Yair Lapid, nhân tố mới lạ trên chính trường Israel

Thứ Sáu, 07/04/2017, 18:20
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn cùng Thủ tướng Benjamin Netanyahu kiến tạo hòa bình Trung Đông bằng một thỏa thuận thế kỷ giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một nhân vật mới toanh ở Israel có thể làm hỏng kế hoạch đó?


Nhân tố mới

Ông Netanyahu đang hưởng vận may hiếm có trong sự nghiệp. Ông từng bị "bầm dập", tưởng như thất bại đến nơi trước mỗi lần bầu cử nhưng đều bước ra với nụ cười chiến thắng. Ông đã đánh bại mọi đối thủ để trở thành người giữ chức thủ tướng liên tục lâu nhất ở Israel. 

Năm 2017 dường như cũng đang nghiêng về ông khi ông không còn phải lo đối phó với yêu cầu của ông Barack Obama về đóng băng khu tái định cư. Tổng thống Mỹ mới Trump đã bổ nhiệm con rể Jared Kushner, một người Do Thái chính thống, làm đặc phái viên hòa bình Trung Đông.

Yair Lapid.

Vậy trong bối cảnh đó, tại sao một người tên là Yair Lapid, ít ai biết ngoài Israel và mới chập chững trên chính trường 5 năm, lại có khả năng đánh bại ông Netanyahu trong các cuộc thăm dò dư luận những ngày gần đây? Phải chăng vận may của ông Netanyahu đã đến lúc phải chấm dứt?

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico của Mỹ, ông Lapid nói về ông Netanyahu: "Tôi không thể nghĩ ra bất kỳ nền dân chủ nào mà cùng một người lại là thủ tướng, tổng thống hay nguyên thủ quốc gia từ năm 1996 mà tới nay vẫn là nguyên thủ quốc gia. Có thể đã đến lúc người dân Israel tự bảo: “Đã tới lúc cảm ơn ông và chúng tôi sẽ đi tiếp'". Theo ông Lapid, Israel đã mắc kẹt ở một vị trí khá lâu rồi.

Yair Lapid đã được gọi bằng đủ thứ tên trong 5 năm kể từ khi ông gia nhập chính trường Israel sau một thời gian dài làm người dẫn chương trình truyền hình có lẽ là nổi tiếng nhất Israel: từ bộ vest trống rỗng, số 0 chính trị, kẻ cơ hội cho tới điều to lớn tiếp theo trên chính trường Israel, liều thuốc cho nền dân chủ xơ cứng. Những ngày gần đây, người ta còn coi ông là câu trả lời của Israel với ông Donald Trump.

Khi mới thành lập đảng Yesh Atid, ông Lapid đã tận dụng được tâm lý giận dữ của người dân Israel về nhiều vấn đề: chi phí sinh hoạt cao, tầng lớp trung lưu bị đối xử tệ, các đảng siêu chính thống bòn rút quá nhiều túi tiền của công. Lúc đó, ông đã viết một bài báo trên tờ Yediot Ahronot với cái tít "Tiền ở đâu ra?" và câu hỏi đó đã trở thành khẩu hiệu của đảng Yesh Atid. Với vẻ ngoài điển trai, phong thái lịch lãm, sự nổi tiếng, ông Lapid dự định kéo Israel đi trên con đường ôn hòa. Ông tuyên bố sẽ tranh cử với tư cách là một người có quan điểm "cực kỳ ôn hòa", coi ôn hòa là một kiểu dân túy mới và là một loại chủ nghĩa dân tộc yêu nước.

Khi đảng của ông Lapid giành được 19 ghế trong quốc hội và ông trở thành bộ trưởng tài chính, ông đã bắt đầu một hành trình tham vọng. Ông đảm bảo rằng các đảng siêu chính thống không có mặt trong chính phủ; ông đã khiến Thủ tướng Netanyahu nhất trí giới hạn số bộ trưởng xuống 18 người; ông đã tìm cách cân bằng được ngân sách của Israel mà không hề có kinh nghiệm kinh tế và chưa từng làm việc trong chính quyền.

Văn hóa chính trị mới

Sau hai năm ở thế đối lập, ông Lapid chưa mất tham vọng thay đổi mà tham vọng đó ngày càng mạnh hơn. Thay đổi duy nhất là ông không còn mặc áo sơ mi đen như trước, thay vào đó là bộ vest và cà vạt như các chính khách bình thường khác.

Ông Lapid có cơ hội đánh bại Thủ tướng Netanyahu?

Theo tờ The Jerusalem Post, ông Lapid là một trong những chính trị gia nhất quán nhất thời nay khi nói về các thông điệp. Ông luôn luôn ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho dù bị các đối thủ chỉ trích là thiếu sức mạnh lý tưởng. Ông phản lại: "Sẽ dễ dàng hơn để làm người cực đoan, để nói những lời đao to búa lớn, để không nhìn thấy các khía cạnh và phớt lờ hoàn toàn tính phức tạp và các sự việc liên quan tới nhau".

