Tình báo Ba Lan đánh Đức Quốc xã như thế nào?

Thứ Ba, 20/09/2022, 11:09

Trong Thế chiến II, Ba Lan đã chịu thiệt hại nặng nề vì họ là nước đầu tiên bị Đức Quốc xã (ĐQX) chiếm đóng. Trong giai đoạn 1940-1945, chính phủ lưu vong Ba Lan và các lực lượng quân sự của họ đã đóng góp cho sự nghiệp của quân Đồng Minh bằng nhiều cách.

Các phi công Ba Lan đã sát cánh chiến đấu cho Không lực Hoàng gia Anh (RAF) trong sự kiện Trận chiến Anh, lính Ba Lan chiến đấu ở Bắc Phi, Italy, Tây Âu, cũng như tình báo Ba Lan hoạt động ngay trong lòng Châu Âu bị ĐQX chiếm đóng, thậm chí các điệp viên Ba Lan còn nằm vùng ngay trong Bộ chỉ huy tối cao Đức. Mặc dù không được biết đến rộng rãi, nhưng cơ quan tình báo Ba Lan có những mạng lưới gián điệp hoạt động tinh vi trên khắp Châu Âu và Trung Đông lúc bấy giờ.

Các mạng lưới gián điệp

Người Ba Lan đã thiết lập các mạng lưới gián điệp của riêng họ, cũng như hoạt động với các cơ quan tình báo nước ngoài, chẳng hạn như Tình báo mật và điều hành các hoạt động đặc biệt (gọi chung là Cục chiến dịch đặc biệt của Anh, SOE), Cục tình báo chiến lược của Mỹ (OSS) và thậm chí cả với Văn phòng nghiên cứu và tình báo nội các Nhật Bản (Naicho theo tiếng Nhật).

93-2.jpg -0
Oskar Reile, người đứng đầu cơ quan phản gián Abwehr của Đức Quốc Xã tại nước Pháp chiếm đóng. Ảnh nguồn: Zrobtosam.

Suốt Thế chiến II, người Ba Lan cung cấp khoảng 8 vạn báo cáo cho các cơ quan tình báo Anh bao gồm thông tin các loại vũ khí V của ĐQX (tên lửa hành trình V-1 và tên lửa V-2; cũng như các báo cáo từ Bộ chỉ huy tối cao Đức thông qua một điệp viên mang bí số “Knopf”. Tại nước Pháp bị chiếm đóng, Bộ Tình báo của Bộ tổng tham mưu quân đội Ba Lan đã tổ chức một số nhóm tình báo / kháng chiến đảm đương không chỉ việc lấy thông tin từ các đơn vị Đức mà còn sơ tán người Ba Lan để họ có thể phục vụ trong các lực lượng vũ trang.

Những mạng lưới gián điệp này rõ ràng đã thu hút sự chú ý của cơ quan an ninh Đức và năm 1941 thì mạng lưới INTERALLIE của đại úy không quân Ba Lan kiêm điệp viên kép của quân Đồng Minh, Roman Czerniawski, đã bị bóc gỡ. Một mạng lưới gián điệp lớn khác được kiểm soát bởi Zdzislaw Piatkiewicz (bí danh Lubicz).

Cuốn sách mang tựa đề “Lịch sử bí mật của MI-6: 1909-1949”, ở trang 529 có đoạn nói về nhóm điệp viên này: “Một số mạng lưới gián điệp của Ba Lan hoạt động vô cùng hiệu quả. Có một nhánh ở miền Nam nước Pháp do Lubicz (Zdzislaw Piatkiewicz) điều hành với 159 điệp viên, trợ lý và giao liên, họ ở đó trong các tháng 8 và 9 của năm 1943 và đã cung cấp 481 báo cáo. Hay những tổ chức của trùm điệp viên Anh, Wilfred Albert Biffy Dunderdale có quy mô nhỏ hơn.

