Chuyến công du 3 nước Đông Nam Á của Tổng thống Pháp
Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm và động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, các cường quốc trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, đều đã “xoay trục” sang khu vực này, Paris đã dần phải thay đổi quan điểm. Pháp là nước đầu tiên của châu Âu tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á năm 2007.
Tổng thống Pháp Francois Hollande, ngay khi lên nắm quyền vào tháng 5-2012, đã thể hiện mong muốn đa dạng hóa sự hiện diện của Pháp tại châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách “Trở lại vùng Viễn Đông” của Pháp được thể hiện rõ trong phát biểu của cựu Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại trụ sở Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2013: “Pháp muốn hiện diện ở một khu vực mà thế giới tương lai đang được xây dựng. Rõ ràng, châu Á-Thái Bình Dương sẽ là trung tâm của thế kỷ XXI”.
Theo thông báo từ Phủ Tổng thống Pháp, chuyến công du châu Á của ông Hollande sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và quốc phòng với mục tiêu tăng cường quan hệ với khu vực đầy tiềm năng kinh tế này. Ngày 26-3, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến Singapore, điểm mở đầu cho chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị tổng thống của ông.
Cùng đi với ông là khoảng 40 lãnh đạo các doanh nghiệp, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Singapore là đối tác thương mại số một của Pháp tại Đông Nam Á, với trao đổi thương mại khoảng 8 tỷ euro. Ngày 28-3, Tổng thống Pháp đến Malaysia - một khách hàng truyền thống của Pháp trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Kuala Lumpur đã mua nhiều tàu ngầm và máy bay vận tải của Pháp và hiện tại quan tâm đến các máy bay chiến đấu Rafale của Tập đoàn Dassault.
Chuyến công du của ông Hollande khép lại tại Indonesia. Chuyến viếng thăm đất nước Hồi giáo lớn nhất của khu vực Đông Nam Á đánh dấu lần tái ngộ đặc biệt của vị Tổng thống Pháp trong vòng 30 năm qua, kể từ chuyến thăm năm 1986 của Tổng thống Francois Mitterrand. “Đất nước vạn đảo” đang có nhu cầu phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng biển. Pháp có thể hợp tác với Indonesia trong các lĩnh vực vận tải biển, xây dựng cảng, nãng lượng biển, thông tin liên lạc và kể cả du lịch.
Theo các nhà quan sát, ngoài các mục tiêu về kinh tế, Pháp cũng tìm kiếm vai trò trên lĩnh vực địa chính trị Đông Nam Á sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP. Nhiều nước ASEAN đang tìm kiếm các đồng minh chính trị và kinh tế mới, để đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Singapore Tony Tan duyệt hàng quân danh dự tại Singapore ngày 26-3-2017. |
Pháp là một trong các động lực chính trong hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối ASEAN, thông qua các hiệp định thương mại tự do. EU đã ký FTA với Việt Nam và dự kiến tiếp theo sẽ là Indonesia. Trọng tâm kinh tế luôn được ưu tiên vì 20% cơ sở kinh doanh của Pháp ở nước ngoài đặt tại châu Á, đây cũng là khu vực đem lại hơn một nửa tăng trưởng xuất khẩu của Pháp. Riêng tại Đông Nam Á, hơn 1.500 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang ASEAN tương đương kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo báo Huffington Post, với các vùng lãnh thổ hải ngoại và vùng đặc quyền kinh tế biển tại Thái Bình Dương, Pháp được coi là một quốc gia Thái Bình Dương. Pháp có thể có được một vai trò tại khu vực này “nếu biết cách liên kết hiệu quả với các láng giềng châu Á”.
Có thể thấy tần suất các chuyến công du của Tổng thống Hollande tới châu Á tăng mạnh trong 5 năm qua, trong đó 3 lần thăm Trung Quốc, 2 lần thăm Ấn Độ và Nhật Bản. Đặc biệt, trong 2 năm cuối nhiệm kỳ, người đứng đầu nước Pháp tập trung vào các đối tác ở Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia.
Ngoài ra, các quan chức cao cấp nhất, từ thủ tướng đến các bộ trưởng, cũng thường xuyên tới thăm châu Á. Sách Trắng về quốc phòng và an ninh quốc gia của Pháp dành một vị trí ưu tiên cho khu vực châu Á, kêu gọi Paris gia tăng gắn kết với châu lục này. Nước Pháp dưới thời Tổng thống Hollande đã thể hiện vai trò của mình trong khu vực bằng cách đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố với các đối tác châu Á, thiết lập đối thoại với Nhật Bản, tham gia tích cực một loạt diễn đàn an ninh khu vực, trong đó có Đối thoại Shangri-La ở Singapore, tăng cường hợp tác quốc phòng và thúc đẩy các hợp đồng cung cấp vũ khí...
Chỉ chưa đầy 1 tuần trước khi thực hiện chuyến công du, Tổng thống Pháp đã có cuộc gặp gỡ quan trọng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại điện Elysee với lời tuyên bố nước Pháp ủng hộ “trật tự hàng hải mở và tự do” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Có thể thấy hàm ý của tuyên bố này nhằm hướng tới Trung Quốc - quốc gia đang đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, đồng thời gây quan ngại với Nhật và các nước phương Tây khi gia tăng hiện diện quân sự tại vùng biển này.
Còn nhớ tại Đối thoại Shangri-la diễn ra ở Singapore vào tháng 6-2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đăng đàn kêu gọi lực lượng hải quân châu Âu cần có sự hiện diện “thường xuyên và rõ ràng” tại khu vực, để duy trì Luật Biển và tự do hàng hải. Theo bình luận của tạp chí Foreign Policy, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Pháp không nhắc rõ ràng tới Trung Quốc, bình luận của ông dễ được hiểu là lời chỉ trích Bắc Kinh, nước đang quyết liệt theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông với việc ồ ạt xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo.
“Nếu Luật Biển không được tôn trọng tại các vùng biển gần Trung Quốc, thì sau này nó sẽ bị đe dọa ở Bắc Cực, ở Địa Trung Hải, hay ở nơi khác” - người đại diện của Pháp tại cuộc đối thoại an ninh khi nêu lập trường cho thấy, đối với Pháp và châu Âu, không chỉ là để bảo vệ lợi ích kinh tế và thương mại trong khu vực, mà còn để giữ gìn trật tự và luật pháp quốc tế.