Việc liên tục bị chỉ trích cũng không ngăn cản ông Lapid luôn thể hiện rõ ràng quan điểm về một loạt vấn đề. Trước mùa bầu cử gần đây nhất, đảng Yesh Atid đã công bố một kế hoạch 7 điểm cho Israel để xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội và an ninh. Kế hoạch này trở thành một cương lĩnh 237 trang, dài và chi tiết hơn cương lĩnh của đa số đảng phái ở Israel vốn chưa có nổi một cương lĩnh 10 trang.

Bản thân ông Lapid luôn tin Israel cần thay đổi nhưng ông nhấn mạnh Israel là một quốc gia đáng tự hào. Ông nói: "Nhưng Israel có vấn đề và có một lỗ trong bình gas. Hệ thống chính trị của chúng ta mục nát tận xương. Nó không hiệu quả, ám ảnh với bản thân và là một bản đồ lợi ích phức tạp đã không hoạt động vì nhân dân từ lâu rồi. Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy là chính khách làm việc vì nhau. Điều này cần thay đổi".

Những thông điệp của ông Lapid đang thấm dần vào cử tri. Trong những tháng gần đây, đảng Yesh Atid đã đứng đầu các khảo sát dư luận. Khảo sát mới nhất cho thấy đảng Yesh Atid đang dẫn trước đảng Likud của ông Netanyahu 4 ghế trong bầu cử quốc hội.

Tất nhiên, không biết bao giờ bầu cử này mới diễn ra và xét nền chính trị phức tạp ở Israel, cho dù đảng của ông Lapid có thắng thì cũng không đảm bảo ông sẽ trở thành thủ tướng. Các đảng siêu chính thống và có ảnh hưởng tuyên bố không liên minh với ông Lapid để thành lập chính phủ. Khi đó, nếu muốn thành lập liên minh, ông Lapid sẽ phải nhượng bộ và sau này phải "lại quả" cho các đối tác liên minh, rồi ông sẽ giống như mọi chính trị gia khác.

Về khả năng này, ông Lapid cho biết ông luôn nhìn vào hai tấm chân dung của Menachem Begin và David Ben-Gurion treo trên tường để nhắc nhở mình rằng Israel từng có thời có những chính trị gia biết cách sống sót trên đấu trường chính trị mà không cần phải tham nhũng. Ông nói: "Họ hiểu chính trị và biết cách thương lượng với đồng minh để có kết quả tốt. Nhưng họ cũng có quy tắc cơ bản mà không ai dám đề nghị họ phá vỡ".

Dường như đó chính là văn hóa chính trị mà ông Lapid khao khát. Tuy nhiên, xét bối cảnh Israel năm 2017 mà chính trị gia sẽ lấy mọi sự kiện để làm công cụ chính trị thì thật khó hình dung Israel sẽ quay lại những ngày của Thủ tướng Begin hay Ben-Gurion.

Dẫu vậy, ông Lapid vẫn kiên định rằng chỉ cần đảng Yesh Atid của ông giành thắng lợi trong bầu cử lần tới, thì thay đổi sẽ xảy ra. Ông tự tin cho rằng nếu ông thắng, những đảng còn lại sẽ ngả theo văn hóa mới mà ông sẽ mang vào chốn quyền lực cao nhất ở Israel. Một trong những nét mới mà ông muốn tạo ra là lắp một cái máy phát hiện nói dối ở cửa vào văn phòng thủ tướng - nơi nội các họp.

Cái nhìn mới về giải pháp "hai nhà nước"

Trong bối cảnh Israel hiện tại, đa số nhà quan sát chính trị Israel đều dự báo giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột lâu nay với Palestine sẽ sụp đổ. Ông Netanyahu hờ hững chấp nhận ý tưởng hai nhà nước và dường như ít quan tâm hơn hẳn từ khi vòng đàm phán hòa bình gần đây nhất do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thời Tổng thống Barack Obama đã sụp đổ cách đây vài năm. Từ khi ông Trump làm tổng thống, ông Netanyahu thậm chí còn không nhắc tới thuật ngữ "hai nhà nước" và bản thân ông Trump cũng nói ông không quan tâm.

Tổng thống D. Trump cùng vợ, con gái và con rể Jared Kushner.

Theo ông Lapid, quan điểm của ông Trump có thể là một "cánh cửa cơ hội" tuyệt vời cho Israel để đàm phán với Palestine từ vị thế của kẻ mạnh. Theo ông, chiến lược của người Palestine đã sụp đổ trước mắt họ khi ông Trump lên nắm quyền. Ông Lapid khẳng định Israel cần một chính sách rõ ràng về những gì mình muốn từ Palestine và muốn cùng họ đi tới đâu.

