Cựu tổng thống Argentina dính cáo buộc tham nhũng

Thứ Năm, 03/01/2019, 09:59
Bà Cristina Fernandez de Kirchner, từng đảm nhiệm cương vị Tổng thống từ 2007 đến 2015 sẽ phải ra tòa vì cáo buộc đã nhận hối lộ hàng chục triệu đôla Mỹ. Ngoài quyết định đáng chú ý trên, Tòa án liên bang Argentina còn yêu cầu phải tước bỏ quyền miễn truy tố và bắt giữ bà.

Về phần mình, bà Cristina (hiện vẫn đang là thượng nghị sĩ) đã bác bỏ tất cả những cáo buộc trên, đồng thời gọi đây là một âm mưu của đương kim Tổng thống Mauricio Macri nhằm đảm bảo chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2019...

Nguyên Tổng thống Cristina Kirchner là vợ góa của chính trị gia nổi tiếng Nestor Kirchner, người cũng từng nắm giữ chiếc ghế tổng thống từ năm 2003 đến 2007. Thông báo của tòa án liên bang nhằm vào bà Cristina lần này đã khẳng định: “Trong giai đoạn cầm quyền của Nestor Kirchner đã hình thành cả một hệ thống nhận hối lộ trái pháp luật và tiếp tục được duy trì trong cả nhiệm kỳ của vợ ông ta”.

Văn bản trên còn chỉ đích danh vợ chồng nhà Kirchner là người tổ chức ra các sơ đồ tham nhũng trên, đồng thời cũng là những người hưởng lợi chính.

Vụ bê bối tham nhũng trên bắt đầu nổ ra từ tháng 8 năm nay, sau khi báo La Nacion công bố cái gọi là “những cuốn sổ tay tham nhũng”, trong đó Oscar Centeno (tài xế riêng của cựu Bộ trưởng Kế hoạch trong nội các Kirchner là Julio Miguel De Vido) đã ghi chép tỉ mỉ về việc chuyển các bao tải tiền từ tòa nhà các cơ quan chính phủ tới nhà riêng của vợ chồng Kirchner.

Những khoản tiền lớn trên được coi là phần hối lộ của các doanh nhân trong lĩnh vực xây dựng để có thể nhận được những gói thầu lớn của chính phủ. Trong những cuốn sổ dày tổng cộng 96 trang ghi chép trong suốt 10 năm, viên tài xế đã liệt kê rất tỉ mỉ về thời gian, địa chỉ, người nhận, số tiền v.v... và đôi khi cả trọng lượng các bao tải tiền.

Oscar Centeno đã trao 8 cuốn sổ trên cho Le Nacion từ đầu năm nay, trước khi tờ báo này quyết định công bố sau một thời gian điều tra. Theo tính toán của các phóng viên, tổng số tiền hối lộ được ghi trong các cuốn sổ vào khoảng gần 56 triệu đôla. Còn tuyên bố từ phía viện kiểm sát, giá trị các khoản hối lộ trên thực tế còn cao hơn nhiều - lên tới gần 160 triệu đôla.

Bà Cristina Kirchner.

Bà Cristina Kirchner luôn quả quyết rằng, vụ việc trên được khơi mào chủ yếu xuất phát từ động cơ chính trị. Sau khi biết được về quyết định của tòa án, bà Cristina viết trên trang Twitter của mình rằng, đứng đằng sau giật dây cho những lời buộc tội nhằm vào bà chính là đương kim Tổng thống Mauricio Macri, Liên minh cầm quyền Cambiemos và báo Clarin.

Trên thực tế, vụ bê bối liên quan đến các khoản “lại quả” từ những gói thầu xây dựng còn liên quan đến chính gia đình Tổng thống Marci. Cụ thể là cha và anh trai của Tổng thống mới một tuần trước đó đã bị thẩm phán Bonadio triệu tập để lấy lời khai trước những nghi vấn về việc, liệu họ có dính líu vào vụ tham nhũng liên quan đến những gói thầu xây dựng đường cao tốc của Công ty Autopistas del Sol Company nằm trong Tập đoàn Macri của gia đình ông.

