Kia
Mobifone

Ông Pierre Poilievre - gương mặt mới trên chính trường Canada

Thứ Tư, 15/01/2025, 12:21

Pierre Poilievre, lãnh đạo đảng Bảo thủ, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò khi người dân Canada hướng đến cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Với phong cách được xem như bản sao của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, chính trị gia 45 tuổi này đang thành công trong nỗ lực gây sức ép buộc Thủ tướng Justin Trudeau phải tuyên bố từ chức.

Ứng cử viên hàng đầu thay thế Thủ tướng Trudeau

Ông Pierre Poilievre, người được xem như ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí thủ tướng tiếp theo của Canada, đã mô tả đất nước mình là “tan vỡ”, đầy rẫy “tội phạm và hỗn loạn”. Ông chế giễu Thủ tướng Justin Trudeau và các bộ trưởng. Tại Quốc hội, ông gọi một nhà lãnh đạo phe đối lập cánh tả và từng ủng hộ Thủ tướng Trudeau là “kẻ giả tạo, gian dối”.

chinh truong canada - anh 1.jpg -0
Ông Pierre Poilievre và Đảng Bảo thủ đang bỏ xa Thủ tướng Justin Trudeau và Đảng Tự do trong các cuộc thăm dò dư luận. Ảnh: NYT.

Vô cùng tức giận, nhà lãnh đạo này đứng khỏi ghế, bước vào lối đi và hét lên: “Tôi ở ngay đây, anh bạn”. “Hãy làm đi”, ông Poilievre đáp trả khi Chủ tịch Quốc hội Canada đang cố gắng khôi phục sự bình tĩnh và cầu xin các nhà lập pháp tôn trọng “các quy tắc mà chúng ta có”.

Đấy là một vài lát cắt ngắn gọn về ông Pierre Poilievre, lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập Canada, người đã mở rộng các quy tắc trong diễn ngôn chính trị của đất nước bằng phong cách hiếu chiến, tấn công và thông điệp dân túy, chống lại giới tinh hoa. Nhưng, điều đáng nói hơn, cho đến nay thì chiến lược đó lại có hiệu quả.

Trong năm qua, ông Pierre Poilievre và đảng của mình đã có lợi thế dẫn trước Thủ tướng Justin Trudeau và đảng Tự do với tỷ lệ 2 chữ số trong các cuộc thăm dò dư luận tại Canada.

Nếu dữ liệu từ ấy được cụ thể hóa thành lá phiếu, chính trị gia 45 tuổi này sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Canada trong cuộc tổng tuyển cử phải được tổ chức vào tháng 10 nhưng nhiều khả năng sẽ được tổ chức vào mùa xuân năm nay. Sở dĩ, có nguy cơ bầu cử sớm là bởi ngày 6/1, ông Trudeau đã thông báo về việc sẽ từ chức lãnh đạo đảng Tự do và rời ghế thủ tướng sau khi đảng của ông quyết định người kế nhiệm.

Là một chính trị gia được biết đến như “chiến binh hung hăng” của đảng mình, với trực giác nhạy bén về các chủ đề được cử tri đồng tình, ông Poilievre đã thành công trong việc tạo dựng sự ủng hộ áp đảo Thủ tướng Trudeau, người đã để mất nhiều sự ủng hộ trong năm qua.

Trong cuộc họp báo công bố quyết định từ chức, Thủ tướng Trudeau phê phán rằng “tầm nhìn của ông Poilievre về đất nước không phải là tầm nhìn đúng đắn đối với người dân Canada”, đồng thời nói thêm rằng nhà lãnh đạo phe đối lập này không đưa ra “một cái nhìn đầy tham vọng và lạc quan về tương lai”. Nhưng, các cuộc thăm dò dư luận đang chỉ ra điều ngược lại.

Đảng Bảo thủ của ông Poilievre đã kết thúc năm 2024 với tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục, nhiều hơn 26 điểm phần trăm so với đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau. Theo số liệu mới nhất của Nanos Research, đảng Bảo thủ nắm giữ 47% người ủng hộ, so với 21% của đảng Tự do. Ông Poilievre cũng là lựa chọn ưu tiên cho vị trí thủ tướng của 40% người Canada được khảo sát, tiếp theo là Thủ tướng Trudeau với 17,4% và Jagmeet Singh của đảng NDP với 13,9%.

chinh truong canada - anh 3.jpg -2
Năm 2021, ông Poilievre công khai ủng hộ những tài xế xe tải đã làm tê liệt trung tâm thủ đô Ottawa để phản đối lệnh tiêm vaccine. Ảnh: ElliotLakeToday.