Bản thân ông Lapid không ngại ngần ủng hộ giải pháp hai nhà nước vì cho rằng đây không phải là tiến trình hòa bình mà chỉ là biện pháp tách khỏi người Palestine để bảo vệ lợi ích riêng của Israel. Ông nói: "Tôi là chính trị gia, không phải nghệ sĩ nhào lộn. Đây là điều đúng đắn cho an ninh của chúng ta và cho người Do Thái chúng ta. Tôi muốn tách khỏi họ". Thế nhưng, ông Lapid lại nói sẽ không đàm phán trực tiếp với Palestine mà với thế giới Arab để cho người Palestine thấy họ không cam kết với Israel mà với thế giới Arab.

Trong khi đó, ông Trump và cách tiếp cận ủng hộ Israel hơn trong hòa đàm Trung Đông đã gặp thử thách. Ông Trump đã phải lùi ý định dọn Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem và phải hối thúc ông Netanyahu không cho xây thêm nhà tái định cư ở Bờ Tây. Đây là những động thái ít nhiều nhất quán với chính sách của Mỹ từ trước đến nay. Thậm chí, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas còn nhận được lời mời của Nhà Trắng tới Washington vào đầu tháng 4 này.

Cơ hội của Lapid?

Trong bối cảnh đó, ông Netanyahu lâm vào thế khó xử. Nếu muốn tiếp tục tranh cử, ông không thể chiều theo ý ông Trump để làm mất lòng các thành viên trong liên minh cầm quyền trong khi ông Yair Lapid đang trở thành một mối đe dọa hiện hữu.

Cách đây không lâu, nhà báo Israel Chemi Shalev viết một bài trên tờ Haaretz với tiêu đề "Lần đầu tiên tôi nghĩ Yair Lapid là thủ tướng". Bài báo đã chỉ trích chính trị chia rẽ, cực đoan và tầm thường ở Israel, ủng hộ quan điểm của ông Lapid là cần một chủ nghĩa ôn hòa mới để cứu đất nước khỏi cánh tả và cánh hữu. Ông Shalev cho rằng có lẽ "vị bác sĩ duy nhất có thể mời lúc này là Yair Lapid".

Bài viết đáng lưu ý vì: Thứ nhất, ông Shalev là nhà phân tích chính trị thông minh và các nhà chính trị thông minh bấy lâu nay không đánh giá ông Lapid có cơ hội thắng vì nghĩ rằng ông Netanyahu luôn bật lên cho dù khảo sát dư luận có thế nào. Thứ hai, ông Shalev viết bài báo trên tờ Haaretz, một tờ báo tự do mà ông Lapid rất thù địch tới mức tuyên bố tẩy chay phóng viên tờ này.

Tuy nhiên, liệu ông Lapid có khả năng làm thủ tướng và mang văn hóa mới cho chính trường Israel? Từ nhiều năm nay, những người theo đường lối tự do ở Israel đã tự hỏi điều gì cần để đánh bại ông Netanyahu. Họ đã chứng kiến đảng Lao động, vốn là đảng đối lập chính với đảng Likud, liên tục thất bại. Liệu một Yesh Atid non trẻ có thể làm được gì?

Dù vậy, mọi diễn biến đang xoay chuyển nhanh chóng. Năm ngoái, đa số nhà quan sát chính trị uy tín ở Israel đều dự báo chính phủ của ông Netanyahu sẽ tồn tại ít nhất tới năm 2018. Tuy nhiên, hiện ông này đang đối mặt với cuộc điều tra về một loạt cáo buộc liên quan tới nhận quà và đặc quyền từ các nhà tài trợ lớn cũng như cáo buộc đổi ưu đãi để được báo chí đưa tin tích cực. Bối cảnh đó khiến cho bầu cử quốc hội Israel có thể diễn ra trước năm 2018.

Tờ Politico đã phỏng vấn cả chục nhà quan sát kỳ cựu về chính trị Israel cả ở Israel và Mỹ về khả năng ông Lapid đối đầu với ông Netanyahu trong bầu cử và tất cả đều nhất trí là có. Về phần mình, ông Lapid tỏ ra thận trọng khi bình luận trực tiếp về bê bối pháp lý mà ông Netanyahu đang dính phải, chỉ nói rằng nếu ông Netanyahu bị kết tội, đây sẽ là điều kinh khủng cho Israel.

Gần đây, tại Washington, ông Lapid vẫn tin tưởng vào lý tưởng ôn hòa của mình. Ông nhắc lại: "Tôi thực sự cho rằng người Israel hiểu chúng tôi cần một thứ gì đó mới, sạch và khác biệt. Đã đến lúc đi về phía trước".

Ở Mỹ, "đã đến lúc thay đổi" là một khẩu hiệu vĩ đại. Nhưng liệu khẩu hiệu có hiệu quả ở Israel?

Nhật Minh
.
.
.