Lật lại hồ sơ các vụ cướp trên tàu hỏa Trung - Nga

Thứ Tư, 01/04/2020, 12:03
Từ ngày 26 đến 31 tháng 5 năm 1993, khi đoàn tàu quốc tế K3 đi từ Bắc Kinh đến Moscow rời khỏi đất nước Trung Quốc thì những nhà buôn và hành khách liên tiếp bị các băng cướp cầm súng hơi, dao găm, dùi cui điện điên cuồng cướp tiền bạc, của cải và hãm hiếp tập thể nhiều phụ nữ; nhiều hành khách bị đánh dã man.

Sự kiện này làm chấn động cả Trung Quốc và nước ngoài, lịch sử gọi đó là "Vụ cướp trên tàu hỏa Trung - Nga". Đây là vụ án lớn nhất của Trung Quốc năm 1994 và cũng là một trong mười vụ án lớn của Trung Quốc.

Đầu những năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái nghiêm trọng, quá trình chuyển đổi cơ chế đã gây nên sự thiếu thốn hàng hóa và mức sống của người dân giảm mạnh.

Cũng vào thời điểm này, nền kinh tế Trung Quốc trải qua hơn một thập niên cải cách mở cửa đã phát triển nhanh chóng, sản lượng hàng hóa tăng, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp nhẹ như quần áo, giày dép, mũ, đồng hồ, đồ điện gia dụng và văn phòng phẩm giá cả rất hạ đã trở thành hàng ăn khách với người dân Nga. Các nhà buôn Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội này, lợi dụng việc nhập cảnh vào nước Nga dễ dàng thuận lợi đã thường xuyên mang một lượng hàng hóa lớn vào đây để bán.

Tàu hỏa quốc tế Bắc Kinh – Ulanbato – Moscow.

Các chuyến tàu hỏa quốc tế mang số hiệu K3/4 đi lại từ Bắc Kinh đến Moscow trở thành “con đường tơ lụa” giao lưu mậu dịch giữa Trung - Nga và chính những năm đó trên các đoàn tàu hỏa quốc tế đã xảy ra nhiều vụ cướp làm cho những nhà buôn và hành khách Trung Quốc nói đến đã sợ.

 “Sói ác” và “cừu non” trên đoàn tàu quốc tế

Đoàn tàu quốc tế có số hiệu K3/4 đi lại từ Bắc Kinh đến Moscow qua 3 nước Trung Quốc, Mông Cổ và Nga bắt đầu vận hành từ năm 1960 toàn bộ hành trình dài 7.865 km.

Những năm 90, hoạt động thương mại từ Trung Quốc sang Nga rất tấp nập, các toa xe trên đoàn tàu quốc tế đi từ Bắc Kinh đến Moscow đều chật cứng, chỗ nào cũng chất đầy hàng. Những hàng hóa kém chất lượng khó bán ở Trung Quốc nhưng đưa sang Nga thì lại bán rất chạy và lợi nhuận cao; chẳng hạn một cái áo khoác giả da giá hơn một trăm tệ nhưng mang sang đến Nga bán được 3000 rúp. (khoảng 600 tệ).

Triệu Kim Hoa (giữa) khi bị bắt.

Khi bán hàng hóa đi, những nhà buôn thu được rất nhiều tiền, trừ một phần mua kim cương, đá quý, thuốc lá và dược liệu của Nga mang về Trung Quốc thì phần lớn được chuyển thành đồng đôla.

Những tên tội phạm rất nhanh phát hiện ra một lỗ hổng trên các đoàn tàu quốc tế là khi đến ga biên giới, cảnh sát công vụ Trung Quốc đều xuống tàu; còn toàn bộ hành trình chạy trên lãnh thổ Nga thì phía Nga không quan tâm đến vấn đề nội bộ của người Trung Quốc cho nên trong hành trình 6 ngày 6 đêm của tàu K3 và tàu K4 không có cảnh sát công vụ Nga ở trên tàu.         

Các thành viên của các băng đảng tội phạm lớn này hầu hết là công dân Bắc Kinh trong đó, đa số bọn chúng đã có tiền án, tiền sự. Những người này lần đầu tiên đến Nga cũng với mục đích buôn bán làm giàu nhưng sau đó bọn chúng cảm thấy buôn bán tiền đến quá chậm, cộng với sự say mê các sòng bạc và những cô gái Nga, một khi đã nướng hết tiền ở đó bọn chúng đã nghĩ ra cách kiếm tiền nhanh hơn là đi cướp bóc, tống tiền.

