Cạm bẫy lừa đảo bủa vây sinh viên

Thứ Hai, 20/06/2022, 21:02

Giữa muôn vàn cạm bẫy lừa đảo đang bủa vây, sinh viên chính là “con mồi” béo bở nằm trong tầm ngắm của kẻ xấu. Chỉ bằng những thủ đoạn vô cùng đơn giản, nhưng lại hiệu quả và tức thì, nhiều sinh viên đã phải ngậm đắng nuốt cay, chua xót ôm những cú lừa đau đớn…

Lừa tặng sim điện thoại…

Thời gian gần đây, nhiều sinh viên tại làng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (P. Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bất ngờ nhận được lời mời chào tặng sim miễn phí. Nhóm “nhân viên nhà mạng” ăn vận đồng phục tươm tất, có dán logo thương hiệu rất đáng tin cậy nên thu hút được đông đảo sinh viên tham gia nhận quà tặng. Để nhận được sim, sinh viên chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân (số CMND, CCCD, điện thoại, hình ảnh) cho nhà mạng để mở tài khoản, thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi sinh viên cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân thì chờ “dài cổ” vẫn không nhận được bất cứ thứ gì mà nhà mạng cam kết trước đó.

Cạm bẫy lừa đảo bủa vây sinh viên -0
Vừa phải vật lộn với cuộc sống thị thành, sinh viên còn nơm nớp lo sợ bị lừa đảo.

Trong số sinh viên tham gia nhận sim miễn phí, có một số em đã rất cảnh giác và từ chối nhận sau khi phát hiện nhiều điểm khả nghi. Nguyễn Hữu Hướng, sinh viên năm 4, quê Hà Tĩnh kể lại: “Họ yêu cầu em đưa điện thoại rồi kêu em lấy giấy CCCD ra để họ chụp, tiếp đó là quét khuôn mặt và cung cấp mã OTP, tất cả đều nhập trên trang web của họ. Em có đọc trước đó, thấy các trường hợp đánh cắp thông tin nên thấy nghi ngờ, em giật điện thoại lại, trả sim rồi rời đi”.

Các sinh viên đã trót nhận sim và cung cấp thông tin cá nhân đang lo lắng bất an, không biết tài khoản thẻ, tài khoản ngân hàng mang thông tin cá nhân của mình đang ở đâu, bị kẻ xấu lợi dụng vào mục đích lừa đảo hay không. Minh Hiền cho biết: “Nhóm của em đã bàn với nhau hủy sim đã nhận, thay đổi mật khẩu ngân hàng, mật khẩu email, nhưng vẫn lo lắng vì họ đã chụp lại được số CMND, CCCD rồi”. 

Cạm bẫy lừa đảo bủa vây sinh viên -0
Trương Quang Anh Đức kẻ lừa đảo hàng trăm sinh viên ra đầu thú cơ quan Công an.

Mới đây nhất là vụ lừa đảo quy mô lớn, với hàng trăm nạn nhân là sinh viên tại khu vực Cần Thơ. Theo phản ánh, có hơn 300 sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP. Cần Thơ bỗng dưng bị ôm khoản nợ từ 15 - 60 triệu đồng do đứng tên làm hồ sơ mua hàng trả góp (gồm điện thoại di động, laptop…) theo mời gọi của Trương Quang Anh Đức (22 tuổi, ngụ tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

Từ năm 2020 đến nay, Đức đã thực hiện hành vi trên và chiếm đoạt số tiền khoảng 4 tỷ đồng sau đó rời khỏi địa phương khiến nhiều sinh viên bỗng dưng ôm nợ, bị bên cho vay liên tục siết nợ, hăm dọa gây tâm lý hoang mang, lo sợ, nhiều em phải bảo lưu kết quả học tập để làm thuê kiếm tiền trả nợ. Các em đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Biết không thể chạy thoát, Trương Quang Anh Đức đã ra cơ quan công an đầu thú vào ngày 4-6.

