3 cô bé có nét chữ “mười phân vẹn mười”

Chủ Nhật, 30/12/2007, 14:07
Đó là các em Kiều Phương Linh, học sinh Trường tiểu học bán công Tràng An, quận Hoàn Kiếm; em Nguyễn Hải My, Trường tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai và em Phan Minh Hà, Trường tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa. Ba em học sinh này đã đạt số điểm tuyệt đối trong cuộc thi đó và chữ viết của các em đã được in vào Tập sách Nét chữ - Nết người phát hành toàn quốc.

Tại lễ phát động cuộc thi "Chữ Việt đẹp" do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) - Báo CAND tổ chức, giải Báo CAND lần thứ I năm học 2007 - 2008 có 3 em học sinh tiểu học ở Hà Nội đã được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi tặng phần thưởng vì đã đoạt giải nhất cuộc thi "Viết chữ đẹp Quốc gia" dành cho học sinh tiểu học, do Bộ GD-ĐT tổ chức năm học 2005 - 2006.

Đó là các em Kiều Phương Linh, học sinh Trường tiểu học bán công Tràng An, quận Hoàn Kiếm; em Nguyễn Hải My, Trường tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai và em Phan Minh Hà, Trường tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa.

Ba em học sinh này đã đạt số điểm tuyệt đối trong cuộc thi đó và chữ viết của các em đã được in vào Tập sách Nét chữ - Nết người phát hành toàn quốc.

Ít ai biết rằng, để có được nét chữ hoàn hảo, bay bổng như vậy, các em đã phải dày công khổ luyện như thế nào...

Mỗi trang vở như một bức họa!

Chiếc cầu thang cũ kỹ của khu nhà lắp ghép đã đưa tôi lên nhà Kiều Phương Linh ở tầng 4. Em vừa đi học thêm về, đang giúp mẹ cho em trai được hơn 1 tuổi ăn cháo, uống sữa.

Mẹ Linh - chị Nguyễn Thị Lan Phương, hiện là giáo viên tiếng Anh của ĐH Quốc gia Hà Nội lấy cho tôi xem những bản nháp chữ đầu tiên của Linh khi em học mẫu giáo lớn, những trang vở lớp 1, lớp 2, những bài văn của Linh viết về bà ngoại, về cảnh đẹp hồ Gươm, trang giấy tập chép bài thơ “Việt Nam đất nước ta ơi”...

Cầm những bài tập viết đó, tôi lại nhớ đến câu nói của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hữu Ước, Tổng biên tập Báo CAND, Phó Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi “Chữ Việt đẹp”: “Tôi là người đam mê vẽ tranh nên khi xem vở của các cháu thấy mỗi trang vở như một bức họa đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc trong sáng...”.

Nét chữ, trang vở của Linh đẹp tựa một bức họa, khiến ai xem cũng phải thốt lên lời trầm trồ thán phục. Hồi đi thi cuộc thi "Viết chữ đẹp Quốc gia" do Bộ GD-ĐT tổ chức, Linh mới học lớp 1.

Theo quy định của Ban tổ chức, tại bài viết chữ thẳng, em chỉ phải viết có 4 chữ “tr”, “bê”, “chúc”, “mừng”, nhưng mấy chữ đó khi thể hiện trên trang giấy đã khiến các thầy cô phải thốt lên ngỡ ngàng và cho điểm tuyệt đối (các bài thi khác của em tại cuộc thi này cũng đạt điểm tuyệt đối).

Các thầy cô đã nhận xét bài thi của Linh bằng biên bản như thế này: “Về chữ to trong vở Tập viết, chữ viết rất đẹp, khả năng viết thanh đậm tốt, cỡ chữ đúng chuẩn, khoảng cách giữa các con chữ chính xác, rất giống chữ mẫu. Đặc biệt, nét khuyết trên và dưới viết quá đẹp, đầu nét khuyết tròn. Đây là một lợi thế rất lớn của Linh vì phần lớn các bài thi chữ đẹp từ trước tới nay đều mắc lỗi ở nét khuyết, hoặc là đầu vuông, hoặc là võng, gãy.

Về chữ nhỏ, viết quá đẹp, đặc biệt rất có hồn, chữ nghiêng đều, kỹ thuật viết thanh đậm tốt. Về chữ hoa, viết quá đẹp, đặc biệt chữ hoa cỡ nhỏ viết nghiêng rất bay, thậm chí mềm mại hơn cả... chữ mẫu!”.

Em Kiều Phương Linh và Phan Minh Hà.

