Siêu điệp viên Liên Xô Gordon Lonsdale

Thứ Hai, 11/12/2017, 15:16
Thời Chiến tranh Lạnh, trong giới doanh thương của London, Anh quốc, Gordon Arnold Lonsdale nổi tiếng là một doanh nhân thành đạt, sở hữu vài công ty và cũng nổi tiếng là người hào hoa có lắm nhân tình. Nhưng đó chỉ là vỏ bọc hoàn hảo của sĩ quan tình báo Liên Xô có tên thật là Konon Molody.

Thời kỳ hoạt động tình báo thành công nhất nhưng lại kết thúc bất ngờ nhất của ông diễn ra 12 năm trên đất Anh với mạng lưới tình báo Portland.

Khởi nghiệp doanh nhân

Sinh năm 1922 tại Moscow, Konon Molody là con trai của đôi vợ chồng nhà khoa học. Người cha mất sớm, mẹ của Konon muốn sang Mỹ sống cùng người em gái. Genrikh Yagoda, một cán bộ làm việc ở Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD- tiền thân của Cơ quan tình báo KGB) giúp mẹ của Konon có được tấm hộ chiếu di dân.

Siêu điệp viên Konon Molody.

Năm 1932, Konon và mẹ đến sống ở California. Có tài liệu nói rằng, thời gian này, Konon Molody đã sớm lọt vào “mắt xanh” của giới chức tình báo Liên Xô. Năm 1938, Konon quay về Liên Xô và khi Thế chiến thứ II nổ ra, anh tình nguyện gia nhập Hồng quân.

Chiến tranh kết thúc, năm 1946, Konon thi đỗ vào Khoa Luật của Học viện Ngoại thương và học tiếng Hoa. Năm 1951, Konon được tuyển mộ vào ban tình báo nước ngoài của KGB và bắt đầu được chính thức đào tạo để trở thành điệp viên. Konon lập gia đình vào năm 1952.

Năm 1953, Konon Molody lên một tàu buôn Liên Xô đến Canada, sử dụng hộ chiếu của một người đã chết. Mẹ của người này là một người Phần Lan và cha là người Canada mang họ Lonsdale. Từ Canada, Gordon Lonsdale (tên trên hộ chiếu mới của Konon) tới Hoa Kỳ, nơi ông bắt liên lạc và làm việc với điệp viên Rudolph Abel. Hoạt động trong nhóm điệp viên này, Gordon đã gặp vợ chồng người Mỹ Peter và Helen Kroger, làm việc cho KGB đơn thuần vì lý tưởng.

Năm 1954, Gordon Lonsdale đến London, theo học tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi thuộc Trường Đại học London rồi khởi nghiệp kinh doanh bằng việc mở công ty bán và cho thuê máy hát tự động, máy đánh bạc, bán rượu cho các hộp đêm, câu lạc bộ và hiệu cà phê. Sau đó, Gordon lần lượt mở thêm đến 4 công ty chuyên doanh các máy tự động đó.

Công việc kinh doanh của Gordon Lonsdale phất nhanh như diều gặp gió. Ông trở thành triệu phú, sở hữu đến 8 ô tô vào loại xịn nhất lúc bấy giờ, một biệt thự ở ngoại ô, một số phòng thuê dài hạn trong các khách sạn sang trọng ở thủ đô London. Năm nào Gordon Lonsdale cũng có những kỳ nghỉ xa xỉ ở quần đảo Bahamas hoặc Canari nhưng thực chất, ông bí mật đến Karlovy Vary của Tiệp Khắc, Zagreb của Nam Tư, hoặc Budapest của Hunggary để trao đổi tài liệu với người của KGB, hội ngộ trong chớp nhoáng với người vợ tại một địa điểm an toàn. Kết quả của một lần “hẹn hò” ở Tiệp Khắc là họ có con trai đầu lòng.

Với vị thế của mình, Gordon Lonsdale thường xuyên được mời dự các bữa tiệc, chiêu đãi của giới thượng lưu London. Và trong một buổi tiệc, khi đang đứng giữa các doanh nhân máu mặt, một người phụ nữ duyên dáng tiến đến, tự giới thiệu mình có khả năng xem tướng đoán mệnh. Người phụ nữ này bắt đầu xem tay cho những quý ông đứng cạnh Gordon, rồi đến lượt ông. Gordon không tiện từ chối, xem như mình tham dự một trò giải trí. Bà này sau khi xem tay của Gordon đã nói bằng thái độ nghiêm túc: “Chiếc còng tay đang đợi ông, chẳng lâu nữa đâu...”.

Nói dứt câu này, bà mỉm cười bí ẩn. Các quý ông đứng bên Gordon cười phá lên phụ họa: “Đúng đấy! Có lẽ Gordon sẽ sập tiệm với những máy tự động chơi nhạc hay đánh bạc của mình...”. Những tưởng đó chỉ là một câu đoán mệnh tầm phào, nhưng khi thấy Gordon đứng riêng ở một góc phòng tiệc, người phụ nữ ấy lại tiến đến, thì thầm: “Ông hãy cố tránh các bác sĩ... Còn ở đây, tại London này, ông phải cực kỳ thận trọng!”.

