Lập lờ thuốc với thực phẩm chức năng

Thứ Sáu, 13/11/2015, 21:30
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì nhu cầu sử dụng "thực phẩm chức năng" (TPCN) trong một bộ phận người dân cũng theo đó tăng lên, dẫn đến sự bùng nổ của mặt hàng này trên thị trường mà theo ước tính, doanh số hàng năm của nó không dưới nghìn tỉ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, TPCN cũng ẩn chứa nhiều vấn đề cần được phân định rạch ròi mà một trong số đó là sự lập lờ giữa "TPCN" và thuốc chữa bệnh…

Thực phẩm chức năng hay là thuốc?

Theo định nghĩa của cả Việt Nam lẫn thế giới, TPCN là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên nhưng trong quá trình chế biến, nó được bổ sung thêm các chất "chức năng" giúp cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng, làm giảm nguy cơ mắc bệnh…

Các chất "chức năng" ấy có thể là vitamin, khoáng chất, hoặc cây, củ, rễ, lá… có dược tính nhưng sản phẩm làm ra lại không dùng để chữa bệnh. Vì vậy, tất cả các loại TPCN đều phải ghi rõ "sản phẩm này không phải là thuốc, và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

Để một sản phẩm được gọi là thuốc sẽ khó hơn cái gọi là thực phẩm chức năng rất nhiều.

Nó được bán tự do trên thị trường và người mua không cần phải có toa bác sĩ bởi lẽ nếu là thuốc chữa bệnh, nhà sản xuất bắt buộc phải công bố hàm lượng các thành phần của sản phẩm, dùng để chữa bệnh gì, tác dụng phụ của nó là gì, liều dùng hằng ngày cho người lớn (hoặc trẻ con) là bao nhiêu, chỉ định và chống chỉ định trong những trường hợp nào, thời hạn sử dụng từ ngày, tháng, năm nào đến ngày, tháng, năm nào và số đăng ký lưu hành (visa) do cơ quan chức năng (mà cụ thể là Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp), trong lúc TPCN (do Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành) lại không cần phải có đủ những tiêu chí ấy (theo Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý TPCN).

Thế nhưng, trên thị trường hiện nay có khá nhiều "TPCN" mà tính chất lại chẳng khác gì thuốc chữa bệnh. Lấy thí dụ một loại TPCN tên P. chẳng hạn, nó được nhà sản xuất công bố: "Chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên bao gồm trinh nữ hoàng cung 50mg, đỗ trọng 50mg, trần bì 30mg, nấm hương 30mg". Vẫn theo nhà sản xuất, nó có công dụng "làm giảm các triệu chứng của bệnh phì đại tiền liệt tuyến như tiểu ngập ngừng, cảm giác tiểu không hết, tiểu nhiều lần, lượng nước tiểu mỗi lần ít, hay đi tiểu vào ban đêm. Hỗ trợ điều trị phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới" còn về liều dùng, nhà sản xuất khuyên uống ngày 2 lần, mỗi lần từ 2 đến 4 viên vào lúc no.

Nếu đem "TPCN" P. ra so sánh với loại thuốc chữa bệnh u xơ tiền liệt tuyến C., do một công ty dược phẩm trong nước sản xuất, đã được Cục Quản lý Dược cấp giấy phép lưu hành, ta sẽ thấy công dụng của nó gần như nhau, chỉ khác ở chỗ viên thuốc C. hàm lượng trinh nữ hoàng cung là 250mg, còn viên P. thì hàm lượng là 50mg. Nhưng mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 viên theo như chỉ dẫn thì tổng hàm lượng của trinh nữ hoàng cung trong 8 viên P. cũng tương đương như uống 3 viên C., chưa kể đỗ trọng, trần bì trong viên P. cũng là những vị thuốc.

Đỗ trọng chẳng hạn, nó có tác dụng hạ huyết áp, hạ cholesterol trong máu, làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu của động mạch vành. Ngoài ra, nó còn có tính kháng viêm, tăng cường chức năng vỏ tuyến thượng thận, chống co giật và giảm đau, lợi tiểu, rút ngắn thời gian chảy máu…

Theo quy định của Cục Quản lý Dược (Thông tư số 44/2014/TT-BYT, ban hành ngày 25/11/2014), nếu muốn được phép đưa một mặt hàng dược phẩm ra thị trường, nhà sản xuất phải tuân thủ rất nhiều các điều khoản, trong đó có "hồ sơ lâm sàng", "báo cáo về an toàn, hiệu quả", "báo cáo nghiên cứu tiền lâm sàng", "bảng liệt kê các nghiên cứu lâm sàng", "báo cáo về độc tính học", "không có bất kỳ khuyến cáo nào của Tổ chức Y tế thế giới hoặc của Cơ quan Quản lý Dược Việt Nam, hoặc nước ngoài về hiệu quả điều trị hoặc sử dụng"…

Thế nên, để làm ra viên thuốc C., các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên chuột đực từ 50 đến 55 ngày tuổi bằng cách cấy dưới da chất gây ung thư 20-methylcholanthren. Khi trong cơ thể chuột đã hình thành khối u, họ cho nó uống chất Crinum latifornium chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung. Kết quả cho thấy chất này đã làm giảm hẳn sự tăng trưởng khối u của chuột thí nghiệm.

