Các văn nghệ sĩ Việt Nam qua nét vẽ của một nhà thơ Mỹ
LTS: Sáng 16/12/2013, tại Không gian sáng tạo Trung Nguyên - 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm tranh sơn dầu của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Kevin Bowen là người từng nhiều lần sang thăm Việt Nam và có những hoạt động văn hóa gắn bó với đất nước và con người Việt Nam. Nhân dịp này, Chuyên đề VNCA xin giới thiệu bài phát biểu của nhà thơ Kevin Bowen tại Lễ khai mạc cuộc triển lãm nói trên, đồng thời giới thiệu những ghi chép ngắn của ông về các văn nghệ sĩ mà ông đã có tranh vẽ. Đi kèm với đó là những bức chân dung do Kevin thực hiện.
Một gương mặt của lịch sử
Trong suốt hai mươi lăm năm qua, tôi vinh dự được đón tiếp những vị khách đến từ đất nước Việt Nam: Những nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, học giả, và những người nổi tiếng, họ tới Boston và thường ở lại trong ngôi nhà của chúng tôi ở Dorchester và Dedham, Massachusetts, đôi khi là vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Trong thời gian ở trong ngôi nhà đó, họ đã nấu ăn cùng chúng tôi trong bếp, chơi với con cái chúng tôi ở sân sau, ngồi cùng chúng tôi những buổi tối ngoài hiên nhà nhìn ra khu vườn, những khoảng không tĩnh lặng nơi họ chia sẻ những câu chuyện phong phú và mở ra một cánh cửa đi vào văn hóa, thi ca và lịch sử của đất nước họ. Mục đích của những bức tranh trong cuộc triển lãm này là đưa ra một gương mặt của lịch sử đó, bày tỏ lòng kính trọng tới những văn nghệ sĩ đã có những cống hiến xuất sắc cho đất nước, cho nghệ thuật và quá trình hòa giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Tôi không phải là một họa sĩ. Con đường đến với hội họa của tôi cũng thật phức tạp. Vào tháng 1/2008, tôi bị ngã và dẫn tới chấn thương ở não trái. Tôi đã bị mất một phần trí nhớ, lẫn lộn và không thể đọc hoặc viết trong thời gian dài, mất tập trung, và mất khả năng nhận thức. Hoàn cảnh đó thật khó khăn cho tôi và những người xung quanh tôi, đặc biệt là khi công việc của tôi chủ yếu là đọc, viết và giải quyết các vấn đề. Vợ tôi, Leslie, như mọi khi, đã giúp tôi, đảm bảo rằng tôi gặp đúng bác sĩ, khuyến khích tôi khám phá những cách thức khác để biểu cảm, cụ thể là với màu vẽ của vợ tôi.
Nhà thơ Kevin Bowen phát biểu tại một buổi tọa đàm văn học Việt - Mỹ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. |
Một buổi sáng của tháng 12/2008, tôi xuống tầng hầm, cầm lên cây cọ vẽ của vợ tôi và bắt đầu quá trình dẫn tới cuộc triển lãm này. Những nỗ lực của tôi chủ yếu là nhằm vẽ chân dung những người thân yêu trong gia đình và bè bạn. Những nỗ lực này đã cho tôi một cách để tôi có thể giữ bạn bè và công việc ở gần mình khi mà họ không ở gần và khi tôi cảm thấy ở xa. Qua vẽ tranh tôi tìm ra một cách để thể hiện những điều mà tôi không thể kết nối và một cách để trở lại với ngôn ngữ và cuộc sống.
Khoảng thời gian tôi dành cho những bức chân dung này là sự đắm chìm vào vòng xoáy thời gian. Nó dẫn tôi tới những bộ ảnh cũ và những bức ảnh của họ ở bìa sau các cuốn sách. Mỗi bức chân dung trở thành một sự suy ngẫm về công việc và cuộc đời họ, về cuộc chiến tranh mà họ đã đi qua, cuộc chiến với những ngôn từ mà họ đấu tranh nhiều năm sau đó để mang theo những gì họ đã chứng kiến, với cuộc sống hai mặt mà họ với tư cách văn nghệ sĩ, trưởng thành nhưng không già đi, vẫn trẻ trung trong cuộc chiến cho dù thời gian có kéo họ đi.
Có lẽ vì lý do này, tôi đã vẽ những bức chân dung với những nền màu xanh lá khác nhau, màu xanh của những cánh rừng và màu xanh của những khu vườn. Ở đó những hình ảnh lung linh ẩn hiện, trông hiện thực hơn, không phải lúc nào cũng là những bức chân dung hoàn thiện, thường chỉ là những phác thảo, đang hoàn thiện, đang lớn dần, cuối cùng tới một nơi mà những bức chân dung này thuộc về, và quan niệm của tôi và có thể là quan niệm của người xem, sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện chúng.
Tôi không chắc mọi người sẽ nghĩ gì. Trước hết tôi rất cảm kích vì cơ hội được biết đến những nhà văn này; và thứ hai, vì những sự kiện mới mẻ trong cuộc sống đã trở thành cơ hội để tôi có thể vẽ. Vì những cơ hội này tôi luôn biết ơn vợ tôi, Leslie và các con tôi, Mikes and Lily. Tôi cũng rất cảm ơn các bác sĩ và những người đã chăm sóc tôi cũng như các nhà văn đã và đang là nguồn cảm hứng cho những bức chân dung này. Tôi hy vọng là không ai bị phiền toái gì bởi những cố gắng của tôi. Cuối cùng, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vì sự ủng hộ không mệt mỏi của ông, tới nhà thơ Hữu Thỉnh và Hội Nhà văn Việt Nam vì đã làm cho cuộc triển lãm này trở thành hiện thực.
