Mexico: Cựu Tổng thống bị cáo buộc tham nhũng

Chủ Nhật, 30/08/2020, 23:24
Không những bị buộc tội nhận 100 triệu USD từ Joaquín Guzmán Loera, trùm tội phạm khét tiếng El Chapo, bị tịch thu tài sản ở nhiều nơi, cựu Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto còn phải đối mặt với cáo buộc mới từ chính cựu trợ lý, cựu Giám đốc Công ty Dầu khí quốc doanh Pemex Emilio Lozoya rằng ông cùng với cựu Bộ trưởng Tài chính Luis Videgaray Caso đã thiết lập nên một “đế chế tham nhũng” trong chính phủ liên bang.

Lời tố cáo mới

Theo cáo buộc mà Emilio Lozoya đưa ra, cựu Tổng thống Enrique Pena Nieto và cựu Bộ trưởng Tài chính Luis Videgaray Caso chỉ đạo một kế hoạch lại quả và biển thủ trực tiếp từ văn phòng tổng thống. Emilio Lozoya là cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí nhà nước Pemex và là một cựu quan chức hàng đầu trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012 của ông Enrique Pena Nieto.

Lozoya bị bắt ở miền Nam Tây Ban Nha vào tháng 2 và bị dẫn độ tới Mexico vào tháng 7 để đối mặt với cáo buộc nhận hối lộ 4 triệu USD từ Tập đoàn Xây dựng Brazil Odebrecht. Nhưng, hồi đầu tháng 8, các công tố viên Mexico thông báo họ đã đạt được một thỏa thuận với Emilio Lozoya, theo đó tên này có thể tránh bị tù để đổi lại lời khai về tham nhũng trong chính quyền Tổng thống Enrique Pena Nieto giai đoạn 2012-2018.

Cụ thể, Emilio Lozoya cáo buộc Enrique Pena Nieto và Luis Videgaray Caso đã sử dụng Pemex thuộc sở hữu nhà nước để "thực hiện những lời hứa được đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2012. Các cáo buộc khác cũng được Emilio Lozoya đưa ra trong một tài liệu bị rò rỉ dài khoảng 60 trang, được chính quyền Mexico xác thực hôm 19-8. Đồng thời, Emilio Lozoya cũng cáo buộc Enrique Pena Nieto và Luis Videgaray Caso tống tiền, gian lận và biển thủ công quỹ.

“Tổng thống và Bộ trưởng Tài chính đã lợi dụng tôi để tạo ra một âm mưu tội phạm nhằm làm giàu cho bản thân, không chỉ bằng cách lấy tiền của chính phủ, mà còn moi tiền từ các cá nhân và công ty, lừa đảo và gian dối”, Emilio Lozoya viết.

Hãng thông tấn AP đã thu được bản sao lời khai của Emilio Lozoya và tiết lộ rằng, cựu Tổng thống và cựu Bộ trưởng đã sử dụng hơn 100 triệu peso (khoảng 5 triệu USD) tiền hối lộ để trả cho các chuyên gia tư vấn nước ngoài làm việc trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012. Ngoài ra, hai cựu quan chức nói trên còn hướng dẫn Emilio Lozoya sử dụng hàng triệu USD hối lộ để trả tiền cho các nhà lập pháp nhằm hỗ trợ các cải cách do Enrique Pena Nieto đưa ra trong nhiệm kỳ 6 năm.

Emilio Lozoya và cựu Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto.

Việc "mua phiếu" đã được tiến hành để tranh thủ sự ủng hộ cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế năm 2013 và 2014, trong đó có việc mở cửa ngành năng lượng vốn thuộc độc quyền của nhà nước trong suốt 75 năm. Tổng số tiền được sử dụng trong các giao dịch hối lộ lên tới hơn 25 triệu USD.

Theo tin từ hãng Reuters, Emilio Lozoya còn khai với các nhà điều tra rằng khoản hối lộ mà Tập đoàn Xây dựng Brazil Odebrecht trả cho các quan chức Mexico không chỉ nhằm mục đích giành được nhiều hợp đồng công trình công cộng béo bở mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch cải cách năng lượng sâu rộng của Mexico, được ban hành khi ông Enrique Pena Nieto còn tại vị.