Nik Nanos, nhà khoa học dữ liệu trưởng tại Nanos Research, cho biết: "Điều này có nghĩa là, năm 2025, người chiến thắng sẽ là đảng Bảo thủ và Pierre Poilievre”. Quan điểm trên cũng được chia sẻ bởi một cuộc thăm dò khác, do Viện Angus Reid tiến hành vào ngày 3/1, khi các kết quả chỉ ra rằng ông Poilievre sẽ đánh bại bất kỳ ứng cử viên nào được kỳ vọng tiếp quản vị trí lãnh đạo đảng Tự do thay Thủ tướng Trudeau.

Dưới lá cờ dân túy

Tuy nhiên, liệu ông Poilievre có thể giữ vững vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò hay thậm chí là phát triển thêm nữa hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ mà chỉ có thời gian mới trả lời chính xác. Đặc biệt, trong những tháng tới, việc đảng Tự do lựa chọn người kế nhiệm có thể mang lại sự gia tăng mức độ ủng hộ với đảng này. Và, ông Poilievre, người trở thành lãnh đạo của đảng Bảo thủ từ năm 2022, cũng sẽ phải vận động theo chương trình nghị sự của riêng mình để giành được sự ủng hộ của các cử tri chính thống.

chinh truong canada - anh 2.jpg -1
Ông Poilievre có phong cách và quan điểm chính trị hoàn toàn đối lập với Thủ tướng Trudeau.

“Ông ấy sẽ rất khác so với bất kỳ thủ tướng nào khác mà chúng ta từng có”, Duane Bratt, nhà khoa học chính trị tại Đại học Mount Royal ở Calgary, bang Alberta, cho biết. “Ông ấy rất hiếu chiến và ông ấy đã như vậy trong suốt cuộc đời mình. Điều đó thật tuyệt vời với tư cách là một nhà lãnh đạo phe đối lập và thậm chí là một bộ trưởng cấp dưới. Nhưng, liệu ông ấy có nên làm như vậy với tư cách là thủ tướng không?”.

Giống như những nhà lãnh đạo dân túy khác, ông Poilievre đã khai thác sự thất vọng của cử tri sau đại dịch về chi phí sinh hoạt tăng cao, nhà ở đắt đỏ và những gì mà nhiều người cho là chính phủ Thủ tướng Trudeau đã đưa ra những quyết định lớn - như tăng nhập cư lên mức lịch sử hoặc áp dụng thuế carbon - mà không có nhiều lời giải thích hoặc tham vấn.

3 năm trước, ông Poilievre là một trong số ít chính trị gia công khai ủng hộ những tài xế xe tải làm tê liệt trung tâm thủ đô Ottawa trong nhiều tuần để phản đối lệnh tiêm vaccine. “Ông ấy đã truyền tải chủ nghĩa bài trừ tinh hoa ở Canada”, Lori Turnbull, nhà khoa học chính trị tại Đại học Dalhousie ở Halifax, bang Nova Scotia, nói với Báo New York Times. “Đó là chủ nghĩa dân túy, chống lại thể chế. Đó là một phần lớn trong thông điệp của ông ấy”.

Ông Poilievre đã thúc đẩy thông điệp bảo thủ truyền thống về tự do cá nhân, chính phủ tinh gọn, thuế suất thấp hơn, nghiêm khắc với tội phạm và nới lỏng các quy định đối với ngành dầu mỏ của Canada. Nhưng, ông đã lồng ghép thông điệp của mình với những lời chỉ trích chống lại “giới tinh hoa toàn cầu hóa Davos”, đe dọa sa thải Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada, chấp nhận tiền điện tử và tấn công các phương tiện truyền thông chính thống, đặc biệt là đài truyền hình công cộng CBC, nơi mà ông đã tuyên bố sẽ cắt nguồn tài trợ.

Ông Poilievre cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Jordan Peterson, nhà tâm lý học người Canada và là ngôi sao truyền thông xã hội bảo thủ: “Vấn đề mà chúng ta gặp phải ở đất nước này và ở tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thức tỉnh không tưởng khủng khiếp này là nó tập trung vào sự vĩ đại, sự vĩ đại của giới lãnh đạo ích kỷ đứng đầu chứ không phải những điều vĩ đại và tuyệt vời về người dân thường”.

