Kia
Mobifone

Ôm trái đắng khi đổi tiền lẻ online

Thứ Tư, 31/01/2024, 13:13

Đến hẹn lại lên, càng đến gần Tết Nguyên đán thì dịch vụ đổi tiền lẻ càng sôi động trên chợ mạng. Dù được coi là hành vi trái pháp luật và đã có nghị định xử phạt thế nhưng bất chấp lệnh cấm, nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên rao đổi tiền lẻ trên mạng để kiếm lời.

Tràn lan hội nhóm đổi tiền lẻ

Nếu như trước đây, cứ gần Tết, hàng loạt các quầy đổi tiền lẻ, tiền mới xuất hiện ở các khu vực đền chùa, miếu mạo thì vài năm trở lại đây, dịch vụ đổi tiền lẻ rút vào hoạt động bí mật, trên các hội nhóm kín, mở trên mạng xã hội. Quả thật trên các hội nhóm, dịch vụ này khá sôi động. Khách hàng có thể đổi bao nhiêu tùy thích, mệnh giá nào cũng có. Bên cạnh những lời mời chào hấp dẫn như “phí đổi thấp”, “cam kết tiền thật”, “tiền nguyên seri”, “mức chênh lệch cạnh tranh”... các chủ tài khoản còn sẵn sàng giao tiền tận nơi và cho kiểm tra trước khi nhận tiền. Việc thỏa thuận giá chênh lệch, mệnh giá tiền cần đổi, số lượng, địa chỉ giao nhận... được trao đổi qua tin nhắn riêng.

Ôm trái đắng khi đổi tiền lẻ online -0
Tiền đô, tiền mới được rao đổi tràn lan trên mạng xã hội.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phí đổi tiền mới tùy theo mệnh giá, càng nhỏ thì phí càng cao. Tuy nhiên mức phí khá bát nháo giữa những đầu nậu. Trong một hội nhóm, một thành viên quảng cáo mức phí đổi tiền mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng là khoảng 60.000 đồng/triệu đồng; mệnh giá 100.000 đồng, phí đổi tiền là 55.000 đồng/triệu đồng, giảm còn 100.000 đồng/2 triệu đồng.

Một tài khoản khác quảng cáo mức phí đổi tiền mệnh giá 20.000 đồng là 80.000 đồng/triệu đồng; tiền mệnh giá 50.000 đồng có phí đổi 45.000 đồng/triệu đồng; tiền mệnh giá 100.000 đồng có phí đổi 35.000 đồng/triệu đồng.

Ngoài ra, nếu đổi từ 5 cọc trở lên, tiền mệnh giá 50.000 đồng có phí đổi 35.000 đồng/triệu đồng; tiền mệnh giá 100.000 đồng có phí đổi 15.000 đồng/triệu đồng.

Tiền lẻ từ 1.000-2.000 đồng phí lên đến 10%-20%. Đối với một số tờ tiền có số seri đẹp hay theo ngày sinh thì mức phí đổi tiền này có thể cao hơn, dao động từ 30-35%. Với tiền 500 đồng là hàng hiếm, nên phí đổi lên tới 350 nghìn cho 100 tờ, tức tới… 700%. Không chỉ có tiền mới nguyên đai nguyên kiện, được người bán rao là “mới tinh, nguyên seri được rút từ ngân hàng ra”, các loại tiền lướt (tiền đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới) cũng được rao đổi. Loại tiền này phí đổi rẻ hơn khá nhiều so với tiền mới nên cũng được giao dịch khá nhiều.

Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, các đối tượng còn quảng cáo đổi cả các đồng tiền hiếm là ngoại tệ của nhiều nước với giá trị gấp nhiều lần mệnh giá thực tế, tùy vào độ độc, lạ của tờ tiền. Thường giá đổi USD mới là 60.000 - 70.000 đồng/tờ 2 USD, nếu đổi nhiều thì giá giảm xuống dưới 60.000 đồng/tờ 2 USD… Với những tờ tiền có số seri đẹp, giá bán có thể lên tới hàng triệu đồng.

Đặc điểm của hoạt động đổi tiền online là thường giao dịch qua mạng xã hội. Khách hàng muốn đổi tiền có thể chuyển khoản từ 30 - 50% tổng số tiền cần đổi, cung cấp địa chỉ, sẽ có người đến tận nơi giao tiền mới và khách hàng thanh toán nốt số tiền còn lại. Một số chủ tài khoản còn giao tiền tận nơi và cho kiểm tra trước khi nhận. Song, không ít người nhận về cọc tiền bị rút ruột, lẫn tiền cũ, nát và thậm chí là tiền giả, thậm chí bị chiếm đoạt tiền cọc.

