Mỹ và NATO có trở thành “lá chắn” cho Ukraine ?

Thứ Tư, 26/01/2022, 09:12

Nỗi lo sợ về chiến tranh Nga-Ukraine ngày càng gia tăng khi Kremlin và cả Mỹ-NATO đều tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới và các cuộc đàm phán về khủng hoảng vẫn bế tắc.

Những hành động khiêu khích

Ngày 24-1, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đặt các lực lượng trong tình trạng trực chiến và điều động thêm các tàu chiến, máy bay chiến đấu đến Đông Âu. Thông báo của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO đang kêu gọi các đồng minh bổ sung lực lượng cho chiến dịch này và sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ, ủng hộ Ukraine, củng cố sườn phía Đông của khối.

Hãng CNN cho hay, ngay sau khi có thông báo của NATO, Đan Mạch đã điều một tàu khu trục nhỏ đến biển Baltic và gửi 4 máy bay chiến đấu F-16 tới Lithuania. Tây Ban Nha cũng cử tàu tham gia lực lượng hải quân NATO trong khu vực và đang xem xét gửi máy bay chiến đấu đến Bulgaria. Pháp sẵn sàng gửi quân đến Romania và Hà Lan tuyên bố cử 2 máy bay chiến đấu F-35 đến Bulgaria vào tháng 4. Tờ New York Times đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang cân nhắc điều hàng nghìn quân cũng như tàu chiến và máy bay chiến đấu tới khu vực miền Đông châu Âu và Baltic...

Thông điệp này của Mỹ-NATO được đưa ra một thời gian ngắn sau khi nhà lập pháp Nga Andrei Kartapolov nói với hãng Interfax rằng Điện Kremlin sẽ "đáp trả thích đáng" nếu Mỹ triển khai quân đội trong khu vực. Giới quan sát quân sự nhận định, với những động thái nói trên, Mỹ-NATO và cả Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu thể hiện mặt trận thống nhất đối mặt với những gì họ coi là sự xâm lược của Nga vào Ukraine. "Tất cả thành viên của EU đều đoàn kết. Chúng tôi đang thể hiện sự thống nhất chưa từng có về tình hình ở Ukraine, với sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ", Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói với các phóng viên tại Brussels.

107003846-1642689617206-gettyimages-1237851819-220120_faa_pht081.jpeg -0
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trong cuộc họp báo tại Berlin (Đức) hôm 20-1. Ảnh: Getty.

Căng thẳng giữa Nga-Mỹ và NATO ngày càng gia tăng khi Moscow đưa hơn 100.000 quân tập trung gần biên giới Ukraine còn Kiev đưa thêm nhiều khí tài hạng nặng. Cuộc hội đàm hôm 21-1 giữa Ngoại trưởng Nga và Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ) cũng không thể xoa dịu được tình hình. Nga muốn có những đảm bảo cụ thể rằng NATO sẽ không tiếp tục mở rộng, vì Moscow coi việc mở rộng đó là một nguy cơ an ninh. Còn NATO lại tuyên bố các yêu cầu này là không thể chấp nhận được, việc gia nhập liên minh là quyền của bất kỳ quốc gia nào và nó không đe dọa Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hiện Moscow vẫn đợi phản hồi bằng văn bản từ Washington về đề xuất đảm bảo an ninh và sẽ quyết định hành động tiếp theo sau khi nghiên cứu phản hồi này. Trong khi đó, hãng Reuters đưa tin, các cố vấn chính trị từ Nga, Ukraine, Pháp và Đức dự kiến nhóm họp tại thủ đô Paris (Pháp) vào ngày 26-1 để tham gia vòng đàm phán theo định dạng Normandy nhằm tìm cách giải quyết xung đột ở khu vực miền Đông Ukraine. Nhưng, cũng trong ngày 24-1, ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU đã ra tuyên bố chung kêu gọi Moscow tham gia đối thoại mang tính xây dựng trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế hiện có và đe dọa đẩy nhanh công tác chuẩn bị để đưa ra các biện pháp hạn chế nhằm vào Nga.

