MOSSAD từng che giấu trùm mật vụ Syria?

Thứ Ba, 12/10/2021, 11:42

Khalid al-Halabi được cho là kẻ đã tra tấn các nhà hoạt động đối lập người Syria. Nhưng bất chấp các nỗ lực điệu y ra trước công lý, tên tội phạm này đã ung dung sống an toàn ở Áo suốt nhiều năm, điều đáng nói là có tài liệu điều tra cho rằng cơ quan tình báo của Áo bảo vệ y hẳn hoi. Chuyện này thực hư ra sao?

 “Nhánh 335”

Vào mùa xuân năm 2013, Khalid al-Halabi cùng cộng sự bỏ trốn khỏi thành phố Raqqa, đám người này đã để lại một thứ công cụ kỳ quặc trong tòa nhà an ninh cấp nhà nước một tấm ván gỗ có bản lề ở giữa và đầu kia là xà ngang. Người địa phương gọi cái thiết bị lạ đó là “Bisat al-Rih” tức “thảm bay”. Thực chất nó chỉ là tên viết tắt của một thứ phương pháp tra tấn hết sức rùng rợn. Các nạn nhân bị trói nghiến vào tấm ván và cơ thể họ bị uốn cong theo cái bản lề.

Những người từng bị hành hạ bởi kiểu cực hình này nhớ rằng họ nhanh chóng rơi vào cảm giác khó thở, tay chân đau đớn, lưng nhức không thể chịu nổi. Giờ đây, tức 8 năm sau đó, dựa trên lời khai của các nhân chứng và các cựu thành viên an ninh, họ đã cung cấp những dữ liệu chính xác nhất về nỗi kinh hoàng do cơ quan an ninh của nước này gây ra ở Raqqa trước khi thành phố này rơi vào tay phe đối lập Syria, và sau đó nữa là nằm lọt trong tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS).

Theo đó, các tù nhân bị quất bằng dây cáp và ống nhựa, bị điện giật và cả tra tấn trên “tấm thảm bay”. Ngoài ra cũng có những báo cáo về cưỡng hiếp. Tên của một số thủ phạm đã có nhưng chưa đưa chúng ra vành móng ngựa.

Và trên hết là cái tên của một người đàn ông được cho là phải chịu trách nhiệm cho các hành động tra tấn tàn độc theo tiết lộ của các chuyên gia thẩm vấn dưới quyền của ông ta: Thiếu tướng Khalid Muhsen al-Halabi. Halabi, 58 tuổi, từng đứng đầu Nhánh 335 của Tổng cục tình báo Syria (SGID) ở Raqqa trước khi chạy trốn sang Châu  Âu qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan ngay sau khi thành phố này thất thủ.

Một số quan chức an ninh tại vài quốc gia Châu Âu (EU) tỏ ra rất quan tâm tới Halabi và thậm chí còn tìm cách xác định nơi ẩn náu của nhân vật này. Cho đến nay, Halabi là đại diện cấp cao nhất của chính quyền Syria bị tình nghi thực hiện các hoạt động tra tấn bị phát giác đang ở EU.

MOSSAD từng che giấu trùm mật vụ Syria? -0
Khalid al-Halabi trong lần đi du lịch Budapest. Ảnh nguồn: Privat.

Sự thật là Halabi đang sống khá thoải mái trong thời gian qua ở Áo. Cùng với nhật báo Áo, tờ Der Standard, tờ báo Đức – Der Spiegel - đã nghiên cứu hàng ngàn trang hồ sơ cũng như tiếp chuyện với các nạn nhân, người trong cuộc và các điều tra viên. Báo cáo hé lộ cách thức mà Halabi đã lẩn sang EU và sống hết sức bình thường, và ngay cả các công tố viên ở Đức, Thụy Điển và Pháp cũng đang nỗ lực hết mình nhằm đưa các tội phạm chiến tranh Syria ra tòa. Trường hợp của Halabi cho thấy một số kẽ hở pháp luật trong khối EU vô tình tạo điều kiện cho tội phạm tóm lấy và thoát án tù.

Văn phòng liên bang về bảo vệ hiến pháp và chống khủng bố của Áo (BVT) ngay từ 6 năm trước được cho là đã đưa trót lọt Halabi vào nước mình theo đề nghị của cơ quan tình báo Israel (Mossad). Giờ đây các công tố viên công cộng ở Vienna đang bắt đầu cuộc điều tra về Halabi cũng như các điệp viên nước này đưa ông ta đến Áo, rất có thể họ đã bảo vệ cho Halabi thoát khỏi bị truy tố hình sự.

Mọi việc bắt đầu vào tháng 3 năm 2015. Bốn năm sau khi bắt đầu cuộc nội chiến Syria, Mossad đã tiếp một phái đoàn BVT tại thủ đô Tel Aviv, và sau đó vài tuần là một cuộc họp bổ sung tại Vienna. Các điệp viên đã đạt được sự hợp tác tuyệt mật giữa 2 cơ quan mang cái tên chung là “Chiến dịch sữa trắng”.

