Các nữ lãnh đạo trong CIA

Thứ Ba, 29/11/2011, 11:00
Mặc dù trong thực tế nam giới vẫn chiếm số đông ở các vị trí quản lý và lãnh đạo cấp cao trong Tổng hành dinh CIA ở Langley, nhưng sự vươn lên của các nữ quản lý đang là hiện tượng gây chú ý, nhất là một số vị trí được  bổ nhiệm gần đây.

Nữ giới nắm các  vị trí quản lý, lãnh đạo cấp cao trong CIA đang chiếm số lượng đông nhất trong lịch sử cơ quan này. Có đến 5 người phụ nữ trong hàng ngũ lãnh đạo CIA hiện nay, gồm V. Sue Bromley, Fran Moore, Meroe Park, Jeanne Tisinger và Cynthia Rapp, trong đó người chiếm vị trí cao nhất là bà Bromley, được bổ nhiệm làm Phó giám đốc CIA phụ trách hoạt động hàng ngày từ tháng 2/2011, được xem là nhân vật số 3 trong cơ quan này.

Cũng cần biết thêm, Bromley là một nữ quan chức kỳ cựu từng có thời gian 28 năm phục vụ trong CIA. Trước khi được bổ nhiệm Phó giám đốc CIA, Bromley đã là Giám đốc bộ phận tài chính của cơ quan này.

Trong những người còn lại, Moore được giao chức giám đốc bộ phận phân tích tin tình báo; Park quản lý bộ phận nhân sự, chuyên lo việc tuyển mộ và quản lý nhân sự; còn Tisinger quản lý bộ phận công nghệ thông tin và các hệ thống thông tin điện tử; và cuối cùng là Rapp, người mới vừa được bổ nhiệm hồi tháng 10/2011 vào vị trí trưởng bộ phận quan hệ công chúng, tức phát ngôn viên chính của CIA.

Trong bộ phận các chiến dịch đặc biệt và ở các trạm CIA ở nước ngoài, phụ nữ cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều, cả ở những điểm nóng như Iraq và Afghanistan, hoặc làm trưởng trạm CIA tại nhiều nước trên thế giới, kể cả tại Anh, Pháp.

Mary Margaret Graham, người phụ nữ đầu tiên làm Phó giám đốc tình báo quốc gia (trái). Letitia Long, nữ giám đốc đầu tiên của Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia (NGA).

Mary Margaret Graham, một trong những phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí lãnh đạo cao cấp trong CIA, là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm Phó giám đốc Tình báo quốc gia (DNI). Graham hồi tưởng lại lúc bà mới gia nhập CIA vào năm 1979, bà là 1 trong 5 phụ nữ được cử đi dự khóa đào tạo điệp viên ngầm, có khả năng sau này sẽ làm việc ở nước ngoài. Toàn bộ các giảng viên đều là nam. Rốt cuộc, chỉ còn lại 2 người theo đuổi đến cùng, 3 người kia bỏ học giữa chừng để đi lấy chồng. Từ đó cho đến nay, Graham đã chứng kiến sự phấn đấu không ngừng của các đồng nghiệp nữ.

Không chỉ CIA, mà trong cộng đồng tình báo Mỹ nói chung, phụ nữ cũng đang ngày càng leo lên những vị trí cao hơn. Stephanie L. O'Sullivan, người từng giữ vị trí Phó giám đốc CIA trước khi bà Bromley được bổ nhiệm, đã được điều động làm Phó giám đốc Tình báo quốc gia (DNI), làm cấp phó cho ông James Clapper. Tháng 8/2010, Letitia Long đã trở thành người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia (NGA) - một trong 16 cơ quan tình báo trong cộng đồng tình báo Mỹ. NGA trực thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bà Graham nhận định rằng việc ngày càng có nhiều nữ quản lý, lãnh đạo ở những vị trí cao trong CIA là một điều hoàn toàn mới, nhưng là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh cũa nữ giới, đồng thời đó còn là sự phấn đấu không ngừng của từng cá nhân. Một thực tế không ai phủ nhận, đó là cho đến nay, các vị trí đứng đầu bộ phận các chiến dịch bí mật và Trung tâm chống khủng bố của CIA đều do đàn ông nắm giữ, và phụ nữ cũng chưa từng ngồi vào vị trí mà 2 ông David Petraeus (Giám đốc) và Michael Morell (Phó giám đốc) đang ngồi. Phụ nữ dù sao cũng chưa thể trở thành lực lượng quan trọng sánh ngang với cánh đàn ông.

Ở các cơ quan khác trong cộng đồng tình báo Mỹ, phụ nữ cũng còn bị kỳ thị, vẫn còn chịu nhiều sức ép và thua thiệt khi tham gia vào các vị trí quản lý quan trọng trong các cơ quan, đặc biệt là trong cộng đồng tình báo Mỹ. Hầu hết những người được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cao cấp tại CIA và trong cộng đồng tình báo Mỹ nói chung đều là những người kỳ cựu, đã gia nhập làng tình báo từ những thập niên 70 và 80 thế kỷ trước, và phải trải qua một quá trình công tác lâu dài.

Rapp là một trong những người kỳ cựu nhất trong CIA, gia nhập cơ quan này từ năm 1977 (34 năm), và đã từng nắm giữ nhiều vị trí quản lý, như là Phó giám đốc bộ phận quan hệ với Quốc hội và Giám đốc bộ phận phân tích tình báo, trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc quan hệ công chúng. Rapp sinh ra trong một gia đình "tình báo nòi". Cha bà, ông Karl H. Weber từng giữ chức Giám đốc Văn phòng Tình báo khoa học. Mẹ bà cũng là một nữ điệp viên tham gia trong các chiến dịch chống khủng bố, còn bà thì phụ trách mảng phân tích tin tức tình báo châu Âu.

Cũng như Rapp, Long là một gương mặt kỳ cựu trong làng tình báo Mỹ. Sinh trưởng tại Annapolis, Long khởi sự làm công chức liên bang từ năm 1978 và 10 năm sau đã ngoi lên vị trí tham mưu cho Giám đốc Tình báo Hải quân Mỹ. Sau đó, Long được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc tình báo Hải quân và Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách tình báo. Long tiếp quản NGA từ ông James Clapper (hiện nay là Giám đốc Tình báo Quốc gia). NGA là một cơ quan non trẻ, thành lập vào năm 1996 với tên gọi là Cơ quan Không ảnh và Bản đồ (NIMA), đến năm 2003 đổi tên thành NGA. Hiện nay, NGA đã là một cơ quan tình báo lớn, với 16.000 nhân viên, đóng vai trò khá quan trọng trong cộng đồng tình báo Mỹ, phối hợp công tác chặt chẽ với CIA, DIA (Cơ quan Tình báo Quốc phòng) và Văn phòng Thám báo Quốc gia (NRO) và nhiều cơ quan khác

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.
.