Từ các báo cáo ở Đức và Anh, có vẻ như liên lạc vô tuyến của các nhóm gián điệp Ba Lan ở Pháp (bao gồm mạng lưới Lubicz) đã bị xâm nhập trong giai đoạn 1943-1944. Cục tình báo Ba Lan ở Pháp chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động như sau: 1. Trà trộn, nằm vùng hoạt động trong lòng lục quân, hải quân và không quân Đức; 2. Vận chuyển hàng hóa và người bằng đường bộ và đường biển, cùng các phong trào hải quân; 3. Xây dựng các bãi chứa đạn được, các công sự ven biển, đặc biệt là tập trung vào bờ biển nước Pháp sau khi ĐQX chiếm đóng miền Bắc nước Pháp; 4. Lựa chọn mục tiêu để không kích; 5. Xác minh và báo cáo mọi việc mà chỉ huy quân sự yêu cầu phải hành động ngay lập tức; 6. Thông tin chi tiết về ngành công nghiệp vũ khí Pháp làm việc với Đức, cung cấp những báo cáo về các loại vũ khí và máy bay mới.

93-1.jpg -0
Đại úy Không quân Ba Lan kiêm điệp viên kép của quân Đồng Minh, Roman Czerniawski, người quản lý mạng lưới gián điệp INTERALLIE trong lòng nước Đức. Ảnh nguồn: The Times.

Người Ba Lan hoạt động tình báo chủ yếu ở miền Nam nước Pháp nơi chưa bị ĐQX chiếm đóng. Bắt đầu từ tháng 9 năm 1942, các trạm đặc vụ Ba Lan đã mọc lên gần những cơ quan cấp cao hơn của quân đội đình chiến Pháp. Tháng 3 năm 1943, phản gián Đức đã giáng một đòn nặng nề vào tổ chức Ba Lan, nhưng chỉ sau vài tuần thì tổ chức này đã hồi sinh với việc tái cơ cấu tổ chức. Bắt đầu từ mùa Hè năm 1943, những tin nhắn có thể đọc được, chúng chứa các thông tin về kinh tế và quân sự.

Người Ba Lan ở miền Nam nước Pháp đã hoạt động như một nhóm độc lập và nhận hướng dẫn từ Anh thông qua các giao liên và cả vô tuyến. Họ hợp tác chặt chẽ với Bộ tổng tham mưu của tướng Henri Giraud ở Bắc Phi và với cơ quan tình báo Mỹ ở Lisbon (Bồ Đào Nha). Các giao liên chính thức của Pháp đã hoạt động giữa Vichy và Lisbon (có hoặc không có kinh nghiệm) để chuyển các báo cáo (thường ở dạng vi phim được giấu trong những bìa sách).

Tình báo vô tuyến và mật mã

Người Ba Lan đã thiết lập một tổ chức đặc biệt nhằm giám sát giao thông đường sắt Đức đến Pháp. Theo đó, tổ chức giám sát giao thông tại các điểm biên giới, gồm Trier, Aachen, Saarbrucken, München-Gladbach, Strassburg-Mülhausen và Belfort. Họ cũng giám sát các giao lộ Rhine tại Duisburg, Coblenz, Düsseldorf, Küln, Mannheim, Mainz, Ludwigshafen và Wiesbaden. 10 máy phát tín hiệu đã được dùng cho mục đích này.

Tất cả các tổ chức tình báo Ba Lan tại Pháp đều nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Tướng Julius Kleeberg. Họ chủ yếu hoạt động chống lại Đức trong 3 mặt trận chính: 1. Gián điệp và tình báo; 2. Buôn lậu (đưa binh sĩ Ba Lan tham chiến); 3. giao liên. Cho đến ngày 1 tháng 6 năm 1944, người đứng đầu “dịch vụ buôn lậu” là Đại tá Jozef Jaklicz, sau đó mới đến Trung tá Goralski.

Jaklicz đã dùng mưu để xâm nhập vào tất cả các tổ chức của Ba Lan và gửi đi toàn bộ nhân sự có sẵn thông qua ngả Tây Ban Nha đến Anh để phục vụ trong quân đội Ba Lan. Trong khi đó mạng lưới giao liên ở Pháp hoạt động cho cái gọi là “Phái đoàn dân sự” hay mạng lưới tuồn người và hoạt động gián điệp bằng cách chuyển tiếp các báo cáo.