Để có được nét chữ “mười phân vẹn mười” đó, Linh đã phải rèn luyện vô cùng kỳ công. Ngày Linh học mẫu giáo, cô giáo mầm non dạy em viết. Khi Linh viết những nét chữ đầu tiên, cô giáo đã giật mình vì chữ của Linh vừa rắn rỏi, vừa bay bướm có hồn, điều mà khó có một em bé mẫu giáo nào làm được. Biết Linh có năng khiếu viết chữ đặc biệt, cô giáo đã cho phép Linh được viết chữ theo ý muốn, không cần phải viết theo chữ mẫu.

Mẹ Linh kể, dù con có năng khiếu nhưng không vì thế mà để con “tự mãn”, chị càng chú trọng rèn Linh viết đúng quy phạm, dạy Linh từ cách đưa nét khuyết trên, dưới như thế nào, từng nét chữ cách nhau bao nhiêu ô.

Cứ thế, như một con ong chăm chỉ, Kiều Phương Linh đã rèn được nét chữ hoàn hảo. Càng viết đẹp, em càng say mê tập viết.

Em đã đoạt giải nhất trong cuộc thi "Vở sạch, chữ đẹp" do nhà trường, do quận và do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức. Vở viết của em đã được tham dự nhiều cuộc triển lãm chữ đẹp và lần nào cũng được các bạn học sinh và phụ huynh “xin” làm kỷ niệm. Mất vở, nhưng Linh và bố mẹ đều rất vui. Về nhà, em lại bò ra tập chép lại, để có dịp tặng bạn bè, thầy cô.

Tin đồn Trường tiểu học Tràng An có một cô bé viết quá đẹp cứ lan xa, nhiều bác chuyên viên ở Sở GD-ĐT Hà Nội đã cho mời Linh lên để xem em viết và đều thán phục. Khi biết tin Linh đoạt giải nhất cuộc thi "Viết chữ đẹp Quốc gia", bạn bè, thầy cô và đặc biệt là bố mẹ đều vui mừng với em.

Còn Linh, em thủ thỉ với tôi rằng, hôm đi thi, do nghịch dao lam, em đã bị đứt ngón tay trỏ phải, phải băng dày cộp. Thế nhưng, thật tuyệt vời dù với ngón tay bị đau, em vẫn giành được điểm 10 và bao lời ngợi khen...

Linh liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, tháng nào Linh cũng xếp thứ 1. Năm lớp 2 em giành giải nhất cả Tiếng Việt và Toán cấp trường, được mặc quần áo trạng nguyên tuyên dương trước toàn trường.

Nét chữ là nết người, là vẻ đẹp tâm hồn

Nếu như Kiều Phương Linh, cô lớp trưởng lớp 3D mạnh dạn, tự tin bao nhiêu, thì Nguyễn Hải My, lớp 4B, Trường tiểu học Tân Mai và Phan Minh Hà, lớp 4E, Trường tiểu học Thái Thịnh lại có vẻ nhút nhát và e dè. Cả hai em này cùng đoạt giải nhất trong cuộc thi "Chữ viết đẹp Quốc gia" dành cho học sinh lớp 2.

Hà kể với tôi, ngày đó em thi ở Trường Yên Sở (Hà Nội), quy định chỉ được viết bài thi trong vòng 15 phút. Đến giờ Hà vẫn nhớ, em chép lại một đoạn văn “Cây gạo” của nhà văn Vũ Tú Nam: “Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi”.

Còn My thì nhớ được chép một đoạn văn viết về Tây Nguyên, mảnh đất với những vẻ đẹp văn hóa đậm chất sử thi. Những đoạn văn này chưa đầy 40 từ, nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi 15 phút, không phải em nào cũng viết xong, có em vì tâm lý căng thẳng không viết trọn vẹn đã oà khóc ngay tại phòng thi, có em viết sai chính tả (dù có văn mẫu), có em viết thiếu nét...

Nhưng cả Hà và My đều hoàn thành xuất sắc bài thi, với số điểm tuyệt đối và nhận được biết bao lời ngợi khen từ Ban giám khảo.

Em Nguyễn Hải My.

Mẹ của Hải My, chị Bùi Mỹ Hạnh tâm sự, Hải My cũng bộc lộ năng khiếu viết chữ đẹp từ khi chưa học lớp 1. Mỗi khi viết được nét chữ giống chữ mẫu, My reo lên sung sướng, rồi em lại cặm cụi, viết hết nét này đến nét khác.

Em đam mê viết chữ như người có năng khiếu thích viết nhạc, làm thơ vậy. Chỉ cần thấy hộp bánh, hộp kẹo nào có chữ viết hoa kiểu mới, em bóc nhãn làm mẫu chữ và học viết.

