Kia
Mobifone

NSƯT Ánh Tuyết: Bứt phá qua những giới hạn

Thứ Sáu, 21/05/2021, 10:37
Sau thành công của vở nhạc kịch "Trại hoa vàng", NSƯT Ánh Tuyết tiếp tục bắt tay dàn dựng "Bầy chim thiên nga". Việc lựa chọn nhạc kịch để bắt đầu sự nghiệp đạo diễn của mình là một thách thức, nhưng với nghệ sĩ Ánh Tuyết, đó cũng là cơ hội giúp chị bứt phá và vượt qua những giới hạn của chính mình.


- Chúc mừng chị với vở nhạc kịch thứ 2 dành cho thiếu nhi, "Bầy chim thiên nga". Vì sao chi lại chọn tác phẩm này để dàn dựng?

+ Những truyện cổ của nhà văn Andersen luôn là những giấc mơ cổ tích dành cho các em nhỏ. Trong đó "Bầy chim thiên nga" là một câu chuyện cổ tích có tính nhân văn, gợi trí tưởng tượng phong phú cho khán giả và những bài học trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi các em nhỏ. Đó là tình yêu, sự hy sinh của nàng công chúa xinh đẹp Lisa dành cho các anh trai và gia đình của mình. 

Tính văn học trong "Bầy chim thiên nga" rất nhiều, đặc biệt có nhiều "đất diễn" cho các loại hình nghệ thuật như: diễn xuất, nhảy hiện đại, múa bale, hát… tạo nên một khu rừng cổ tích mang màu thần thoại. Trong vở có kẻ yếu, kẻ mạnh, có người tốt lẫn kẻ xấu, đặc biệt có công chúa, hoàng tử, bà tiên, phù thủy… là những nhân vật mà các em nhỏ rất thích. 

Khán giả nhí đến với "Bầy chim thiên nga" không chỉ được đắm mình trong không gian cổ tích, được gặp những nhân vật mà mình yêu thích, mà còn được vui, buồn cùng nàng công chúa Lisa và các người anh của nàng. Từ những tình huống của câu chuyện, các em nhỏ sẽ biết phân biệt việc tốt, việc xấu, thêm yêu thương những người thân trong gia đình.

NSƯT Ánh Tuyết.

- Chị gặp khó khăn gì khi chuyển thể vở nhạc kịch từ các tác phẩm nổi tiếng, đặc biệt với một tác phẩm khá quen thuộc như "Bầy chim thiên nga"?

+ Ekip sáng tạo đã làm mới "Bầy chim thiên nga" không giống hoàn toàn với nguyên bản. Tôi đã tính toán và bàn bạc rất kỹ với ekip, từ kịch bản cho đến âm nhạc, biên đạo… Nội dung kịch bản dựa trên cốt truyện cổ tích, nhưng cũng không quá lệ thuộc. Chúng tôi chọn những chi tiết đắt để sân khấu hóa, để diễn viên bộc lộ được tài năng và quan trọng là để khán giả cảm nhận được một cách nhẹ nhàng nhất. 

Chúng tôi đưa vào vở những tình tiết thú vị mang hơi thở cuộc sống, mang thông điệp giáo dục và rất gần gũi với các em, thông qua diễn xuất, âm nhạc, ngôn ngữ hình thể và lời thoại. Bằng hình thức nhạc kịch, kết hợp giữa thần thoại và hiện thực để các em có thể cảm nhận được câu chuyện tưởng như xưa cũ nhưng lại mang góc nhìn mới mẻ trong nghệ thuật, đồng thời cũng trao cho các em những bài học cuộc sống ý nghĩa.

- Một câu chuyện cổ tích nước ngoài sẽ được chị thổi vào đó hơi thở đương đại như thế nào để gần gũi hơn với khán giả Việt Nam, nhất là những khán giả nhỏ tuổi?