107005216-16430264392022-01-23t035956z_2091325075_rc2r4s9cth1r_rtrmadp_0_ukraine-crisis-usa.jpg -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden họp khẩn với Hội đồng an ninh quốc gia về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine tại trại David, Mỹ hôm 22-1. Ảnh: Reuters.

Chia rẽ trong nội bộ EU-NATO

Cho đến nay, Nga vẫn bác bỏ mọi báo cáo tình báo của Anh và Mỹ nói rằng Tổng thống Vladimir Putin muốn xâm lược Ukraine vào bất kỳ thời điểm nào và thành lập một chính phủ bù nhìn ở Kiev. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thậm chí còn khẳng định Mỹ và NATO đang làm leo thang căng thẳng thông qua nhiễu loạn thông tin và các hành động cụ thể, đồng thời cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột ở Ukraine là rất cao.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23-1 đã khuyến nghị tất cả công dân Mỹ ở Ukraine rời khỏi đất nước ngay lập tức cùng các thành viên gia đình đủ điều kiện. Anh cũng được cho là đã bắt đầu rút các nhân viên ngoại giao khỏi đại sứ quán của mình ở Ukraine. Và khi Mỹ - Anh đáp trả bằng những lời đe dọa trừng phạt, rút các nhân viên ngoại giao khỏi đại sứ quán ở Kiev..., các nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu phương Tây có thể thực sự răn đe Nga hay không và các đồng minh phương Tây sẵn sàng đi bao xa để bảo vệ Ukraine.

107005215-16430263532022-01-24t081705z_1729693914_rc2i5s9s25ux_rtrmadp_0_ukraine-crisis-usa-embassy.jpeg -0
Đại sứ quán Mỹ tại Kiev, Ukraine. Ảnh: Getty.

Nga muốn có sự đảm bảo pháp lý rằng Ukraine sẽ không được phép gia nhập liên minh quân sự NATO của Mỹ và châu Âu. Điện Kremlin cũng muốn thấy NATO thu hồi cơ sở hạ tầng quân sự và nhân viên từ các khu vực Đông Âu và ở các nước thuộc Liên Xô (cũ) như Estonia, Latvia và Litva. Nhưng, giới chức NATO và Mỹ đều đã từ chối những yêu cầu đó. John Herbst, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói với hãng CNBC hôm 24-1 rằng, phương Tây phải "đẩy lùi mạnh mẽ sự xâm lược của Điện Kremlin" và làm điều đó sớm hơn là muộn.

“Chúng tôi đã cố gắng xoa dịu Putin. Chúng tôi đã thử nó vào năm 2008 khi ông đến Gruzia và hầu như không phải chịu hậu quả gì. Chúng tôi đã thử nó với Crimea, nơi ông ấy cũng hầu như không phải chịu hậu quả gì”, John Herbst cho biết và nói thêm rằng việc Mỹ sẽ có các lệnh trừng phạt bổ sung, gửi vũ khí đến Ukraine và triển khai thêm lực lượng NATO đến biên giới của Nga... là hợp lý nhưng "không đủ tích cực".

Và câu hỏi còn bỏ ngỏ

Trên thực tế, Mỹ, Anh và EU đều từng cảnh báo Nga rằng nước này sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt tê liệt hơn nữa nếu tấn công Ukraine. Nhưng, Nga đã quen đối mặt với các lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt Nga đã được áp dụng đối với một số lĩnh vực quan trọng như năng lượng và tài chính sau vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014. Khi nói đến tình hình hiện tại ở Ukraine, các đồng minh phương Tây một lần nữa đe dọa sẽ có phản ứng cứng rắn đối với Nga nhưng đã có sự mất đoàn kết về những biện pháp trừng phạt có thể được thực hiện.

Trong khi Mỹ và Anh ủng hộ các hành động trừng phạt hơn đối với nền kinh tế của Nga nếu nước này xâm lược Ukraine thì một số nước châu Âu vẫn do dự vì lý do kinh tế hoặc ngoại giao. Ví dụ, Đức - nhà lãnh đạo trên thực tế của châu Âu không muốn nhìn thấy các lệnh trừng phạt áp đặt lên dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ của họ với Nga - Nord Stream 2, sẽ cung cấp phần lớn khí đốt tự nhiên cho châu Âu.

