinh sống. Và càng không thể không nói tới nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918-1942), người đã từng ở ngõ Tố Tịch giữa phố Hàng Gai một thời gian dài. Tôi đoán chắc rằng bài hát cuối cùng "Giọt mưa thu" (1942) ông đã viết dưới ngọn đèn tù mù ở con phố này. Sau một thời gian đổ bệnh nặng ông mới về Nam Định điều trị và mất ở độ tuổi 24.
Nhộn nhịp Hàng Tơ
Đúng là tôi và phố Hàng Gai còn có những duyên nợ khó quên. Trước khi về Báo Hà Nội mới làm việc tôi là cộng tác viên đắc lực cho tờ Báo Tiểu thủ Công nghiệp (số 80-82 Hàng Gai). Tôi cộng tác với ba người, nhà thơ Vũ Từ Trang (1948-2020), nhà thơ Như Mạo và nhà văn Giang Trung Học vào đầu thập niên 80 thế kỷ XX. Có giai đoạn không ngày nào tôi không có mặt ở đây để uống trà và luận bàn công việc.
Theo nhà văn Giang Trung Học thì phố Hàng Gai là cái nôi đầu tiên của làng báo vào thập niên đầu tiên thế kỷ 20. Ông kể nào báo Hữu Thanh, Khai hóa, Khoa học, rồi cả báo Đông Pháp… Nhà văn kể thêm rằng nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) cũng chào đời ở số nhà 38. Ông có những tác phẩm nổi tiếng như "Giông tố", "Số đỏ", "Vỡ đê"… Còn căn nhà đối diện bên kia đường là nhà của gia đình Tam Lang (Vũ Đình Chi), tác giả cuốn phóng sự "Tôi kéo xe". Có lần nhà thơ Vũ Từ Trang cho biết nhà văn Khái Hưng (1896-1947) là con rể nhà in Thụy Ký (ở 98 Hàng Gai). Do vậy nhóm Tự lực Văn đoàn thường nhóm họp ở đây mỗi khi chuẩn bị ra sách báo.
Từ thập niên 40 thế kỷ XX, Hàng Gai đã nổi tiếng là phố bán tơ lụa. Tờ Báo Thủ công nghiệp chuyên theo dõi hoạt động của các hợp tác xã làng nghề và công việc kinh doanh của họ. Tôi thường theo nhà báo, nhà thơ Như Mạo làm tin, khi đi khảo sát các cửa hàng ở phố. Nhà báo Như Mạo khá rành về các cửa hàng và những ông chủ hãng buôn. Không ít những hãng tơ cũ vẫn còn mà nhiều cửa hàng khác nổi lên như Hoa Silk (chuyên khăn lụa); Riêng Kelly Silk thì may đo áo dài lấy ngay. Hoặc các nhãn hiệu khác cũng rất sành điệu với hàng tơ lụa như De Maison… Cho dù nhiều cửa hàng đã tây hóa với biển hiệu của mình thì vẫn còn đó những thương hiệu vang danh từ lâu luôn giữ cái tên của mình như: Cát Lợi, Tân Mỹ, Cự Long, Cự Thành, Phúc Thịnh và Đức Lợi… Riêng cửa hàng tơ của gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh (1907-2009) cũng ở trên phố Hàng Gai đã đóng cửa sau khi ông vào Sài Gòn sinh sống.
Nổi tiếng nhất phố Hàng Gai có nhà đại tư sản Đỗ Đình Thiện (1904-1972). Ông là chủ tiệm buôn tơ Cát Lợi (54 Hàng Gai). Nhờ có tài kinh doanh và tính cách quyết đoán, táo bạo ông Đỗ Đình Thiện giàu lên nhanh chóng. Điều đặc biệt, nhà tư sản Đỗ Đình Thiện rất yêu nước và hết lòng ủng hộ cách mạng. Năm 1943, khi quỹ hoạt động cách mạng cần, vợ chồng ông Thiện đã ủng hộ ngay 3 vạn đồng Đông Dương. Khi đó có người còn cho biết quỹ Đảng chỉ còn có 24 đồng.
Vào tháng 3/1945, ông Đỗ Đình Thiện đã bí mật chuyển một lượng vũ khí khá lớn của Pháp bỏ lại ở đồn điền Chi Nê (Hòa Bình) của ông lên chiến khu Việt Bắc. Sau đó ít lâu gia đình ông Thiện lại tiếp tục đóng góp cấp bách cho cách mạng khi hiến tặng 10 vạn đồng Đông Dương. Việc ủng hộ của hàng tơ Cát Lợi cùng với những nhà tư sản khác có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng tiến tới ngày cướp chính quyền (19/8/1945).
Người Hàng Gai nằm trong Quảng Trị
Thật may mắn mới đây tôi có dịp gặp lại cô giáo, nhà thơ Lê Hà con gái nhạc sĩ Lê Lôi. Chị được sinh ra tại 50 Hàng Gai và sống hơn nửa thế kỷ trên con phố này. Nữ sĩ yêu thương miền đất cổ kính ngàn năm thơ mộng với sắc màu long lanh của tơ lụa và thi ca. Đôi mắt trong trẻo ấy vẫn như ngày nào tôi gặp chị khi đọc được câu thơ: "Hàng Gai nay lớp lớp người đi/ Phố Nhà Thờ chuông chiều thăm thẳm/ Trường Hoàn Kiếm những dòng lưu bút/ Ghế đá Bờ Hồ lưu luyến phút chia xa" ("Về Hàng Gai" - Lê Hà).
Rồi nữ sĩ Lê Hà ngồi vào chiếc dương cầm dạo một khúc nhạc tha thiết trong tâm tưởng. Chị nở một nụ cười tặng tôi trong câu hát như mơ vậy: "Trên mặt đất chông chênh hay đáy nước âm thầm/ Người Hàng Gai - Bạn tôi nằm trong Quảng Trị/ Đa ngân ngấn khép vòng khắc khoải/ Buông tán gày…vụn nát trước hoàng hôn". Khóe mắt nữ sĩ nhòe lệ. Đó là nỗi nhớ chàng trai cùng phố đã hy sinh trên chiến trường. Giai điệu nhạc dịu dàng một cung thương bay lên trong nỗi cô đơn ngập tràn ánh nắng.