Cũng cần nói thêm là năm 2001, tại Bệnh viện Hữu Nghị, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng đã sử dụng nước sắc lá cây trinh nữ hoàng cung để điều trị u xơ tuyến tiền liệt cho bệnh nhân, hiệu quả 92,68%, còn theo tài liệu của giáo sư Đỗ Tất Lợi, từ năm 1984 đến 1989, nhiều nhà khoa học của Ấn Độ và Nhật Bản đã tìm thấy trong cây trinh nữ hoàng cung một số dẫn chất ancaloit có tác dụng chống ung thư.

Vậy tại sao nhà sản xuất ra viên P. lại không công bố đó là thuốc chữa bệnh mặc dù họ đã nêu rõ "chiết xuất từ thảo dược", mà lại gọi nó là "TPCN" thì câu trả lời là để trở thành thuốc chữa bệnh, họ phải tuân thủ các quy định của Cục Quản lý Dược, chẳng hạn như "liệt kê các nghiên cứu về lâm sàng", "báo cáo độc tính"…

Còn nếu mua lại bản quyền sản xuất của đơn vị đã nghiên cứu, chế tạo ra loại thuốc có nguồn gốc từ cây trinh nữ hoàng cung thì giá mua có lẽ không rẻ? Chưa kể nếu như thuốc C., nhà sản xuất công bố rõ ràng, cụ thể về chống chỉ định và tác dụng phụ của thuốc thì với "TPCN" P., không hề thấy nói về vấn đề này? Bởi vậy nếu người uống mẫn cảm với thành phần nào đó của viên P., biểu hiện bằng các hiện tượng nổi mẩn đỏ, ngứa, thậm chí khó thở do phù thanh quản nếu dị ứng nặng, hoặc gặp phải các tác dụng phụ như chóng mặt, đầy bụng… thì nhà sản xuất vẫn vô can vì đây là… TPCN!

Lập lờ đánh lận con đen?

Một loại TPCN khác có tên Cm., thành phần chính là curcumin, chiết xuất từ cây nghệ vàng, được quảng cáo là "giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, viêm loét dạ dày tá tràng, các bệnh lý về gan mật". Và mặc dù chỉ "giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư…”, nhưng tính năng của nó được mô tả như sau: "Quá trình tiêu diệt tế bào ung thư của Cm. thông qua 5 cơ chế, gồm đa đích tác dụng, đánh vào tế bào ung thư nhiều hơn tế bào lành, nâng cao hệ thống miễn dịch, phục hồi quá trình chết theo chương trình của tế bào ung thư, ức chế tăng sinh mạch máu mới, hạn chế di căn ung thư đồng thời còn ức chế các tác nhân gây viêm như NF-kB, TNF, IL1, IL6… giúp giảm đau đớn và hạn chế tác dụng độc hại của hóa trị, xạ trị…".

Hoa mắt trước một rừng thực phẩm chức năng.

Vậy thì với những tác dụng như thế, Cm. phải là "thuốc" mới đúng bởi lẽ nó "trực tiếp tiêu diệt tế bào ung thư, hạn chế di căn, ức chế tăng sinh mạch máu…" kia mà! Theo một báo cáo của Trung tâm Ung thư MD Anderson, Mỹ, tính đến tháng 6/2015, đã có 116 thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả phòng chống dịch bệnh của chất curcumin đối với cơ thể người, và đã được đăng ký với Viện Y tế quốc gia Mỹ, bao gồm các nghiên cứu về bệnh ung thư, bệnh đường tiêu hóa, rối loạn nhận thức, và bệnh tâm thần nhưng bên cạnh đó, tổ chức "Liên minh quốc tế về cơ bản và Dược lâm sàng" (International Union of Basic and Clinical Pharmacology - gọi tắt là IUPHAR) - là tổ chức hàng đầu thế giới về ngành Dược - cũng đã mô tả rõ về những tác dụng phụ của curcumin như sau: "Các nghiên cứu lâm sàng với liều cao (từ 2 đến 12 gam/ngày) của curcumin cho thấy tác dụng phụ xuất hiện ở một số bệnh nhân tình nguyện nghiên cứu như buồn nôn hoặc tiêu chảy nhẹ. Ngoài ra, curcumin còn làm thay đổi sự chuyển hóa sắt và vô hiệu các protein hepcidin, gây ra nguy cơ thiếu chất sắt ở những bệnh nhân mẫn cảm. Một số nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy curcumin nồng độ cao có thể gây hại cho ADN cũng như ức chế hệ thống miễn dịch …", trong lúc TPCN Cm. lại không thấy nhắc đến điều này? Câu hỏi đặt ra là phải chăng nhà sản xuất ra Cm. không nêu tác dụng phụ để người tiêu dùng khỏi e ngại khi mua nó?

