CIA và các dự án “tẩy não” điệp viên

Thứ Tư, 03/07/2019, 08:02
Sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, Mỹ đã tích cực tham gia vào việc tiến hành các thí nghiệm, mục tiêu là tạo ra một loại “huyết thanh sự thật”.

Trong khuôn khổ của “nghiên cứu y tế”, các chuyên gia của Mỹ đã tiêm nhiều loại thuốc khác nhau cho sinh viên các trường đại học Mỹ, sau đó theo dõi phản ứng của đối tượng thông qua những hệ thống theo dõi đặc biệt. 

Theo thời gian, các thí nghiệm trở nên phức tạp hơn, bản thân mục tiêu cũng thay đổi về hình thức: cơ quan tình báo hy vọng sẽ đạt được sự biến đổi cơ bản về tính cách con người.

Với sự điều khiển của nhà chiến thuật CIA Edward Hunter, chiến thuật này được gọi là “tẩy não”, tạo ra những điệp viên bị kiểm soát tâm trí. Các dự án bí mật “Artisok”, “Chim xanh” và “Kẹp giấy” được đặt ra và thử nghiệm nhằm phục vụ cho lợi ích của ngành tình báo Mỹ.

Các dự án bí mật từng được thử nghiệm

Những cựu tù binh chiến tranh Xôviết vì lý do nào đó đã không từ nước Đức trở về Liên Xô được chọn làm đối tượng thử nghiệm cho chương trình “Artisok”. “Những người bị tình nghi là điệp viên Nga” sau khi cho sử dụng pentothal natri, benzingrine đã chìm vào trạng thái bất tỉnh, sau đó được tiêm benzingrine. Khi đối tượng thử nghiệm khi thức dậy phải quên đi những thao tác vừa được thực hiện với mình.

Một ca thử nghiệm trên người.

Dự án “Chim xanh” được tổ chức trong nội bộ CIA từ năm 1951 đến 1953 với hai mục tiêu: có được một sỹ quan tình báo lý tưởng mà tâm trí sẽ chịu sự kiểm soát hoàn toàn của các cơ quan tình báo đã gửi anh ta đi, đồng thời đó cũng là một tù binh lý tưởng sẽ đưa ra tất cả thông tin mà anh ta có được.

Đại tá Seffield Edward, người đứng đầu dự án mong muốn đạt được mức độ kiểm soát tâm trí người thử nghiệm khi người đó chống lại ý chí của mình và thậm chí bất chấp bản năng tự bảo vệ, sẽ tuân theo các mệnh lệnh được đưa vào ý thức của anh ta, và khi ở trạng thái bình thường đã quên đi thông tin mà mình không nên nhớ. Edward đã có một đội ngũ các kỹ thuật viên, dược sỹ, nhà thôi miên, nhà tâm thần học và có cả các chuyên gia về máy phát hiện nói dối.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, theo phân công của CIA, Edward đã nghiên cứu các tài liệu của vụ án Nuremberg, trong đó có thông tin về những thí nghiệm của các bác sỹ Đức Quốc xã trên cơ thể người, cũng như bắt tay vào việc tìm kiếm và tuyển dụng các chuyên gia Đức, chủ yếu là bác sỹ tâm thần trong lĩnh vực thao túng tâm trí con người.

Năm 1946, tổng thống Mỹ Harry Truman đã phê duyệt dự án “Kẹp giấy”, theo đó các hoạt động của các nhà khoa học Đức được đưa tới Mỹ và Canada được giữ bí mật một cách nghiêm ngặt nhất. Trong giai đoạn từ năm 1945 đến 1955, theo chương trình “Kẹp giấy” đã có 765 nhà khoa học, kỹ sư và kỹ thuật viên được đưa ra khỏi nước Đức. Trừ những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi thì tên của các chuyên gia không được ai biết đến.

 Nhà tâm thần học người Canada Colin A.Ross tin rằng các thí nghiệm kiểm soát tâm trí trong khuôn khổ dự án là có hệ thống, có tổ chức và có sự tham gia của nhiều bác sĩ tâm thần hàng đầu. Các nhiệm vụ phức tạp nhất được đặt ra cho các nhà khoa học, chẳng hạn, gây ra sự rối loạn giả tạo về nhận dạng danh tính.