“Và, đó là một lý do khác khiến tôi nghĩ chúng tôi đang làm rất tốt", ông Poilievre nói thêm. “Mọi người đang nói rằng, cuối cùng, đã có người tập trung vào việc để tôi lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của chính họ”.

Sự tương phản hoàn toàn với ông Trudeau

Trong cuộc sống cá nhân, ông Poilievre hoàn toàn khác Thủ tướng Justin Trudeau - con trai của cựu Thủ tướng Pierre Trudeau và trải qua tuổi thiếu niên trong nhung lụa ở thủ đô Ottawa.

Trong một nỗ lực rõ ràng để nhấn mạnh nguồn gốc khiêm tốn của mình, ông Poilievre thường kể câu chuyện về việc mình là con của một người mẹ 16 tuổi ở thành phố Calgary và được cho làm con nuôi. Cha mẹ nuôi của ông, hai giáo viên, đã chia tay khi ông 12 tuổi, sau đó cha nuôi của ông công khai là người đồng tính.

chinh truong canada - anh 5.jpg -4
Ông Poilievre và cha nuôi. Chính trị gia này thường nhắc đến xuất thân kém may mắn của mình như một ví dụ của nỗ lực phấn đấu.

Khi được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ trong chiến thắng vang dội vào năm 2022, ông Poilievre đã gửi lời chào đến mẹ ruột, cha mẹ nuôi và bạn đời lâu năm của cha mình, tất cả đều có mặt trong khán phòng. “Chúng tôi là một nhóm người phức tạp và hỗn tạp, giống như hầu hết các gia đình, giống như đất nước chúng tôi vậy”, ông Poilievre, người ủng hộ hôn nhân đồng giới và quyền phá thai, cho biết.

Ông Poilievre có 2 con nhỏ với vợ là Anaida Galindo, một cựu trợ lý Thượng viện. Bà Poilievre sinh ra ở Venezuela nhưng lớn lên cùng gia đình ở Montreal. Chồng bà thường nhắc đến những lợi ích của việc nhập cư bằng cách lấy gia đình vợ mình làm ví dụ, nói rằng họ đến Canada “gần như chẳng có gì cả” và “giống như rất nhiều gia đình nhập cư khác, họ đã xây dựng đất nước của chúng tôi”.

chinh truong canada - anh 4.jpg -3
Ông Poilievre và vợ, bà Anaida, có một gia đình hạnh phúc với hai "nhóc tì" đáng yêu. Ảnh: Le Journal Montreal.

Tham gia đời sống chính trị bảo thủ ở Calgary từ khi còn là thiếu niên, ông Poilievre đã trở thành thành viên trẻ nhất của Quốc hội Canada khi được bầu làm nghị sĩ năm 2004, ở tuổi 25. Ông nhanh chóng thăng tiến, gây ấn tượng với các chính trị gia lớn tuổi hơn bằng sự chăm chỉ, nhạy bén và tính hiếu chiến, được mọi người đặt cho biệt danh “Skippy” (tên một nhãn hiệu bơ lạc).

Ông Poilievre đã cố gắng rũ bỏ hình ảnh thiếu phong cách được gợi lên bởi biệt danh này bằng một cuộc “lột xác” vào mùa hè năm 2023. Từ bỏ bộ vest xanh navy và cà vạt, chính trị gia sinh năm 1979 bắt đầu xuất hiện trước công chúng trong trang phục quần jean và đôi khi là áo phông bó sát. Ông cũng từ bỏ cặp kính vuông trông rất “cơ bản” để chuyển sang đeo kính áp tròng và kính râm phi công.

Bà Turnbull, nhà khoa học chính trị, cho biết: "Ông ấy đã biến đổi hình ảnh của mình từ một anh chàng mọt sách đeo kính và lúc nào cũng cau có thành một người ủng hộ Bitcoin, người thu hút được các cử tri trẻ, cử tri nam".

Ông Poilievre nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với chuyên gia truyền thông xã hội Peterson rằng ông đã trở nên “cứng rắn hơn” kể từ khi trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và đã sẵn sàng trở thành thủ tướng. “Với tôi, đó là chuyện cá nhân”, ông nói. “Tôi không xuất thân từ gia cảnh giàu có hay được ưu ái. Tôi được các giáo viên nhận nuôi, lớn lên trong một khu phố ngoại ô bình thường. Chúng tôi không phải lúc nào cũng có tiền. Nhưng, tôi đã có thể đến được đây”.

Nguyễn Khánh

.
.