Sự lập lờ giữa thuốc chữa bệnh và TPCN còn nằm ở hàm lượng các chất có trong nó. Lấy thí dụ loại TPCN tên V. chẳng hạn, hàm lượng vitamine B1 là 5mg, B6 là 2mg, B12 là 5mcg (microgam), vitamin C 75mg cùng một số chất khoáng  như kẽm 50mg, ma nhê 0,5mg, đồng 0,1mg… - là hàm lượng các chất cần thiết cho cơ thể một người trưởng thành trong một ngày. Nhưng với loại TPCN tên S., mặc dù nó vẫn ghi "sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" nhưng nó lại được quảng cáo là "làm giảm hiện tượng run do nghiện rượu, giảm đau, mỏi cơ, giúp chữa lành chứng viêm thần kinh tọa…" mà trong đó, bên cạnh một số chất khác thì hàm lượng vitamine B1 là 125mg, B6 125mg, B12 là 2.500 gamma, uống ngày 2 lần, mỗi lần 2 viên.

Với hàm lượng và liều uống như thế, S. là thuốc chữa bệnh chứ không còn là "TPCN" nữa bởi lẽ trong điều trị một số chứng mỏi cơ, run do nghiện rượu, viêm thần kinh tọa…, các bác sĩ thường kê đơn kèm theo loại thuốc có chứa 3 vitamin này với hàm lượng cao như vừa nêu ở trên. Điều đáng nói là nếu mua 1 viên thuốc chữa bệnh có chứa 3 vitamin B1, B6, B12 thì giá của nó chỉ khoảng 1.600 đồng, nhưng một lọ "TPCN" S. 100 viên lại là 1.800.000 đồng, tính ra mỗi viên 18.000 đồng!

Cần hiểu đúng về thực phẩm chức năng

Có thể nói, bởi sự thổi phồng về tính chất nên không ít người ngộ nhận về TPCN, dẫn đến việc dùng nó như thuốc chữa bệnh, hoặc tin rằng nó vô hại nên họ uống liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm với quan niệm "không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc"?

Một "chuyên gia" đang giới thiệu công thức chế tạo thực phẩm chức năng từ những loại thảo dược.

Ngày cũng như đêm, trên nhiều đài truyền hình, khá nhiều loại TPCN được quảng cáo với các tính năng chữa được bệnh này, bệnh kia rồi đến những giây cuối cùng của chương trình quảng cáo, câu: "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" được đọc nhanh như gió, nhiều khi không nghe kịp! Thực tế nhiều khảo sát lâm sàng đã chứng minh rằng nếu dùng TPCN trong một thời gian dài, sẽ dẫn đến hiện tượng rối loạn quá trình trao đổi chất do cơ thể phải liên tục xử lý những loại chất bổ và chất dinh dưỡng dư thừa. Sự dư thừa ấy kết hợp với các chất dư thừa dự trữ trong cơ thể sẽ khiến lượng mỡ trong máu tăng cao, mô mỡ phì đại, đường huyết tăng và các gốc oxy hóa cũng tăng theo, gây hại nhiều cơ quan, bộ phận.

Chưa kể TPCN còn có thể gây ra các phản ứng dị ứng từ nhẹ đến nặng cho người dùng, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Ở Mỹ, Cơ quan FDA ghi nhận mỗi năm có khoảng 6 triệu người phải nhập viện vì những tác dụng phụ của "TPCN" còn ở ta, vẫn chưa có một nghiên cứu nào về vấn đề này nhưng có lẽ, con số bệnh nhân của "TPCN" dưới dạng tiểu đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa… chắc cũng chẳng ít!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thị trường hiện nay có không dưới vài nghìn loại TPCN mà trong đó, ngoài những loại trong nước sản xuất hoặc nhập từ nước ngoài, được Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp phép lưu hành thì cũng không ít TPCN đi theo đường "xách tay" với giá bán trên trời, chưa kể nhiều loại thuốc chữa bệnh được dán nhãn "TPCN" để khỏi qua khâu kiểm nghiệm lâm sàng, xin visa lưu hành…

Vì thế, có lẽ đã đến lúc các ngành chức năng cần trả lại cho "TPCN" ý nghĩa đúng với tên gọi của nó.

Vũ Cao
.
.
.