“Câu view” trên nỗi sợ hãi
- Nhiều đối tượng tung tin thất thiệt về virus Corona bị xử lý
- Nữ bác sĩ tung tin nhảm về virus Corona ở Cần Thơ
Từ chuyện tung tin người ở địa phương mình dương tính với nCoV đến việc nhà nước dùng máy bay phun thuốc phòng dịch… đã làm cộng đồng bấn loạn trước một mớ thông tin hỗn độn. Chỉ khi cơ quan Công an vào cuộc mới vỡ lẽ chúng nhằm "câu view". Lẽ dĩ nhiên, kẻ bịa chuyện sẽ bị xử lý, nhưng điều mà họ gieo rắc đã chuyển hóa thành nỗi hoang mang, ngờ vực trong xã hội.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người dùng mạng xã hội rất trách nhiệm khi kịp thời phản ánh hành vi trục lợi từ dịch bệnh, để cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn.
Chuyện bịa như thật
Sáng chưa bảnh mắt, con gái tôi đã hồ hởi thúc bố dậy để thông báo một tin giật gân, đại thể nội dung rằng đêm 1/2/2020 và rạng sáng hôm sau nhà nước mình sẽ dùng máy bay phun thuốc ngừa dịch cúm corona trên bầu trời toàn quốc, cảnh báo mọi người không nên ra đường(!?) Tôi hỏi tin đâu ra thì con bé chìa điện thoại cho xem. Đúng là có tin đó thật trên tài khoản Facebook mang tên Hà Thị Việt Trinh, với 143 lượt chia sẻ.
Cơ quan Công an xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt về dịch Corona trên mạng xã hội. |
Chỉ cần động não một chút là nhận ra sự vô lý của thông tin nói trên. Cho đến nay nhân loại vẫn đang mỏi mắt đi tìm loại "thần dược" nào khả dĩ ngăn chặn, khống chế được đại dịch toàn cầu này. Nếu tìm được thuốc chữa thì dịch đã được dập, chứ không còn con số người chết đang gia tăng chóng mặt tại Trung Quốc như hiện nay.
Còn khi chưa có thuốc chữa, bói đâu ra loại thuốc phòng? Thêm nữa, không thể dùng máy bay mà quải thuốc phòng dịch xuống nhân gian như phun thuốc trừ sâu ở cánh đồng mẫu lớn bên nước ngoài.
Thấy con bé chưng hửng, tôi động viên, nội chỉ trong nay mai, con sẽ thấy đây là trò câu view rẻ tiền.
Quả vậy, rất nhanh sau khi thông tin nói trên lan truyền trên mạng, Công an TP Thanh Hóa và Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Thanh Hóa đã làm rõ kẻ bịa chuyện là Hà Thị Việt Trinh (sinh năm 1995, ở phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa). Việc "sản xuất" ra tin này không ngoài mục tiêu tăng độ "hot" của trang cá nhân.
Dịch bệnh, thiên tai, giặc giã… từ bao đời nay, luôn là những thứ tác động sâu sắc nhất đến đời sống cộng đồng, bởi nó trực tiếp đe dọa tới sự an nguy của mạng sống con người. Vì thế, người Việt đã rất quan tâm, lo lắng khi những thông tin đầu tiên về dịch viêm phổi cấp tính gây ra do chủng virus corona (nCoV) mới bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc gây thiệt hại nhân mạng và lây lan nhanh chóng.
Ai cũng hiểu với đặc điểm địa lý có đường biên giới tiếp giáp quốc gia có dịch, với sự giao thương sâu rộng như hiện nay, sớm muộn gì dịch cũng tới Việt Nam. Và rồi sau khi báo chí đưa tin phát hiện người dương tính với virus Corona ở nước ta, dư luận đã dậy sóng. Việc tìm kiếm, trao đổi thông tin, bàn luận trên mạng xã hội là một phản ứng tất yếu ở một nước nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, với hơn 62 triệu tài khoản.
Để gây sự chú ý của cộng đồng, tăng độ "hot" cho trang cá nhân, nhằm mục đích thu hút thêm lượng người theo dõi, tăng tương tác để bán hàng online… nhiều chủ tài khoản Facebook đã bịa ra những cái tin độc, lạ, đánh trúng vào tâm lý sợ hãi của người dân, gieo rắc thêm sự hoang mang, lo lắng.
