Phá rừng và những nền tài chính rực lửa

Chủ Nhật, 29/11/2020, 08:21
Năm 2017, một nghiên cứu do Tổ chức Hòa bình Xanh (Green Peace) công bố cho thấy hơn 300 triệu hecta rừng đã bị phá hủy từ năm 2001 đến 2015, gần bằng diện tích của Ấn Độ. Khoảng 1/4 trong số này được dùng để trồng cọ, cao su, cà phê, cỏ nuôi bò và thủy điện.

Điều đáng ngạc nhiên là góp phần vào việc phá rừng lại là những ông lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu, gồm Barclays, Deutsche Bank, HSBC, Santander, Standard Chartered, Goldman Sachs, JPMorgan, Bank of America và Morgan Stanley…

1. Đám cháy xảy ra ở Amazon, Brazil năm ngoái đã minh họa một cách tàn khốc về nạn phá rừng do con người thực hiện, chống lại sự sống của hành tinh, còn những đám cháy tương tự với mức độ thấp hơn vẫn diễn ra hàng năm tại các khu rừng nhiệt đới trên thế giới mà cụ thể là tại Đông Nam Á, nơi đã mất hơn 78% độ che phủ rừng để nhường chỗ cho hoạt động của các công ty nông, công nghiệp mặc dù nhiều người biết rằng những khu rừng ấy là tuyến phòng thủ đầu tiên của trái đất chống lại biến đổi khí hậu. 

Nghiên cứu được công bố vào năm 2017 của Hòa bình Xanh ước tính nếu không bị tàn phá thì rừng và các hệ sinh thái khác có thể đóng góp hơn 1/3 yếu tố giảm lượng khí thải carbon để hạn chế sự nóng lên toàn cầu như hiện nay.

Để mở rộng diện tích trồng cỏ nuôi bò, nhiều công ty không ngần ngại đốt rừng.

Vẫn theo nghiên cứu của Hòa bình Xanh, trong số các công ty kinh doanh nông, công nghiệp chịu trách nhiệm về thiệt hại môi trường lớn nhất hành tinh, có 6 công ty đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ hơn 300 ngân hàng và nhà đầu tư với trị giá 44 tỷ USD. Những ngân hàng và các nhà đầu tư này sau khi xem xét hồ sơ dự án và biết chắc rằng chủ dự án sẽ có lợi nhuận đồng thời vượt qua được rào cản đánh giá tác động môi trường thì họ giải ngân.

Tại Brazil, 3 công ty thịt bò lớn nhất gồm JBS SA, Marfrig Global và Minerva Foods chiếm hơn 45% công suất giết mổ gia súc trong khu vực, đã cam kết thực hiện các biện pháp được cho là giúp bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nạn phá rừng vẫn xuất hiện trong chuỗi cung ứng của họ và những tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính quốc tế vẫn đang giúp họ đứng vững.

JBS SA chẳng hạn, được biết là đã mua bò ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng. 10 năm trước, dưới áp lực của Tổ chức Hòa bình Xanh, JBSSA ký thỏa thuận không mua bò nếu nó được nuôi ở những đồng cỏ hình thành bởi sự phá rừng từ sau tháng 10-2009. 

JBS SA cũng cam kết không mua bất kỳ vật nuôi nào từ các nhà cung cấp sử dụng lao động cưỡng bức hoặc làm hư hại đất đai của cộng đồng cư dân bản địa, hoặc của nhà cung cấp chịu lệnh cấm vận do Viện Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Tái tạo Brazil (IBAMA) ban hành vì phá rừng bất hợp pháp, hoặc chăn nuôi, vỗ béo gia súc trên đất đai các khu bảo tồn. Sau đó, JBS tiếp tục ký thỏa thuận tương tự với Văn phòng Công tố Liên bang của bang Para, Amazon.

Thế nhưng năm 2015, JBSSA bị cảnh sát liên bang Brazil cáo buộc đã mua hàng trăm đầu gia súc từ một phụ nữ, là mẹ của một cá nhân bị nghi ngờ chiếm đoạt đất rừng trái phép mà theo cảnh sát thì đó là “khu khai thác lớn nhất trong nước”. Đến năm 2017, IBAMA phát hiện hai lò giết mổ thuộc sở hữu của JBS SA đã mua 49.468 con gia súc từ các nhà cung cấp bị cấm vận. Kết quả JBS SA bị phạt 24,7 triệu Reais (đơn vị tiền tệ Brazil), tương đương 8 triệu USD. Theo trang tin Global Witness - Nhân chứng toàn cầu, để chăn nuôi số lượng lớn như thế, chắc chắn các chủ nông trại phải chặt hạ gần 38.000 ha rừng.

Năm 2019, bang Para, Amazon công bố một cuộc kiểm toán, cho thấy gần 20% số lượng gia súc mà JBS SA mua vào năm 2016 đã không theo các điều khoản cam kết. Để có số lượng gia súc ấy, những người chăn thả phải cần đến một diện tích đất đai ước khoảng 65.000 sân bóng đá. Mà để có lượng đất ấy thì không gì khác hơn là phá rừng. 