Đôi lời vào tranh
Nhà văn Vũ Tú Nam
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Nhà văn Lê Lựu
Nhà văn Lê Minh Khuê
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
Trung Trung Đỉnh và tôi có vài điểm chung, trong đó một vài lần trong cuộc chiến ở An Khê, trên vùng cao miền Trung. Với tôi đó chỉ là một tuần, với Đỉnh đó là mười năm, khi mà dịch sốt rét bỏ ông lại đó với những người dân vùng cao khi mà đơn vị của ông từ miền Bắc đã chuyển đi. Ông phục vụ với tư cách người quan sát và liên lạc viên, người miền Bắc duy nhất trong đơn vị. An Khê dường như là một nơi ma quái đầy sương mù và những điều kỳ bí trong vài ngày tôi ở đó trong cuộc chiến.
Tôi vẫn nhớ rằng mình đã rất ấn tượng với những bài thơ đầu tay của ông khi được ông chia sẻ. Ông đã đọc những bài thơ đó cùng Bruce Weigl trong một buổi tối đáng nhớ. Vài năm trước tôi tới thăm Trung Trung Đỉnh tại nhà ông. Lúc đó đã tối muộn và chúng tôi phải đi qua những con hẻm để tìm tới nhà ông. Tôi đã chụp ảnh ông tối hôm đó, nhưng cho dù đang ở giữa lòng Hà Nội, với tôi ông dường như vẫn đang ở ngoài đó giữa rừng quan sát và quan sát như chỉ một nhà văn mới có thể. Những chuyển động của ông mang theo ánh sáng sống động nên ông cần phải di chuyển qua những khu rừng vùng cao trong suốt cuộc chiến. Tôi đã cố nắm bắt những điều đó trong bức chân dung.
Nhà văn Bảo Ninh
Khi vẽ Bảo Ninh, tôi cứ nhớ đến vài dòng trong bài thơ Trần Ninh Hồ đọc tại hội nghị năm 1990, "sau trận chiến, khi tôi đi tìm một người bạn, tất cả những người khác đều là người lạ". Tôi nghĩ tôi chưa bao giờ thấy cái nhìn tìm kiếm đó trên gương mặt Bảo Ninh.
Có người nói rằng câu chuyện của ông về việc sống sót qua chiến tranh được viết trên gương mặt ông. Nhưng tôi vẫn không thể không cảm thấy rằng gương mặt đó vẫn đang tìm kiếm để viết một câu chuyện khác. Dù là trường hợp nào thì vẫn có một luồng điện ông luôn mang theo, một nguồn năng lượng sẵn sàng bùng nổ ngay cả trong những khoảnh khắc lặng lẽ, sẵn sàng tìm đường quay trở lại thế giới, vào từng câu chữ và những câu chuyện của ông. Đó là một sự bùng nổ mặc dù phần lớn rất thoải mái và đúng đắn. Tôi đã cố mang những điều này vào chân dung ông. Ông là chủ đề của rất nhiều bức chân dung, thậm chí cả bức vẽ đôi dép lê ông để lại nhà chúng tôi ở Dorchester.
Nhà văn Y Ban
Tôi nhớ rất rõ lần Y Ban tới Boston. Cô là một trong rất nhiều nhà văn trẻ tới và thăm đất nước tôi trong chuyến đi đó. Cuộc hành trinh từ Việt Nam tới Hoa Kỳ rất dài và mệt mỏi, nhưng cô đã tới, với gương mặt sáng, háo hức, khích lệ chúng tôi, giúp chúng tôi chuyển hành lý vào xe.
Trong những buổi họp, những cuộc phỏng vấn, những điểm dừng dọc đường từ Boston tới New Ỷok tới thủ đô Washington tới Charlottesville, cô là người có giọng nói rõ ràng, hòa nhập nhất. Cô có trí thông minh sắc sảo, đôi khi như trêu chọc, chờ đợi để được đối đầu với thử thách hoặc một sự lĩnh hội.
Tôi đặc biệt nhớ lần cô xử lý trường hợp một cuộc nhà báo bảo thủ khi ông có ý định dồn cô vào cuộc tranh luận phê bình đất nước cô mà ông sẽ đưa vào bài báo của mình. Ông không bao giờ ngờ được là đã gặp phải ai, sau đó ông gặp tôi bên ngoài và nói "Cô ta thông minh thật." Tôi đã cố gắng đưa một chút sự thông minh đó và bức vẽ
Nghệ sĩ Chu Lượng
Kỷ niệm của tôi về những ngày với Chu Lượng là rất nhiều và tất cả đểu vui vẻ. Bất kỳ ai từng gặp ông đều có thể nói rằng, ông có rất nhiều điểm đặc biệt, một người đàn ông mà cuộc đời và lẽ sống là cây cầu nối giữa thế giới xưa và nay.
Cùng với Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến và Lương Tử Đức, ông đã dựng lên một nhà hát rối nước có thể di chuyển được để mang tới Mỹ. Trong hai tháng, bốn người họ đã làm việc và biểu diễn cho trẻ em và học sinh quanh Boston, tới thăm các lớp học, dạy các em cách khắc những con cá và ếch gỗ.
Tôi đã quan sát trong kinh ngạc khi ông thôi miên lũ trẻ với phong thái của một nhà ảo thuật lớn. Bột màu đất có lẽ là hợp với ông, màu đen, trắng và xám của sự lao động chân tay phía sau màn ảnh bất ngờ chuyển thành màu sắc rực rỡ trên sân khấu. Sự vô thời gian của cách viết và điêu khắc này, sự kiên nhẫn qua thời gian đã đi vào thực hiện sự bất diệt của lối sống thông qua nghệ thuật