Những khoản hối lộ triệu USD

Emilio Lozoya từng là điều phối viên quan hệ quốc tế của chiến dịch của cựu Tổng thống Enrique Pena Nieto vào năm 2012 với công việc chính là tìm nguồn tài trợ từ các công ty nước ngoài để trả tiền cho các nhà tư vấn nước ngoài và Mexico, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh của Enrique Pena Nieto trên trường quốc tế.

Đầu năm 2012, Luis Videgaray Caso khi đó là người quản lý chiến dịch của Enrique Pena Nieto, được cho là đã nói với Emilio Lozoya yêu cầu 6 triệu USD từ Odebrecht. Đổi lại, công ty này sẽ được thưởng khi Enrique Pena Nieto giành chiến thắng. Một phần của phần thưởng đó là cơ hội cho các công ty tư nhân nằm trong cuộc cải cách năng lượng ở Mexico năm 2013.

Emilio Lozoya cho biết, khoảng 300.000 USD đã được trao cho José Antonio Meade và các chính trị gia khác. Tuy nhiên, José Antonio Meade đã bác bỏ những cáo buộc này và viết trên tài khoản Twitter. Trong khi đó, một số tờ báo địa phương cho hay, các chính trị gia đối lập được Emilio Lozoya đề cập bao gồm một số cựu thượng nghị sĩ, trong số đó có cả Thống đốc hiện tại của bang Tamaulipas, Francisco García Cabeza de Vaca.

Emilio Lozoya cũng cáo buộc nghị sĩ Ricardo Anaya, người trở thành ứng cử viên tổng thống năm 2018 cho đảng Hành động quốc gia bảo thủ và các nhân vật hàng đầu khác của đảng này. Cựu Tổng thống Carlos Salinas de Gortari cũng có tên trong danh sách nhận tiền và đã nhận khoảng 4 triệu USD thay cho các nhân vật khác của đảng Hành động quốc gia.

Bước tiến trong chống tham nhũng?

Giới quan sát nhận định, trong khi nền chính trị Mexico từ lâu đã có nhiều điều tiếng về tham nhũng, hiếm khi các chính trị gia cấp cao phải đối mặt với cáo buộc hình sự nên sự kiện lần này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Người dân Mexico đang rất mong đợi vụ án tham nhũng bom tấn với sự trở lại của cựu Giám đốc Pemex.

Tổng thống đương nhiệm Andrés Manuel López Obrador, người đã coi vụ án này là một bước tiến “lịch sử” trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông cũng đang muốn biến cuộc chiến chống tham nhũng trở thành dấu ấn trong chính quyền của ông, bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng 12 năm 2018.

Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng lời khai của cựu Giám đốc Emilio Lozoya có thể sẽ giúp ích cho tổng thống đương nhiệm khi ông đối mặt với những thời điểm khó khăn nhất trong nhiệm kỳ. Theo kế hoạch, cùng với lời khai này của Emilio Lozoya, giới chức Mexico sẽ mở rộng điều tra cáo buộc từ Alex Cifuentes Villa, một trùm ma túy Colombia tại phiên tòa xét xử hồi tháng 1 năm 2019 rằng cựu Tổng thống Enrique Pena Nieto đã nhận hối lộ 100 triệu USD từ trùm tội phạm khét tiếng El Chapo Joaquín Guzmán Loera.

Chưa hết, ngoài những cáo buộc nghiêm trọng này, ông Enrique Pena Nieto còn đang phải đối mặt với một cuộc điều tra tham nhũng liên quan tới việc trao các hợp đồng trị giá khoảng 640 triệu USD cho công ty gia đình liên kết với công ty dược phẩm Baxter International của Mỹ.

Cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 5 năm 2020 và theo thông tin trên báo El Universal của Mexico, Công ty Plasti-Estéril, được thành lập năm 1991 bởi gia đình cựu Tổng thống Enrique Pena Nieto, đã hưởng lợi từ các thỏa thuận mà chính phủ ký với Baxter International trong giai đoạn 2012-2018.

Ngọc Khuê
.
.
.