Theo các hồ sơ phía Áo thì người Israel đã tuyển dụng một “quan chức tình báo cao cấp Syria” như là một người cung cấp tin, đó chính là Khalid al-Halabi. Cựu tướng lĩnh này được cho là đang “nắm giữ những thông tin thiết yếu về bộ máy tình báo Syria”. Và khi phương Tây nghĩ đến sự sụp đổ của chính quyền ông al-Assad, rất có khả năng Halabi “có thể tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong nhà nước Syria”.

Theo nguồn tin của một điệp viên BVT thì buổi ban đầu Halabi định cư ở Pháp, nhưng sau “trục trặc liên lạc” với cơ quan tình báo nội địa Pháp mà đó là lý do vì sao Mossad muốn đưa cựu tướng tình báo Syria sang Áo. Song có một thực tế là cơ quan tị nạn Pháp tỏ ra nghi ngờ Halabi là người chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền ở Syria. Có vẻ như đơn xin tị nạn của Halabi đã bị chính quyền Pháp từ chối.

Kế hoạch đào tẩu hoàn hảo

Ưu tiên của người Israel là bằng mọi giá phải bảo vệ cho được người đào tẩu cấp cao của chính quyền Syria. Từng là sinh viên luật học và tốt nghiệp Học viện Quân sự, Halabi đã phụ trách hoạt động phản gián ở Damascus trước khi trở thành chỉ huy của Nhánh 335 tại Raqqa. Trong khi đó Áo lại đang đeo đuổi một chương trình nghị sự khác.

BVT bị đánh giá thấp trong thế giới tình báo, và cơ quan này đã nhìn ra một cơ hội có thể sánh ngang vai với một trong những cơ quan tình báo tốt nhất thế giới (Mossad). Nếu một đối tác quyền lực như Mossad mà đã mở lời nhờ vả thì BVT dại gì nói không? Thế là ngay đầu năm 2015, các đại diện BVT một lần nữa lại gặp những người đồng cấp Israel.

Theo một bản ghi nhớ thì họ nhất trí sẽ chuyển “gói hàng” sang Áo 2 tuần sau đó. Dĩ nhiên, “gói hàng” không gì khác mà chính là cựu thiếu tướng Halabi. Cũng theo các tài liệu thì các điệp viên Mossad đã bí mật chở Halabi rời khỏi Pháp vào ngày 13 tháng 6 trước khi tiến vào lãnh thổ Áo bằng lối qua biên giới Đức - Áo vượt qua Walserberg, một địa điểm gần Salzburg.

MOSSAD từng che giấu trùm mật vụ Syria? -0
Hồ sơ trong tòa nhà chính phủ cũ ở Raqqa. Ảnh nguồn: Bryan Denton.

Ban đầu BVT để Halabi ngụ trong một khách sạn thuộc khu dân cư Schwechat của Vienna, và 2 ngày sau đó đã đồng hành cùng với Halabi đến một buổi điều trần tị nạn. Trong suốt buổi điều trần đó, Halabi tuyên bố rằng bản thân rời Syria vì không muốn đứng chân trong chế độ đương thời cũng như phe nổi dậy(!). Halabi nhấn mạnh: “Trong cả 2 trường hợp, tôi đều phải chết. Tôi không muốn vương máu trên tay”. Halabi được công nhận tị nạn ở Áo theo số đăng ký 151965848.

Ngay tại thời điểm hàng trăm ngàn người tị nạn hợp pháp từ Syria đang tìm cơ chế bảo vệ ở Châu Âu và Thủ tướng Áo - Sebastian Kurz - đang đề nghị “chấm dứt các chính sách mới” thì việc một quan chức cao cấp của chế độ Assad lại có thể dễ dàng được tị nạn chính trị ở nước này thông qua sự can thiệp của cục tình báo, quả là hiếm thấy. Đến tháng Giêng năm 2016, Ủy ban công lý và trách nhiệm giải trình (CIJA, một sáng kiến nghiên cứu) đã tiếp xúc với các quan chức ở Vienna và tuyên bố rằng họ nắm trong tay thông tin về một đối tượng tội phạm chiến tranh bị tình nghi ở Áo, và yêu cầu một cuộc hẹn để làm rõ trắng đen.

CIJA được sáng lập bởi một công dân người Canada tên là Bill Wiley, nguyên công tố viên tội phạm chiến tranh của Tòa hình sự quốc tế (ICC) tại The Hague. Ông này đã thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc thu thập tài liệu về các tội phạm chiến tranh trong nội chiến Syria. CIJA nhận ngân sách hoạt động chủ yếu từ Đức, Anh và Mỹ. Tổ chức này đang nắm trong tay hàng trăm ngàn trang bằng chứng quan trọng. Đó là các bằng chứng về tra tấn có hệ thống, xử tử, thảm sát và triển khai vũ khí hóa học. Trong quá khứ, các công tố viên Đức đã nhờ CIJA hỗ trợ cho một số thủ tục. Cuối năm 2015, thông qua hồ sơ Skype, các điều tra viên CIJA đã lần ra vị trí của Halabi ở Vienna.