+ Việc dàn dựng một tác phẩm nổi tiếng như "Bầy chim thiên nga" có những khó khăn và thuận lợi. Thuận lợi ở chỗ truyện cổ của Andersen đã là những câu chuyện dành cho tuổi thơ đầy tính nhân văn và hấp dẫn. "Bầy chim thiên nga" có những nhân vật như công chúa Lisa, hoàng tử, mụ phù thủy, bà tiên… là những nhân vật mà các em thiếu nhi rất yêu thích. Hơn nữa, ngoài cốt truyện hấp dẫn, xúc động thì còn có tính thần thoại, gợi mở trí tưởng tượng cho các em.

Tuy nhiên, việc giữ nguyên được nét cổ tích và thần thoại ấy đưa lên sân khấu là một việc khó. Chúng tôi phải bàn tính rất kỹ càng sao cho thuyết phục được khán giả của mình tin rằng câu chuyện đang xảy ra trên sân khấu kia là thật, và làm cho khán giả như hòa mình vào cùng các nhân vật. Sự tương tác giữa nhân vật và khán giả trong rạp là việc rất quan trọng. Cùng với đó là lời thoại, xây dựng các tình huống sao cho thật gần gũi với các em.

- Sau thành công của "Trại hoa vàng", chị có bị áp lực không khi bắt tay vào tác phẩm thứ 2 và chị hóa giải áp lực đó như thế nào?

+ Tôi là đạo diễn trẻ, áp lực là điều không tránh khỏi, nhất là sau thành công của "Trại hoa vàng", bản thân tôi cũng kỳ vọng mình phải làm tốt hơn nữa. "Trại hoa vàng" đã mang lại cho tôi sự mạnh dạn trong sáng tạo nghệ thuật. Tôi muốn đưa vào tác phẩm những điều mới mẻ theo cách nghĩ của mình, đặc biệt tôi không dễ dãi trong nghệ thuật mà muốn nâng cao chất lượng nghệ thuật trong vở diễn. 

Ví dụ như trong vở "Bầy chim thiên nga", bên cạnh những ca khúc mang hơi thở thời đại như Pop, Rap… tôi đã đưa âm nhạc cổ điển từ vở Ballet "Hồ Thiên Nga" của Tchaikovsky vào phân đoạn "Thiên nga bên bờ suối", hoặc biến tấu âm nhạc cổ điển sang Rock, làm mới ca khúc "Đội kèn tí hon" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bằng cách phối khí theo phong cách Jazz. Bên cạnh đó, tôi sử dụng ngôn ngữ hình thể qua nhảy, múa đương đại để làm nổi bật tính cách, tình tiết của nhân vật và câu chuyện.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” của đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết.

- Nhạc kịch là một loại hình ở Việt Nam bị mặc định là kén người xem, nhưng thành công của "Trại hoa vàng", của "Những người khốn khổ" cho thấy khán giả không quay lưng với nhạc kịch. Theo chị, đâu là yếu tố dẫn đến thành công đó?

+ Nhạc kịch, kịch nói hay bất kể loại hình nghệ thuật nào cũng cần hướng đến khán giả. Nếu vở diễn nói được tiếng lòng của khán giả, để họ đi xem và nhận thấy mình ở trong đó, nghĩa là một diễn thành công. Trong "Trại hoa vàng", tôi muốn đưa khán giả về với câu chuyện của thanh xuân, của tình bạn và tình yêu trong sáng đồng thời muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời: Hãy ước mơ và sống trọn vẹn với ước mơ của mình. Các nhân vật trong "Trại hoa vàng" đã dám nói lên mong muốn của mình, không muốn chịu sự áp đặt từ người lớn.

- Có ai nói với chị rằng, Ánh Tuyết đang mạo hiểm dấn thân vào con đường khó khi sân khấu đang khủng hoảng khán giả mà chị lại chọn nhạc kịch. Vì sao?

