Định vị thị trường dầu mỏ toàn cầu sau một năm u ám

Thứ Sáu, 08/01/2021, 09:40
Tăng trưởng toàn cầu có tín hiệu phục hồi đáng kể trong quý III-2020, nhờ các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ, cũng như việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ cuối quý II. Sự gia tăng các khoản tiết kiệm ở nhiều nền kinh tế trong giai đoạn này vô hình trung đã tạo dựng cơ sở vững chắc để phục hồi thị trường tiêu dùng, thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn cầu.

Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 tiếp theo với các biến thể và hàng loạt bất ổn gia tăng đã khiến sự phục hồi kinh tế trở nên mong manh hơn. GDP toàn cầu trong năm 2020 ước tính giảm khoảng 4,2%.

Có thể khẳng định thị trường dầu thế giới cũng đã trải qua một năm đầy biến động, dù khép lại ở mức giá khoảng 51 USD/thùng, gần mức trung bình của giai đoạn 2015-2017. Đây cũng là năm chứng kiến “cú sốc” về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất trong lịch sử, khiến Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, nhóm OPEC+ phải cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 10% nguồn cung toàn cầu, nhằm cân bằng thị trường trong trung hạn.

Theo Dữ liệu thị trường Dow Jones, trong năm 2020, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ đã giảm 20,5%, mức giảm liên tiếp trong vòng 3 năm trở lại đây. Dầu thô Brent ước tính giảm 21,5% trong cả năm, mức giảm thường niên lớn nhất kể từ 2015.

Khép lại những tăm tối

Nhu cầu tiêu thụ và sức ép từ việc dư thừa nguồn cung - một phần ảnh hưởng từ cuộc chiến hạ giá nhằm tranh giành thị trường của các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới - đã khiến giá dầu Brent có giai đoạn giảm xuống còn 20 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ từng xuống mức âm vào tháng 4-2020. 

“Tháng Tư đen tối” đã phơi bày mặt trái của thị trường dầu mỏ, nơi giá dầu giao ngay vẫn thấp hơn nhiều so với giá dầu tương lai, khiến một số công ty tham gia thị trường tích trữ dầu thô ở trong và ngoài nước, một bối cảnh khiến mức giá dầu mỏ khó có thể tăng trong ngắn và trung hạn. Nhiều chuyên gia dự đoán dù kịch bản mức giá âm khó có khả năng lặp lại vào năm 2021, song việc nhiều quốc gia tiếp tục triển khai các biện pháp phong tỏa và tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 theo từng giai đoạn vẫn sẽ làm hạn chế nhu cầu trong năm tới, hoặc thậm chí trong thời gian dài hơn.

Hơn 20 máy bay Airbus “nằm yên” tại sân bay Frankfurt do lệnh hạn chế đi lại vì dịch COVID-19.

Tất nhiên vẫn có nhiều triển vọng lạc quan nhờ xu hướng đi lên của thị trường trong những ngày cuối năm 2020 và đầu năm 2021. WTI đã tăng 7% trong tháng 12-2020, đóng góp đáng kể vào mức tăng hơn 20% cho quý IV-2020. Dầu thô Brent tăng 8,9% trong tháng 12 và 26,5% trong quý cuối cùng của năm. Nhiều chuyên gia nhìn nhận mức giá đóng cửa năm 2020 của thị trường dầu mỏ là một cú hích đầy lạc quan cho nền kinh tế 2021. Dầu thô West Texas Intermediate giao tháng 2-2021 có mức giá 48,52 USD/thùng trên sàn giao dịch New York Mercantile Exchange trong sáng 31-12-2020. Dầu thô Brent giao tháng 3-2021 đóng cửa ở mức 51,80 USD/thùng trên sàn ICE Futures Europe.

Sau cuộc họp trực tuyến gần nhất, OPEC+ đã quyết định sẽ cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày - tương đương 7% nhu cầu toàn cầu, thấp hơn so với mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày thống nhất trước đó. Cũng tại cuộc họp, OPEC+ nhất trí sẽ họp hằng tháng để điều chỉnh sản lượng cho tháng kế tiếp. Những thỏa thuận của OPEC+ mở đường cho khoảng 2 triệu thùng dầu quay trở lại thị trường trong những tháng tới. Vấn đề đặt ra là liệu động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thực sự đủ để bù đắp cho nhu cầu sụt giảm ước tính lên tới 20 triệu thùng/ngày trong giai đoạn dịch COVID-19 lên tới đỉnh điểm và tác động nghiêm trọng đến hoạt động giao thông vận tải hay không?