Các nhà thử nghiệm hy vọng sẽ tạo ra một tính cách mới hoặc đa tính cách, trong đó có sử dụng cả những công nghệ mới nhất. Đối tượng lý tưởng là một “người máy” dễ bảo có thể thay đổi chức năng bởi các máy phát từ xa. Trên thực tế đã sử dụng các phương pháp có tính truyền thống hơn để tác động đến tâm lý của đối tượng: sốc điện, giấc ngủ nhân tạo, lặp lại các cụm từ và âm thanh khiến người đó phát cuồng.

Đã cộng tác với CIA trong khuôn khổ “Chim xanh”, giáo sư bệnh viện tâm thần Canada tại Monreal là Even Cameron đã sử dụng phương pháp làm mất đi cảm giác. Ông để người thử nghiệm ở trong một căn phòng tối chật hẹp suốt vài ngày đêm, họ bị cách biệt hoàn toàn với những kích thích bên ngoài, sau đó đã xảy ra sự rối loạn tâm lý không thể tránh khỏi.

Không phải tất cả các công cụ trong tay những nhà thử nghiệm đã hoạt động có hiệu quả như nhau. Vì vậy, cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, máy phát hiện nói dối với kỹ năng phù hợp có thể sẽ dễ dàng đánh lừa đối tượng. Một thí dụ kinh điển là Oldrich Ames, một sĩ quan CIA làm điệp viên cho Liên Xô. Ông đã nhiều lần trải qua thử nghiệm với loại máy này mà không tạo ra bất cứ sự nghi ngờ nào.

Sau Seffield Edwards, người đứng đầu dự án “Chim xanh” là Morse Allan bắt tay tạo ra một cơ chế mới về cơ bản có khả năng phát hiện ra người nói dối. Bản chất của nó là đối tượng thử nghiệm ngồi trên ghế không được nghi ngờ rằng mình đang bị kết nối tự động với máy. Dưới sự chỉ đạo của Allan, một thiết bị khác đã được phát triển với tên gọi là “máy ngủ Electros”. 

Người được thử nghiệm bị tác động sốc điện một cách có hệ thống với một lượng nhỏ, dần dần sẽ đi vào trạng thái thay đổi ý thức. CIA đã phê duyệt loại máy mới này, nhưng cấm sử dụng nó với các nhân viên của mình vì có nguy cơ làm cho con người bị mất trí nhớ hoàn toàn.

Trong những thử nghiệm của mình, cơ quan tình báo Mỹ còn tích cực sử dụng siêu âm, nhiều loại khí, các rung động tần số khác nhau, giảm áp suất và nhiệt độ đột ngột trong các thí nghiệm, mà theo các nhà khoa học, “có thể đưa đối tượng đến trạng thái của động vật”.

Thất bại và phủ nhận

Tất cả những thử nghiệm về thiết lập quyền kiểm soát tâm trí con người đã bị ngừng lại vào năm 1963. Lý do chính thức là không thu được những kết quả như mong muốn. Một thời gian dài không có một thông tin nào về dự án “Chim xanh” cho đến năm 1974 khi các nhà báo của tờ “New York Times” đã thu thập được những thông tin liên quan. Một vụ bê bối lớn đã nổ ra làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của ngành tâm thần học Mỹ.

Tuy nhiên, Hiệp hội tâm thần Mỹ vẫn không thừa nhận các thành viên của mình đã tham gia vào chương trình. Không may là nhiều tài liệu đã có thể làm sáng tỏ những chương trình bí mật của CIA hoặc đã bị chỉnh sửa rất nhiều, hoặc đã bị giấu diếm không được công khai. 

Ngay cả nhiều nhân viên cũ của CIA cũng không biết những người thử nghiệm đang làm gì với “các bệnh nhân” của họ, vì chỉ có một số ít được biết về các chi tiết của “Chim xanh”. Tất nhiên là không có thông tin gì về số người là nạn nhân của các thí nghiệm đáng ngờ đã được tiến hành trong các phòng thí nghiệm nội bộ của cơ quan tình báo Mỹ.

Hải Yến (Tổng hợp)
.
.
.