Australia lại tịch thu lượng ma túy đá kỷ lục

Thứ Hai, 17/04/2017, 17:17
Vài năm qua, trong số nhiều loại ma túy đang hoành hành ở Australia, ma túy đá đang là nguy cơ lớn nhất với xã hội nước này vì sự phổ biến và số lượng quá lớn của nó.

Các băng nhóm tội phạm có tổ chức ở nước ngoài nhắm tới thị trường ma túy đá mang lại lợi nhuận kếch xù tại đây; do đó, việc nhà chức trách nước này có những chiến dịch phối hợp hành động trấn áp tội phạm ma túy với các cơ quan chuyên trách nước ngoài là điều rất quan trọng. 903 kg ma túy đá vừa bị cảnh sát thu giữ tại Melbourne, trị giá thị trường chợ đen khoảng 900 triệu AUD. Số ma túy đá này là kết quả của một chiến dịch phối hợp thành công của lực lượng cảnh sát liên bang Australia và cảnh sát Victoria.

Cảnh sát Australia phát hiện methamphetamine được giấu trong các tấm ván lót sàn.

Trợ lý Tư lệnh cảnh sát liên bang Australia, ông Neil Gaughan cho biết số ma túy đá này được phát hiện tại một căn nhà ở Nunawading (đông Melbourne) sau vụ bắt giữ hai công dân Victoria vào tháng 2-2017. Ông cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện trong căn nhà trên có 70 tấm ván gỗ lót sàn, bọn chúng giấu 2 kg methamphetamine trong mỗi tấm ván sàn đó".

Được biết, hai nghi phạm bị bắt giữ là cư dân địa phương, Blackburn 53 tuổi và Doncaster 36 tuổi. Trong khi đó trợ lý giám đốc cảnh sát bang Victoria, ông Stephen Fontana, cho biết mẻ ma túy đá kỷ lục này được phát hiện sau một cuộc điều tra vào một tập đoàn ma túy, với kết quả thu giữ được 40 kg methamphetamine, 175.000 điếu thuốc có bạch phiến, 140.000 AUD tiền mặt và nhiều hàng lậu khác nữa. Cảnh sát tiếp tục điều tra, ra lệnh khám xét nhà hai người đàn ông châu Á - được biết có nhiều mối quan hệ với tập đoàn buôn lậu ma túy này, và thường trú ở khu vực Box Hill ở Melbourne.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ví von: "Chuyến hàng này thật là khủng!". Ông nói với các phóng viên ở Tasmania: "Ma túy đá ngày nay là một thảm họa. Nó hủy hoại nhiều sinh mạng, nhiều thế hệ thanh niên, nhiều gia đình và nhiều cộng đồng. Chúng tôi sẽ không khoan nhượng trong những nỗ lực chặn đứng buôn lậu và buôn bán thứ ma túy này". Bộ trưởng Tư pháp Australia Michael Keenan phát biểu: "Lực lượng chức năng đã nhanh chóng ngăn chặn đường dây buôn bán ma túy khổng lồ này trước khi chứng kiến những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra trên đường phố".

Hải quan Australia phát hiện 190 lít methylamphetamine được giấu trong hàng ngàn miếng lót áo ngực vào tháng 2-2016. Ảnh: CNN.

Theo ông, số ma túy đá nói trên có thể là nguồn cung cho hàng triệu giao dịch mua bán ma túy trên đường phố Australia và khẳng định vụ bắt giữ này là một cú đấm mạnh tay vào bọn tội phạm có tổ chức. Chiến dịch thành công lần này diễn ra chưa đầy 1 tuần sau khi cảnh sát liên bang Australia và các viên chức Biên phòng Australia bắt giữ 3 người tại Melbourne và thu giữ 300 kg ma túy đá giấu trong các cổng rào sắt.

Tháng 2-2016, cảnh sát liên bang Australia cũng triệt phá đường dây buôn ma túy đá vào nước này và thu giữ lượng ma túy đá "khủng" trị giá đến 1 tỉ AUD (tương đương 700 triệu USD). Bọn tội phạm đã nhồi 720 lít dung dịch methylamphetamine vào các miếng lót dán trong loại áo ngực silicon và các họa phẩm để tuồn qua biên giới.

Lúc đầu, hải quan Australia phát hiện khoảng 190 lít methylamphetamine được giấu trong hàng ngàn miếng lót áo ngực trong lô hàng vận chuyển từ Hong Kong tới Australia vào tháng 12-2015. Các cơ quan chuyên trách Australia đã bám theo hành trình vận chuyển lô hàng này tới nơi chứa hàng và bắt giữ một công dân Hong Kong tại đó. Tiếp đó cảnh sát bắt thêm một người Trung Quốc và hai người Hong Kong khác.

