Kia
Mobifone

Ước mơ ngày trở về

Thứ Sáu, 06/09/2024, 11:15

­Trại giam Ngọc Lý, Bộ Công an đóng ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, Bắc Giang những ngày đầu tháng cờ hoa rực rỡ kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức khiến không khí vui nhộn, đầy ắp tiếng cười.

Trong dịp đặc xá lần này, ở đây có 199 trường hợp đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch nước đặc xá - đây là một trong những đơn vị có số lượng phạm nhân được đề nghị đặc xá đông nhất cả nước. Vì vậy, đối với các phạm nhân ở đây, niềm hân hoan dường như được nhân lên gấp bội bởi chính họ là "người trong cuộc" được chứng kiến sự nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người lầm lỗi có ý thức vươn lên.

Ước mơ ngày trở về -0
Các phạm nhân bỏ phiếu kín bình chọn danh sách người được đặc xá.

Mấy hôm nay, nhiều phạm nhân khác có tên trong danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá luôn cảm thấy mình như "sống trên mây", bởi chỉ ít ngày nữa họ sẽ được bước qua cánh cửa trại giam, trở về làm lại cuộc đời. Họ đã nỗ lực rất nhiều để được hưởng chính sách nhân đạo đặc biệt của Nhà nước ta đối với người phạm tội. Được đặc xá lần này, họ có thể được về sớm tới một phần ba, thậm chí một nửa mức án đã tuyên. Đối với họ, một ngày được ở ngoài, cũng sẽ có thêm một ngày thay đổi, có cơ hội để thực hiện tiếp ước mơ của mình sau những tháng ngày phải trả giá cho lỗi lầm trong quá khứ.

Đại tá Lã Văn Mỹ, Giám thị Trại giam Ngọc Lý cho biết, đơn vị đã niêm yết công khai quyết định đặc xá tại các khu vực giam giữ, lao động của phạm nhân, đồng thời phổ biến những quy định về công tác đặc xá đến tất cả phạm nhân để họ tự liên hệ bản thân. Ngoài việc tuyên truyền, đơn vị đã yêu cầu cán bộ quản giáo phụ trách đội tổ chức họp đội phạm nhân giới thiệu, bình xét và bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá để chuyển lên hội đồng xem xét. "Tổ liên ngành đã kiểm tra, xem xét từng trường hợp cụ thể, thống nhất lập danh sách 199 trường hợp đủ điều kiện trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá. Chúng tôi đã làm việc khách quan, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không để lọt những người không đủ điều kiện vào danh sách đề nghị đặc xá và không để sót những người có đủ điều kiện nhưng không được đề nghị đặc xá" - Đại tá Lã Văn Mỹ nhấn mạnh.

Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho phạm nhân được đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng, Trại giam Ngọc Lý tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng, truyền đạt cho phạm nhân kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và phổ biến tình hình thời sự, kinh tế - xã hội của đất nước, để khi trở về họ không bị bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, đơn vị tuyên truyền, giáo dục để họ nhận thức đúng đắn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, trang bị cho các phạm nhân những kiến thức, kỹ năng sống cơ bản để khi được đặc xá trở về cộng đồng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội. Đối với những phạm nhân chưa đủ tiêu chuẩn được đề nghị đặc xá lần này, Trại giam Ngọc Lý cũng tuyên truyền, giáo dục giúp họ hiểu hơn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó yên tâm cải tạo, cố gắng phấn đấu lao động, học tập, chấp hành tốt nội quy trại giam để sớm được trở về với gia đình và hòa nhập cùng xã hội.

Chỉ vào tên mình trong danh sách được đề nghị đặc xá lần này, phạm nhân Nguyễn Thị Xoa (sinh năm 1984, quê ở TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) hồ hởi cho biết, nếu được Chủ tịch nước đặc xá lần này, chị được về sớm 2 năm 7 ngày. "Đây là thời gian vô cùng quý báu với tôi bởi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn ngóng chờ tôi từng ngày. Tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước đã trao cho tôi cơ hội để sửa sai, để đường đường chính chính làm lại cuộc đời. Tôi mong mọi người đừng ai kỳ thị, xa lánh những người lầm lỗi như chúng tôi, bởi sau khi phạm tội, chúng tôi đã được các cán bộ giáo dục để có nhận thức đúng đắn về pháp luật nên chúng tôi luôn quyết tâm làm ăn lương thiện để không phạm sai lầm đáng tiếc nào nữa" - chị Xoa cho biết.