Tới lừa phòng trọ giá rẻ

Trung tuần tháng 6, Lê Hữu Nghĩa, sinh viên năm hai trường Đại học Tôn Đức Thắng chuyển từ nhà trọ tại TP Thủ Đức sang quận 7 để đi học cho gần trường. Nghĩa gọi vào số điện thoại dán trên cột điện có quảng cáo về nhà trọ giá rẻ thì gặp một người đàn ông xưng tên Hoàng, chủ dãy phòng trọ giá rẻ khu vực xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè. Theo lời giới thiệu của Hoàng, thì anh này hiện chỉ còn trống một phòng duy nhất trong khu trọ mới xây, có tiện ích đầy đủ như tivi, máy lạnh, máy nước nóng, tủ bếp. Ngay buổi chiều, Nghĩa gặp Hoàng và được dẫn đi xem phòng trọ trực tiếp. Đúng là phòng trọ mới và quá đầy đủ tiện nghi với giá rất sinh viên là 3,2 triệu đồng. Nghĩa ưng ngay căn phòng này và được Hoàng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc liền để giữ chỗ.

Cạm bẫy lừa đảo bủa vây sinh viên -0
Sinh viên là “con mồi” của kẻ xấu.

Nghĩa chuyển 1 triệu đồng tiền đặt cọc cho Hoàng và hẹn 2 ngày sau dọn vào ở sẽ thanh toán hết số còn lại. Ngày Nghĩa chở đồ tới phòng trọ thì tá hỏa vì phòng mình đang có người khác cũng vừa chuyển tới. Người mới cho biết, họ đã đặt cọc cho chủ nhà từ 1 tuần trước, hôm nay dọn vào ở. Người này gọi cho chủ nhà để xác minh và cho Nghĩa nghe điện thoại. Đầu dây bên kia là người phụ nữ, không phải Hoàng. Nghĩa trình bày sự việc của mình, bà chủ thốt lên: “Con bị lừa rồi. Mấy thằng đó là “cò” nhà trọ, chuyên đi lừa tiền cọc. Phòng trọ nhà cô từng phát hiện một trường hợp bị lừa y như con”. Nghĩa lập tức gọi cho Hoàng thì anh ta không bắt máy, sau đó tắt máy luôn.

Bà Lê Thị Thu Hòa, một chủ nhà trọ tại phường Tân Phong, quận 7 cho biết, hiện nay rất nhiều kiểu lừa đảo sinh viên theo cách chốt cọc. Thực tế, có nhiều chủ nhà trọ kết nối với môi giới để nhanh chóng cho thuê được phòng, sau đó thì trích hoa hồng 10-20% cho “cò” giới thiệu. Lợi dụng vào việc này, một số “cò” đã tự nhận mình là chủ nhà, sau đó dẫn người thuê đi xem nhà, rồi tự ý nhận cọc rồi bỏ trốn. Nạn nhân bị lừa đa phần là sinh viên, người lao động, số tiền bị lừa từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Một đối tượng có thể lừa hết người này tới người khác, khi bị bại lộ thì tắt máy, dùng sim điện thoại khác. Để tránh tình trạng này, một số chủ nhà trọ cương quyết không dùng đến phương pháp môi giới, họ chấp nhận để trống phòng lâu hơn. Thông tin về nhà trọ chỉ có một số điện thoại duy nhất và chỉ chủ nhà mới có quyền mở khóa cửa phòng. Tuy nhiên, nhiều sinh viên do nhẹ dạ cả tin, thiếu kinh nghiệm sống nên chỉ cần xem phòng từ bên ngoài, không cần vào trong vẫn xuống cọc để rồi tiền mất mà phòng trọ không có. 

Thêm một chiêu “móc túi” sinh viên nữa là “ở ghép”. Các đối tượng sẽ lên mạng tìm thông tin phòng trọ nào cần tuyển người ở ghép rồi mò tới đăng ký ở.

Một tuần trước, Nguyễn Văn An, 23 tuổi, sinh viên mới ra trường ở trọ tại phường Linh Xuân, TP. Thủ Đức đăng một thông tin cần người ở ghép lên trang mạng xã hội. Ngay sau đó có người liên lạc để xem phòng. An bận đi làm nên hẹn thứ 7 sẽ gặp thì người này bảo cần gấp, muốn tới xem liền. Do cần người nên An đồng ý tiếp bạn ở ghép vào buổi tối. Khi dẫn vào phòng trọ, người này ngó trước ngó sau, hỏi han đủ thứ trên trời dưới biển nhằm tạo thiện cảm. Người này quan sát rất kỹ mọi ngóc nghách trong căn phòng trọ rồi đột nhiên bảo muốn uống chai nước khoáng chanh. An nhanh nhẹn chạy ra quán tạp hóa đầu hẻm mua giúp và khi quay về thì không thấy bạn ở ghép đâu nữa, cũng không thấy chiếc điện thoại của mình ở đâu. An vội vàng chạy sang phòng trọ bên cạnh mượn máy gọi thì điện thoại đã bị tắt nguồn.