Ôm trái đắng khi đổi tiền lẻ online -0
Anh Thành ngậm đắng nuốt cay khi đổi tiền mới trên mạng nhưng nhận về cả tiền đã qua sử dụng.

Do có nhu cầu sử dụng trong dịp Tết sắp đến, anh Trần Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) muốn đổi 2 triệu đồng tiền mệnh giá 1.000 đồng để đi lễ chùa. Vì tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng rất hiếm, không thể đổi được ở ngân hàng, nên anh lên mạng tìm hiểu và liên hệ với một thành viên trong một hội nhóm đổi tiền lẻ để giao dịch. Phí giao dịch lên đến 150 nghìn đồng cho một tập 100 tờ 1.000 đồng. Khi trao đổi trên nhóm, người đổi tiền yêu cầu anh chuyển khoản trước một nửa số tiền. Khi hàng ship đến, anh thấy còn nguyên đai nguyên kiện, nên không tháo ra kiểm tra. Đến lúc mang ra dùng anh mới phát hiện một số tập bị rút lõi và được thế thân bằng những tờ giấy trắng. Liên hệ lại tài khoản Facebook này thì anh thấy mình đã bị chặn tài khoản.

Tương tự chị Nguyễn Minh Nguyệt (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cũng bị lừa mất cả triệu đồng tiền cọc cũng chỉ vì đổi tiền lẻ trên mạng. Vì đổi hộ nhân viên công ty số tiền lên đến cả trăm triệu đồng, nhưng không thể đổi đủ ở ngân hàng, nên chị lên mạng liên hệ để đổi thêm. Để làm tin, đối tượng yêu cầu chị đặt cọc 2 triệu đồng với lý do, gần Tết đông khách, nếu không đặt cọc thì không đảm bảo giữ đủ hàng cho chị. Nghĩ rằng 2 triệu tiền cọc cũng không nhiều nhặn gì nên chị đồng ý chuyển khoản và hẹn ngày giao hàng thanh toán nốt. Thế nhưng đến ngày hẹn, chị liên hệ lại để lấy tiền thì không thể liên lạc được với người kia.

“Tôi không hiểu sao khi đổi tiền mới tại các ngân hàng rất khó khăn, mọi năm tôi đều nhờ đổi ở ngân hàng nhưng số lượng được rất ít, không hiểu sao trên mạng xã hội nhiều thành viên hội nhóm trao đổi đến thế. Thậm chí còn rao tuyển cộng tác viên, quảng cáo tiền nhiều, muốn đổi bao nhiêu cũng có”, chị Nguyệt bức xúc cho biết.

Bẫy lừa từ dịch vụ đổi tiền lẻ

Mới đây, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 18 năm tù đối với bị cáo Hoàng Như Phương (sinh năm 1988, trú tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cũng với chiêu bài đổi tiền lẻ.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Phương có bố mẹ từng công tác ở Nhà máy in tiền quốc gia nhưng đã nghỉ hưu. Do nợ nần, cần tiền để tiêu xài và trả nợ cá nhân, Phương đưa ra các thông tin gian dối, giới thiệu bố mẹ và người nhà của Phương hiện đang làm việc tại Nhà máy in tiền quốc gia, có quan hệ với cán bộ của Nhà máy in tiền, có thể đổi được các loại tiền mới, không mất phí để các bị hại tin tưởng, chuyển tiền cho Phương.

Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Phương chỉ sử dụng một phần để đổi tiền mới, trả cho những người bị hại nhằm tạo sự tin tưởng để họ chuyển thêm tiền cho Phương, sau đó chiếm đoạt.

Ôm trái đắng khi đổi tiền lẻ online -0
Đối tượng Hoàng Như Phương lừa đảo hơn chục tỉ đồng với chiêu bài đổi tiền lẻ.

Với thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ ngày 9/9/2020 đến tháng 1/2022, Phương đã gây ra 7 vụ chiếm đoạt của các bị hại với tổng số tiền hơn 13,7 tỷ đồng.