Chị cũng không thể nhớ hết bao nhiêu đêm, My cứ miệt mài viết chữ, đến 12h vẫn chưa đi ngủ. Mùa hè vừa rồi, chị có mua một quyển chữ mẫu hoa cách điệu, dù nét chữ này rất khó, nhưng cũng không thể ngờ, chỉ sau một vài ngày, My đã viết thuần thục, thậm chí còn mềm mại hơn cả chữ mẫu.

Cũng say mê viết chữ như My, em Hà dù chưa có được một góc học tập rộng rãi, nhưng lúc rảnh rỗi, thay vì đọc truyện, chơi trò chơi trên máy tính, em lại ngồi luyện chữ. Cả My và Hà đều nói với tôi, để có được nét chữ đẹp như thế, mỗi lần luyện chữ, em đã để cả tâm trí mình vào đó.

Qua cuộc trò chuyện với mẹ của Linh, My và Hà, chúng tôi nhận ra được một điều mà lâu nay nhiều người vì bận việc đã không để tâm tới. Đó là vai trò của bố mẹ và cô giáo rất quan trọng trong việc rèn chữ cho các em. Viết chữ đẹp còn rèn được cho các em nhiều đức tính quan trọng khác.

Chị Lan Phương, mẹ của Kiều Phương Linh bảo với tôi, chị rất mừng về việc Linh đã rèn được nét chữ đẹp, vì từ nét chữ mà Linh rèn được tính cẩn thận, kiên nhẫn, rèn được cách sắp xếp, trình bày bài vở rất khoa học và giúp Linh luôn “nghiêm khắc” với bản thân, đặc biệt khi làm văn, làm toán. Chữ viết đẹp còn giúp Linh rất có “gu” thẩm mỹ và óc quan sát.

Kinh nghiệm mà chị Lan Phương muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh là khi rèn chữ, chỉ nên gợi mở, hướng dẫn cho con cách quan sát nét chữ, không nên cầm tay đặt bút vì khi đó đứa trẻ sẽ bị thụ động.

Còn chị Mỹ Hạnh, mẹ của Hải My thì tâm niệm, nét chữ là bài học đầu đời của trẻ nên rất quan trọng, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến tính nết của trẻ. Với học sinh lớp 1, dạy các cháu viết đẹp còn khó hơn dạy đọc, dạy phép cộng trừ. Nhưng “tre non dễ uốn”,  bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể viết chuẩn mực, viết đẹp nếu được cha mẹ hướng dẫn chỉ bảo tận tình nghiêm khắc.

Khi viết bài này, chúng tôi thấy rất vui khi biết cuộc thi “Chữ Việt đẹp” do Bộ GD-ĐT - Báo CAND phát động đang được các trường phổ thông trong toàn quốc tổ chức động viên học sinh tham dự.

Minh Hà kể, cô Tổng phụ trách Đội của Trường tiểu học Thái Thịnh nơi em học đã nói với các bạn về cuộc thi, nhiều bạn học sinh, đã bắt đầu rèn luyện để viết chữ dự thi.

Cả 3 em Linh, Hà, My chắc chắn sẽ tham dự, đặc biệt, em trai của My là Nguyễn Hải Nam (từng đạt giải khuyến khích viết chữ đẹp cấp quận) lần này cũng tham dự cùng chị. Mẹ của Hải My bảo với tôi, chị  rất tâm đắc với “Chữ Việt đẹp” vì cuộc thi bổ ích, thủ tục, thể lệ thi thông thoáng, có tính chất khuyến khích, mang đến cho các em nhiều niềm vui. Đặc biệt hơn, cuộc thi này còn mở rộng đến cả học sinh THCS và THPT.

Khi chia tay với Linh, My, Hà, mỗi em chép tặng tôi một đoạn văn hay, trong đó Hải My đã chép tặng tôi đoạn thơ Bút hoa: “Bút hoa viết chữ đẹp. Phải uốn nắn từng nét. Chữ sáng lòng sáng ngời. Đẹp chữ là đẹp nết”. Thông điệp giản dị mà sâu xa của đoạn thơ đã nói lên tất cả vẻ đẹp và giá trị của nét chữ.

Cảm ơn các em đã góp phần làm đẹp một nét văn hóa của người Việt Nam và tôi tin, các em sẽ là những con ngoan trò giỏi, những công dân có ích khi chăm chút nét chữ đẹp đó suốt cuộc đời và mang nó đến với mọi người

Thu Phương - ANTG số 717
.
.
.