Nét chữ nết người

Thứ Bảy, 25/01/2020, 12:21
Khi những nhành đào khoe sắc thắm, hoa mai vàng nở rộ, ở đâu đó trên cung đường ta đi, giữa ồn ào xô bồ của đời sống nhộn nhịp, chậm lại một giây, thoảng qua trong chốc lát, vô tình bắt gặp hình ảnh của những ông đồ trẻ, đầu quấn khăn xếp, mặc áo dài the, chân đi guốc mộc, cặm cụi mài mực viết thư pháp.

Những ông đồ cho chữ hằng năm, vào mỗi dịp Tết nguyên đán không chỉ xuất hiện ở chốn văn hoá tâm linh Văn Miếu, mà ngay ở những khu vui chơi giải trí Lễ hội đầu xuân, hoặc trong không khí linh thiêng huyền ảo trước sân đình, chùa, đền, phủ khắp nơi. Chữ thư pháp ngày nay không chỉ được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm mà còn bằng chữ Quốc ngữ.

1. "Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua...", câu thơ ấy cứ như một điệp khúc ngân vang trên đài phát thanh vào dịp sang xuân, đón Tết khiến lòng người thêm chộn rộn, bâng khuâng. Phố xá ngày xưa của cụ Vũ Đình Liên khi viết bài thơ "Ông đồ" từ năm 1936, đã ngót 84 năm đến nay thật đổi khác. 

Cảnh làng quê của đồng bằng Bắc Bộ với mái đình, giếng nước, gốc đa, nhà tranh vách đất, chái rạ, ổ rơm và hình ảnh ông đồ già thân hình nhỏ bé, còm cõi liêu xiêu trên hè phố vắng trong cái lạnh buốt của đợt gió mùa đông bắc đến tê tái lòng. Ngày nay, ông đồ trẻ xúng xính, lộng lẫy xiêm y, mặt hoa da phấn, nhộn nhịp vui vẻ nói cười cho chữ.

Trước đây, người ta vẫn hiểu khái niệm ông đồ là một nhà nho uyên thâm chữ Hán, tường tận chữ Nôm, giàu kiến thức vừa thâm thúy sâu sắc lại còn có thể am tường nho, y, lý, số. Và làng nào cũng có ông đồ như thế.  Những ông đồ không màng danh lợi, bạc tiền, lấy đức làm trọng nên từ con người đã toát ra khí chất thanh tao, nho nhã, nét chữ vì vậy cũng hiển hiện ý người. 

Nếu như trong bình diện của cuộc sống "tướng tùy tâm sinh", nhìn tướng biết tâm, thì với người thảo chữ, nhìn nét chữ biết tính người. Việc này còn rộng hơn là chỉ cần nhìn chữ, biết cả ý người cho chữ và người xin chữ.

Thời xưa, vào dịp năm mới, muốn đến nhà ông đồ xin chữ, người đến xin chữ phải cung kính sắm sửa lễ vật con gà, đĩa xôi hay một thúng gạo, nhiều khi thanh sạch hơn là hoa, đăng, trà quả. 

Trước khi đến nhà thầy đồ, người xin chữ còn phải tắm nước lá mùi thơm, bay đi hết những ô tạp của năm cũ để háo hức đón mừng một năm mới chứa chan hi vọng. Ông đồ cũng giữ lễ nghi sau khi thụ nhận lễ vật, thành kính thắp hương ở ban thờ hương án, bày văn phong tứ bảo gồm bốn món bảo vật trong thư phòng: bút lông, mực, nghiên mực, giấy viết. 

Đâu đấy xong xuôi, ông đồ ôn tồn nhìn chăm chú vào người xin chữ rồi mới tùy duyên để cho chữ hợp với người. Người đến xin thường không biết thầy đồ cho mình chữ gì chỉ đến khi ông cất giọng nói mới biết. Chữ thư pháp khi xưa nguyên bản bằng chữ Hán, không phải người được cho chữ nào cũng biết đọc được, cũng có thể có người không hiểu hết được thâm ý của chữ, nhưng lại mừng rỡ treo chữ thánh hiền ở vị trí trang trọng trong căn nhà như phúc lộc của một mùa xuân mới.

2. Thời đại ngày nay với nền công nghiệp 4.0 ông đồ cũng vô cùng phong phú, nhộn nhịp chiều theo thị hiếu của người dân. Ông đồ già râu tóc bạc phơ, ông đồ trẻ thanh niên tuấn tú cùng treo rèm khoe chữ đỏ rực cả góc trời.