Chức năng của Khu vực dân sự thuộc Phái đoàn dân sự ở Pháp là chuẩn bị cho người Ba Lan ở Pháp chiến đấu cho một nước Ba Lan độc lập, bằng cách thiết lập các nhóm hành động để chống lại chủ nghĩa cộng sản trong số những người Ba Lan, và chiến đấu chống lại những thế lực ĐQX chiếm đóng. Nhiệm vụ của Khu vực quân đội của Phái đoàn dân sự là tổ chức các nhóm được đào tạo quân sự để thực hiện các hoạt động phá hoại, chống càn, và chiêu mộ người Ba Lan đi nghĩa vụ quân sự trong sự kiện “D-Day”. “Phái đoàn dân sự” đặc biệt quan tâm tới người Ba Lan trong Tổ chức Todt (O.T) ở Đức hoặc các lực lượng vũ trang.

Phái đoàn này thường tìm cách thành lập các phòng giam để khuyến khích đào ngũ và cung cấp thông tin. Đầu năm 1944, mạng lưới gián điệp này chuyển sang miền Bắc nước Pháp và eo biển Manche. Người Ba Lan đã tìm cách ngụy trang mạng lưới gián điệp này bằng cách gửi tin nhắn của họ từ khu vực Grenoble và cho phép các máy phát ở miền Bắc Pháp chỉ thỉnh thoảng gửi những tin nhắn hoạt động.

Trung tâm gián điệp này chủ yếu bao gồm các báo cáo và quân số của quân đội Đức, xe tăng và máy bay, sản xuất linh kiện ở Pháp, sức mạnh của các sân bay, vận chuyển nhiên liệu từ Đức, cảnh sát Pháp, các sở cảnh sát, các trại tập trung và những văn phòng điều khiển, cũng như máy bay chạy bằng tên lửa, vũ khí nhiệt áp và máy bay không người lái. Tháng 2 năm 1944, người Đức phát hiện rằng các điệp viên Ba Lan đang thu thập thông tin rất quan trọng bằng cách nghe lén cáp điện thoại quân sự ở Avignon (Pháp).

Tháng 3 năm 1944, tình báo Đức đã đột kích thành công và thu được máy vô tuyến quan trọng cùng tư liệu mật mã. Khá nhiều điệp viên Ba Lan đã bị bắt và cơ cấu tổ chức đã bị phanh phui hoàn toàn. Ngay từ đầu tháng 6 năm 1944, đà gia tăng các điệp viên vô tuyến Ba Lan ở Pháp đã được chú ý. Họ bao phủ các điểm kiểm soát của quân Đức và cố gắng báo cáo những chuyển động hiện thời của toàn quân Đức.

Phản gián Đức đã có thể làm rõ tổ chức Ba Lan, số lượng thành viên và hoạt động, bằng cách đọc khoảng 3.000 thông điệp đánh chặn liên quan đến phân tích lưu lượng. Với sự hỗ trợ của cảnh sát an ninh, người Đức đã chuẩn bị cái gọi là “Hành động Fichte” diễn ra vào ngày 13 tháng 7 năm 1944 với việc lùng bắt hơn 300 tù nhân Ba Lan trên khắp nước Pháp. Sự ra đòn của người Đức đã ảnh hưởng đến Bộ phận II của cơ quan tình báo Ba Lan; “dịch vụ buôn lậu”; hoạt động giao liên và sự phân công rộng rãi.

93-3.jpg -0
Khu vực Grenoble (Pháp) ngày nay, thời Thế chiến II, Ba Lan đã xây dựng ở đây một trung tâm hoạt động tình báo. Ảnh nguồn: Grenoble France .

Tầm quan trọng của hoạt động tình báo Ba Lan ở Pháp đã được thể hiện bằng một thực tế là vào tháng 5 năm 1944, Lubicz và 2 điệp viên khác đã được khen ngợi bởi những nhân vật “máu mặt” trong Bộ chỉ huy quân Đồng Minh. Ba điệp viên này đã cung cấp các kế hoạch về mọi cơ cấu phòng thủ của Đức trong lãnh thổ Pháp cùng nhiều chi tiết đắt giá liên quan đến các loại vũ khí và thiết bị đặc biệt.