Từ năm 1993, bọn tội phạm phát triển thành 4 băng cướp do Giả Hiểu Minh, Triệu Kim Hoa, Ngưu Đốn, Miêu Bính Lâm là những tên tội phạm người Bắc Kinh cầm đầu. Bọn chúng điên cuồng cầm súng hơi, dao găm cướp bóc, hãm hiếp gây ra sự hoang mang lo sợ trên đoàn tàu K3/4 và nơi cư trú của những nhà buôn Trung Quốc ở Moscow.   

Lúc đầu, bọn cướp chủ yếu uy hiếp và dọa là chính, uy hiếp không được mới dùng đến đao kiếm nhưng cũng thường để lại cho người bị hại một chút lộ phí chứ không bao giờ để họ trắng tay. Thời gian sau này, bọn cướp bắt đầu hung tợn hơn, chúng dùng côn, dùi cui điện, dao găm, còng tay xông vào các khoang riêng trên toa xe cướp đi tất cả mọi thứ. Lúc tồi tệ nhất các chuyến tàu đều bị cướp sạch, bọn cướp ngày càng tàn nhẫn, chúng còn đánh đập, hãm hiếp cả người bị hại.

Ngoài cướp bóc ở trên tàu, bọn cướp còn nhằm vào những nơi tạm trú của những nhà buôn Trung Quốc ở Moscow. Chúng có một hệ thống điều tra thông tin và hiểu rất cặn kẽ nhà buôn nào mới đến, nhà buôn nào đã bán xong hàng. Khi xông vào phòng đầu tiên là đánh phủ đầu rồi trói và bịt mắt họ lại lục lọi tìm tiền và của cải. Để lừa họ mở cửa, chúng thường giả vờ lấy lý do tìm người, kiểm tra nhà, đưa đồ đạc đến… thậm chí đưa các cô gái trẻ đẹp đến để làm mồi nhử.

Trong thời gian hơn 2 năm, các băng đảng này đã nhanh chóng mở rộng thành khối u trong vấn đề thương mại Trung – Nga. Những nhà buôn đều không biết tiếng Nga nên khi xảy ra chuyện cũng không dám báo cảnh sát, cộng với việc cảnh sát Nga không muốn can thiệp vào chuyện của người Trung Quốc càng làm cho bọn tội phạm  thêm hung hăng.

Những vụ cưỡng hiếp gây phẫn nộ

Đầu tiên là “Vụ hiếp dâm 10/3”. Vào ngày 10 tháng 3 năm 1993, Cao Diễm - một cán bộ của Hội phụ nữ tỉnh Giang Tô đi thăm Moscow. Trong suốt hành trình 6 ngày 6 đêm, người phụ nữ Giang Tô này đã bị 10 tên cướp hãm hiếp 3 lần mà không được ai giúp đỡ. Sau này qua điều tra, cảnh sát xác minh thủ phạm chính là Giả Hiểu Minh người Bắc Kinh.

Năm 2012, Giả Hiểu Minh bị đưa ra xét xử sau 18 năm trốn chạy.

Thứ 2 là “Vụ án 26/4”. Vào ngày 26 tháng 4 năm 1993, một nữ nhà báo của một tỉnh phía nam bị một băng cướp cưỡng hiếp khi tàu vừa rời khỏi ga Moscow.    

Thứ 3 là “Vụ cướp và hãm hiếp 26/5”. Trong hành trình của đoàn tàu từ ngày 26 đến 31 tháng 5, bọn tội phạm đã gây ra 3 vụ cướp tàn bạo. Trong vụ án này có 20 hành khách Trung Quốc bị cướp nhẵn túi, 3 người phụ nữ bị hãm hiếp, nhiều người bị bọn cướp đánh đập tàn nhẫn, số tiền bị cướp lên đến hơn 7 ngàn USD, hơn 10 vạn rúp, nhiều nhân dân tệ và vàng bạc.

Sau vụ cướp, ngày 26 tháng 5, những người bị hại đã trình báo sự việc với đại sứ quán Trung Quốc ở Nga. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, các tài liệu liên quan được Đại sứ quán Trung Quốc nhanh chóng chuyển về các cơ quan cao cấp của Trung Nam Hải.

Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã chỉ thị cho Bộ Công an Trung quốc, Bộ Đường sắt và Bộ Ngoại giao phải hợp đồng giải quyết triệt để ngay vụ án để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của công dân Trung Quốc ở nước ngoài. Vụ án này được Bộ Công an Trung Quốc liệt vào một trong bốn vụ án cấp nhà nước xảy ra vào năm 1993.