Chữ thư pháp giờ cũng đa dạng, không chỉ viết bằng chữ Hán, chữ Nôm mà cả bằng chữ Quốc ngữ để đọc, dễ hiểu, trẻ em đi học lớp 1, lớp 2 bi bô đánh vần đều hiểu cả. 

Trong không khí tươi vui của ngày xuân, bảng lảng mùi nhang khói thành kính tâm linh trước thiền môn, dưới gốc cây xanh sù sì hàng trăm tuổi, hay dưới gốc cây đại, hoa thơm ngát lã chã rơi, hòa quện với tiếng chuông chùa âm u vang dội, hình ảnh ông đồ như một nét chấm phá vào khung cảnh bức tranh thêm sống động. Nét chữ là nét người, viết thư pháp là nghệ thuật viết chữ bằng bút lông, thể hiện qua nét chữ gửi gắm tâm tình của người viết. 

Viết thư pháp không chỉ đòi hỏi viết chữ đẹp mà bố cục phải hài hòa, hợp phong thủy. Những nét chữ tươi mới bằng mực Tàu màu đen đậm nổi bật trên giấy đỏ, giấy vàng. Chữ thư pháp phải có hồn cốt, có khi đẹp tựa hồ như bức tranh công múa, phượng bay, rồng lượn. Vừa cao chót vót, hùng vĩ, tráng lệ như núi, lại vừa nhẹ nhàng, thanh khiết êm ả như sóng nước mênh mang.

Ngày nay, chỉ một số ít người vẫn có thú chơi chữ Hán, còn lại đa phần chuộng chữ Quốc ngữ, loại chữ phổ cập mọi người đọc thông viết thạo. Người đến xin chữ nói chữ muốn xin cho ông đồ, ông đồ liền viết chữ khoảng 30 phút là xong một chữ. Thời xưa, các cụ nhà ta vẫn thường xin chữ Nhẫn, Tâm, Tài, Trí, Đức, Phúc... Ngày nay nhiều người thường xin chữ Phú, Quý, Tài, Lộc. 

Người xin chữ An khang, người muốn chữ Thịnh vượng, người tha thiết chữ Thọ, người hoan hỷ chữ Tình, người trông ngóng chữ Nhẫn, người đi tìm chữ An... Có nhiều người lại muốn hai chữ ghép vào âm đôi như: Phát tài, Sai lộc, Phú quý, Khang ninh.... Khách hàng là Thượng đế, các ông đồ chiều theo tâm ý của khách, tay mài mực rồi nhẹ nhàng cầm bút lông đưa những nét chữ trên giấy điều thắm đỏ.

3. Chẳng biết tự bao giờ, có lẽ từ khi thời đại thông tin internet bùng nổ, thế giới của công nghệ  vì thế sinh ra dịch vụ ông đồ cho chữ. Ông đồ quay clip người tấp nập đến "xin" chữ, nhận "cho" chữ quảng cáo trên trang cá nhân. Ông đồ cho chữ nhận tặng câu đối nhân dịp quý công ty ra mắt chương trình, ma chay hiếu hỷ, tiệc tân gia nhà mới, tiệc chúc thọ ông bà cha mẹ, tiệc thôi nôi đầy tháng, thậm chí kỉ niệm đám cưới vàng, cưới bạc… 

Dịch vụ ông đồ còn có thể hứa hẹn cung cấp một hay nhiều ông đồ, được bảo đảm là có bằng cấp, chữ hay, viết đẹp. Thậm chí khách hàng muốn ông đồ già thì có ông đồ lớn tuổi tóc bạc da mồi. Khách hàng thích ông đồ trẻ thì có ngay bạch mã thư sinh, mặt búng ra sữa... 

Trên trang intrernet, ông đồ còn nhận ship chữ, muốn mua chữ gì là có ngay chữ đó, thanh toán chuyển khoản... Từ một lối chơi tao nhã của những người trọng lễ, kính đức thì nay thú chơi thư pháp đã biến thành dịch vụ kinh doanh thương mại, thuận mua vừa bán. 

Thư pháp không chỉ hiểu theo nghĩa đơn thuần là viết chữ đẹp. Thư pháp hay còn gọi là thư đạo trong hàm nghĩa sâu xa còn biểu hiện tâm, ý, khí, lực của người dụng bút. Ngày nay, thư pháp không chỉ được viết trên giấy mà còn trên các chất liệu khác nhau như đá, gỗ, mành tre... 

Trần Mỹ Hiền
.
.
.