Cuộc đua mới lên mặt trăng

Thứ Ba, 27/08/2019, 10:35
Vào những năm 1960, nhân loại từng chứng kiến cuộc chạy đua đầu tiên giữa hai cường quốc hàng đầu khi đó là Liên Xô và Mỹ tới mặt trăng. Với những tuyên bố mới đây của Washington, một cuộc đua mới lên vệ tinh của trái đất đã bắt đầu khởi động.

Nhưng lần này, Mỹ sẽ phải bước vào hành trình mới với thách thức cạnh tranh gay gắt hơn nhiều, với sự tham gia của nhiều công ty tư nhân như SpaceX và Blue Origin, cũng như nhiều cường quốc khác trên thế giới, trong đó đối thủ mới quan trọng nhất lại là Trung Quốc…

Cuộc đua của những “con cá mập”

Vào thời khắc lịch sử của ngày 16-7-1969 rất đặc biệt đối với phần lớn người dân Mỹ, khi Neil Armstrong chính thức đặt chân lên mặt trăng, Elon Musk còn chưa ra đời. Musk sinh năm 1971 tại thành phố Pretoria (Nam Phi), tức là phải hai năm sau khi tàu Apollon-11 hạ cánh xuống mặt trăng.

Mặt trăng một lần nữa lại trở thành mục tiêu chinh phục của nhân loại.

“Apollon-11 là một trong những khoảnh khắc gây cảm hứng nhất trong lịch sử nhân loại – Musk trả lời phỏng vấn vào ngày 12-7-2019 vừa qua ngay tại trụ sở của Công ty SpaceX chuyên sản xuất các phương tiện kỹ thuật vũ trụ được ông ta thành lập năm 2002 – Tôi nghĩ SpaceX hiện nay không thể tồn tại nếu như không có Apollon-11 khi đó”.

Hiện nay, SpaceX đang là một trong không nhiều “tay chơi” có thể cạnh tranh trong cuộc đua đưa loài người lên định cư trên mặt trăng.

Trong khi vào những năm 1960, đó chỉ là cuộc đua nội bộ giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô xem ai có thể đặt chân lần đầu tiên lên bề mặt vệ tinh duy nhất của trái đất.

Nhưng lần này, nước Mỹ đang bước vào một cuộc đua cạnh tranh gay gắt hơn với cả các công ty tư nhân như SpaceX và Blue Origin của Jeff Bezos, cũng như cả các cường quốc khác trên thế giới, trong đó đối thủ mới nổi phải kể tới Trung Quốc.

Tương tự như Liên Xô và Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh các tham vọng trên vũ trụ của mình như một công cụ tuyên truyền chính trị cũng như mở rộng ảnh hưởng.

Tháng 1 vừa qua, Trung Quốc vừa phóng thành công tàu Chang'e-4, bao gồm cả module cố định và chiếc tàu tự hành, về sau đã đổ bộ thành công lên bề mặt tối của mặt trăng, giúp cho họ trở thành quốc gia đầu tiên chinh phục được khu vực này.

“Chúng tôi đang xây dựng để biến Trung Quốc trở thành một nhà khổng lồ trên vũ trụ” – tổng công trình sư Wu Weiren của Chang'e-4 đã tự hào tuyên bố như vậy nhân sự kiện này. Theo các chuyên gia, Bắc Kinh chỉ cần khoảng 5 năm tiếp theo để có thể chính thức đưa được con người đặt chân lên mặt trăng.

Những động lực hấp dẫn

Động lực mới thúc đẩy cuộc đua vũ trụ mới hiện nay theo đánh giá chính là sự kết hợp của một loạt những mục tiêu về kinh tế, công nghệ và địa chính trị quan trọng nhất. Đã có những khoản tiền rất lớn được đầu tư cho các dự án chinh phục mặt trăng.

Phần đầu tư của các công ty chuyên nghiên cứu và chế tạo các phương tiện vũ trụ phục vụ cho mục tiêu này đã lên tới 350 tỉ đôla, và theo số liệu ước tính của Morgan Stanley sẽ còn tăng lên 1,4 ngàn tỉ đôla vào năm 2040. Mặt trăng có thể là tiền đồn đầu tiên của nhân loại trong quá trình chinh phục và khai thác tài nguyên trên vũ trụ.

Chẳng hạn như các nhà khoa học đang bàn luận rất nhiều về những trữ lượng kim loại đất hiếm có thể khai thác với công suất lớn trên mặt trăng. So với khả năng của phương tiện vũ trụ hiện nay thì việc khai thác khoáng sản trên còn chưa khả thi, nhưng với sự thay đổi và phát triển nhanh của công nghệ, những dự án trên sẽ có một tương lai hứa hẹn trong thời gian không lâu.

Một vụ phóng thử nghiệm tên lửa của SpaceX.

