Và em gọi đó là hạnh phúc...

Thứ Năm, 18/03/2021, 15:14
Mỗi con người sinh ra ở trên đời, chẳng ai lại không mong muốn mình được hạnh phúc. Tình cảm ấy, mơ ước chung ấy, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, sắc tộc, tôn giáo... Chỉ có điều, mỗi người lại có một suy nghĩ riêng về hạnh phúc và nhiều khi không phải ai cũng có sự cắt nghĩa “hạnh phúc” một cách rõ ràng.


Bắt đầu từ năm 2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc với 193 quốc gia thành viên đã nhất trí thông qua nghị quyết A/RES/66/281 chọn ngày 20 tháng 3 hàng năm làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc, coi đây là một ngày mang ý nghĩa biểu tượng nhằm quyết tâm thể hiện sự tích cực và những nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng một thế giới đại đồng, mang lại hạnh phúc cho con người khắp nơi trên trái đất.

Hạnh phúc nằm trong trái tim mỗi người.

1. Trong tiếng Việt, về mặt nguồn gốc chiết tự, “hạnh phúc” là một từ vay mượn từ tiếng Hán với hai thành tố có giá trị đẳng lập: “hạnh” có nghĩa gốc là “may mắn”, còn “phúc” có nghĩa gốc là “tốt lành”. Tựu trung lại, hạnh phúc có nghĩa là may mắn tốt lành. 

Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, giải nghĩa “hạnh phúc” là vận may phúc tốt, coi nó tương đương với từ bonheur trong tiếng Pháp. Trong tiếng Anh, “hạnh phúc” được xem là tương đương với từ “happiness”, vốn xuất phát từ căn tố happy có nghĩa là vui sướng, vui lòng. Như vậy, ta thấy có một điểm chung quan trọng trong quan niệm về hạnh phúc của nhiều quốc gia, đó là hạnh phúc nhất thiết phải gắn với niềm vui. 

Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) thì định nghĩa về hạnh phúc: “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”. Từ điển mở Wikipedia có một quan niệm phong phú hơn: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lí trí”. 

Như vậy, mỗi con người có quyền chính đáng được tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc cho chính bản thân mình. Tôn chỉ ấy đã được nhắc đến ngay từ những dòng đầu tiên của bản Tuyên ngôn Độc lập, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều bình đẳng sinh ra, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ một góc nhìn khác, hạnh phúc nên là sự vừa lòng của cả đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần mà theo Nguyễn Hiến Lê, “về vật chất nên giữ ở mức trung, còn về tinh thần thì nên cao hơn mức ấy”.

2. Nhìn lại thơ ca của người Việt trong thế kỷ XX, nhất là giai đoạn kháng chiến, có thể thấy một điều quan trọng như sau: Hạnh phúc của mỗi cá nhân luôn được đặt trong hạnh phúc của tập thể, của cộng đồng, dân tộc. Đó là cái riêng đặt trong cái chung, ước mơ khát vọng, tình cảm của một người cũng là của mọi người. 

Điệp khúc “Và em gọi đó là hạnh phúc…” trở đi trở lại nhiều lần trong bài thơ nổi tiếng của Dương Hương Ly: “Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra/ Cho đến ngày cất bước đi xa/ Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt/ Nhớ chăng em cái mùa mưa đói quay đói quắt/ Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng/ Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng/ Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt/ Bao dốc cao em cần cù đã vượt/ Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh/ Em nói tới những điều em định viết/ Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép/ con sông Giàng gầm réo miên man/ Nước lũ về…Trang giấy nhỏ mưa chan/ Và em gọi đó là hạnh phúc” (Bài thơ về hạnh phúc). 

Thế mới biết khi được sống và cống hiến đúng với lý tưởng của mình, những gian khó, vất vả nhất vẫn có thể khiến mỗi người cảm nhận được những giây phút ấm lòng. Người con gái trong bài thơ đã ngã xuống, mãi mãi chẳng thể trở về bên những người yêu thương, song tinh thần của chị, tình cảm của chị là bất diệt. 

Và chính những con người đã ngã xuống ấy góp phần làm nên hạnh phúc cho những người ở lại, cho thế hệ hôm nay và mai sau: “Và em ơi ngày sum họp ngày mai/ Giữa chúng mình/ Còn tên những bạn bè ngã xuống/ Những người hay mơ mộng/ Tha thiết yêu và muốn được làm chút gì/ Cho anh cho em, cho đất nước/ Đôi tay họ, đôi bàn tay trong sạch/ Đã vùi sâu giữa đất/ Sẽ vươn giữa hai ta như những nhành cây/ Những nhành cây ôm chặt cuộc đời này/ Giữ cho những người yêu tròn hạnh phúc” (Thử nói về hạnh phúc – Thanh Thảo)

Hạnh phúc chính là con đường.

2. Hạnh phúc, đứng từ một góc nhìn khác, có khi lại nằm trong quá trình đi đến đích chứ không phải cái đích cuối cùng, bởi như nhà triết học cổ đại Gautama Buddha đã từng nói: “Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc bởi hạnh phúc chính là một con đường”. 