Điều nguy hại là những thông tin thất thiệt này có thể dẫn đến trạng thái tâm lý bất mãn, kích động của đám đông nếu thiếu kỹ năng xử lý, sàng lọc thông tin trên mạng. Hệ quả là có thể xảy ra những phản ứng quá khích, đả kích hoặc cản trở những nỗ lực của chính quyền trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh.
Tại cuộc họp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona hôm 30/1, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh một trong số các nhiệm vụ của Bộ Công an là phối hợp công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, không gây hoang mang, dao động cho người dân và xử lý các trường hợp đưa tin thất thiệt.
Bởi vậy, trong những ngày qua, không chỉ bận rộn với công tác dập dịch theo chức năng nhiệm vụ, lực lượng Công an toàn quốc còn phải tập trung điều tra xác minh, xử lý nhiều Facebooker đã tung lên mạng những thông tin bịa đặt về tình hình người nhiễm virus Corona tại các địa phương.
Đó là trường hợp của Trần Thị Thu Thủy (sinh năm 1997, trú tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn).
Vào ngày 29/1 Thủy đã đăng tải lên trang của mình tin sai với nội dung 1 người tại địa phương mình đã chết do nhiễm virus Corona. Thông tin này nhanh chóng lan truyền, gây hoang mang dư luận. Qua xác minh, cơ quan Công an xác định đó là thông tin sai sự thật.
Cho đến hết ngày 31/1, tỉnh Lạng Sơn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh cũng như tử vong do virus Corona gây ra. Tại cơ quan Công an, Thủy khai mục đích đưa "tin fake" nhằm câu like, gây sự chú ý của cộng đồng mạng. Cái giá phải trả cho những ngón phím "điêu ngoa" ấy là mức xử phạt lên đến 12,5 triệu đồng.
Tương tự, Nguyễn Đình Vân (29 tuổi, ở UBND TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cũng phải nhận mức phạt 7,5 triệu đồng sau khi tung tin thất thiệt trên trang cá nhân của mình về việc có người chết do virus Corona ở Cửa khẩu Móng Cái. Chủ tài khoản V.T.N.T. (ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) do đăng thông tin sai sự thật một người nghi nhiễm virus corona nhập viện tại Khoa Lây, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng cũng đã bị phạt 10 triệu đồng.
Ngày 30/1, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh triệu tập Nguyễn Thu Trang (chủ tài khoản Facebook Nguyễn Trang) để lập biên bản vi phạm hành chính khi tung tin sai sự thật về việc khách Trung Quốc nhiễm virus corona nhập viện tại Quảng Ninh.
Ngày 1-2, Công an TP Bắc Ninh phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Bắc Ninh đã điều tra, xử lý Nguyễn Công Hoàng (38 tuổi, trú tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du) và Vũ Quỳnh Mai (25 tuổi, tạm trú ở Chung cư Royal Park, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) vì đã đăng tải trên Facebook nội dung sai sự thật về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra trên địa bàn tỉnh nhằm câu view, câu like.
Tại Khánh Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Thọ, Vũng Tàu… nhiều chủ tài khoản Facebook khác cũng đã bị gọi hỏi, xử lý về các sai phạm tương tự. Không chỉ phao tin nhảm về dịch bệnh, có người còn đi xa hơn khi kêu gọi… đình công để phòng dịch lây lan(!) Lê Thị Mai (sinh năm 1986, ở xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá), vào lúc 5h ngày 1-2 đã chia sẻ lên trang của mình bài viết "Lào Cai phát hiện 12 công dân Việt Nam nghi nhiễm virus Corona mới" rồi câu view bằng lời kêu gọi: "Đình công thôi, thà đói, ăn ít bữa còn hơn mắc dịch bệnh. Bạn Trung Quốc mới về nước sang, sợ lắm".
Có thể hình dung được sự nguy hại của những thông tin mang tính kích động này trong giới trẻ - những người vốn bốc đồng, cả tin, lại thiếu kinh nghiệm để miễn nhiễm với những thứ nhiễu loạn trên mạng xã hội.
