Kia
Mobifone

“Những cánh cửa Yuendumu”: ngôn ngữ hình ảnh và thông điệp "sa mạc"từ những thổ dân Australia

Thứ Bảy, 16/01/2021, 10:26
Chắc hẳn chúng ta đều từng nghe đến câu “Một bức hình đáng giá bằng cả ngàn từ”. Thật vậy, hình ảnh có khả năng thể hiện ý tưởng cũng như cảm xúc của người tạo nên nó. Vì thế, chỉ một bức hình cũng đủ để kể một câu chuyện hoàn chỉnh.


Và đây cũng chính là cách mà những người Warlpiri – những thổ dân bản địa lâu đời tại Australia, lựa chọn để truyền tải nhiều thông điệp giá trị tới thế hệ con cháu. 

Những bức tranh mà họ vẽ lên các cánh cửa của trường học cộng đồng ở Yuendumu – miền Trung Australia, được coi là một trong những bộ sưu tập văn hoá nghệ thuật quan trọng nhất tại quốc gia Nam bán cầu này.

Chủ động thích nghi với thay đổi thời cuộc

Những ngày này, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam giới thiệu tới khán giả triển lãm tranh “Những cánh cửa Yuendumu”. Triển lãm giới thiệu 15 trong số 30 bức tranh được vẽ bởi những người Warlpiri – một trong những cộng đồng thổ dân lớn nhất sinh sống tại vùng sa mạc miền Trung Australia hàng ngàn năm. 

Theo đó, mỗi cánh cửa tại trường học Yuendumu đều được vẽ theo những câu chuyện thần thoại Jukurrpa – có nghĩa là mộng thời, là thời khởi thuỷ. Những câu chuyện này kể rằng, tổ tiên ở cả dạng người và động vật của người Warlpiri đã đi dọc vùng sa mạc ca hát, nhảy múa, chiến đấu và tương tác với nhau. Khi đi, họ tạo nên những đặc trưng của vùng đất, nước, cây cối, loài vật, con người, ngôn ngữ và các nghi lễ. Họ cũng thiết lập các quy chuẩn về đạo đức, thực hành và tín ngưỡng.

Hành trình kết thúc, họ quay trở lại trái đất, biến thành những vùng nước và đồi núi quan trọng, một số khác thì ngự trị trên những ngôi sao. Những câu chuyện như vậy tạo nên một hệ thống thần thoại mộng thời hay các khúc ca khởi thuỷ bao phủ vùng sa mạc.

Năm hoạ sĩ chủ chốt trong cộng đồng Warlpiri của dự án “Những cánh cửa Yuendumu”. Nguồn: NMA

Nếu trước đó, những câu chuyện này chỉ được vẽ trên cát thì vào những năm 1980, người Warlpiri bắt đầu tìm một cách bền vững hơn để truyền tải nó tới những người trẻ. 

Năm 1984, họ đã sử dụng màu acrylic vẽ lên các cánh cửa ở trường học cộng đồng Yuendumu. Chúng không chỉ đơn giản là một ghi chép về quá khứ thần thoại, mà còn là một hệ thống tri thức vĩ đại, ẩn chứa thông tin về những thay đổi môi trường, nguồn thức ăn, công nghệ và con người. 

Ví dụ như cánh cửa thứ nhất của bộ sưu tập với tên gọi “Những cậu bé” có ý nghĩa rằng, con người đều là những người trẻ tuổi đứng trước ngưỡng cửa tri thức vĩ đại. Hay cánh cửa thể hiện thần thoại về “Củ từ và Cà chua dại”, mở ra những câu chuyện về các loại thực phẩm bản địa của Australia. Nửa dưới của cửa vẽ cây leo, quả và hoa cà chua dại. Nửa trên cửa vẽ củ từ lớn có rễ dài và to, cùng những bông hoa màu hồng xinh xắn, được sử dụng để trang trí tóc cho phụ nữ Warlpiri trong các lễ hội. Củ từ là loại củ nhiều chất xơ mọc dưới đất, được coi là lương thực chính của người Warlpiri, có giá trị dinh dưỡng cao, mềm và ngon như khoai tây được nấu chín. 

Các trẻ em tại Yuendumu đi qua những cánh cửa này hàng ngày, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, từ bậc học này lên bậc học khác, sẽ luôn nhớ tới nguồn cội và cố gắng gìn giữ nó. Như vậy, các thổ dân Warlpiri đã thành công trong việc truyền tải thông điệp rằng, văn hoá không thể bị xoá nhoà bởi gió bụi sa mạc, mà nó sẽ tồn tại mãi cùng thời gian và giá trị ngày càng được nâng tầm.

Các họa sĩ đã khắc họa những bài học về ngôn ngữ, đạo đức và sinh thái lên cánh cửa trường học qua các họa tiết.

Bộ sưu tập “ngôn ngữ hình ảnh” cộng đồng quan trọng này - được dẫn dắt bởi năm hoạ sĩ chủ chốt người Warlpiri bao gồm Paddy Nelson, Roy Curtis, Paddy Stewart, Paddy Simms và Larry Spencer, đồng thời đánh dấu sự bắt đầu của hội họa Warlpiri đương đại. Họ đã chủ động thích nghi với những thay đổi của thời cuộc, sử dụng phương pháp hội họa phương Tây với những màu sắc tươi sáng, để giới thiệu vẻ đẹp nghệ thuật của văn hóa bản địa Australia đến với công chúng. Bằng cách này họ đã bao bọc môi trường Yuendumu trong nền văn hoá của họ, để thế hệ con cháu có thể thấm nhuần những truyền thống và giá trị của cha ông. 