Chị Nguyễn Thị Xoa là người làm ăn thành đạt, là bà chủ của 4 cơ sở kinh doanh lưu trú tại TP Từ Sơn. Năm 2020, khi dịch COVID diễn biến phức tạp, vì lợi nhuận, Xoa đã cho hơn 100 người Trung Quốc thuê các nhà nghỉ của mình để ở lại Việt Nam, thu lời bất chính. Vì hành vi này, Xoa bị tuyên án 7 năm 6 tháng tù giam, bị bắt từ 7/8/2020. Hơn 4 năm trong trại giam, vợ chồng ly hôn, các con mỗi đứa gửi một nơi, Xoa quá hiểu cái giá của sự mất tự do. Chính vì vậy, chị luôn cố gắng cải tạo tốt nhất để được hưởng khoan hồng. Khi danh sách các phạm nhân được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá niêm yết công khai, Xoa là một trong những người đầu tiên xem, dò tìm đúng tên mình. "Tôi mừng lắm, cảm thấy như nghẹt thở, nước mắt trào ra. Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa tôi sẽ được trở về" - phạm nhân này nghẹn ngào nói.

Cũng được đề nghị đặc xá lần này, phạm nhân Bùi Đức Lai (sinh năm 1962, trú ở xã Mỹ An, Lục Ngạn, Bắc Giang) không giấu được niềm hân hoan trào dâng. Vốn có 2 nhiệm kỳ làm trưởng thôn, ông Lai là người hiểu biết pháp luật, hiểu biết chính sách khoan hồng của Nhà nước nên sau khi bị bắt, ông ta luôn chấp hành nghiêm quy định, thực hiện ngay trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại.

"Qua tìm hiểu, tôi biết tội của tôi nằm trong diện sẽ được đặc xá nên vô cùng mong chính sách khoan hồng này. Khi đang lao động, cán bộ báo tin Chủ tịch nước quyết định đặc xá, tôi thấy tim tôi như rơi khỏi lồng ngực. Đêm đó, tôi không ngủ được, nằm tưởng tượng khi được trở về đoàn tụ cùng gia đình sẽ vui như thế nào" - ông Lai chia sẻ. Ông có 4 người con, đều đã trưởng thành nên ông luôn mong mỏi được dựng vợ, gả chồng cho từng đứa để hoàn thành nghĩa vụ làm cha.

Ước mơ ngày trở về -1
Cán bộ trại giam Ngọc Lý giải thích một số nội dung trong Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá.

Chưa được đề nghị đặc xá lần này, phạm nhân Bùi Thị Lệ Hằng (diễn viên Lệ Hằng, sinh năm 1975, trú ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ai cũng mong được đặc xá để trở về sớm với gia đình nên các phạm nhân đều cố gắng cải tạo thật tốt để lần sau, khi Chủ tịch nước đặc xá sẽ được hưởng chính sách này.

Được biết, sau khi Chủ tịch nước có Quyết định đặc xá năm 2024 và Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, Bộ Công an đã có Kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn cho thành viên Ban Chỉ đạo đặc xá năm 2024 của Bộ Công an; các tổ chuyên viên giúp việc cho Hội đồng Tư vấn đặc xá; đại diện Viện KSND Tối cao; TAND Tối cao; Bộ Ngoại giao; Mặt trận Tổ quốc, Văn phòng Chủ tịch nước và các bộ, ngành chức năng; các cơ sở giam giữ và các nội dung về công tác đặc xá để triển khai thực hiện đảm bảo chính xác, khách quan, toàn diện, công khai và minh bạch. Các tổ thẩm định liên ngành đã thẩm định xong hồ sơ được đề nghị đặc xá; các trại giam đang tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng cho những người được đề nghị đặc xá và thực hiện các thủ tục cần thiết để người được đặc xá có đầy đủ điều kiện, hành trang trước khi trở về.

Cùng với việc triển khai thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước trong các cơ sở giam giữ, Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và UBND các địa phương tạo điều kiện cao nhất cho người được đặc xá, tha tù làm lại cuộc đời. Theo đó, lực lượng Công an làm nòng cốt phối hợp các địa phương tổ chức, duy trì hoạt động các mô hình tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ vay vốn, tạo việc làm cho người có quá khứ lầm lỗi; triển khai nghiêm túc Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Tính đến nay, công an các địa phương đã phối hợp rà soát, tạo điều kiện cho hơn 6.000 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền trên 500 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.

Những ngày trở về đang đến thật gần, hàng nghìn phạm nhân được đặc xá lần này sẽ trở thành công dân tự do với đầy đủ quyền lợi của mình sau một thời lầm đường, lạc lối. Hi vọng, họ tiếp tục vươn lên làm lại cuộc đời khi được Nhà nước trao cho một cơ hội sửa sai, để trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng.

Phương Thủy

.
.