+ Nhạc kịch vốn là loại hình nghệ thuật hàn lâm và dành cho một bộ phận khán giả. Tôi từng được xem một số vở Broadway trên thế giới như "The Lion King", "Cats"… và chứng kiến khán giả của họ đã chờ đón để được xem vở. Thời gian gần đây, khán giả Việt Nam cũng đã làm quen với loại hình nghệ thuật này qua các vở diễn của các đạo diễn trẻ. Nhưng các vở diễn không được diễn ra thường xuyên. Có lẽ bởi khán giả chưa thực sự quen với loại hình này. 

Tôi nghĩ, để khán giả biết đến nhạc kịch và yêu thích nó thì cần phải mang nhạc kịch đến với khán giả sớm hơn, nhiều hơn. Bởi vậy, tôi đã làm nhạc kịch dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng. Nhà hát Tuổi trẻ hàng năm đón hàng ngàn khán giả nhí đến với các vở diễn, và chúng tôi không chỉ mang lại niềm vui cho các em mà qua các vở diễn giúp các em có định hướng về giáo dục, về thẩm mỹ nghệ thuật, về nét đẹp trong cuộc sống.

- Rõ ràng, sân khấu cho thiếu nhi và tuổi teen đang là một khoảng trống, khi chúng ta thiếu vắng những vở diễn hay, những buổi diễn định kỳ. Theo chị, làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra một sân chơi thường niên cho các em thay vì chỉ vào các dịp kỷ niệm?

+ Các em nhỏ hiện nay có đời sống văn hóa nghệ thuật rất phong phú. Các em được xem rất nhiều qua các kênh thông tin, mạng xã hội… Nhưng điều này có hai mặt của nó. Ngoài những chương trình có tính nghệ thuật, giáo dục cao thì còn có những chương trình "nhảm", dễ dãi. Điều này khiến những người làm nghệ thuật, đặc biệt là dành cho trẻ em xác định lại những việc cần phải làm. 

Chúng ta cần có một kế hoạch dài hơi, đầu tư nghiêm túc cho các tác phẩm dành cho trẻ em, cần có sự kết hợp của các ban ngành chức năng để thông qua nghệ thuật mang lại đời sống tinh thần phong phú cho các em, từ đó định hướng và giáo dục một cách toàn diện. 

Nhà hát Tuổi trẻ là một nhà hát có nhiệm vụ phục vụ khán giả thanh thiếu niên nhi đồng. Những năm gần đây, ngoài hai đợt biểu diễn là dịp Tết thiếu nhi 1/6 và Rằm Trung thu, Nhà hát tổ chức bán vé các vở diễn dành cho thiếu nhi vào các dịp cuối tuần. Chúng tôi cũng dàn dựng các vở diễn với nhiều loại hình nghệ thuật dành cho mọi lưa tuổi và thường xuyên biểu diễn phục vụ khán giả.

- Trong diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc đưa tác phẩm đến với công chúng chắc hẳn còn nhiều khó khăn. Chị có thể chia sẻ điều này?

+ Thật tiếc là khi vở "Bầy chim thiên nga" mới công diễn được 3 buổi thì dịch COVID-19 lại bùng phát. Các nghệ sĩ đang rất hào hứng vì đón nhận được sự hưởng ứng và khen ngợi từ khán giả và các nhà chuyên môn, phòng vé của Nhà hát Tuổi trẻ đang rất nhộn nhịp với khán giả của “Bầy chim thiên nga” nhưng chúng tôi phải dừng lại. Tôi tin vào sự chỉ đạo của Chính phủ, sự quyết tâm đồng lòng của nhân dân sẽ sớm khống chế được dịch COVID-19. Tôi hy vọng sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ sớm được sáng đèn để "Bầy chim thiên nga" lại tiếp tục tung cánh phục vụ khán giả nhí.

- Cảm ơn chị.!

V.Hà (thực hiện)

.