OPEC+ thường nhóm họp 2 lần một năm song với một năm đầy biến động như 2020, tổ chức này đã tăng tần suất các cuộc họp với nhiều động thái được đánh giá là phản ánh khả năng kiểm soát thị trường đáng khích lệ.

Trên thực tế, động thái cắt giảm sản lượng dầu mỏ đã khiến nhiều quốc gia thành viên OPEC+ phải “trả giá đắt” do phải chịu tác động kép của sản lượng hạ và giá dầu thấp. Các nhà giao dịch dầu mỏ trên thị trường năng lượng dù đã lạc quan hơn với hy vọng về vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian tới, song nhu cầu thực tế vẫn là một “dấu hỏi” lớn. Thị trường dầu mỏ sẽ rất khó phục hồi, nếu không có sự đồng lòng và quyết đoán của OPEC+ hồi tháng 4-2020. Các quyết định sắp tới của OPEC+ cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến quỹ đạo ngắn hạn của thị trường dầu mỏ và phản ánh sự gắn kết hay không trong nội bộ nhóm này.

Có thể lạc quan?

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 49 USD/thùng vào năm 2021, tăng so với mức dự báo 43 USD/thùng trong quý IV-2020. Dự báo giá dầu thô cao hơn trong năm tới phản ánh kỳ vọng của EIA rằng lượng dầu tồn kho sẽ vẫn ở mức cao và sẽ giảm khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng và sản lượng dầu hạn chế của OPEC+.

OPEC tăng mật độ các cuộc họp bằng hình thức trực tuyến để đối phó với một năm giá dầu biến động.

Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống 45 USD/thùng vào năm 2021 do nhu cầu năng lượng vẫn sẽ thấp cho đến nửa cuối năm sau, bởi tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể không diễn ra nhanh như mong đợi. Các chuyên gia của Energy Aspects và RBC Capital dự đoán OPEC+ nhiều khả năng sẽ giữ nguyên mức tăng sản lượng trong tháng 1 cho tháng 2-2021.

Căn cứ những dự đoán cho rằng thế giới đã qua đỉnh dịch COVID-19, hãng phân tích S&P Global Platts Analytics tăng dự báo triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm 2021 thêm nửa triệu thùng/ngày lên mức tăng 6,5 triệu thùng/ngày, với châu Á - nhất là Ấn Độ và Trung Quốc - được dự đoán sẽ là thị trường tiềm năng nhất. Nhu cầu về dầu mỏ trong năm 2021 kỳ vọng sẽ ở mức khoảng 99,53 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, S&P Global Platts Analytics cũng cảnh báo rằng số ca lây nhiễm tăng và thành công của một số loại vaccine đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ rất có thể sẽ tiếp tục giảm trong trung hạn và chỉ có thể phục hồi vào khoảng nửa cuối 2021. Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại châu Á dự kiến tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2021 và cao hơn mức trước dịch COVID-19. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm khoảng 70% mức tăng trưởng này. Nhu cầu đi lại tăng, các hoạt động công nghiệp được nối lại, cùng các chương trình kích thích của chính phủ là vài trong số những yếu tố nâng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại hai nền kinh tế lớn này.

Những rủi ro chính đối với đà phục hồi nhu cầu dầu mỏ tại Trung Quốc có thể là sự chững lại của các gói kích thích, từ đó khiến tăng trưởng cũng có phần chậm lại. Hơn nữa, dù đặt trọng tâm tự chủ và định hướng nền kinh tế nội địa mạnh mẽ hơn, Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ chịu tác động của những biến động kinh tế toàn cầu.

Ấn Độ là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, song tình hình đang được cải thiện với số ca mắc mới giảm hằng ngày và chính phủ đang từng bước nới lỏng các hạn chế đi lại. Nhu cầu về xăng và dầu ga của quốc gia này đã tăng mạnh trước mùa lễ hội vào cuối tháng 10 và khiến các nhà máy lọc dầu phải tăng năng suất. Giới quan sát cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong quý I-2021 tại Ấn Độ có thể sẽ giảm so với quý IV-2020 song nhưng triển vọng cho năm tới về cơ bản là tích cực.

Những xu hướng

OPEC và Nga nhiều khả năng sẽ tiếp tục nắm giữ thị trường dầu mỏ vào năm 2021 do nguồn cung ngoài OPEC chịu ảnh hưởng của đại dịch. Sản lượng dầu của Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống 10,24 triệu thùng/ngày trong năm 2021, từ mức 13 triệu thùng/ngày trong giai đoạn trước đại dịch. Tuy nhiên, các thị trường nên chuẩn bị cho những biến động mạnh mẽ hơn trong năm nay sau thỏa thuận điều chỉnh sản lượng hàng tháng của OPEC+.