Với những vi phạm nêu trên, điều đáng ngạc nhiên là JBS SA vẫn bình chân như vại bởi lẽ họ được sự hỗ trợ tài chính của một số ngân hàng và nhà quản lý đầu tư giàu nhất thế giới - trong đó có BNDES - ngân hàng phát triển lớn nhất châu Mỹ Latin. Tính đến tháng 4-2019, BNDES nắm giữ hơn 2,7 tỷ USD cổ phiếu của JBS SA.

Bên cạnh Ngân hàng BNDES, JBS SA còn có những nguồn tài chính khác đến từ Mỹ và Đức mà cụ thể cổ đông lớn thứ 3 của JBS SA là American Capital Group, quản lý hơn 1,7 nghìn tỷ USD cổ phiếu cùng chứng khoán thu nhập cố định, thay mặt cho hàng triệu nhà đầu tư. Tiếp đó là tập đoàn tài chính Black Rock, giàu có và quyền lực nhất thế giới, trụ sở tại New York, hoạt động tại 30 quốc gia. Tính đến tháng 5-2019, đầu tư của Black Rock vào JSB SA là hơn 218 triệu USD.

Với nước Đức, kể từ năm 2017, Ngân hàng Deutsche Bank tuyên bố họ không có ý định tài trợ cho các dự án hoặc hoạt động liên quan đến việc phá rừng nguyên sinh nhiệt đới. Tuy nhiên tính đến tháng 4-2019, Deutsche Bank vẫn nắm giữ hơn 11 triệu USD cổ phiếu của JBS. 

Trước đó - năm 2013 - Deutsche Bank đã cho JSB SA vay 56,7 triệu USD, chưa kể cũng trong năm này, họ đã tài trợ cho 2 công ty tại một quốc gia Đông Nam Á để thuê đất trồng cao su ở Lào và Campuchia bằng cách phá rừng! Cũng tại quốc gia này, hàng trăm thủy điện lớn nhỏ đã mọc lên mà cứ mỗi MW công suất lắp máy sẽ nuốt mất 7 hecta rừng nhưng thực tế thì còn lớn hơn. Trả lời câu hỏi của trang tin Nhân chứng toàn cầu, người phát ngôn Deutsche Bank cho biết ngân hàng không bình luận về mối quan hệ với khách hàng của mình, nhưng Deutsche Bank khẳng định họ rất “coi trọng trách nhiệm với môi trường và xã hội”!

2. Ở Trung Phi, nông nghiệp quy mô nhỏ từ lâu đã là nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng. Tuy nhiên áp lực từ công, nông nghiệp quy mô lớn đang có nguy cơ gia tăng. Kể từ năm 2003, nhiều khoản nhượng quyền liều lĩnh đã dẫn đến việc giao khoảng 1,3 triệu hecta cho các công ty nông nghiệp, đặc biệt là để sản xuất cao su và dầu cọ. Tại Cameroon, công ty Halcyon Agri Corp, Singapore nắm quyền kiểm soát các đồn điền cao su với hàng chục nghìn hecta. Những đồn điền này tiếp giáp với Khu bảo tồn động vật hoang dã Dja, di sản thế giới được UNESCO công nhận, là nơi sinh sống của quần thể khỉ đột và tinh tinh. 

Hàng chục nghìn hecta rừng biến thành đồn điền trồng cọ.

Theo phân tích của Tổ chức Hòa bình Xanh, từ năm 2011 đến tháng 12-2018, chủ nhân các đồn điền nêu trên đã phát quang hơn 11.600 hecta rừng. Một phân tích về trữ lượng carbon do Khoa địa chất, Đại học Edinburgh, Anh Quốc ước tính rằng hoạt động này có thể gây phát thải hơn 11 triệu tấn CO2, nhiều hơn tổng lượng phát thải của ngành công nghiệp ở Vương quốc Anh năm 2017. 

Trong số 11.600 hecta ấy, khoảng 2.300 rừng đã bị phá từ tháng 4-2017 đến tháng 4-2018, sau khi Halcyon mua lại phần lớn cổ phần của công ty bản xứ Sudcam. Hàng chục nghìn cư dân bản địa buộc phải di chuyển đi nơi khác, gây tác động mạnh mẽ đến các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Năm 2015, một số ngân hàng lớn bao gồm ABN Amro, Hà Lan và ngân hàng Singapore DBS Bank đã tạo điều kiện cho Halcyon vay xoay vòng trong 3 năm với số tiền 388 triệu USD. Tín dụng xoay vòng là một hình thức cho vay mà Halcyon có thể rút tiền nhiều lần, tương tự như ủy quyền thấu chi. Mặc dù khoản vay này đã được phê duyệt trước khi Halcyon nắm quyền kiểm soát các đồn điền ở Cameroon nhưng khi Halcyon bị lôi kéo vào các vụ phá rừng, ABN Amro, Hà Lan và SingaporeDBS Bank vẫn không rút lại sự hỗ trợ của họ.