Với mức giá bán ma túy cao, Australia trở thành điểm đến hấp dẫn với những kẻ buôn lậu ma túy. Ông Keenan cho hay, giá bán một kg ma túy đá ở Australia cao gấp 80 lần so với ở Trung Quốc.  "Khi thị trường ma túy ở Australia vẫn còn sinh lợi, tội phạm có tổ chức vẫn tiếp tục các hành vi cung cấp ma túy. Chúng tôi đang quyết tâm giải quyết những nguồn cung này", ông nói.

Đã xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm quốc tế dụ dỗ học sinh học tại Australia qua các trang mạng xã hội để tham gia vận chuyển ma túy. Tội phạm ma túy chọn học sinh để vận chuyển ma túy vì nếu bị bắt, các đối tượng này không phải ngồi tù và những kẻ chủ mưu cũng thoát được bản án 25 năm tù giam.

Cơ quan Bảo vệ biên giới và Hải quan Australia cho biết, nhiều học sinh trung học được thuê với giá vài trăm đôla Australia để nhận và chuyển các kiện hàng chứa ma túy xuất xứ từ Trung Quốc. Một vụ điển hình trong năm 2013 là hai học sinh ở thành phố Sydney được thuê vận chuyển một thùng chứa 4 kg chất ephedrine, đủ để sản xuất một số lượng lớn ma túy đá có trị giá đến 229.000 USD.

Gần đây, chính phủ Australia đã dành hơn 227 triệu USD cho các hoạt động giáo dục và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy. Điển hình thành công cho phương pháp vừa đấu tranh với tội phạm vừa giáo dục ý thức cộng đồng có thể kể đến thị trấn Wangaratta, bang Victoria, nằm trên trục đường cao tốc chính nối từ Melbourne và Sydney.

Kể từ năm 2012, Wangaratta được biết đến với cái tên "thị trấn đá", loại chất kích thích gây nghiện này đã càng làm cho tình trạng bạo lực của các băng nhóm vốn đang căng thẳng tại đây thêm trầm trọng, trong đó có một vụ cố ý gây hỏa hoạn và một người bán thịt bị sát hại.

Đây là những vụ việc chưa từng xảy ra ở thị trấn 17.000 dân này. Quanh khu vực Wangaratta, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là hơn 21%. Các thị trấn ngày càng vắng vẻ, hiu hắt, bị coi như  "Nam Cực thu nhỏ" vì mọi người sợ sống trong môi trường có nạn ma túy hoành hành nên đã chuyển đến các thành phố lớn hơn.

Năm 2016, Ban chỉ đạo hành động chống ma túy đá Wangaratta đã được thành lập nhằm chống lại nạn này bằng sự phối hợp của các cơ quan y tế, giáo dục, tư pháp và cộng đồng. Với sự giúp đỡ của chính quyền tiểu bang Victoria, ủy ban đã tuyển học viên từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên của thị trấn tham gia chương trình đào tạo có tên "Slop".

Mỗi chương trình tuyên truyền giáo dục  về phòng chống ma túy đá dài 45 phút này có mặt trong chương trình học trong các trường địa phương, các câu lạc bộ thể thao. Trong đó, việc trình chiếu phim tài liệu về những nhân vật cụ thể sẽ mang mang tính dễ liên hệ thực tế hơn so với việc thanh thiếu niên phải nghe bố mẹ ra lệnh được làm và không được làm điều gì.

Đối với các gia đình có thành viên đang gặp rắc rối với pháp luật vì sử dụng ma túy, ủy ban chống ma túy đá địa phương đã đưa ra đầy đủ thông tin dựa trên kinh nghiệm của nhóm hỗ trợ pháp lý. Mỗi nhóm và cá nhân trong ủy ban đảm nhiệm một việc khác nhau và phối hợp khá chặt chẽ.

Bà Felicity Williams, Giám đốc điều hành của Trung tâm giáo dục Thường xuyên ở Wangaratta đánh giá, "phương pháp tiếp cận toàn bộ cộng đồng" này là chìa khóa của vấn đề. Một năm qua, ở đây đã xuất hiện những dấu hiệu tốt. Những vụ vi phạm về ma túy đã giảm tới 30%. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về ảnh hưởng của ma túy cũng tăng lên.

Lê Minh – Quang Học (theo Australian AP)
.
.
.