106916301-16270682822021-07-23t191105z_1129958148_rc2jqo91tj4w_rtrmadp_0_russia-navy-day-parade.jpeg -0
Tàu chiến Nga ở cảng Sevastopol, Crimea, Biển Đen.  Ảnh: Reuters.

Bà Market Croft của Quỹ RBC lưu ý rằng, có một câu hỏi là liệu bất kỳ lệnh trừng phạt nào đang được thảo luận ở các thủ đô phương Tây sẽ ngăn cản được Tổng thống Putin nếu ông ấy có ý định đưa Ukraine trở lại quỹ đạo của Nga?

Các chuyên gia hàng đầu về lệnh trừng phạt cho rằng phương Tây có khả năng thay đổi tính toán của ông Putin nếu các quốc gia này chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng đối với các tổ chức tài chính chủ chốt của Nga như VTB, Sberbank, Gazprombank và các thực thể xuất khẩu năng lượng. Nhưng, Washington cũng đã gợi ý việc ngăn chặn Nord Stream 2 sẽ được loại bỏ khỏi các biện pháp trừng phạt. Và do một số nhà quản lý tài sản phương Tây đang nắm giữ tài chính của Nga nên một câu hỏi khác cũng quan trọng không kém là liệu Mỹ và các đồng minh châu Âu có thực sự đưa những tổ chức này vào danh sách đen hay không.

ap22022501809168.jpg -0
Lực lượng phòng vệ lãnh thổ của Ukraine tập luyện trong công viên ở Kiev.   Ảnh: AP.

Thị trường toàn cầu có thể vẫn lo lắng trong tuần này rằng sẽ xảy ra xung đột quân sự giữa Ukraine và Nga, trong khi các giới chức phương Tây chuẩn bị tổ chức các cuộc họp về về tình hình này. Ngày 24-1, Hội đồng Đối ngoại của EU họp vào buổi chiều và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hội đàm với các Ngoại trưởng Phần Lan, Thụy Điển. Ngày 26-1, các cố vấn chính trị từ Nga, Ukraine, Pháp và Đức tổ chức các cuộc đàm phán “định dạng Normandy” về miền Đông Ukraine tại Paris.

Khi căng thẳng gia tăng, ông Joe Biden được cho là đang xem xét triển khai vài nghìn quân Mỹ, cũng như tàu chiến và máy bay tới các đồng minh NATO ở Baltics và Đông Âu, thể hiện sự mở rộng đáng kể về can dự của quân đội Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, vì Ukraine không phải là thành viên của NATO, liên minh quân sự không có nghĩa vụ phải bảo vệ nên điều đó cũng đặt ra câu hỏi về mức độ sẵn sàng của Mỹ và EU để bảo vệ Kiev. Bản thân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi trả lời phỏng vấn hãng CBS có thừa nhận rằng Washington vẫn cam kết ngoại giao và đối thoại với Moscow "ngay cả khi chúng tôi đang xây dựng hệ thống phòng thủ, xây dựng các biện pháp răn đe”.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Anh, Dominic Raab nhấn mạnh: "Ukraine là một quốc gia tự do theo luật pháp quốc tế nên nước này phải tự quyết định số phận của mình. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ tự bảo vệ mình". Ông Dominic Raab nói thêm rằng sẽ có "hậu quả rất nghiêm trọng nếu Nga cố gắng xâm lược, đồng thời cài đặt một chế độ bù nhìn ở Ukraine” nhưng bất kỳ triển vọng nào về việc Anh triển khai quân sự tới Ukraine là "cực kỳ khó xảy ra".

“Những gì chúng tôi đã nói là chúng tôi sẵn sàng và tham gia vào các chương trình đào tạo để hỗ trợ người Ukraine tự vệ. Điều đó hoàn toàn đúng cho mục đích phòng thủ. Thứ hai, chúng tôi muốn đảm bảo rằng, chi phí kinh tế đối với Điện Kremlin khi làm như vậy là đủ lớn để họ phải suy nghĩ kỹ lại”, Phó Thủ tướng Anh nói.

Sông Thương
.
.
.