Trên con đường ấy, mỗi người sẽ tha hồ cảm nhận về hạnh phúc với đủ các cung bậc, cả ngọt ngào lẫn xót xa, cả những gì mơ hồ bảng lảng khó nói được thành lời: “Có thể ngày mai ta cũng đi qua/ Một cánh cửa nao lòng trong truyện “Tuyết”/ Có tiếng chuông và con mèo Akhip/ Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong…/Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng/ Nốt cao quá trong đời xao động quá!/ Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả/ Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn” (Nghĩ lại về Pauxtopxki – Bằng Việt)

Cái hành trình đi tìm hạnh phúc còn trở lại trong thơ Việt sau 1975 với những câu thơ của Cao Xuân Sơn: “Hạnh phúc là tìm kiếm để hy sinh/ Những báu vật trong mắt nhìn lấp lánh/ Tay đã trong tay mà lòng không yên tĩnh/ Được yêu nhau là để được bắt đầu/ Cuộc kiếm tìm chẳng một phút ngừng đâu/ Hạnh phúc!” (Hạnh phúc). 

Tôi bỗng muốn nói nhiều hơn tới hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi. Hạnh phúc của tình yêu thực ra mới là thứ khó nói nhất. Ngay cả khi những tình yêu chỉ còn là hoài niệm, thì những khoảnh khắc đi qua vẫn như những hạnh phúc đọng lại mãi mãi trong ký ức con người. 

Nữ sĩ Onga Becgon đã viết nhiều câu thơ về một miền hạnh phúc trong quá khứ như thế: “Anh hãy trở về trong giấc mơ em/ Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh/ Anh một thuở như cuộc đời, như mưa như nắng/ Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc vô bờ” (Không đề - Ngân Xuyên dịch), “Em chẳng bao giờ tiếc trái tim đâu/ Trong vui sướng khổ đau, trong đam mê, tình bạn/ Cái gì xảy ra thì đã xảy ra…/ Anh thân yêu, hãy tha thứ cho em anh nhé!/ Cay đắng, xót xa…/ Nhưng dù sao, đó cũng là hạnh phúc” (Nhưng dù sao đó cũng là hạnh phúc – Mai Xuân Huy dịch). 

Ai đó đã nói: “Không có tình yêu bất tử, chỉ có những giây phút bất tử của tình yêu”. Và hạnh phúc cũng vậy, dường như nó chỉ đọng trong phút giây với lứa đôi này, để rồi lại bay đi như món quà Tạo hóa dành cho lứa đôi khác: “Người cho tôi hạnh phúc/ Luôn như gió vội bay/ Người dâng tôi cả đời/ Không được gì đền đáp” (Hình tam giác muôn đời – Tove Ditlevxen, Hồng Thanh Quang dịch). 

Điều quan trọng có lẽ là dám sống hết mình, cháy hết mình trong những khoảnh khắc của tình yêu: “Tôi đã yêu đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em/ Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/ Còn điều chi em mải miết đi tìm” (Khúc mùa thu – Hồng Thanh Quang). 

Bởi thi sĩ rất hiểu rằng, hạnh phúc đến ngày hôm nay nhưng có thể dời đi bất cứ lúc nào: “Rằng tất cả chỉ là mộng mị/ Những vinh hoa phú quý trên đời/ Những hạnh phúc và không hạnh phúc/ Có hay không cũng chỉ tạm thời” (Có những ngày tôi nhớ em vô cớ - Hồng Thanh Quang).

3. Trong đời sống hiện đại, trở về với những lo toan của cuộc sống bộn bề, mỗi con người trong từng ngày phải vun vén cho hạnh phúc của chính mình. Và ta cũng hiểu rằng, hạnh phúc không đến với tất cả mọi người giống nhau: “Nơi còn hòa bình nơi khác chiến tranh/ Phía trước văn minh đằng sau tăm tối/ Người sang kẻ hèn người no kẻ đói/ Trên thế giới này hạnh phúc chẳng chia đều” (Phép chia không có lỗi – Phi Tuyết Ba). Nam Cao cũng nói về điều này một cách cô đọng hơn trong truyện ngắn của ông: “Hạnh phúc như một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở” .

Xã hội Việt Nam đã đi qua nhiều đổi thay nhưng có những giá trị vẫn là vững bền mãi mãi. Chúng ta đã vượt lên những năm tháng khó khăn của chiến tranh, bom đạn để giành lấy hạnh phúc, hòa bình. Để rồi mỗi lứa đôi có thể bên nhau hạnh phúc, yên bình trong những mùa xuân bất tận của hôm nay và mai sau: “Hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp. Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng. Cuộc đời còn có cả những 1 nụ hôn” (Mùa xuân bên cửa sổ - Nhạc: Xuân Hồng, thơ: Song Hảo).

Đỗ Anh Vũ
.
.
.