Trong gần 100 ngày đập tan 4 băng đảng tội phạm lớn

Ngày 9 tháng 6, một nhóm hành động đặc biệt do Giám đốc Cục Cảnh sát đường sắt dẫn đầu gồm 9 thành viên đã lập tức lên đường sang Nga để xem xét tình hình và bàn về việc hợp tác với cảnh sát Nga triệt phá các băng tội phạm.

Đoàn tàu đỗ dọc đường.

Sau đó cảnh sát đường sắt Bắc Kinh đã nhanh chóng triển khai và điều động tất cả các cảnh sát ưu tú, có kinh nghiệm nhất đến các nhà ga, lên trên các đoàn tàu đóng giả là hành khách, nhà buôn để trinh sát, theo dõi, thu thập bằng chứng các băng đảng tội phạm thường gây án trên các chuyến tàu và nơi cư trú của các nhà buôn Trung Quốc ở Moscow.

Qua hơn 3 tháng truy bắt, đến tháng 10 năm 1993, cảnh sát Trung Quốc đã xóa sổ bốn băng đảng tội phạm chính, bắt và dẫn độ về nước 68 tên, đặc biệt trong đó có những tên cầm đầu là Triệu Kim Hoa, Chu Kim Hưng và Khố Vạn Hòa.

Tuy đã xóa xổ được các băng cướp nhưng tên tội phạm chủ chốt Giả Hiểu Minh và gần 1/3 số tội phạm khác đã bỏ trốn. Cho đến thời điểm này mối họa trên các chuyến tàu quốc tế Trung – Nga và nơi cư trú của các nhà buôn Trung Quốc ở Moscow đã được loại bỏ.

Để lịch sử không lặp lại

 Vào tháng 10 năm 1994, tòa án Bắc Kinh đã mở phiên tòa xét xử vụ án với tổng số 68 tên tội phạm của 4 băng đảng, tòa án đã kết án 31 tên tù chung thân, 14 tên bị kết án hơn 10 năm tù.  

Những vụ cướp trên đoàn tàu quốc tế Nga –Trung là những tên tội phạm có tổ chức lớn nhất của Trung Quốc hoạt động ở ngoài biên giới, bọn chúng gây án một thời gian dài, gây ra nhiều vụ án và cũng rất nhiều người bị hại, chúng đã vi phạm nghiêm trọng đến lợi ích và tài sản của công dân Trung Quốc ở nước ngoài làm tổn hại đến danh dự quốc tế của Trung Quốc.

Một tên tội phạm bị bắt ở trên tàu.

Việc tiêu diệt và xét xử bọn tội phạm này không những tiêu diệt triệt để những tên tội phạm xã hội đen mà điều quan trọng hơn là khôi phục sự bình yên của thương mại Trung – Nga “trên con đường tơ lụa”. 

Hơn 20 năm đã trôi qua, có một số tên tội phạm trong vụ án này bỏ trốn ở Tây Tạng nhiều năm sau đó mới sa lưới pháp luật. Hai tên tội phạm chủ chốt Trương Vấn Mẫn, Miêu Bính Lâm bị bắt tại Thượng Hải. Hai tên Trung Kế Tuyền, Bạch Tuệ Quân sau khi vụ án khởi tố chạy sang Đông Âu rồi cũng bị dẫn độ từ Ukraine về Trung Quốc.

Quan Hoành An, một tên tội phạm thuộc băng Ngưu Đốn bị bắt tại một siêu thị ở Bắc Kinh. Tên tội phạm Tống Lập Dũng bị bắt ở sân bay Bắc Kinh. Tháng 6 năm 2011, sau 18 năm trốn chạy, tên tội phạm chính Giả Hiểu Minh đã bị bắt ở Quảng Tây, năm 2012 bị tòa án kết án tù chung thân.

Cho đến nay, hầu hết những người dân đi lại giữa Trung Quốc và Nga đều đi bằng máy bay, rất ít người còn đi tàu hỏa. Theo các nhân viên công tác trên các đoàn tàu quốc tế K3/4, hiện nay những người còn đi tàu đa số là người vùng đông bắc. Sự tiện lợi của tàu hỏa và giá rẻ vẫn là sự lựa chọn tốt của các nhà buôn mang theo nhiều hành lý.  

"Con đường tơ lụa" thấm đẫm mồ hôi và máu của những nhà buôn tiên phong làm cầu nối thương mại giữa Trung - Nga, bây giờ nỗi thấp thỏm bất an, lo lắng và sợ hãi của những năm đó không còn tồn tại nữa.

Nguyễn Đình Thiêm (theo “Xinhuanet.com”)
.
.
.