Bình luận về việc rất nhiều Facebooker bị xử lý trong mấy ngày qua, một người dùng mạng xã hội đã hóm hỉnh viết lên "tường" của mình: "Số người bị mời lên uống nước chè và nộp tiền phạt liên quan đến virus Corona, đã nhiều hơn hẳn số người lây nhiễm căn bệnh này tại Việt Nam!"
Đưa tin bịa đặt sẽ bị xử lý
Những ngày này, tràn lan trên mạng xã hội Facebook là những bình luận, chia sẻ của cư dân mạng về đại dịch. Bên cạnh những người chia sẻ các thông tin từ báo chí chính thống, hướng dẫn cộng đồng nhận biết nguy cơ, cách phòng dịch…, thì cũng có không ít chủ tài khoản nhân dịp này tung lên mạng những chuyện thất thiệt, hoặc nhận xét, bình luận, phê phán các cơ quan chức năng vì những ý đồ, mục tiêu khác nhau.
Giải thích về chế tài xử lý hành vi tung tin sai sự thật lên mạng xã hội liên quan đến đại dịch Corona, Luật sư Đỗ Quốc Quyền (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói: "Trường hợp loan tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân. Nếu hành vi tung tin thất thiệt gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet", với mức phạt tù lên đến 3 năm tù".
"Chơi" mạng xã hội có trách nhiệm
Từ hôm dịch "đổ bộ" vào nước ta, những hành động đẹp, vì cộng đồng như phát khẩu trang miễn phí, phát tờ rơi hướng dẫn cách phòng chống dịch cho người tham gia giao thông tại các tụ điểm công cộng… đã diễn ra ở nhiều địa phương.
Lực lượng liên ngành Công an - Quản lý thị trường kiểm tra các nhà thuốc, cửa hàng vật tư thiết bị y tế. |
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp, cá nhân vì sự ích kỷ, lợi dụng tâm lý lo lắng cho sức khỏe của người dân, đã nhẫn tâm trục lợi từ đồng bào mình thông qua việc gom hàng rồi hét giá trên trời với mặt hàng khẩu trang - loại hàng hóa thiết yếu trong lúc này. Chẳng hạn như Cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế tại số 118 Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) do Nguyễn Thị Thu làm chủ, trong ngày 31/1 đã bán ra cho khách 134 hộp khẩu trang y tế (một hộp có 50 chiếc) với giá 300.000-350.000 đồng/hộp. Giá một hộp khẩu trang này ngày thường bán 50.000 đồng/hộp.
Tương tự, Cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trụ sở số 120 Ngọc Khánh do Nguyễn Thị Nhung làm chủ cũng "thổi" giá khẩu trang lên mức từ 130.000-220.000 đồng/hộp… Những trường hợp này đều đã bị lực lượng chức năng xử lý.
Quả thực trong mấy ngày qua, bên cạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh ráo riết, thì công tác đấu tranh với nạn đầu cơ, tích trữ và tăng giá các mặt hàng thuốc và trang thiết bị y tế thiết yếu… cũng đang được các cơ quan chức năng tập trung giải quyết. Trợ giúp chính quyền là mạng lưới người dùng mạng xã hội đông đảo chưa từng có.
Hễ có nơi nào tăng giá khẩu trang hay thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, nước sát khuẩn… là khả năng được "bêu tên" ngay tắp lự trên Facebook, với những lời phàn nàn, trần tình sự việc cụ thể rất cao.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, chỉ trong ngày 1-2 đã có 85 cửa hàng kinh doanh vật tư, thiết bị y tế bị kiểm tra, xử lý với số tiền phạt vi phạm gần 89 triệu đồng.
Thượng úy Trịnh Công Anh - (Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội) cho biết từ công tác nắm tình hình dư luận trên mạng xã hội, những hiện tượng như thiếu hàng, thu gom hàng, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh… của nhiều đơn vị nhà thuốc, cửa hàng dược phẩm, đã được các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố nắm bắt, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường thành lập các tổ kiểm tra liên ngành xuống kiểm tra, phát hiện và xử lý sai phạm.