Tình yêu Bác Hồ trong lòng người dân miền Nam

Thứ Năm, 18/05/2017, 09:00
Trong tâm khảm người dân miền Tây Nam bộ, từ thuở kháng Mỹ cứu nước cho đến tận bây giờ, Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ kính yêu mà còn là một vị thánh.

Cách nay 48 năm, hay tin Bác qua đời, rất nhiều người dân cư ngụ trong những làng xóm thuộc vùng địch chiếm đã bí mật quấn khăn tang và lập bàn thờ. Kể từ đó, họ thành kính cúng giỗ Bác hàng năm.

Câu chuyện để tang Bác bên con rạch Danh Tấm

Ông Ba Đời, tên khai sinh là Phan Thành Chưởng, cư ngụ tại ấp Danh Tấm (xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) là một chiến sỹ an ninh từ thời đánh Mỹ. Sau khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục công tác trong lực lượng Công an cho đến khi nghỉ hưu. Nghỉ hưu, ông lại nhận lãnh trách nhiệm chăm sóc khu lưu niệm Bia Truyền thống Công an tỉnh Vĩnh Long cho đến ngày nay.

Ông Ba Đời bên bàn thờ Bác.

Ông kể, cái ngọn Danh Tấm này có chi bộ Đảng từ năm 1932. Hồi những năm sau đình chiến 1954 cho đến năm 1975, ấp Danh Tấm bị địch xây 21 cái đồn bót bao vây xung quanh. Nhà ông nằm ngay trung tâm chỉ huy của Ban An ninh, Tỉnh ủy Vĩnh Long nhưng chỉ cách cái đồn địch 1 con rạch Danh Tấm vài chục mét. Từ nhà ông có thể trông rõ nét vui buồn trên mặt lính địch trong đồn.

Địch không chỉ xua quân càn quét, chà xát liên tục mà còn bắn pháo bầy vào ấp. Pháo bắn dầy đến mức tạo thành những lỗ chồng lấp lên nhau. Dân địa phương gọi là "pháo chồng lỗ".

Ấy vậy mà, người dân địa phương vẫn kiên quyết bám vườn, nuôi chiến sỹ cách mạng, chống địch đến cùng. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, nơi đây trở thành bàn đạp của các lực lượng vũ trang tấn công vào trung tâm tỉnh lỵ của địch. Để trả đũa, năm 1969 địch xua 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 16, sư đoàn 9 cùng với pháo yểm, không kích vượt sông, quyết xóa trắng Danh Tấm. Tuy quân số ít hơn hàng ngàn lần nhưng lực lượng vũ trang địa phương vẫn bám cứng địa bàn, dùng chiến thuật du kích chặn đứng hàng chục lượt tấn công qui mô của quân địch.

Sau hàng tháng trời xâm nhập, quân địch đành ngậm ngùi bỏ cuộc sau khi tiêu hao gần phân nửa quân số.

Giữa lúc quân dân phấn khởi chiến thắng, một buổi sáng, người dân Danh Tấm nghe từ chiếc loa trên máy bay đầm già (trinh sát cơ L19) của địch loan tin: "Bà con nghe đây! Cụ Hồ vừa qua đời! Cụ Hồ vừa qua đời!". Nhiều người không tin cái loa cho đến khi trông thấy một số lính địch trong đồn lẻn ra bờ sông ngồi khóc.

Sau đó, có người ở Tỉnh ủy xác nhận tin này. Ông Ba Đời hồi tưởng: "Không chỉ có dân Danh Tấm mà nguyên cái huyện Tam Bình đều khóc thương. Những người sống trong vùng tạm chiếm lén lút lập bàn thờ, đội tang. Theo phong tục địa phương, khi cha mẹ ruột qua đời, người con trai trưởng không hớt tóc, cạo râu suốt 3 năm. Nhiều người đã làm vậy để tưởng nhớ Bác trong đó có ông Út Hùng ở xã Mỹ Hòa. Tên trưởng đồn địch biết ông Út Hùng để tang Bác nhưng không bắt bẻ được.

Từ dạo đó, cứ đến ngày 21-07 âm lịch hàng năm, rất nhiều người dân ở huyện Tam Bình tự tổ chức cúng giỗ Bác tại nhà.

Người dân ở đây cho rằng, Bác mất vào ngày 2-9-1969 dương lịch. Chiếu theo ngày âm lịch là 21-07-Kỷ Dậu. Theo tục xưa, người Việt cúng giỗ kỵ ngày âm lịch.

Năm 2013, Công an tỉnh Vĩnh Long có ngỏ ý chọn vị trí xây bia Truyền thống Công an tỉnh. Là người bám trụ chiến đấu, ông biết đất nhà mình cũng là một địa điểm in đậm nhiều dấu chân các chiến sỹ An ninh, ông Ba Đời hiến luôn 1 công đất (sau đó, ông cũng được bồi hoàn tượng trưng một số tiền).