Dính líu vào vụ bê bối này còn có người anh họ Angel Calcaterra, cựu chủ nhân của công ty xây dựng IECSA, người hồi tháng 8 vừa qua đã thú nhận đã từng hối lộ các chính trị gia. Chính Calcaterra đang là ông chủ hiện tại của Macri Group, cho dù nhiều người tại Argentina đang cho rằng, tập đoàn này trên thực tế vẫn đang nằm dưới sự điều hành của tổng thống như trước kia.

Trong phiên họp của tòa án vào hôm 20-12 vừa rồi, thẩm phán Bonadio yêu cầu phải bắt giữ cựu tổng thống nhưng đương kim thượng nghị sĩ Cristina Kirchner hiện vẫn đang được luật pháp bảo vệ quyền miễn trừ bắt giữ. Theo đánh giá, khả năng tước bỏ quyền miễn trừ của Cristina là không hề dễ dàng, khi bà đang có được tỉ lệ ủng hộ khá cao của các thượng nghị sĩ.

Hồi tháng 8 vừa rồi, Thượng viện từng bỏ phiếu thông qua việc tước bỏ một phần quyền bất khả xâm phạm của bà Cristina. Nhờ đó, cảnh sát mới có thể tiến hành khám xét tại 3 căn nhà của bà. Có điều nếu như không thể tước bỏ toàn bộ quyền miễn trừ, Cristina Kirchner vẫn sẽ được tự do, ngay cả khi tòa án phán quyết bà có tội.

Câu chuyện về “những cuốn sổ tay tham nhũng” không phải là rắc rối đầu tiên về tòa án liên quan đến cựu Tổng thống Cristina Kirchner. Theo kế hoạch, vào ngày 26-2-2019 sẽ diễn ra phiên điều trần về một vụ án tham nhũng khác, Theo đó, cựu Tổng thống bị buộc tội cùng với chồng đã giúp đỡ một người bạn thân của gia đình là thương gia Lazaro Bayes để có thể nhận được các gói thầu xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng tại tỉnh Santa Cruz.

Theo giả thuyết điều tra ban đầu, Lazaro đã trả cho vợ chồng nhà Kirchner một phần giá trị hợp đồng để đổi lấy những gói thầu trên. Chỉ tính riêng các hợp đồng mà Lazaro Bayes có được trong giai đoạn 2008-2013 đã lên tới gần 900 triệu đôla, với giá thành được thổi lên ít nhất 15%. Số tiền vợ chồng Kirchner nhận được theo nhận định đã được rửa qua các hợp đồng cho Lazaro thuê một số bất động sản. Chưa hết, cựu tổng thống còn bị cáo buộc dính líu vào các hoạt động gian lận tại Ngân hàng Trung ương Argentina, làm giàu trái phép và tham ô từ ngân sách quốc gia.

Trước những chỉ trích của cựu tổng thống rằng, vụ việc trên chỉ là một âm mưu do đương kim tổng thống giật dây để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc bầu cử tháng 10-2019, ông Marci vẫn khẳng định bản thân không thể gây ảnh hưởng lên hệ thống tư pháp hoạt động theo nguyên tắc độc lập. Ngay từ trước đó khá lâu, tờ El Pais của Tây Ban Nha từng bình luận, đương kim Tổng thống Marci sẽ cực kỳ thuận lợi nếu như bà Cristina bị xét xử nhưng... không phải vào tù.

Nguyên nhân là do khi đó, bà Cristina vẫn sẽ là thủ lĩnh của phe đối lập tham gia tranh cử, trong khi có đến một nửa số thành viên của phe này đang nóng lòng muốn lật đổ chiếc ghế của bà. Trong tình cảnh vừa mất uy tín trước cử tri vì bê bối tham nhũng, vừa không có được sự ủng hộ trong nội bộ đảng, cơ hội giành chiến thắng của bà Cristina Kirchner gần như là không có.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.
.