Các tuyên bố về những loại mật mã tình báo Ba Lan trong năm 1943 có thể đã được lộ sáng qua buổi thẩm vấn thời hậu chiến của Oskar Reile, người đứng đầu cơ quan phản gián Abwehr của ĐQX tại nước Pháp chiếm đóng. Trong báo cáo của mình mang tựa đề “Notes on Leitstelle III West Fur Frontaufklarung”, Reile nhắc đến các liên lạc tình báo Ba Lan tuyệt mật như sau:

107. Leitstelle III West cũng được hưởng lợi từ công việc của bộ phận mật mã của Funkabwehr, nơi chuyên nghiên cứu tất cả các tài liệu liên quan đến mật mã bị thu giữ, với những đối tượng giải mật mã của các điệp viên lưu lượng mạng - những người được xem là quan trọng và không được để bị bắt giữ.

108. Những kết quả giá trị sẽ do Funkabwehr thu thập. Trong suốt mùa Đông 1943-1944, bộ phận mật mã nói trên đã thành công trong việc phá mã được sử dụng bởi một trong những thiết bị truyền tin quan trọng nhất của Cục tình báo Ba Lan ở Pháp.

Nhiều tháng sau đó các báo cáo lưu lượng mạng được gửi đi từ các điệp viên Ba Lan tới Anh đã bị chặn; điều tương tự cũng xảy ra với những mệnh lệnh mà họ nhận được từ Anh. Người Đức cũng biết được các nhà máy quân sự quan trọng được quân Đồng Minh lưu tâm, cũng như một số lượng đáng kể tên và bí danh của nhiều thành viên của Cục tình báo Ba Lan bị phát giác.

 Những báo cáo hàng tháng của Bản tham khảo 12 (phần các điệp viên) của cơ quan tình báo tín hiệu của quân đội Đức (OKH/In 7/VI) có đề cập đến các tin nhắn gián điệp phát đi từ khu vực Grenoble trong tháng 5 và tháng 7 năm 1943 dưới dạng liên kết đầu và 71c (9559, Grenoble), vì thế rất có khả năng những tin nhắn đó là các thông điệp của tình báo Ba Lan được xử lý ngay trong mùa Hè năm 1943.

Không may là những báo cáo dạng này lại rất khó giải thích vì nó sử dụng từ mã cho từng trường hợp gián điệp. Có thêm thông tin có sẵn từ các thông điệp được tìm thấy trong kho lưu trữ OKW/Chi bị quân Đồng Minh thu giữ (vì Chi cũng làm việc về mật mã tình báo quân đội Ba Lan). Báo cáo của Anh số hiệu DS/24/1556 số tháng 10 năm 1945 cho thấy các thông điệp trên liên kết London-Grenoble đã được xử lý và được ký bởi tùy viên cơ yếu quân sự POLDI 4.

Báo cáo tương tự đề cập rằng vào tháng 8 năm 1944, giới chức Anh đã nhận thức được rằng những thông điệp tình báo quân sự Ba Lan từ khu vực Grenoble đã được gửi từ Berlin đến trạm Abwehr ở Madrid (Tây Ban Nha) có đoạn: “Khoảng tháng 8 năm 1944, một loạt thông điệp giải mã của “Phòng Nhì” (Ba Lan) giữa London và Grenoble đã được chúng tôi nhìn thấy trong lưu lượng ISK được Berlin chuyển tiếp cho giới chức Abwehr ở Madrid. Thời gian thay đổi từ 5 đến 43 ngày. Bộ phận S.L.C. tại tổng hành dinh đã thông báo chúng tôi rằng đây là sự rò rỉ được kiểm soát thích hợp, và không có hành động an ninh mạng nào là cần thiết hoặc mong muốn”.

Phan Bình (Tổng hợp )
.
.
.