Thị trường dầu mỏ thế giới trải qua một năm đầy biến động.

Những biện pháp nhằm cân bằng thị trường mà OPEC nỗ lực thúc đẩy trong năm 2020 đã vấp phải không ít thách thức, kể cả sản lượng dư thừa quá mức của các thành viên như Iraq, Nigeria và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cũng như việc Libya trở lại thị trường vào khoảng cuối năm. 

Những nỗ lực này sẽ còn đối diện nhiều nguy cơ hơn với khả năng dầu mỏ của Iran “tái xuất” dưới thời chính quyền Mỹ của tổng thống đắc cử Joe Biden, sau khi chiến dịch “gây áp lực tối đa” của chính quyền ông Donald Trump đã hạn chế doanh số bán dầu của quốc gia này. Chính phủ Iran đang tính đến việc bán 2,3 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ trong năm tài chính tới, bắt đầu từ ngày 20-3-2021.

Nhu cầu dầu mỏ sụt giảm mạnh trong năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới và châu Á rõ ràng không nằm ngoài vòng xoáy này. Nhiều nhà máy lọc dầu ở Philippines và châu Đại Dương đã thông báo đóng cửa hoặc đang xem xét nghiêm túc giải pháp này, buộc phải lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu để đáp ứng hầu hết nhu cầu. 

Hãng lọc dầu Shell gần đây đã thông báo rằng họ sẽ giảm một nửa công suất của nhà máy lọc dầu Pulao Bukom ở Singapore để giảm cường độ thải khí carbon. Nếu những dự định này thành hiện thực, công suất sản xuất dầu mỏ có thể giảm khoảng 950.000 thùng/ngày, mở ra cơ hội xuất khẩu cho các nhà máy lọc dầu khác trong khu vực, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Hàn Quốc. Thực tế là Trung Quốc đang đi ngược xu hướng và đến cuối năm 2021, nước này sẽ tăng thêm hơn 1 triệu thùng/ngày công suất lọc dầu.

Hậu đại dịch COVID-19, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong những năm tới cũng có thể tiếp tục giảm do các quốc gia tập trung vào mục tiêu hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để đối phó với biến đổi khí hậu. EIA cho biết sản lượng dầu và nhiên liệu lỏng thế giới đã giảm từ mức 100,61 triệu thùng trong năm 2019 xuống 94,25 triệu thùng trong năm 2020 và sản lượng dự kiến chỉ phục hồi lên 97,42 triệu thùng/ngày vào năm 2021.

Đại dịch đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc nhìn nhận lại vai trò của nhiên liệu hóa thạch, kể cả dầu mỏ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có lượng khí thải carbon thấp. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng chiếm 20% nhu cầu dầu thế giới, đều đã công bố các mục tiêu carbon trung bình. Dù khó diễn ra ngay một sớm một chiều song tác động của thực tế này đối với nhu cầu dầu mỏ và các khoản đầu tư vào dầu mỏ là điều mà người ta không thể bỏ qua. Tháng 10-2020, OPEC lần đầu tiên đưa ra những dự báo về mức đỉnh nhu cầu dầu mỏ, theo đó cho rằng cơn khát dầu của thế giới sẽ ngừng tăng lên trong khoảng 20 năm tới.

Nhu cầu dầu mỏ dự kiến sẽ phải đối mặt với tác động lớn nhất từ các chính sách giao thông ưu tiên dùng nhiên liệu xanh và sự phát triển của năng lượng tái tạo. Dù vậy, nhu cầu về hóa dầu và nhiên liệu vận tải đường dài dự kiến cũng sẽ bù đắp phần nào một sự sụt giảm nhu cầu mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Thực tế là ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu chuyển dịch theo hướng hạn chế carbon, người ta vẫn cần dầu mỏ và theo OPEC, để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, đầu tư cho hạ tầng dầu mỏ đến năm 2045 cần trung bình 380 tỷ USD/năm, tương đương 9,9 nghìn tỷ USD trong cả giai đoạn. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn đối với các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch sẽ trở nên khó khăn hơn khi các ngân hàng quốc tế như Morgan Stanley và HSBC đều đã cam kết đạt được mục tiêu về khí thải ròng trong danh mục cho vay.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.