Mất điện thoại, mất luôn tất cả thông tin trong điện thoại nên An không có cách nào liên hệ với số điện thoại của đối tượng xin ở ghép. An cho biết, chiếc điện thoại của mình trị giá khoảng 5 triệu đồng. Cũng may là trong phòng không có thứ gì giá trị, nếu có đã bị kẻ xấu cuỗm đi hết.    

Cũng do tài chính eo hẹp, muốn tiết kiệm tiền thuê phòng trọ nên hai sinh viên Lê Hoài Thu, 22 tuổi và Thanh Tú, 20 tuổi, viết giấy mời gọi ở ghép dán ở các cột điện gần trường đại học của mình. Trước đó, Hoài Thu cũng nhờ cách này mà kiếm được Thanh Tú ở cùng và rất hợp ý nhau. Tú và Thu sau đó đã kiếm được một căn nhà cho thuê nguyên căn, có 2 phòng ngủ tại khu vực phường Hiệp Bính Phước, TP Thủ Đức.

Cạm bẫy lừa đảo bủa vây sinh viên -0
Không chỉ sinh viên mà tất cả người dân đều phải cảnh giác với chương trình tặng sim miễn phí có dấu hiệu bất thường.

Tờ rơi vừa được dán vài tiếng đã có người gọi điện hỏi, giới thiệu là sinh viên cùng trường, đã tốt nghiệp 2 năm hiện đi làm văn phòng. Nghe giọng rất ngọt ngào, nhẹ nhàng, Hoài Thu đồng ý để chị “khóa trên” tới xem nhà. Người này tới cùng một gã đàn ông giới thiệu là anh trai. Nhà trọ lúc này chỉ có một mình Hoài Thu. Tới cửa nhà, chỉ một mình người nữ bước vào, còn “anh trai” ở ngoài trông xe. Sau khi xem tới xem lui, người nữ hỏi thăm gia đình, quê quán, chia sẻ nhiều chuyện rất chân tình và gần gũi khiến Hoài Thu cảm thấy đáng tin cậy. “Chốt kèo” ở ghép xong, đột nhiên người nữ bảo để quên chìa khóa nhà ở trên căn gác và nhờ Hoài Thu lên lấy giúp vì cô này đau chân leo cầu thang hơi khó. Không chút mảy may, Hoài Thu lên gác lục tung khắp nơi vẫn không thấy chùm chìa khóa nào.

Khoảng 5 phút sau cô quay xuống thì không thấy “chị khóa trên” ở đó nữa. Thu ra ngoài xem thì phát hiện hai đối tượng đã mất hút. Thu giật mình chạy vào nhà kiểm tra phát hiện mất chiếc Ipad mới mua của cô em Thanh Tú và chiếc đồng hồ đeo tay Thu được bạn trai tặng trong dịp sinh nhật. May là điện thoại cầm trên tay nên vẫn còn, Hoài Thu gọi cho ả nữ thì cũng như bao cuộc gọi lừa đảo khác, tiếng chuông tắt nguồn quen thuộc vang lên. Giấy CMND mà “chị khóa trên” chụp lại cho Hoài Thu để làm niềm tin trước khi vào xem nhà, sau khi kiểm tra thì thông tin và con người đều không có thực. 

Mới đây, Bộ Công an, Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an các tỉnh, thành đã ra cảnh báo việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các nhóm lừa đảo có nhiều hình thức tinh vi như: Dụ dỗ đăng ký, sử dụng các dịch vụ online; Xin, thuê chụp ảnh CCCD, CMND, thẻ ngân hàng của người dân với giá vài trăm nghìn đồng… Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho xã hội.

Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, nhóm người xấu sẽ bán thông tin cho người khác để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như: Làm giấy tờ giả để mở tài khoản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền phi pháp; giả mạo, giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, thuế... gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; hứa hẹn gửi quà, tiền cho người dân rồi yêu cầu họ chuyển tiền phí, lệ phí vào tài khoản ngân hàng đã được chỉ định…

Ngọc Thiện
.
.
.