Năm 1959, mạng lưới tình báo Portland ở London do Gordon Lonsdale điều hành bắt đầu bị bại lộ do một sĩ quan tình báo Ba Lan phản bội và cung cấp thông tin cho CIA, để rồi CIA báo cho Cơ quan tình báo nội địa MI-5 của Anh giăng lưới bắt (ANTG số 1730 đã có bài đề cập). Sau này, khi đã được trao trả về Liên Xô, Gordon Lonsdale nhớ lại: “Tôi tiến hành cuộc gặp cuối cùng của mình với hai điệp viên trên cây cầu Waterloo vào ban đêm.

Đây là cuộc gặp khẩn cấp, bởi vì tôi đã cảm thấy đang có điều gì đó kỳ lạ đang diễn ra xung quanh, cảm giác tai họa đang đến gần cứ đeo đẳng lấy tôi, mà các điệp viên thì thường tin vào linh cảm. Các điệp viên này rất có giá trị đối với tôi nên tôi quyết định cảnh báo họ tạm thời ngừng liên lạc (Cặp điệp viên này chính là Houghton và Gee - hai người cung cấp thông tin chính về các vũ khí và chiến lược tác chiến chống ngầm của Hải quân Hoàng gia Anh).

Cặp vợ chồng điệp viên Mỹ Peter và Helen Kroger.

Khi 2 người xuất hiện, tôi không khỏi bực tức vì ông ấy mang theo một chiếc cặp chứa một số tài liệu mật, trong khi theo quy ước, trong trường hợp liên lạc khẩn cấp thì phải đến hoàn toàn tay không. Nhưng đã muộn, chúng tôi bị các xe ô tô của phản gián Anh bật đèn pha sáng rực vây kín từ hai phía. Một quan chức mặc đồ dân sự đến gần tôi. Ông ta nhẹ nhàng đặt lên tay vai tôi và nói: Tôi đã mất khá nhiều thời gian để tìm anh, anh bạn ạ. Thế còng tay đâu? - tôi bình tĩnh hỏi khi trong đầu thì nhớ lại câu nói của người phụ nữ trong bữa tiệc.

Nhân viên phản gián kia hơi ngạc nhiên trước sự bình tĩnh của tôi: Sẽ có còng. Nhưng anh bạn trẻ có hiểu là bây giờ tôi sẽ đưa anh đến Sở Cảnh sát London không?. Tôi thừa hiểu điều đó lúc còn ở Moscow, khi chúng tôi tính đến các kịch bản một khi bại lộ. Đúng như lời tiên tri của người phụ nữ bí ẩn nói rằng, tôi ngồi tù không lâu. Ngồi tù chỉ 3 năm, tôi đã được trao đổi với điệp viên Anh Greville Wynne...”.

Cặp vợ chồng điệp báo

Đến đây, không thể không đề cập đến cặp vợ chồng người Mỹ Peter và Helen Kroger (hay còn gọi là Morris và Leontina Cohen) mà Gordon Lonsdale gặp gỡ rồi cùng hoạt động thời gian ông qua Mỹ, và sau này cũng là những thành viên trong mạng tình báo Portland. Morris đã chiến đấu trong lữ đoàn quốc tế mang tên Lincoln chống lại phe của tướng Franco những năm 1937-1938 thời nội chiến Tây Ban Nha, lọt vào tầm mắt của tình báo quân sự Liên Xô và được tuyển dụng vào năm 1938 vì mang lý tưởng “muốn cống hiến cho chủ nghĩa Cộng sản”.

Anh làm quen với người vợ tương lai Leontina Tereza Petka - bố mẹ cô là người lưu vong đến từ Ba Lan - trong một cuộc mít tinh chống phát xít ở New York. Đầu năm 1941, họ cưới nhau. Morris đã thú thật với Leotina rằng, anh là một điệp viên làm việc cho Liên Xô và cô còn tình nguyện làm đồng chí của anh trong công việc nguy hiểm này. Thời Thế chiến thứ II, Morris được gọi nhập ngũ và tham gia vào các trận đánh chống Đức Quốc xã ở châu Âu.

Cuối năm 1945, anh được giải ngũ, trở về Mỹ và tiếp tục cộng tác với tình báo Xôviết. Vào năm 1949, Moscow đã quyết định để vợ chồng Cohen liên lạc với điệp viên Rudolf Abel... Một thời gian sau, do có nguy cơ bị bại lộ, họ đã được bí mật đưa về Liên Xô. Điều đó xảy ra vào năm 1950. 4 năm sau, họ được cử sang Anh hoạt động- trợ giúp và làm liên lạc viên cho Gordon Lonsdale.

Hiệu sách cổ ở số 45, Cranley Drive, nơi nhóm Portland chuyển thông tin thu được về Moscow. (Ảnh: Wikipedia).