Ngày 2-09- 2013, ông Ba Đời rủ rê ông Phan Văn Tý là Thường vụ Huyện ủy Tam Bình, nghỉ hưu về ấp làm chủ nhiệm Người Cao Tuổi: "Nhà nhà đều cúng giỗ Bác. Cúng riêng lẻ như vậy không vui. Hay là anh em mình mời hết những người cúng giỗ Bác tề tựu về khu vực bia Truyền thống làm chung đám cho xôm. Ai có gì hùn cái nấy. Ai không có, đến dự cho xôm tụ cũng được. Ông Tý bỏ ra 3 triệu đồng, tui bỏ 1 triệu đồng. Sau ông Tý rủ thêm Phó Chủ tịch huyện Tam Bình được thêm 3 triệu nữa. Lần đó, tụi tui vừa văn nghệ cách mạng, vừa ôn truyền thống bất khuất của địa phương, lại vừa thỏa mãn tâm nguyện cúng giỗ Bác Hồ của mọi người. Thế là thành lệ. Năm nào tụi tui cũng cúng tại đây".

Ngày 25-1-2014 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngày 30-4-2014 được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Bây giờ, cứ đến ngày 2-09 dương lịch, người dân địa phương kéo nhau về Bia Tưởng niệm Công an tỉnh hùn nhau làm đám giỗ Bác. Còn ngày 21-07 âm lịch thì nhiều nhà cúng giỗ Bác.

Khắp miền Nam cúng giỗ Bác

Không chỉ riêng khu vực Tam Bình, Vĩnh Long có lệ cúng giỗ Bác mà khắp các tỉnh thành phía Nam đều có.

Ở khóm 9, thị trấn Càng Long (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), gia đình bà Cao Thị Mừng tổ chức cúng giỗ Bác đều đặn kể từ khi Bác mất.

Đám giỗ Bác ở ấp Danh Tấm năm 2016.

Lúc nghe tin Bác mất, cha của bà Mừng là ông Cao Văn Đằng khóc như mưa. Ngay hôm sau, ông lập bàn thờ Bác ngay trong nhà. Lúc đó, nhà ông Đằng trong vùng tạm chiếm, cách đồn địch khoảng 150 mét. Không có ảnh Bác để thờ, ông Đằng lấy con tem có in ảnh Bác để bí mật trên bàn thờ. Để địch không nghi ngờ, lần cúng giỗ đầu tiên năm 1970, ông mời tên Đại úy trưởng đồn và một số thuộc hạ đến "dự đám giỗ ông già của qua".

Khi tên trưởng đồn và đám thuộc hạ đến, ông còn đưa nhang cho chúng lạy "ông già của qua" trước khi nhập tiệc.

Một thời gian sau, tên trưởng đồn mới phát hiện ông Đằng tổ chức cúng giỗ cho "ông già của qua" 2 lần trong năm. Hắn cho người tìm hiểu thì phát hiện mình đã từng ăn giỗ ông Hồ Chí Minh. Tức giận, hắn cho thuộc hạ bắt ông Đằng trói lại giải vào đồn. Vào đồn, ông Đằng bình tĩnh lập luận: "Cụ Hồ mất ngày 2-9-1969. Qua cúng ngày 22-08 thì có liên quan gì nhau?" Cạn lý, tên trưởng đồn đành thả ông về.

Thật ra, ngày 22-08-1970 dương lịch nhằm ngày 21-7 âm lịch là ngày cúng giỗ Bác. Tên trưởng đồn đã quên phong tục cúng giỗ của người Việt luôn là ngày âm lịch.

Bây giờ ông Đằng đã qua đời, bà Cao Thị Mừng - con gái ông - tiếp tục làm giỗ Bác đến bây giờ.

Ở cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang có cụ Tám Bình (tên khai sinh là Trần Thanh Phong) hơn 90 tuổi cũng làm đám giỗ Bác mỗi năm. Cụ không làm đám giỗ theo ngày âm mà lấy ngày 2-9 dương lịch. 

Từ năm 2014 đến nay, cứ đến ngày 2-9, người dân quanh vùng mang rau củ quả của nhà trồng đến nhà cụ Tám Bình hùn vào rồi cùng chế biến món ăn cúng giỗ Bác.

Trước đó nhiều năm, rất nhiều người dân và cụ Tám Bình đã làm đám cúng giỗ Bác một mình.

Năm 2014, cụ Tám Bình cất hẳn một nhà thờ Bác trên đất nhà với tổng diện tích xây dựng 45 mét vuông. Trên lợp ngói, dưới lót gạch men. Giữa nhà, ông xây bệ thờ tam cấp cao 1,6 mét. Bậc cao nhất thờ cụ thân sinh Bác. Bậc thứ hai thờ Bác. Bậc thứ ba thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các liệt sỹ. Từ đó, người dân địa phương vừa cúng riêng ở nhà, vừa đến nhà thờ Bác của cụ Tám Bình cúng giỗ chung.