Thật kỳ diệu khi những cánh cửa Yuendumu, đã một thời đưa thế hệ trẻ non nớt đến với giáo dục tại một cộng đồng nhỏ giữa sa mạc, giờ đây lại tiếp tục mang đến những trải nghiệm văn hoá đặc biệt cho cả thế giới. 

Được biết, Australia là quê hương của một trong những nền văn hóa lâu đời nhất trên thế giới hiện vẫn còn tồn tại. Những cộng đồng thổ dân đã sinh sống tại đây gần 60,000 năm trước khi người châu Âu đến định cư. 

Vào thời điểm những công dân của “lục địa già” tới Australia năm 1788 có khoảng 250 ngôn ngữ và có đến 700 phương ngữ được sử dụng tại đây. Thế nhưng, quá trình thuộc địa hoá khiến phần lớn những ngôn ngữ này không được sử dụng hàng ngày và đứng trước nguy cơ mai một. 

Trong khi đó, Warlpiri vẫn là một ngôn ngữ mạnh, nhờ vào tầm nhìn từ quyết định giáo dục song ngữ (cả ngôn ngữ bản địa và tiếng Anh) cho con cháu của những người Warlpiri lớn tuổi, bao gồm cả những người vẽ lên các cánh cửa trường học Yuendumu. 

Hiện tại, khu vực miền Trung Australia là một trong những nơi nghệ thuật đương đại của thổ dân phát triển nhất. Họ thành lập cộng đồng họa sĩ Warlukurlangu, thành viên gồm nhiều nhóm thổ dân và tiếp tục sáng tác những tác phẩm mới.

Văn hoá vượt qua mọi rào cản

Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie chia sẻ: “Tôi rất tự hào được giới thiệu “Những cánh cửa Yuendumu” tới khán giả Việt Nam. Đây là trách nhiệm của chúng tôi, đặc biệt là giới thiệu về nền văn hoá thổ dân đã có lịch sử hơn 60.000 năm và là một trong những nền văn hoá cổ nhất thế giới. Bộ sưu tập này còn thể hiện cách truyền lại di sản văn hóa qua các thế hệ. Họ tìm kiếm những phương thức biểu đạt mới để bảo tồn những điều xưa cũ. Đây là điển hình của sự giao thoa giữa cổ đại và hiện đại”. 

Theo bà Robyn Mudie, việc trao đổi văn hoá đóng vai trò rất quan trọng, bởi văn hoá vượt lên trên mọi rào cản, bao gồm cả ngôn ngữ và biên giới quốc gia. Văn hoá sẽ giúp xây dựng những mối quan hệ và sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa người dân các nước. Giao thoa văn hoá là một bước đi trọng yếu trong việc phát triển quan hệ giữa Australia và Việt Nam. 

Chia sẻ về quá trình tổ chức triển lãm, Đại sứ Mudie nêu rõ: “Việc tổ chức triển lãm trong giai đoạn này thật sự là một thử thách, đặc biệt là khi các nước đang áp đặt các hạn chế về đi lại. Chúng tôi không thể mời các chuyên gia của Australia đến Việt Nam. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của Bảo tàng Nam Australia mà chúng tôi đã có thể tái sản xuất lại các bản in điện tử, để có thể giới thiệu cho khán giả Việt Nam về văn hoá của Australia, dù mọi người không thể đến Australia để tham quan. Trong bối cảnh mọi người bị chia cắt bởi bệnh dịch thì những buổi triển lãm như vậy sẽ giúp cho mối quan hệ song phương thêm phần thắt chặt”.

Về phía Việt Nam, ông Đặng Xuân Thanh – Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thông tin, đây là lần thứ ba mà bảo tàng phối hợp với Đại sứ quán Australia để giới thiệu về nền văn hoá bản địa độc đáo của quốc gia Nam bán cầu này tới khán giả Việt Nam. Trước đó, trưng bày “Canning: Huyền thoại một con đường” (2016) và “Hồi sinh: Mặt nạ vùng eo biển Torres” (2018) đã rất thành công. 

Mục đích của chúng tôi là giúp khán giả Việt Nam hiểu hơn về nét văn hoá đặc sắc của người bản địa của Australia sống ở vùng sa mạc miền Trung khô cằn và khó khăn. Nhưng không phải vì thế mà họ không có những cái nhìn yêu đời về cuộc sống. Từ đó, giúp chúng ta nâng cao nhận thức về bản sắc dân tộc, biết trân quý những giá trị của cha ông và phát huy giá trị đó trong từng con người”.

Trưng bày quốc tế lưu động “Những cánh cửa Yuendumu” được phát triển bởi Bảo tàng Nam Australia với sự phối hợp của Bảo tàng Quốc gia Australia và Bộ Ngoại giao và Thương mại. Đây cũng là nơi những cánh cửa thật đang được bảo tồn và trưng bày, sau nhiều năm trải qua nắng gió sa mạc tại Trường học Yuendumu. 

Hiện nay, Bảo tàng Nam Australia vẫn tiếp tục làm việc với cộng đồng Warlpiri để chia sẻ những câu chuyện tuyệt vời của họ với thế giới. Tại Việt Nam, triển lãm “Những cánh cửa Yuemdumu” sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến hết ngày 31/1/2021. 

Linh Đan

.
.