Ngoài ra, các chuyến bay lên mặt trăng còn tạo tiền đề cho nhiều bước nhảy vọt khác về khoa học và công nghệ. Các đài quan sát thiên văn được đặt ở phần tối của mặt trăng – giúp tránh được ánh sáng mặt trời phản xạ từ trái đất cũng như bức xạ từ trái đất – sẽ cho phép quan sát ở những khoảng cách xa hơn những kính viễn vọng được đặt trên trái đất hay trên quỹ đạo.

Bên cạnh đó, những bước tiến trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cảm biến sinh trắc học và điều hành không lưu gần đây còn tạo ra những tiền đề hứa hẹn cho khả năng xây dựng các khu nông trại bên ngoài trái đất.

Việc xây dựng được một căn cứ của con người trên mặt trăng (với khoảng cách chỉ mất 3 ngày khi bay từ trái đất) sẽ là một bước thử nghiệm tốt nhất cho tham vọng chính phục sao Hỏa trong tương lai.

Tất cả các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua mới này cũng đã tính toán tới nhiều tiềm năng khác. Như trên các miệng núi lửa phía mặt tối của mặt trăng đang tích tụ những trữ lượng nước đóng băng khá lớn, có thể sử dụng cho sinh hoạt của con người và trồng trọt. Nước cũng có thể sử dụng để phân tách ôxy sử dụng cho phi hành đoàn, hydro để chế tạo nhiên liệu rắn có hiệu quả cao cho tên lửa đẩy.

Tất nhiên, việc có được nước và nhiên liệu rắn ngoài trái đất sẽ giúp các chuyến bay chinh phục vũ trụ của con người có được khoảng cách xa hơn, chưa kể việc xuất phát từ mặt trăng sẽ đơn giản hơn nhiều do có lực hấp dẫn nhỏ hơn trái đất tới 6 lần.

Những con tàu vũ trụ hướng tới sao Hỏa và thực hiện các sứ mạng vũ trụ khác về lý thuyết có thể tạm dừng gần mặt trăng để tiếp nhiện liệu trước những chuyến thám hiểu sâu hơn nữa vào vũ trụ bao la.

Cuộc đua đã mở màn

Tháng 3-2019 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, cũng là người đứng đầu Hội đồng Vũ trụ quốc gia mới được tái thành lập cách đây không lâu (bị giải thể trước đó từ năm 1993) đã tuyên bố, chính quyền Donald Trump sẽ đưa người Mỹ lên mặt trăng vào năm 2024.

Mô hình module đổ bộ lên mặt trăng “Blue Moon” của Blue Origin.

Với chính sách mới trên, một loạt các bước chuẩn bị đã được phía Mỹ khẩn trương triển khai. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã quyết định cho Công ty SpaceX thuê lại khu đất 39A tại mũi Canaveral, cũng là nơi xuất phát của một loạt các sứ mạng thám hiểm mặt trăng của Apollon trước đây.

Với quyết tâm sẽ phóng tàu vũ trụ cùng phi hành đoàn bay xung quanh mặt trăng vào năm 2023, SpaceX còn thuê thêm một khu đất bên cạnh đó, xây dựng tại khu vực này một nhà xưởng diện tích 5.000m2 để chế tạo lắp ráp tên lửa đẩy.

Nhà máy của họ tại Hawthorne (bang California) đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất hai tàu vũ trụ Dragon. “Trên thực tế, chúng tôi đã có một con tàu có khả năng chuyển lên mặt trăng mọi hàng hóa cần thiết để xây dựng một căn cứ thường xuyên trên đó, tương tự như căn cứ có thể sinh sống bình thường của chúng tôi tại Nam Cực” - Elon Musk cho biết.

Tương tự như vậy, NASA cũng cho thuê hai bãi phóng số 36 và 11 tại mũi Canaveral cho Hãng sản xuất trang bị tên lửa Blue Origin, hiện đang thuộc về ông chủ Jeff Bezos của Tập đoàn Amazon. Blue Origin đã xây dựng tại đây một nhà máy hoành tráng trị giá 200 triệu đôla, đồng thời dự kiến mở rộng diện tích lên tới 360.000 m2.

Mới tháng 5 vừa qua, Bezos đã cho giới thiệu mô hình của module đổ bộ lên mặt trăng “Blue Moon”, khẳng định sẽ hoàn tất chương trình này đúng vào thời điểm chính quyền Donald Trump đã ấn định vào năm 2024. “Đã đến lúc quay trở lại mặt trăng – Bezos tuyên bố trước đông đảo những người chứng kiến – Nhưng lần này chúng ta sẽ ở lại đó”.

Bản thân NASA cũng đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị cho chương trình Artemis (tên gọi mới của dự án chinh phục mặt trăng) cùng các đối tác của mình. Tại bãi phóng 39B, NASA đã triển khai một tháp phóng tên lửa cơ động 38 tầng trọng lượng 4.800 tấn với chi phí 500 triệu đôla.

