Cựu Tổng thống Brazil: Từ người hùng thành tội đồ

Thứ Ba, 18/07/2017, 14:46
Ngày 13-7-2017, Tòa án Brazil đã tuyên buộc cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva tội tham nhũng và rửa tiền và tuyên án ông gần 10 năm tù. Thông tin này đã gây chấn động không chỉ Brazil mà cả khu vực Mỹ Latinh, bởi ông Lula da Silva là một trong những tượng đài của phong trào cánh tả Nam Mỹ trong thập niên đầu thế kỷ XXI, có uy tín và tầm ảnh hưởng khắp cả khu vực.

Theo cáo trạng của cơ quan công tố, ông Lula Da Silva và vợ bị cáo buộc đã nhận bất hợp pháp căn hộ mặt tiền bãi biển và những những khoản tiền chi phí cho việc nâng cấp căn hộ này trị giá 1,1 triệu USD từ công ty xây dựng Odebrecht cho. Để đổi lại, công ty Odebrecht đã nhận được những hợp đồng béo bở từ Tập đoàn Petrobras. Ông Lula Da Silva đã bác bỏ phán quyết của Tòa án, cho rằng phán quyết không có cơ sở pháp lý, mang động cơ, mục đích chính trị hơn là sự buộc tội công tâm, đúng thực chất, và đó là một thất bại của ngành tư pháp Brazil.

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Lula Da Silva đã phát hành một bản tuyên bố hôm 13-7 trong đó khẳng định ông vô tội. Họ cho rằng ông là nạn nhân của hoạt động công tố đã bị chính trị hóa, "một chiến lược nổi tiếng đã từng được nhiều lãnh đạo độc tài trong quá khứ sử dụng để phục vụ chính sách cai trị tàn bạo".

Năm nay 71 tuổi, ông Lula da Silva từng làm Tổng thống Brazilo trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2003 đến 2010. Ông lãnh đạo đất nước Brazil trong thời kỳ kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất, đưa Brazil trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới, nâng cao vị thế Brazil trên trường quốc tế, gia nhập nhóm BRICS, G20,...

Cựu Tổng thống Lula Da Silva.

Trong khu vực Mỹ Latinh, Brazil là một trong những trụ cột quan trọng của phong trào cánh tả những năm đầu thế kỷ XXI, có tiếng nói đủ mạnh để tham gia giải quyết nhiều vấn đề lớn trong khu vực châu Mỹ nói chung. Thành công của Brazil đã giúp nâng cao uy tín cho ông Lula Da Silva, cho nên khi ông mãn nhiệm chức Tổng thống Brazil, tỉ lệ dân chúng Brazil ủng hộ ông vẫn còn rất cao, hơn cả tổng thống kế nhiệm Dilma Rousseff.

Sau khi mãn nhiệm, ông đã trao chiếc ghế lãnh đạo lại cho người kế tục con đường chính trị thiên tả của mình là bà Dilma Rousseff. Gần đây, ông đã có kế hoạch trở lại chính trường và đã công khai ý định ra tranh cử Tổng thống Brazil vào năm tới, bất chấp các cáo buộc tham nhũng nhắm vào ông kể từ khi bà Dilma Rousseff bị luận tội và phế truất trong cái gọi là "đảo chính tư pháp" lớn nhất ở Brazil.

Vụ án tham nhũng đối với ông Lula da Silva bắt đầu từ cuộc điều tra rửa tiền tại một trạm xăng dầu. Khi các công tố viên đào sâu thông tin điều tra, họ cho rằng đã phát hiện hàng tỉ USD tiền tham nhũng có liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Petrobras và các nhà thầu hùng mạnh như Odebrecht, một công ty lớn chuyên ngành xây dựng có các mối quan hệ sâu rộng khắp toàn cầu. Cuộc điều tra sau đó biến thành cuộc điều tra chống tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Brazil hiện đại, mang bí danh Lava Jato (Rửa xe).

Cuộc điều tra đã lôi ra ánh sáng công lý và tống giam, buộc tội hàng chục quan chức chính phủ, hàng chục chính khách có máu mặt trong Quốc hội, đe dọa làm sụp đổ toàn bộ hệ thống chính trị Brazil. Chính vì vậy mà các chính khách trong Quốc hội Brazil đã tìm cách thông qua một đạo luật "miễn trừ" để bảo vệ họ khỏi bị truy cứu tiếp theo trong vụ án. Tuy nhiên, dự luật đã không được thông qua vì không phù hợp hiến pháp, và những ai tay đã lỡ nhúng chàm đều buộc phải chấp nhận "số phận".

Trong số các chính khách có máu mặt trong Quốc hội bị truy cứu có cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha và đương kim Tổng thống Michel Temer. Ông Cunha đã bị tuyên án 15 năm tù vào tháng 3-2017 vì các tội tham nhũng và rửa tiền. Cunha là một trong những người hăng hái nhất trong việc vận động luận tội bà Tổng thống Dilma Rousseff.

Vi phạm của ông đã được phát hiện trong tiến trình điều tra vụ án Petrobras, và người ta cho rằng mục đích của việc thúc đẩy luận tội Tổng thống Dilma Rousseff là nhằm ngăn chặn cuộc điều tra Lava Jato để ông có cơ may thoát tội. Tuy nhiên, ý đồ của ông Cunha đã không thành nhờ sự cứng rắn và quyết tâm cao của Thẩm phán Sergio Moro, người được giao phụ trách cuộc điều tra Lava Jato.

Hiện tại, ông Lula Da Silva đang được hưởng quyền tại ngoại trong thời gian kháng cáo lên Tòa án Tối cao Brazil. Trong thời gian này, pháp luật Brazil vẫn cho phép ông ra ứng cử tổng thống, nhưng nếu đơn kháng cáo của ông bị bác hoặc tòa phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm thì ông buộc phải bị bắt giam và mất quyền ứng cử, đồng thời bị cấm tham gia giữ chức vụ trong thời gian rất lâu, lên đến 19 năm.

Giới phân tích đánh giá phán quyết của tòa án đối với ông Lula da Silva là một đòn nặng đối với ông. Nó không chỉ tạo ra nguy cơ lớn nhất làm ông vĩnh viễn mất quyền hoạt động chính trị, mà còn tạo ra "vết sẹo" lớn trên chiếc bình hoa di sản chính trị khổng lồ ông đã tạo ra sau 2 nhiệm kỳ làm tổng thống.

Một con người giàu uy tín bậc nhất Brazil, một tượng đài chính trị cánh tả khu vực Mỹ Latinh đã bị buộc tội tham nhũng trong một vụ án đình đám nhất Brazil. Không những thế, nó còn làm cho đảng Công nhân cầm quyền lâm vào thế hết sức khó khăn khi tìm người ra ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Vụ phán quyết tuyên án cựu Tổng thống Lula Da Silva làm chết đi một tượng đài chính trị, đồng thời cũng làm nổi lên một gương mặt mới đầy triển vọng là Thẩm phán Sergio Moro. Thẩm phán Moro được xem là đối thủ chính trị sừng sỏ của ông Lula Da Silva trong thời điểm hiện tại. Có ý kiến gợi ý ông ra tranh cử tổng thống vào năm tới, nhưng Thẩm phán Moro đã thẳng thắn bác bỏ điều này.

Văn Trương
.
.
.