Về mặt danh nghĩa, họ là một đôi vợ chồng người New Zealand có tên Peter và Helen Kroger. Với sự giúp đỡ của người phụ trách mạng Portland, họ đã mua một căn nhà nhỏ cách căn cứ không quân Norhalt ở ngoại ô London 2 km và xây dựng một phòng điện đài để liên lạc với Moscow, bề ngoài là một hiệu sách cũ. Gordon Lonsdale thường xuyên đến đây để đọc và trao đổi sách nhưng thực chất là để truyền đạt các chỉ thị của KGB và giao các tài liệu mật cho vợ chồng Kroger.

Từ năm 1955-1960, mạng tình báo Portland hoạt động tích cực và hiệu quả, thu được ở Anh và chuyển về Liên Xô một số lượng lớn tài liệu quan trọng, trong đó có các tài liệu về các động cơ hạt nhân và vũ khí tên lửa. Đầu tháng 1-1961, Gordon Lonsdale và các điệp viên Harry Houghton, Elizabeth Gee đã bị bắt lúc đang trao đổi tài liệu trên cầu Waterloo.

Cũng trong ngày đó, cả vợ chồng Cohen cũng sa lưới. Nhóm cảnh sát gõ cửa nhà Kroger và thông báo rằng, họ đang điều tra một vụ trộm ở địa phương. Peter Kroger sớm nhận ra điều chẳng lành và định tìm cách phá hủy các “microdots”, thiết bị lưu trữ dữ liệu siêu nhỏ thường dùng trong các hoạt động tình báo nhưng đã bị trưởng nhóm cảnh sát phát hiện và xem như đây là tang vật đầu tiên liên quan đến hoạt động tình báo của họ.

Trở về

Trong phiên tòa diễn ra ngày 13-3-1961 tại Tòa thượng thẩm Old Bailey (Tức Tòa án Hình sự trung ương - Central Criminal Court - tọa lạc trên phố Old Bailey, London), được thế giới biết đến với tên gọi “vụ án Portland”, Gordon Lonsdale đã nhận hết tội về mình khi khẳng định vợ chồng Cohen không biết gì về hoạt động tình báo của ông. Tuy nhiên, tòa án dựa trên những tài liệu của Mỹ về “hoạt động gián điệp” của cả hai người này và kết án Peter Kroger 25 năm tù, Helen Kroger - 20 năm tù.

Năm 1964, KGB tiến hành trao đổi điệp viên - triệu phú của mình với điệp viên Anh Greville Wynne. Đến tháng 8-1969, đôi vợ chồng Cohen (hay Kroger) cũng được trao đổi với nhân viên tình báo Anh Gerald Brook bị bắt ở Liên Xô. Được tự do, họ chọn Liên Xô làm mảnh đất dung thân cuối cùng.

Trong thời gian Gordon Lonsdale ngồi tù, đại diện của nhà xuất bản Nevill Spearman nổi tiếng của Anh đã đến gặp ông với lời đề nghị viết hồi ký. Gordon trả lời là ông có thể viết hồi ký, nhưng chỉ khi nào đã trở về tổ quốc. 3 năm sau, nhà xuất bản Nevill Spearman vẫn tìm cách liên lạc với Gordon - lúc này là đại tá và đang sống với tên thật Konon Molody - để nhắc lại đề nghị trước đây của họ. Konon Molody đã nhận được sự chấp thuận của cấp trên với điều kiện toàn bộ nhuận bút được nhà xuất bản Anh trả sẽ được chi cho nhu cầu của tình báo Xôviết.

Thế là tập hồi ký “Hai mươi năm trong cơ quan tình báo Xôviết. Hồi ký của Gordon Lonsdale” đã được ấn hành với số tiền nhuận bút mà Gordon Lonsdale được nhận là hơn 100.000 bảng Anh. Gordon sử dụng số tiền lớn này theo đúng lời đề nghị của cấp trên và một số không nhỏ dành tặng cho các trường học.

Theo lời kể lại của Trofim Molody, người con trai lớn của Konon Molody, cha anh mất rất bất ngờ. Một sáng tháng 10-1970, cha mẹ anh đi vào cánh rừng Medyn cách Moscow 200 km để hái nấm. Cùng đi với vợ chồng Molody là các bạn của họ- phi công thử nghiệm Viktor Romanenko và vợ ông ấy là Mila.

Buổi tối, họ ngồi quanh đống lửa, vừa ăn món súp nấm vừa nói chuyện vui vẻ. Bỗng Konon Molody thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn oẹ dữ dội rồi lăn ra bất tỉnh. Ông Victor Romanenko đã đưa được bạn mình tới một trạm xá gần nhất. Tại đó, bác sĩ trực xác nhận Konon Molody bị đột quỵ và bị liệt nửa người bên phải. Điệp viên tài ba-triệu phú thành London qua đời ngày 9-10-1970.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.
.