Bao che?

Suốt 3 năm, BVT không hề hé môi với các công tố viên Áo rằng họ đã đưa Halabi vào nước này. Buổi đầu, Halabi sống trong một căn hộ 32m2 trong khu dân cư Favoriten của thủ đô Vienna. Căn hộ này vốn thuộc về cha vợ của một điệp viên BVT. Ông cụ đã chuyển tới sống trong căn hộ khác rộng 111m2 nằm ở quận 16.

Khoản tiền thuê nhà hàng tháng của Halabi được tính gần 1.000 Euro và được chi trả bởi một tài khoản của ngân hàng Raiffeisen do một điệp viên BVT lấy bí danh là Alexander L. Các điệp viên Áo đã giải quyết mọi nhu cầu của Halabi. Họ trao cho ông này một chiếc điện thoại, ti vi treo tường và truy cập internet. Halabi cũng nhận tiền từ tổ chức từ thiện công giáo Caritas và được ghi chú là “những người ngoại quốc cần được giúp đỡ và bảo trợ”.

Tổng số tiền từ thiện dao động từ 200 đến 320 euro mỗi tháng. Bất chấp cuộc điều tra đang diễn ra, Halabi vẫn tự do ra nước ngoài đi du lịch. Cho đến mùa hè năm 2018, Pháp đã đệ đơn yêu cầu tư pháp lên Tổ chức cảnh sát Châu Âu (Europol) nhằm điều tra về nơi ở của Halabi. Người Pháp viết rằng Halabi và các quan chức dưới quyền phải chịu trách nhiệm về các hành vi tra tấn bằng “sốc điện” cùng các hành vi lạm dụng khác ở Raqqa.

MOSSAD từng che giấu trùm mật vụ Syria? -0
Bill Wiley, chuyên gia tróc nã tội phạm chiến tranh, trong kho lưu trữ của CIJA. Ảnh nguồn: AFP.

Các nhà điều tra Paris cũng rất quan tâm tới trường hợp Halabi. Vienna cũng nhận thông tin mới từ CIJA. Giới chức an ninh Áo bất ngờ được báo động. Văn phòng chuyên về tội phạm cổ cồn trắng và tham nhũng Áo đã mở cuộc điều tra nhắm vào một số quan chức BVT về việc đã lạm quyền, cáo buộc họ đưa lậu đối tượng tình nghi vào trong nước và giữ bí mật nơi ở của hắn ta tránh các quan chức tư pháp. Thông qua luật sư của mình, người che chở cho Halabi lên tiếng khước từ mọi cáo buộc. Tháng 10 năm 2018, tình báo Áo chấm dứt hợp tác bí mật với Israel. Một thời gian ngắn sau đó có vẻ như Halabi đã “bốc hơi” không tăm tích. Các nhà điều tra hình sự chỉ tìm thấy thức ăn thừa đang ôi thiu trong căn hộ của ông ta.

Nhưng cả 2 tờ báo Der Spiegel và Der Standard lại cùng phát giác ra Halabi một lần nữa, thấy ông ta vẫn đang sống khỏe ở Vienna, và mọi việc thông qua luật sư bào chữa của mình. Cách đây vài tháng, các công tố viên Vienna triệu tập Halabi dự phiên điều trần và ở đó ông ta phủ nhận sạch trơn. Halabi nói là trong suốt thời gian chỉ huy Nhánh 335, ông ta chưa từng cho phép xảy ra bất kỳ hành vi ngược đãi nào, hoặc lạm dụng tình dục các tù nhân.

Luật sư của Halabi là ông Timo Gerersdorfer tuyên bố: “Nhiều lời cáo buộc toàn đến từ những người ẩn danh hoặc cực kỳ mâu thuẫn. Khách hàng của tôi chưa từng tra tấn hay hạ lệnh cho thuộc cấp làm chuyện xấu”. Trong khi đó Sáng kiến công lý xã hội mở (OSJI, có trụ sở ở New York) cùng với tổ chức CEHRI (trụ sở ở Vienna) nơi có 19 người đang sẵn sàng làm chứng chống lại Halabi trước tòa. Ông Steve Kostas của OSJI phát biểu: “Các nạn nhân đang rất mong tới ngày được đối chất với một trong những kẻ đã tra tấn họ”.

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm điều tra, các công tố viên ở Vienna vẫn chưa đưa ra được những lời buộc tội. Người phát ngôn cơ quan công tố Áo giải thích cho sự chậm trễ: “Bởi vì vụ việc dính tới yếu tố nước ngoài cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận các nhân chứng liên quan, thế cho nên vụ này là cực kỳ phức tạp”. Một chi tiết là Áo đã thu hồi quy chế tị nạn của Halabi, nhưng luật sư của ông ta đã đâm đơn kháng cáo. Cho đến nay, Halabi vẫn là người tự do theo đúng nghĩa đen.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.
.