Công trình này dự kiến dùng cho việc phóng loại tên lửa đẩy siêu nặng SLS, phục vụ cho kế hoạch đưa tàu vũ trụ có người lái lên mặt trăng. NASA đồng thời cũng khẩn trương hoàn thiện tàu Orion Crew, một phiên bản hiện đại của tàu Apollon trước đây, cũng như mở cuộc thi thiết kế module hạ cánh trên mặt trăng mới.

Một tay chơi đầy bất ngờ với toàn thế giới trong cuộc đua tới mặt trăng lần này chính là Cục vũ trục quốc gia Trung Quốc (CNSA). Mãi cho tới năm 1970, Trung Quốc mới phóng vệ tinh đầu tiên của mình, và trong suốt vài chục năm sau đó, việc chinh phục vũ trụ chỉ là vấn đề thứ yếu của chính phủ nước này. Nhưng tình hình đã thay đổi hoàn toàn kể từ năm 2003, khi Bắc Kinh cho phóng chiếc tàu vũ trụ có người lái đầu tiên.

Cho tới hiện tại, Trung Quốc đã vài lần phóng tàu vũ trụ có người lái, đưa phi hành gia ra ngoài không gian và phóng lên một trạm vũ trụ cỡ nhỏ. Bắc Kinh đã tổ chức 4 chuyến bay lên mặt trăng bằng các thiết bị tự động, ấn tượng hơn cả là sứ mạng của tàu Chang'e-4 như đã nói ở trên.

Theo Hãng tin Xinhua dựa trên tiết lộ của nhà du hành vũ trụ đầu tiên Yang Liwei, Trung Quốc đang xây dựng kế hoạch tổ chức các chuyến bay có người lái để đổ bộ lên mặt trăng.

Liên quan đến vấn đề tài chính, Bắc Kinh không nói rõ về các chi phí của mình. Tuy nhiên, tổng ngân sách của CNSA như được nhắc trên báo chí chỉ vào khoảng 8 tỉ đôla, tức là chỉ bằng 40% so với ngân sách 20 tỉ đôla của NASA.

Tuy nhiên phần lớn các chuyên gia đều không coi đây là con số chính xác, vì Trung Quốc trên thực tế phải dốc hầu bao lớn hơn nhiều. Với việc Bắc Kinh đang điều hành 4 bãi phóng cùng với hai tập đoàn quốc gia liên quan đến vũ trụ (tổng số nhân công khoảng 90 ngàn người) thì con số 8 tỉ đôla chắc chắn sẽ chẳng thấm vào đâu.

NASA về phần mình thật ra lại khó khăn hơn nhiều. Ngân sách kỷ lục của cơ quan này là vào năm 1966 với hơn 5,9 tỉ đôla (tương đương với 47 tỉ đôla theo tỉ giá năm 2019), đồng nghĩa với việc nhiều hơn gấp đôi so với NASA được nhận ngày nay. Với mục tiêu quay trở lại mặt trăng vào năm 2024, chính quyền Trump đã đề nghị quốc hội khoản kinh phí bổ sung 1,6 tỉ đôla nhưng vẫn chưa được thông qua.

Nếu như Trung quốc có được lợi thế đáng kể từ ngân sách và cam kết hỗ trợ của chính phủ, thì họ lại thua sút Mỹ khá nhiều trong lĩnh vực kỹ thuật tên lửa. Vấn đề là để có thể đảm đương được sứ mạng chinh phục mặt trăng, cần phải có những tên lửa đẩy siêu nặng và siêu mạnh như SLS, điều mà Bắc Kinh vẫn chưa thể có được khả năng tương đương trong thời gian gần nhất.

Ngay bản thân Công ty SpaceX cũng tuyên bố, họ dự kiến vào năm 2012 sẽ phóng tên lửa siêu nặng Falcon có khả năng đưa lên quỹ đạo chiếc tàu Starship chiều dài 55m với khoang chứa được cả trăm hành khách. Chính những dòng tên lửa này, theo như Elon Musk, sẽ đảm bảo cho tương lai về khả năng định cư thường xuyên của con người trên mặt trăng và sau đó là sao Hỏa.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thế giới ngày nay đang phải tiệm cận với những lằn ranh mới của các mối đe dọa chưa từng có như thay đổi khí hậu, xuất hiện những bệnh dịch mới v.v… đến một mức độ nào đó có thể đe dọa tới sự tồn vong của trái đất. Chính vì vậy, nhu cầu chinh phục và khai phá vũ trụ nhiều khả năng sẽ trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết trong một thời gian không xa.

Nhưng có lẽ, việc đẩy nhanh tiến trình dài hơi và tốn kém trên không thể giải quyết nhanh chóng bằng con đường cạnh tranh như hiện nay, mà phải bằng một giải pháp hợp tác vì mục tiêu chung. Vấn đề này chắc chắn sẽ khó có thể trở thành hiện thực trong một tương lai gần.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.
.