Gush Etzion, giao lộ chết chóc ở Bờ Tây

Thứ Ba, 10/05/2016, 16:45
Giao lộ Gush Etzion là nơi xảy ra khoảng chục vụ tấn công chết người vào những tháng gần đây. Cũng từ đó, giao lộ này trở thành biểu tượng của bạo lực đẫm máu giữa người Israel và người Palestine.

Binh sĩ Israel vũ trang súng ống chắn ngang đường 60 dẫn vào giao lộ Gush Etzine, nằm trên tuyến đường từ thành phố Hebron ở Bờ Tây đến Jerusalem thuộc phần đảo Israel kiểm soát. Năm 2015, một cậu bé Palestine 19 tuổi bị bắn chết sau khi dùng dao đâm một binh sĩ Israel ngay trên đường 60 của giao lộ Gush Etzion.

Mới đây, một người đàn ông Palestine bị giết chết khi có hành vi tấn công tại cùng địa điểm này. Giao lộ Gush Etzion là nơi mà người Israel và người Palestine thường xuyên qua lại. Thời gian sau này, nơi đây trở thành một trong những nơi nguy hiểm nhất ở Bờ Tây với khoảng chục vụ giết người xảy ra từ tháng 10-2015.

Daniel Hanson, sĩ quan an ninh Anh làm việc trong các khu định cư người Do Thái gần giao lộ Gush Etzion, cho biết: “Những vụ tấn công chết người xảy ra thường xuyên ở giao lộ - tại mỗi cột cờ, mỗi mô đá, mỗi trạm xe buýt. Chúng tôi đã mất 2 người trong 2 vụ tấn công riêng lẻ cũng tại giao lộ nguy hiểm này”. Một nữ sinh viên và một binh sĩ Israel bị giết chết tại các mô đá cắm cờ Israel.

Binh sĩ Israel canh gác tại giao lộ Gush Etzion.

Siêu thị Rami Levi nằm gần giao lộ Gush Etzion tiếp đón nhiều khách hàng Israel là nơi đặc biệt nguy hiểm. Phần đông người Israel đến siêu thị mua sắm đều sống trong hơn 20 khu định cư Do Thái trong khu vực Gush Etzion. Do đó, nhiều người đến siêu thị Rami Levi buộc phải luôn mang trong người súng ngắn hay súng trường M16 giống như Daniel để phòng thân.

Việc quân đội Israel chiếm đóng Bờ Tây và chương trình mở rộng các khu định cư Do Thái của chính quyền nước này gây căm phẫn cho người Palestine chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực bùng phát dữ đội ở giao lộ Gush Etzion.

Bạo lực leo thang ở Gush Etzion một phần do mối lo ngại của người Palestine về phức hợp thánh đường al-Aqsa nằm tại khu phố cổ trong thành phố Jerusalem. Đây là nơi tôn nghiêm đối với người Hồi giáo - được họ gọi là Haram as-Sharif hay Đền thờ Cao cả, còn người Do Thái gọi là Núi Đền.

Người Do Thái thường lui tới thánh đường al-Aqsa hành lễ vào mỗi cuối tuần và có lời đồn rằng chính quyền Israel có kế hoạch cấm những người không phải Hồi giáo đến cầu kinh ở đây. Nhưng tại thành phố Hebron, Nadi Abu Shkheidem - cha của cậu bé Palestine bị bắn chết ở Gush Etzion - khẳng định động cơ giết người của con trai ông không liên quan đến tôn giáo.

Thánh đường al-Aqsa.

Nhiều thanh thiếu niên Palestine bị binh sĩ Israel giết chết càng khiến vòng xoáy bạo lực càng trở nên ngày một dữ dội hơn. Nadi Abu Shkheidem giải thích: “Tình hình ở Hebron vào lúc này vô cùng phức tạp. Nhiều người bị bắn chết tại các chốt kiểm soát của quân đội Israel, bao gồm cả các cô gái trẻ. Chính điều đó gây căm phẫn cho giới trẻ Palestine. Họ muốn báo thù cho những người bị sát hại”.

Tại khu định cư Do Thái Alon Shvut trong khu Gush Etzion, những người con trai của Yaakov Don hướng dẫn những người cầu nguyện hành lễ tưởng niệm người của họ bị một người Palestine giết chết hồi tháng 11-2015. Một tay súng Palestine bắn xối xả vào những chiếc ô tô chạy đến giao lộ Gush Etzion. Anh ta bắn chết một sinh viên người Mỹ lẫn tài xế người Palestine.

Sau khi Israel chiếm giữ Bờ Tây trong cuộc chiến tranh năm 1967, người Do Thái bắt đầu quay trở lại Gush Etzion. Những khu định cư Do Thái được coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế song Israel đã bất chấp. Hiện nay, Gush Etzion được mở rộng hơn xưa gấp 30 lần.

Hiện tại, có khoảng 4.500 người Palestine làm việc tại Gush Etzion. Đó là mối quan hệ kinh tế không mấy dễ chịu song nhiều người Israel coi đó là kiểu mẫu cho cuộc chung sống hòa bình.

Một khu định cư Do Thái đang xây dựng ở Gush Etzion.

Nhưng, Mohammed Saad - người Palestine sống trong ngôi làng Khirbet Zkarya nằm lọt thỏm giữa các khu định cư Do Thái - có cái nhìn khác: “Cuộc sống chung như thế vô cùng khó khăn. Người Israel cấm chúng tôi xây nhà và chúng tôi bị mất một số mảnh đất. Các vụ thu hoạch của chúng tôi không đủ sống, thế nên chúng tôi buộc phải làm việc trong các khu định cư để có tiền nuôi con cái. Chúng tôi hiện nay đang bị cô lập. Có một chốt kiểm soát mới mọc lên và chỉ những người có thẻ căn cước cấp cho làng Khirbet Zkarya thì mới được phép vào đây”.

Đối với người Do Thái, Gush Etzion tượng trưng cho mối nguy hiểm chết người mà hàng ngày họ phải đối mặt. Còn với người Palestine thì giao lộ là biểu tượng cho sự chiếm đóng của người Israel.

Di An (tổng hợp)
.
.
.