Với Ngân hàng Crédit Suisse, Thụy Sĩ, họ cũng tham gia vào việc mở tín dụng quay vòng cho Halcyon. Bên cạnh đó, năm 2017, Credit Suisse còn tổ chức phát hành trái phiếu thay cho Halcyon. Tổ chức Hòa bình Xanh mô tả các hoạt động của Halcyon tại Cameroon là “chuỗi hoạt động tàn khốc nhất lưu vực sông Congo”. Đến cuối năm 2018, Halcyon tuyên bố chấm dứt nạn phá rừng ở các khu nhượng quyền Sudcam. Một sự thay đổi quá muộn!

Năm 2019, một trong những nhà đầu tư chính của Halcyon là Quỹ Hưu trí Chính phủ Na Uy thông báo rằng họ sẽ thoái vốn khỏi Halcyon vì “rủi ro không thể chấp nhận được mà Halcyon có thể phải chịu trách nhiệm về thiệt hại môi trường nghiêm trọng”. 

Tuy nhiên đến thời điểm này, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Halcyon, nắm giữ hơn 73 triệu USD cổ phiếu. Trong báo cáo phát triển bền vững công bố năm 2018, họ không đề cập đến vấn đề phá rừng. Mãi tháng 3-2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ban hành một tuyên bố chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, kêu gọi “định hướng lại các dòng tài chính theo hướng chống biến đổi khí hậu”.

Một đơn vị khác là Tập đoàn công nghiệp nông nghiệp Olam do chính phủ Singapore sở hữu phần lớn vốn, bị cáo buộc từ tháng 3-2012 đã phát quang khoảng 20.000 hecta rừng để trồng cọ lấy dầu ở Gabon. Trong thời gian này, Olam mở một khoản tín dụng xoay vòng với số tiền là 2,2 tỷ USD, dựa vào thỏa thuận với một số tên tuổi lớn trong hệ thống ngân hàng, bao gồm HSBC và Ngân hàng Standard Chartered. 

Trang tin Nhân chứng toàn cầu ước tính HSBC đã cung cấp khoản vay 1,1 tỷ USD cho Olam đồng thời cung cấp 583 triệu USD trong thời gian từ 2013 đến 2019. Riêng với Ngân hàng Standard Chartered, nơi này  đã cung cấp cho Olam 187 triệu USD cùng  1,16 tỷ USD vay xoay vòng.

3. Theo trang tin Nhân chứng toàn cầu, thật khó để kể hết những công ty, tập đoàn nông, công nghiệp đã nhận được sự tài trợ về vốn của những ông lớn trong lĩnh vực tài chính bởi lẽ nguyên tắc của họ luôn luôn là “không nói về khách hàng”. 

Và mặc dù một số công ty, tập đoàn nông, công nghiệp đã xây dựng các chính sách riêng của họ về nạn phá rừng nhưng thực tế thì đó chỉ là cách đối phó để dự án được nhanh chóng thông qua. Dư luận đã bị sốc khi biết rằng nhiều ngân hàng đang khuyến khích loại hình phá hủy môi trường để đổi lấy lợi nhuận mà Amazon của Brazil đã trải qua một cách đáng buồn vào mùa hè năm ngoái. Các quỹ hưu trí và các khoản đầu tư của người dân được chuyển vào các công ty, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu, tước đoạt đất đai của người bản địa và phá hủy các khu rừng là nơi sinh sống của vô số sinh vật.

Tập đoàn tài chính Black Rock, nơi đã đầu tư hơn 218 triệu USD vào JSB SA.

Trong thập kỷ qua, nhiều tổ chức tài chính đã cam kết giải quyết nạn phá rừng. Một nhóm 56 nhà đầu tư chịu trách nhiệm quản lý khối tài sản trị giá khoảng 7,9 nghìn tỷ USD đã thúc giục ngành dầu cọ áp dụng chính sách không phá rừng. Hàng chục ngân hàng đã ký kết “Hiệp định hàng hóa mềm” mà mục tiêu là năm 2020, hoàn toàn không có nạn phá rừng trong chuỗi cung ứng đậu nành, dầu cọ, thịt bò và bột giấy, đến từ 400 công ty với tổng doanh thu là 3,5 nghìn tỷ euro.

Tuy nhiên, có rất ít sự minh bạch từ phía các ngân hàng về việc thực hiện các cam kết nêu trên. Hơn nữa, các biện pháp để buộc họ phải chịu trách nhiệm cũng còn hạn chế. Những người ký kết Hiệp ước hàng hóa mềm đã thừa nhận sẽ không đạt được mục tiêu năm 2020. Trong khi đó, nhiều tổ chức tài chính lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục đầu tư những khoản tiền lớn vào các dự án mà để thực hiện những dự án ấy, bắt buộc phải… phá rừng!

Vũ Cao (Theo Nhân chứng Toàn cầu)
.
.