Năm 2020, thông qua một người bạn, anh N.M.H (sinh năm 1990, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) có quan hệ quen biết với Hoàng Như Phương. Phương giới thiệu có người nhà làm ở nhà máy in tiền, có thể đổi được tiền mới. Do anh H hay đi lễ nên có nhu cầu đổi tiền nên khi Phương giới thiệu, anh H tin tưởng nhờ đổi.

Thời gian từ ngày 20/1/2022 đến ngày 27/1/2022, anh H đã chuyển cho Phương tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng để đổi tiền mới. Sau khi nhận tiền, Phương đổi tiền mới cho anh H khoảng 750 triệu đồng, còn chiếm đoạt trên 1,4 tỷ đồng.

Cùng thủ đoạn trên, Phương đã chiếm đoạt tiền của đồng nghiệp, bạn học cùng phổ thông. Cụ thể, từ năm 2013 đến năm 2015, chị L.T.T.H (sinh năm 1985, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) làm cùng công ty với Hoàng Như Phương. Cuối năm 2021, Phương nói với chị H là có bạn làm ở nhà máy in tiền, cần chạy chỉ tiêu đổi tiền mới, không mất phí nên nhờ mọi người đổi giúp. Do tin tưởng Phương nên chị H đã nhờ đổi.

Không chỉ vậy, chị H còn giới thiệu anh N.V.T (sinh năm 1981, trú tại Thường Tín, Hà Nội) và chị N.T.T.Ng (sinh năm 1991, quê Thanh Hóa) cùng nhờ Phương đổi tiền mới.

Thời gian từ ngày 22/1/2022 đến ngày 25/1/2022, chị H chuyển cho Phương hơn 90 triệu đồng để đổi tiền mới. Sau đó, Phương đổi tiền mới cho chị H với số tiền hơn 20 triệu đồng, còn lại 73 triệu đồng, Phương chiếm đoạt.

Ngoài ra, Phương còn rủ chị H đầu tư kinh doanh dịch vụ đổi tiền mới lấy lãi. Do tưởng Phương kinh doanh dịch vụ đổi tiền mới thật nên chị H đã chuyển gần 800 triệu đồng cho Phương. Thực tế, sau khi nhận tiền, Phương không kinh doanh như đã hứa mà sử dụng vào việc trả nợ cá nhân.

Ngoài ra, Phương còn lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bạn học thông qua việc rủ đầu tư kinh doanh dịch vụ đổi tiền mới lấy lãi. Theo đó, Hoàng Như Phương và anh N.T.T (sinh năm 1987, trú tại Hà Nội) là bạn bè học cùng phổ thông, chơi thân với nhau. Phương nói có bố mẹ làm công nhân nhà máy in tiền, có quan hệ với kế toán nhà máy, có thể đổi được tiền mới và có khách đổi tiền mới nên rủ anh T góp vốn làm ăn, có trả lãi 3.000 đồng/triệu/ngày trong vòng một tuần. Nghe Phương nói, anh T đồng ý.

Trong thời gian từ ngày 19/9/2020 đến ngày 10/9/2021, anh T đã chuyển cho Phương tổng số hơn 38,7 tỷ đồng. Sau đó, từ ngày 23/10/2020 đến ngày 25/1/2022, Phương đã chuyển lại cho anh T tổng số hơn 35,6 tỷ đồng. Ngoài ra, bố mẹ Phương còn trực tiếp đưa cho anh T số tiền 1 tỷ đồng để trả thay cho con gái. Quá trình điều tra, xác định số tiền Phương chiếm đoạt của anh T là gần 2 tỷ đồng.

Theo quy định, hiện nay chỉ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có thẩm quyền đổi tiền.

Theo điều 12 và điều 13 của Thông tư số 25/2013/TT-NHNN, các hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của các nhân, tổ chức nhằm hưởng phần trăm chênh lệch đều là hành vi trái pháp luật. Các hành vi này có thể bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với cá nhân, 40 - 80 triệu đồng đối với tổ chức (theo khoản 5 điều 30 mục 8 chương 2 Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng). Về thẩm quyền, trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 40 - 80 triệu đồng thuộc thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc trưởng đoàn thanh tra theo quy định. Tùy theo mức độ hành vi, có thể tịch thu tang vật. Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền phạt tiền đến 250 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 500 triệu đồng.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Công điện 01/CĐ-Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong mua bán ngoại tệ, vàng và đổi tiền không đúng quy định. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị “bùng” tiền đặt cọc, hay bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngọc Trâm

.