Hồi năm 1960, cụ Tám Bình là Bí thư Chi bộ xã Tân Phong. Trong một lần đi công tác, cụ bị địch phục kích bắt đưa về giam tại khám Chí Hòa. Đến năm 1964, cụ mới được thả vì địch không có chứng cứ. Khi ra tù, cụ về cù lao Tân Phong tiếp tục làm Bí thư Chi bộ xã. Sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, cụ được chuyển vùng về Đồng Tháp Mười hoạt động. Khi hay tin Bác mất, cụ đã để tang suốt 3 năm.

Mỗi năm, đến ngày 2-9, cụ đều làm mâm cơm đơn sơ cúng Bác cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Khi đất nước thống nhất, cụ trở về tỉnh Tiền Giang làm việc ở Nông hội tỉnh Tiền Giang. Thời gian này, cụ đặt trong nhà 1 bàn thờ Bác. Từ khi đó, mâm cơm cúng giỗ hàng năm tươm tất hơn. Đến năm 1979, cụ về hưu và bắt đầu dành dụm tiền để xây nhà thờ Bác.

Chuyện xây nhà thờ Bác ở Trà Vinh

Ngày 5-09-1989, đền thờ Bác Hồ ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Đó là niềm tự hào của người dân địa phương nơi đây. Để có được vinh dự đó, họ đã phải đối diện với sự thử thách được tính bằng sinh mạng con người suốt 5 năm ròng rã.

Năm Bác mất, xã Long Đức là vùng "xôi đậu". Có nghĩa là, ta và địch tranh nhau từng tấc đất. Có khi ban ngày, nơi đó thuộc vùng quản lý của địch. Ban đêm thuộc quyền quản lý của ta.

Khi hay tin Bác mất, nhiều người dân khóc òa, tự đeo khăn tang, đốt nhang hướng về hướng Bắc khấn nguyện suốt cả năm trời. Sau đó, mọi người chọn một mô đất cất ngôi miếu nhỏ để làm nơi khấn nguyện Bác. Nơi đó chỉ cách đồn địch khoảng 500 mét. Biết dân cất miếu thờ Bác, tên trưởng đồn cho lính phóng đạn cối phá hủy. Ngôi miếu bị đạn phá ngày trước, đêm sau mọc trở lại và lớn hơn trước. Điều hài hước là, rất nhiều binh sỹ trong đồn, khi có dịp đi ngang ngôi miếu vào ban ngày là lén thắp hương ... tạ lỗi.

Xem đó là biểu tượng cách mạng, nhân dân địa phương quyết định khởi công xây dựng đền thờ tại đó. Nghe tin, viên Tiểu Khu trưởng tỉnh Trà Vinh lùa nhiều đơn vị bộ binh càn quét hòng ngăn cản việc xây đền. Nhiều trận đánh nhuộm máu giữa ta và địch diễn ra xung quanh vị trí xây đền.

Dù vậy, ban ngày, người dân vờ tỉnh bơ như vô can. Ban đêm cùng gọi nhau góp công, góp vật xây đền.

Sau nhiều lần xây, bị phá, cuối cùng ngôi đền khang trang cũng hoàn thành vào đúng đêm 30 tết (ngày 26-1-1971). Đêm khánh thành, hơn 500 người dân tề tựu cúng Bác nhưng địch làm ngơ.

Những ngày tết năm đó hơn 10.000 lượt người khắp nơi đổ về viếng Bác. Trong đó có không ít vợ con các binh sỹ phe địch.

Mấy tháng sau, địch huy động 1 một lực lượng bộ binh hùng hậu có pháo, máy bay trợ chiến để xóa ngôi đền. Ngôi đền bị phá hủy nhưng chúng cũng trả giả bằng sinh mạng viên Thiếu tá Phó Tiểu khu trưởng và hàng trăm binh sỹ.

Người dân lại tiếp tục xây đền vào năm 1972. Ngôi đền tồn tại cho đến khi đất nước thống nhất.

Suốt từ khi Bác mất, hầu như mọi nhà ở khu vực đó đều cúng giỗ hàng năm. Người dân ở đó xem Bác như một vị thánh cao cả. Trước đi làm việc gì họ cũng điều khấn Bác. Thậm chí các cặp đôi, trước khi thành hôn đều đến trước bàn thờ Bác hứa sống chung thủy.

Với người dân miền Tây Nam bộ, Bác không chỉ là 1 lãnh tụ kính yêu mà còn là vị thánh linh thiêng trong tâm thức. Hầu như mỗi tỉnh đều có ít nhất 1 địa chỉ thờ cúng Bác do người dân tự lập. Có nơi chỉ xây ngôi miếu nhỏ nhưng không thiếu vẻ thành kính.

Hoàng Kiệt
.
.
.